Phòng bệnh mùa hè


Mùa nóng, gọi là mùa hè bắt đầu vào tháng 5 - 6 dương lịch, nóng nhất vào tháng 6, tháng 7. Nhiệt độ ở nhiều nơi có thể đến 36 - 38oC, thậm chí đến 40 - 42oC. Trong khi thời tiết nóng bức lại có gió mưa, lũ lụt bất thường, cộng với các quá trình sản xuất phát sinh ra nóng, độ ẩm cao (95-100%) là cơ hội thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virut, ký sinh trùng gây bệnh, dễ phát sinh, phát triển, cả đến say nắng, say nóng cũng có thể xảy ra trong mùa hè, làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Để phòng bệnh mùa hè, chúng ta cần tìm hiểu những chứng bệnh thường gặp sau đây:
Bệnh say nóng, say nắng
Say nóng, say nắng đều có cơ chế gây bệnh chung là do quá nóng gây ra! Nó thường gặp ở những nơi tập trung đông người như: công trường, xí nghiệp, hầm mỏ, hầm tàu, nhà máy... biểu hiện của bệnh say nóng, say nắng là rối loạn sinh lý, hao hụt nước, muối khoáng, sinh tố B, C... (đặc biệt là muối natriclorua).
Thể nhẹ: Rối loạn chuyển hóa nước, tuần hoàn, hô hấp, người mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn...
Thể nặng: Rối loạn nội tiết, tiêu hóa, cảm giác đắng mồm, ù tai, hoa mắt; cao hơn nữa là ức chế thần kinh trung ương, phù phổi, da xanh tím, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp hạ, sùi bọt mép, co giật, hôn mê, rồi dẫn đến tử vong.
Việc phòng chống say nóng, say nắng phải nhanh chóng đưa nạn nhân về nơi yên tĩnh, thoáng mát, tạo điều kiện cho da dẻ thanh thoát, dễ toát mồ hôi, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý...
Tại nơi làm việc và sinh hoạt không để sức nóng ảnh hưởng đến người quá dài thời gian. Cần chống nóng bằng cách cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt, ở nơi thoáng mát, ăn uống các chất mát, dễ tiêu, hợp vệ sinh. Không uống rượu chè và các chất gây kích thích. Lao động ngoài trời phải đội nón mũ rộng vành, có lán che nắng, mặc áo quần rộng, màu sáng, lao động hợp lý, có nước uống vệ sinh, cần pha thêm chút muối ăn hằng ngày để tăng cường các chất vi lượng, đặc biệt là sinh tố B, C, PP...
Các bệnh đường tiêu hóa
Nói đến bệnh đường tiêu hóa là nói đến vấn đề ăn, uống. Ăn uống là nhu cầu cần thiết đối với cơ thể; nhưng ăn không hợp vệ sinh sẽ dẫn đến nhiều tai họa. Có người đã chết dở, hay chết thật sự vì ăn, vì uống, nhất là mùa hè nóng bức này, thức ăn dễ ôi thiu, nhiều loại vi khuẩn phát sinh, phát triển. Thường gặp là các bệnh: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy...
Nguồn gốc của bệnh có thể nhận thấy dễ dàng ở nguồn nước ngọt bị nhiễm phân người và súc vật; kèm theo là các thức ăn uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: uống nước lã, ăn gỏi cá, quả xanh, tiết canh, thức ăn để ruồi bâu, kiến đậu... có thể gây bệnh lẻ tẻ, hoặc thành dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người.
Một khi bị tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng... dù bất cứ nguyên nhân nào cũng phải cho người bệnh uống nước oresol, hoặc nước cháo, nước trái cây... Đặc biệt chú ý không nên nhịn uống nước khi bị tiêu chảy, nôn mửa.
Mùa hè là mùa mưa, lũ lụt thường xảy ra. Các loại bệnh đường tiêu hóa rất có thể xảy ra thành dịch, nên ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thanh khử khuẩn tốt các nguồn nước và vệ sinh môi trường khi lũ tan. Đồng thời thông cống rãnh, giám sát chặt chẽ vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường...


                                              Không ăn tiết canh để phòng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm

 Không ăn tiết canh để phòng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Các bệnh đường hô hấp
Mùa hè nóng, ẩm, gió mưa, lạnh thất thường, hay gặp các bệnh: cảm cúm, cảm lạnh, viêm tai mũi họng, viêm phổi... Ở những nơi tập trung đông người, nhất là người già và trẻ em sức đề kháng kém; không nên hội họp khi có dịch cúm đang xảy ra.
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra ở mọi nơi, do muỗi vằn truyền bệnh. Loại muỗi vằn thường đẻ trứng ở ao hồ nước đọng, cống rãnh tắc; bụi bờ không được phát quang là nơi muỗi ẩn náu. Hơn nữa mùa hè nóng bức, người dân không ngủ màn, trẻ em mặc quần áo ngắn dễ bị muỗi đốt truyền bệnh. Vậy nếu thấy người bị sốt, không rõ nguyên nhân, kèm theo dấu hiệu xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, cần phải đi khám chú ý nếu điều trị muộn có thể dẫn đến tử vong.
Phòng bệnh bằng cách làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thông cống rãnh, không để ao tù, nước đọng, ngủ màn cả ban ngày, diệt muỗi bằng thuốc, hoặc hương trừ muỗi; mặc quần áo dài tay, không làm việc nơi tối tăm ẩm ướt nhiều muỗi.
Các bệnh khác
Mùa hè còn là mùa du lịch, cần chú ý đề phòng bệnh lao và các bệnh ngoài da như nấm kẽ, nấm móng, hắc lào, ghẻ lở, bệnh lây qua đường tình dục (lậu, giang mai... HIV/AIDS...). Phòng bệnh nên giữ gìn vệ sinh cá nhân; luôn tắm gội cho sạch, để da luôn là "bình phong" che chắn cho các cơ quan nội tạng.
ThS. Nguyễn Bá Chẳng

Không có nhận xét nào: