Đình làng Lý Hòa


Đình Lý Hòa thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đình nằm trên một vùng đất cao giữa làng, với địa thế đẹp, thoáng mát. Cách quốc lộ 1A theo đường bờ sông về phía Đông Bắc chừng 1 km, đình hướng về phía Nam, trước mặt là con sông Lý hiền hòa chảy xuôi ra biển.
Đình Lý Hòa được xây dựng năm 1737, do dân làng cùng nhau góp công, góp của. Mới đầu đình chỉ có 4 trụ bằng lim, hàng năm khi tế lễ nhân dân mới dựng lên lợp tranh, khi tế lễ xong lại hạ xuống xếp lại. Vị thần được thờ trong đình làng “Cương khẩu Đại vương”, một vị thần giữ cửa biển Cương Gián được thờ ở đình làng Cương Gián (Nghi Xuân - Nghệ An) - Gia phả các dòng họ ở Lý Hòa đều ghi các vị thần tổ ở làng Cương Gián - xứ Nghệ vào.Năm 1804 - 1808 khi Hội đồng hương Lý vững mạnh, thì nhân dân quyên góp để làm, mái đình được lợp bằng ngói vảy, phần hậu chẩn chỉ để giữ thờ. Sau đó dựng thêm đình trung. Năm 1824 xây cất thêm phần ngoài, hai gian cũ để thờ đồ tử khí. Theo phần phả để lại thì trong cùng “tứ trụ” gồm 4 vị thần: Thiên Yana, Hạnh Tiểu Nương và hai nàng công chúa con Thiên Yana (dân gọi là tứ vị đại càn). Đình giữa thờ thành hoàng và thờ vọng các vị thần có miếu dinh trong làng. Ngoài cùng thờ thập nhị gia tiên (tiên tổ 12 họ) có sắc bằng của vua. Nói đến làng Lý Hoà, không ai lại không biết đến dòng họ Nguyễn Duy, một dòng họ trong nhiều đời kế tục đỗ đạt làm quan to, được kính trọng.Lê Quý Đôn, Phủ biên Tạp lục viết : “Làng Lý Hòa là làng đông dân cư và giàu có vào hạng nhất, nhì trong tỉnh Quảng Bình: Làng ấy là làng văn vật”... Làng có cụ tế tửu Nguyễn Duy Miễn sinh 5 con trai thì một người đỗ Hoàng Giáp, một người đỗ Phó bảng, một người đỗ Tiến sĩ và hai người đỗ cử nhân.Trong thời kỳ nhà Nguyễn, kể từ năm Minh Mạng thứ 10 mở đại khoa đầu tiên cho đến khoa thi cuối cùng 1919, dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa đã đóng góp 5 vị đại khoa (tiến sĩ). Đó là trường hợp có một không hai trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến.Theo gia phả dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa có ghi: Đời thứ 5 có ông Nguyễn Khâm (con cố Luật), ngài làm thầy thuốc bắc, hạng quan viên vốn là một thầy thuốc nổi tiếng, được mời vào triều làm thuốc, chữa bệnh và dạy học, do có nhiều tài đức nên khi chết được truy tặng thị giả y học sĩ. Ông sinh hai người con trai là Nguyễn Duy Cần và Nguyễn Duy Đức, có điều kiện học hành tử tế, Nguyễn Duy Cần là người mở đầu cho thi cử đổ đạt vinh hiển cho dòng họ mình, là tiến sỹ đầu của dòng họ, là cha của nhiều cử nhân, là ông của 4 tiến sỹ. Gia phả ghi: Đời thứ 5 có cụ Nguyễn Duy Cần (con cố Khâm), ngài thi đậu tiến sỹ năm 1842. Cụ Nguyễn Duy Cần có người con thứ 2 là Nguyễn Duy Miễn, có tư chất thông minh, đậu cử nhân năm 1878. Nguyễn Duy Miễn có 5 người con trưởng thành đều đỗ đạt và được bổ làm quan. Người đời khen là 5 cành quế tốt thơm.- Nguyễn Duy Thắng thi đỗ cử nhân năm 27 tuổi, thi hội đậu đại khoa năm 1898.- Nguyễn Duy Tính (con trai thứ 3 của cụ Miễn, đậu 1900, tiến sỹ 1901, cụ có 3 người con đều đỗ đạt, người làng gọi là “Tam Hoà” Nguyễn Duy Phiên đỗ cử nhân 1903, Hoàng Giáp 1907. Người con út là Nguyễn Duy Thiệu đậu phó bảng 1910.Với một dòng họ như vậy góp phần đáng kể hình thành truyền thống hiếu học, học giỏi của cả làng Lý Hoà, nó trở thành di sản quý báu cho con cháu đời sau.Ngoài họ Nguyễn, trong làng còn có nhiều dòng họ tuy không đỗ cao nhưng cũng đóng góp xây dựng truyền thống cho làng như các dòng họ: Hồ, Hoàng, Nguyễn. Làng Lý Hòa nho học trở thành sức mạnh tác động vào đời sống, vào nền học vấn, tạo nên nền nếp gia phong nho giáo, truyền thống hiếu học của cả làng.Đỗ đại khoa thời Nguyễn, Bố Trạch có 8 vị thì Lý Hòa đã có 5 vị đó là:1) Nguyễn Duy Cần sinh năm 1817, thi hương đậu cử nhân năm 1841, thi hội đậu tiến sĩ năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).2) Nguyễn Duy Thắng sinh năm 1872, cử nhân 1891, phó bảng vua Thành Thái (1889 đến tháng 7-1907).3) Nguyễn Duy Tính sinh năm 1879, cử nhân 1900, tiến sĩ Năm Thành Thái 1901.4) Nguyễn Duy Phiên sinh năm 1885, cử nhân 1903, đậu hoàng giáp năm Thành Thái thứ 19 (1907).5) Nguyễn Duy Thiệu, sinh năm 1886, tú tài, đậu phó bảng năm Duy Tân thứ 4 (1910).