Trận đầu Xuân Lộc

Trong dịp kỷ niệm 30 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 anh hùng từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã hội tụ về dự lễ kỷ niệm tại Dinh độc lập. Trong ngày vui hội lịch sử này, tôi và các đồng đội thăm lại chiến trường xưa Xuân Lộc, nơi cách đây 30 năm, Sư đoàn 341 đã đánh trận đầu tiên trên chiến trường B2, trận đánh mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đầu tháng 2 năm 1975, Sư đoàn 341 được lệnh vào chiến trường, sau gần 2 tháng hành quân, cuối tháng 3, tiểu đoàn 9 chúng tôi cùng toàn bộ Sư đoàn 341 đã đặt chân lên chiến trường B2. Vừa đến đất miền Đông, tiểu đoàn được lệnh tham gia cùng các đơn vị trong Sư đoàn đánh vào thị xã Xuân Lộc tỉnh lị Long Khánh.
Xuân Lộc nằm ở phía đông – Bắc Sài Gòn, sau những thất bại nặng nề trên các chiến trường: Tây Nguyên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… chính quyền Sài Gòn cho xây dựng Xuân Lộc thành tuyến phòng thủ mạnh hòng ngăn chặn sự tiến công của quân giải phóng từ hướng đường 20 và QL1A đánh vào Sài Gòn. Tại Xuân Lộc, lực lượng địch chốt giữ có: Sư đoàn bộ binh 18 gồm 3 chiến đoàn 43, 48, 52; 4 tiểu đoàn bảo an 340, 342, 345, 367; 2 tiểu đoàn pháo binh 181, 182; 2 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp của chiến đoàn 5; Trên 300 dân vệ, quân cảnh và phòng vệ dân sự. Chúng lại được lực lượng không quân ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ chi viện tối đa. Quân ngụy ở Xuân Lộc chưa bị đánh nên còn sung sức và hết sức ngạo mạn. tổng thống ngụy Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từng hứa với quan thầy Mỹ “Dù có chết tôi cũng giữ cho được Xuân Lộc”. Còn chuẩn tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư đoàn 18 huênh hoang tuyên bố “Sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết”.
Sau khi nhận được lệnh chiến đấu, trung đội thông tin của chúng  tôi đã họp  quán triệt và triển khai công tác chuẩn bị. Tiểu đội thông tin vô tuyến điện 2W của tôi được tổ chức thành 3 tổ chiến đấu; Một tổ ở lại tiểu đoàn bộ; Hai tổ còn lại tăng cường về hai đại đội chủ công. Tổ máy số 2 gồm có tôi số 1 và đồng chí Nguyễn Xuân Hạnh người xã Đại Trạch số 2 được tăng cường về đại đội 9. Tình hình lúc này hết sức khẩn trương, tôi và đồng chí Hạnh kiểm tra lại súng, đạn, máy 2W, ắc quy, mật mã, các quy ước, tăng võng, lương khô, nước uống… nhanh chóng rời tiểu đoàn bộ xuống đại đội. Theo kế họach tác chiến, đúng 18 giờ ngày 08 tháng 4, đại đội cùng toàn bộ tiểu đoàn rời vị trí tập kết tiến về thị xã Xuân Lộc. Hành quân trong đêm, cả tiểu đoàn đi trong im lặng, người đi sau cứ nhìn vào miếng “Lân tinh” gắn sau mũ của người đi trước mà bước. Tổ máy 2W theo quy ước để đảm bảo bí mật trận đánh, chúng tôi tắt máy không liên lạc. Mọi mệnh lệnh được truyền bằng miệng từ người đi đầu đến người cuối cùng. Đơn vị chúng tôi vào trận mà cứ như đi diễn tập thực binh, trong lòng mỗi người hừng hực khí thế chiến đấu; mỗi người lính chúng tôi lúc đó nhìn vào từ đầu đến chân: áo, quần, mũ, giày, dép, súng, đạn… tất cả đều mới cứng mang từ miền Bắc vào. Có thể nói, trên chiến trường lúc này, lính sư đoàn 341 đẹp nhất, sung sức nhất và cũng chính quy nhất. Sau gần 01 đêm hành quân vượt qua nhiều cánh rừng cao su, vườn cây đu đủ, sầu riêng, chôm chôm… đến 4 giờ sáng ngày 09/4 tiểu đoàn 9 chúng tôi và các đơn vị trong Sư đoàn đã áp sát thị trấn Xuân Lộc. Lúc này trời đang tối và sương mù dày đặc, cả thị xã đang chìm trong giấc ngủ. Sau khi có lệnh của tiểu đoàn do các đồng chí thông tin truyền đạt chuyển đến. Đại đội trưởng lệnh cho bộ đội triển khai đội hình chiến đấu, khẩn trương đào hầm cá nhân, kiểm tra lại súng đạn đợi lệnh chiến đấu. Trận địa tiểu đoàn 9 chiếm lĩnh kéo dài hơn 300m, dọc theo đường QL1A, đối diện với nhà thờ lớn. Theo sự phân công, tôi và đồng chí Hạnh luôn bám sát đồng chí chính trị viên và đại đội trưởng, các đồng chí đi đến đâu chúng tôi theo đến đó, đợi có lệnh là mở máy liên lạc với tiểu đoàn. Lúc này ở trong thị xã, ngoài những loạt đạn AR15 của bọn lính gác bắn cầm canh và những phát pháo sáng chúng bắn lên trời và tiếng máy bay địch đi đánh phá các nơi, thị xã vẫn chìm trong im lặng, một sự im lặng đáng sợ. Với tôi, tâm trạng lúc này cũng rất lo lắng, chiến trường mới lạ, kinh nghiệm chiến đấu chưa có; Đây là trận đánh đầu tiên tôi được tham gia và là một trận đánh mà kẻ thù cố sống, cố chết chống cự để bảo vệ Sài Gòn, việc đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ huy chiến đấu thắng lợi… mọi suy nghĩ cứ dồn dập đến với tôi và tôi nhớ lại lời đồng chí chính trị viên tiểu đoàn quán triệt trước lúc xuất trận: “Đây là trận đánh cuối cùng, thời cơ giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam đã đến, không cho phép một đồng chí nào lưỡng lự, do dự, dù có hy sinh cũng quyết chiến đấu đến cùng vì thắng lợi”. Tôi nhanh chóng xác định lại tư tưởng, tập trung cho cuộc chiến đấu sắp diễn ra.
Đúng 5 giờ 40 phút ngày 09/4, pháo chiến dịch và pháo của Trung đoàn 55 (Sư 341) đồng loạt nhả đạn. Thị xã Xuân Lộc rung lên sau mỗi đợt pháo của ta, khói lửa bao trùm lên khắp nơi. Ngay loạt đạn pháo đầu tiên, cụm ăngten của khu thông tin trung tâm thị xã bị phá tung, cột ăngten trên đỉnh núi thị “Con mắt cú vọ” của địch nằm phía Nam thị xã bị trúng đạn đổ gục. Theo hiệp đồng, tôi lệnh cho đồng chí Hạnh mở máy liên lạc với tiểu đoàn. Đúng 6 giờ 40 phút, 2 phát pháo hiệu đỏ rực của Sư đoàn bắn lên trời. Cùng lúc đó, chúng tôi nhận được điện của tiểu đoàn trưởng lệnh đại đội 9 cho bộ đội tiến công, tôi chuỷên lệnh của tiển đoàn trưởng cho đồng chí đại đội trưởng; nhận được lệnh, đồng chí đại đội trưởng hô bộ đội tiến công. Từ trong các hầm chiến đấu, bộ đội ta bật dậy, súng AK kẹp nách dàn hàng ngang xung phong đánh thẳng vào thị xã.
Cuối ngày 9/4 trong lúc vận động, tôi bị thương vào sau bả vai phải, máu ra nhiều, các đồng chí vận tải tiểu đoàn chuyển tôi ra trạm phẫu tiền phương của Sư đoàn đóng ở bìa rừng cao su gần đường số 1. Sau khi băng bó xong, thấy vết thương không quá nặng, tôi xin bác sĩ trở lại đơn vị, theo các đồng chí vận tải tôi trở lại tiểu đoàn bộ. Lúc này tôi được tin đại đội vào sâu trong thị xã, đồng chí Hạnh thông tin đã hy sinh. Trung đội trưởng bổ sung tôi vào tổ máy 2W của tiểu đoàn bộ tiếp tục chiến đấu cùng đơn vị.
Sau 12 ngày chiến đấu kiên cường, liên tục thị xã Xuân Lộc bức tường thép – phòng tuyến “Bất khả xâm phạm vòng ngoài của chế độ Sài Gòn” do tướng Mỹ Uây –Oen lập ra và được quân ngụy cất công xây đắp và cố sống cố chết để giữ đã bị phá tung. Niềm hy vọng mong manh để bảo đảm  cho sự tồn tại của ngụy quyền Sài Gòn đã bị quân giải phóng đập nát, cánh cửa phía Đông Bắc đã mở, chào đón các cánh quân hùng mạnh của ta vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng – tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định.
Thị xã Xuân Lộc, một vùng đất bình dị ít người biết đến nay bỗng trở thành một cái tên được cả nước biết đến và với Sư đoàn 341, Xuân Lộc đã trở thành một địa danh lịch sử ghi nhận chiến công của các chiến sĩ Sông Lam. Trong cuộc chiến đấu này Sư đoàn 341 có hơn 1200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh nằm lại trên chiến trường miền Đông.
Là người lính trong đội hình Sư đoàn 341 - đoàn Sông Lam, được tham gia trận đánh đầu tiên trên mảnh đất miền Đông “Gian lao mà anh dũng” đã để lại cho tôi một dấu ấn không bao giờ quên. Những gì tôi tham gia và chứng kiến, kể cả những chiến công do tập thể những người lính lập nên và cả những hy sinh của đồng đội trong những giờ phút cuối cùng trước ngày giải phóng, trước ngày chiến thắng, đó là những giá trị tinh thần to lớn mãi mãi đi theo tôi trong suốt cuộc đời.

Tháng 10/2007
Nguyễn Sỹ Hùng

Liên hệ với Admin

Không có nhận xét nào: