SÂN VẬN ĐỘNG QUÊ HƯƠNG

Tôi xa quê đã lâu, nếu không nhầm thì đã hai mươi năm. Chừng ấy năm sống trên đất khách quê người, một nơi mà nền công nghệ thông tin hiện đại và cuộc sống văn minh vào loại bậc nhất thế giới, nhưng lúc nào lòng cũng không nguôi nỗi nhớ quê nhà. 
Nơi ấy, vùng quê ấy là quê cha đất tổ, là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có con sông Lý hiền hòa, thơ mộng, nơi có bờ biển dài phẳng phiu, sạch sẽ với dãi cát vàng hươm, nơi có dãy núi Lệ Đệ trôi dần ra biển để tạo nên một Đá Nhảy  kì thú. Tôi quyết tâm gác lại công việc trở về thăm quê cho thỏa nỗi nhớ chờ mong sau bao năm khắc khoải.

             Quê hương đã đổi thay quá nhiều. Lúc còn ở bên ấy, qua báo điện tử lyhoa.vn tôi đã hình dung được diện mạo của làng quê, nhưng chỉ là trên màn hình. Còn bây giờ tận mắt chứng kiến và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương lòng tôi cứ lâng lâng. Đang dạo bước trên những con đường quen thuộc ngày nào mà cứ ngỡ như đang bay vào thiên đường. Thế mới biết sức trổi dậy của xóm làng mới đáng khâm phục và tự hào làm sao.

            Lúc tôi đang ở quê, với tấm lòng nhân ái, hào hoa,phóng khoáng và được sự tài trợ của một người con ưu tú của làng, một loạt các công trình bề thế, hiện đại và tôn nghiêm đã được xây dựng, như Tượng đài tri ân các Anh hùng Liệt sỹ của làng, Khu sản và Nhi, các Trường Tiểu, Trung học cơ sở, Chùa…Gần 1/4 thế kỷ qua, nhưng những công trình ấy vẫn sừng sững, uy nghi, mới mẻ, đầm ấm và sôi động như ngày nào. Mái ngói màu vẫn tươi rói, tường sơn vẫn láng óng. Chỉ khác là những cây bàng, phượng và các loại đa đề, lộc vừng, sanh, si đã cao lớn, cành lá sum xuê. Tôi hết sức bỡ ngỡ với khu công viên cạnh bờ sông (đối diện với Trụ sở Chính quyền xã) đẹp đẽ, sạch sẽ và xanh mát đến kỳ lạ. Doi đất ở cuối làng sát cửa sông ấy, giờ đây đã mọc lên những khách sạn đạt tiêu chuẩn cao. Đá Bụt đó, sừng sững đối mặt với biển cả, giờ đây đã là một đồi cây tùng xanh ngắt, suốt ngày theo gió hát cùng sóng mãi không thôi. Trên đỉnh cao của Đá Bụt, một pho tượng Phật tổ cao lớn, khuôn mặt từ bi, phúc hậu hướng ra biển cả hàng ngày đón bình minh lên và cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để quê hương, đất nước mãi thanh bình và giàu đẹp.

            Tôi tâm đắc và sướng nhất là sân vận động. Trước đây nơi này còn là khu đất trũng, chỗ này là vũng nước, chỗ kia là đống cát, ụ đá. Bọn trẻ chúng tôi đến chơi bóng đá mà cứ luồn lách, né tránh những chướng ngại vật nguy hiểm đó. Rồi một ngày đầu xuân năm Quý Tỵ năm 2013, vẫn con người ấy, ông đến xem bọn trẻ chơi bóng, thấy cảnh tượng vậy, lòng ông trào lên một cảm xúc khó tả. Ông thương bọn trẻ quá. Đã là thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 rồi mà việc vui chơi của các cháu không khác gì thời niên thiếu của ông. Và rồi ông nãy sinh ra một ý tưởng táo bạo, bất ngờ, phải xây dựng một sân vận động cho làng. Nơi này không chỉ là sân bóng cho các cháu, mà còn là nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, là nơi mít tinh diễu hành của làng nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại khác. Và Ý tưởng của ông đã trở thành một chủ trương lớn của chính quyền và được dân làng nhiệt liệt hưởng ứng. Thế rồi một cuộc vận động xây dựng sân vận động của làng được diễn ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân trong làng, con em dâu rể Lý Hòa trong và ngoài nước đã tự nguyện đóng góp một khoản tiền kha khá. Có lẽ từ  trước đến nay chưa có cuộc vận động nào lại tự nguyện, sôi nổi và hào hứng đến thế. Lời kêu gọi của UBMTTQVN xã không rõ có người nào đọc không và nội dung ra sao, nhưng mọi người truyền tay nhau đọc, đọc đến thuộc lòng làu làu bức tâm thư của ông như một bài văn xuôi thời chúng tôi đang học sinh tiểu học, như Cây tre Việt Nam, Trung thu độc lập của nhà văn Thép  Mới. Tổng kinh phí quyết toán khi sân vận động hoàn thành là trên 5 tỷ VN đồng (đơn vị tiền tệ mà chúng ta dùng lúc đó, không như bây giờ đã sử dụng đồng tiền chung ASEAN) mà phần lớn là của gia đình ông bỏ ra. Còn nhớ ngày Khánh thành sân vận động đã trở thành một ngày hội lớn của dân làng, người đến dự và xem chật cứng như nên với tâm trạng phấn chấn, tự hào, cờ, hoa, băng rôn đỏ rực cả một vùng.

            Tôi say sưa ngắm nhìn sân vận động. Toàn bộ phối cảnh như là một bức tranh đẹp. Nổi bật lên tất cả là thảm cỏ xanh rờn với diện tích gần 5.000m2. Mỗi buổi sáng mai, các chị trong Đội VSMT tưới nước, chăm chút, cắt tỉa cho từng đám cỏ. Kích thước của sân vận động tuy không đạt tiêu chuẩn của FIFA, nhưng kiểu dáng, bố cục như một sân vận động Mỹ Đình thu gọn, sức chứa trên 3.000 người. Riêng khán Đài A ở phía Tây có mái che đủ cho 400 người. Cổng chính ra vào ở phía Đông là một cổng chào với kiến trúc hiện đại, nổi bật dòng chữ màu đỏ trên nền xanh biếc “Sân vận động làng Lý Hòa”. Xung quanh phía ngoài sân vận động nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, thấp thoáng bên những tường vàng tươi, mái ngói đỏ chói là màu xanh mát dịu của những cây xoan, hoa sữa, bằng lăng, cứ mỗi độ xuân đến thu sang hương hoa thơm ngát. Gần 20 năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến của các đội bóng đá mini có tiếng tăm. Nhiều đoàn ca nhạc nghệ thuật nổi danh đã đến biểu diễn. Lễ kỷ niêm 320 năm thành lập làng Lý Hòa và 20 năm ngày Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã nhà đã được tổ chức tại đây một cách hào hùng và long trọng.

            Chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của quê hương, những cảm xúc trong tôi dâng trào mãnh liệt. Tự hào, khâm phục, yêu thương biết mấy người dân quê mình, bình dị nhưng mạnh mẽ, ồn ào mà không xô bồ, tính toán mà hào phóng, đã nói là làm, người Lý Hòa bao đời nay là vậy. Trong hàng ngàn con người như vậy, nổi bật lên vẫn là hình ảnh của một con người, không ai khác chính là ông, ông là nhân vật điển hình của người dân quê tôi trong nhiều thập kỷ qua. Những con hẻm trước đây qua cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới đã trở thành những con đường rộng rãi, thoáng mát và đã được chính quyền đặt tên cho từng con đường. Duy nhất chỉ có con đường trước làng chạy ven sông dài nhất, rộng nhất và đẹp nhất chưa có tên. Phải chăng dân làng đã có tâm nguyện lấy tên vợ chồng ông để đặt cho con đường này trong tương lai.

            Ông năm nay đã bước qua tuổi 90, vẫn dáng vóc vạm vỡ, khỏe khoắn. Cái tâm thường song hành cùng sức khỏe. Vào những sáng sơm mùa hè khi mặt trời chưa thức dậy, mọi người vẫn thấy ông ung dung dạo bước trên đường kè biển rồi lại ngồi trên bờ kè ngắm bình minh lên. Xa tít ở ngoài khơi, ông mơ hồ thấy thấp thoáng những cánh buồm nâu, tả tơi, vật vưởng đang hướng mũi thuyền vào cửa sông Thuận Cô để tìm một vùng đất mới lập nghiệp. Để rồi hơn 300 năm sau tại vùng quê ấy lại xuất hiện một con người như ông…
            Tiếng nô đùa của lũ trẻ vùng vẫy trên bãi biển làm ông giật mình và trở lại với không gian, thời gian hiện tại. Mặt biển lăn tăn gợi sóng, gió lào sáng sớm liu diu mát rượi. Chắc biển năm nay lại được mùa.
                                                                                    Thị trấn Lý Hòa mùa hè năm 2033

                                                                                                      Hạnh Quang
Liên hệ với Admin

2 nhận xét:

Hồ Nôốc nói...

đọc bài này văn dài lòng sao cứ cuốn hút tôi đi mãi cho tới kết thúc thì lòng mới tạ họa rằng; chỉ có ngòi viết sắc bén như Hạnh Vinh mới tài hoa đến thế.mở đề, thân bài, kết luận đều bố cục chặt chẽ.Tôi nghĩ rằng đây chỉ có những đa tài của kẻ đã từng ăn học cao siêu mà thôi. Ôi! thật ngưỡng mộ.

ngocdunglyhoa nói...

Tôi cùng chung tâm trạng với chú Hồ Nôôc , rất đồng cảm với tác giả. Cũng là con em của quê hương ,ăn học và lớn lên làm sao mà không có nguồn cảm xúc ân sâu đó được , Chỉ tiếc một chi tiết nhỏ bài viết nhầm độ tuổi của người con làng LÝ đày tình thương yêu quê hương ,dân làng đang mới đợ tuổi 73-75 mà thôi .Thế mới càng quý, càng trân trọng . Xin cảm ơn Hạnh Vinh,và chúc bạn an lành hp nhé