Đậu cử nhân của huyện Bố Trạch có 25 vị, làng Lý Hòa có 6 vị đó là:1) Hồ Văn Thăng, năm thi Ất Dậu 1825 Minh Mạng thứ 6.2) Nguyễn Sĩ Long, năm thi Canh Tý 1840. Minh Mạng 21.3) Nguyễn Duy Cần, năm thi Tân Sửu 1841. Thiệu Trị 1.4) Nguyễn Duy Miễn, năm thi Mậu Dần 1878, Tự Đức 31.5) Nguyễn Duy Tính, năm thi Canh Tý 1900, Thành Thái 12.6) Nguyễn Duy Phiên, năm thi Quý Mão 1903, Thành Thái 15.Đình Lý Hòa ngoài việc thờ tự các vị tổ khai cơ làng, khai cơ nghề nghiệp cho con cháu, thờ tự các danh khoa danh giá của làng, còn gắn liền với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương, của tỉnh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ, trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nước ta đặc biệt là trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.Những ngày đầu chuẩn bị cho việc vận động quần chúng, tập hợp lực lượng trong mặt trận Việt Minh để cùng địa phương tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đình Lý Hòa là nơi các chiến sĩ cách mạng đã cất dấu tài liệu và đi lại bắt liên lạc, nhóm họp để trao đổi các chủ trương lớn của cấp trên. Ngày 23/8/1945, cả làng đã hội tụ tại đình, đổ về huyện đường. Cùng các địa phương trong huyện làm nên cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám giành chính quyền ở huyện lỵ thắng lợi.Trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đình Lý Hòa nói riêng, làng Lý Hòa nói chung là một trong những nơi đánh phá cực kỳ dã man của giặc Mỹ. Địch đánh từ trên trời xuống, từ biển vào.v.v... Các thế hệ, các lớp thanh niên của làng trước khi lên đường nhập ngũ đều tập trung tại đình để được nhắc nhở phát huy truyền thống cha ông, sống xứng đáng với tổ tiên đã tạo dựng ra nền văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất và quyết tâm bảo vệ quê hương đất nước, trong những năm tháng chiến tranh quyết liệt, làng Lý Hòa vinh dự được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Lê Quang Hoà... khi vào chiến trường đều ghé thăm.Đình Lý Hòa cũng như làng Lý Hòa nói chung bị đánh đi đánh lại nhiều lần, đình bị bom Mỹ tàn phá, nhưng làng còn là đình còn. Nhân dân địa phương vẫn kiên trì bám trụ, một tấc không đi, một ly không rời, bám làng bám quê hương. Chắc tay chèo tay súng, hưởng ứng khẩu hiệu: “xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương”. Những cột đình bị sập, bị gãy, cùng với nhà cửa, nhân dân tháo dỡ để phục vụ cho những chuyến xe qua, đảm bảo giao thông, đảm bảo mạch máu vì miền Nam ruột thịt. Những chiến sĩ bị thương, những đoàn an dưỡng đều dừng chân tại đình để sau đó ra Bắc, vào Nam.
Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, đình làng thành nơi hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa, là trung tâm chính trị, xã hội của cộng đồng làng xã, nơi các thế hệ con cháu tìm hiểu thêm quá khứ rực rỡ của tổ tiên, nâng cao lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương làng xóm. Dù đi khắp đó đây hay đang xây dựng cuộc sống mới hôm nay ở địa phương thì mái đình, sân đình, cổng đình vẫn trở nên thân thiết, trở nên sâu đậm trong mỗi người dân Lý Hoà.Đình Lý Hòa có giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, là nơi thờ tự các vị tổ có công khai sáng làng và các nghề đặc trưng của làng biển (việc tế lễ của đình ngoài hai kỳ Xuân - Thu, mỗi năm có đại trường câu, có việc của làng, ngày tết. Ngoài ra cứ 6 năm có một kỳ tế lễ thành hoàng rất long trọng).Mặt khác, đình cũng là nơi thờ tự các bậc danh khoa góp phần hun đúc truyền thống của địa phương và nước nhà. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đặc biệt là hai cuộc chiến tranh phá hoại, đình đã bị phá huỷ, chỉ còn cổng thượng, thành bao và phần nhỏ của đình sau. Hiện nay đình đã được trùng tu, tôn tạo lại. Đình Lý Hòa là công trình kiến trúc điển hình, là hình ảnh tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ truyền dân gian. Về những đồ án, hoạ tiết trang trí của đình làng Lý Hòa được thể hiện rất công phu, bố cục chặt chẽ trọn vẹn, sự linh hoạt và thanh tú về đường nét. Do ảnh hưởng của nho giáo nên kiểu kiến trúc mang đậm nét chính thống. Đình Lý Hòa là hiện thân của bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam cùng với biết bao giá trị văn hóa đáng được bảo tồn. Hơn nữa đình còn gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương, của tỉnh, đặc biệt từ năm 1945 đến nay.Đình còn là một công trình mang biểu tượng lịch sử văn hóa, là nơi sinh hoạt văn hóa của làng biển Lý Hoà. Nơi giáo dục phát huy truyền thống hiếu học, lòng yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

st




Liên hệ với Admin

Không có nhận xét nào: