Cả làng mắc bệnh "thuốc độc"

2 năm nay, một căn bệnh lạ hoành hành ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch. Từng nhóm gia đình ở gần kề nối tiếp nhau mắc - khỏi, rồi lại mắc. Cách tìm bệnh duy nhất là giã nhuyễn gà con mới nở, pha với nước lã cho người ốm uống.

Quang Binh Ca lang mac benh thuoc doc

Chẩn bệnh bằng... "phép thử gà con"!

Theo con số phóng viên thu thập được trong những ngày về làng Lý Nhân, xã Đại Trạch, số người được "chẩn đoán" mắc "thuốc độc" đã trên dưới 40 người. Nạn nhân từ những đứa trẻ 10 tuổi, cụ già thất thập cho đến trai tráng trong làng, trong đó có 3 em nhỏ đang học tiểu học, 5 người ngoài 50 tuổi, có cả những nam thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi. Song, nhiều nhất là phụ nữ ngoài độ tuổi 30. Có người từng bị nghi mắc đến 2 lần như bà Tiểm, chị Ninh ở xóm 5.

Có gia đình có đến 2, 3 người bị bệnh như mẹ con chị Tâm, anh Lê Văn Huề cùng 2 người chị dâu ở xóm 5, 2 bà cháu bà Khuể ở xóm 6...
Ảnh minh họa
Chị Ninh, người từng mắc "thuốc độc" đến 2 lần
Sở dĩ nói theo con số của dân làng bởi ngành y tế địa phương không hề hay biết; người dân tự thống kê bằng phép thử dân gian.

Người có những triệu chứng như đau đầu, đau vai, chóng mặt, buồn nôn, chán ăn... (dân gian vùng này coi đây là những triệu chứng của người mắc "thuốc độc") sẽ được người thân bắt 1 con gà con mới nở giã nhuyễn, pha với khoảng 300ml nước lã cho uống. Mùi vị của thứ nước này khiến người chế biến hoặc ai đó đứng cạnh, dù có bịt khẩu trang, cảm thấy muốn nôn tức khắc, thì người nghi là có bệnh lại uống ngon lành!

Anh Lê Văn Hoàng, chồng chị Ninh, cho biết, hôm chị Ninh ngã bệnh, sau khi chạy chữa bằng tây y mà không hề thuyên giảm, ba anh mới nghi con dâu mắc "thuốc độc" nên nói anh Hoàng giã gà con vừa nở, nói dối chị Ninh là... thuốc nam để làm phép thử bệnh. Chị Ninh đã uống cạn một hơi mà không hề hay biết đó là gà con vừa giã được giã nhuyễn.

Khi được chồng mình là anh Thuận đưa ly "thuốc nam" như thế, chị Tuyết (xóm 4) đã không những không hề nghi ngờ mà kinh ngạc hơn, sau khi uống dung dịch đó, chị khen... ngon và đến chiều lại đòi uống tiếp! Còn chồng chị, anh Thuận, khi nhắc tới liều thuốc thử này vẫn cảm thấy nôn nao dội lên làm chảy nước mắt vì nhớ lại mùi tanh hôi nồng nặc, lờm lợm đó!

Phần lớn những người được coi là mắc "thuốc độc" đều được người thân làm phép thử với gà con như thế. Nếu phản ứng "dương tính" với nước gà con như trường hợp chị Ninh, chị Tuyết thì coi như đã bị "thuốc độc"!?

Tuy vậy, có một số ít người trong 40 "bệnh nhân" nói trên không thông qua phép thử này. Nhưng, qua biểu hiện của người bệnh, có một số triệu chứng y hệt người dùng nước gà để thử, vì thế, người nhà của họ cũng xếp họ vào người mắc "thuốc độc" dù căn nguyên chưa thật rõ ràng!

Có bệnh thì vái tứ phương!

Theo một số bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, (tỉnh Quảng Bình) khoa học hay sách y văn chưa hề đề cập đến căn bệnh này. Họ chỉ nghe dân gian truyền tụng rằng, tại một số vùng quê của Quảng Bình, Hà Tĩnh có nhiều người dân mắc, và đi kèm đó, có một số thầy "phù thủy" - "lang băm" chuyên chữa chứng bệnh này.

Nhiều người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi tìm đến những "thần y" - "lang băm", họ đã từng đưa người thân đi khám và chữa bệnh ở rất nhiều nơi: các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám uy tín nhất ở tỉnh Quảng Bình và cả vào tận thành phố Huế.

Quang Binh Ca lang mac benh thuoc docQuang Binh Ca lang mac benh thuoc doc
Hàng tập phim chụp thế này nhưng chị Tú vẫn không biết mình bệnh gì...
... nên nhiều người như chị đành tìm đến thầy lang như 1 sự cầu may!
Phiếu chụp X.quang của chị Phan Thị Tú, (37 tuổi, xóm 5, Lý Nhân) đề ngày 24/9/2007 tại một phòng khám đa khoa nổi tiếng nhất thành phố Đồng Hới cho kết quả rốn phổi tăng đậm. Chị được chẩn đoán là sốt, ho, khó thở về đêm và được hướng dẫn mua thuốc về uống. Sau 4 lần mua thuốc với số tiền hàng triệu đồng cùng với việc khám đi khám lại mà bệnh tình không hể suy chuyển. Cùng đường, chồng chị đành nhờ thầy lang bắt bệnh
Theo dân gian, con thuốc độc được nuôi bằng cách lấy râu con cọp (hổ), thả vào vỏ của búp măng tre thời kì mới nhú, sau một, hoặc hai tháng, nó có hình thù như con loăng quăng (bọ gậy).

Kẻ ác thường hại người bằng cách bỏ vào trong nước, trong thức ăn hoặc trên tóc. Muốn chữa bệnh này, tương truyền rằng, trong thuốc chữa phải có răng cọp mài, pha với nước uống!

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đến nay, trong y văn, chưa thấy nhắc đến loại bệnh này. Vì thế, các nhà khoa học vẫn coi đây là loại bệnh mê tín trong dân gian.
Chị Loan, vợ của một cán bộ huyện Bố Trạch, sau 2 tháng vật vã chuyển từ phòng khám này sang bệnh viện nọ, chụp hàng "núi" phim X.quang nhưng bác sĩ không dám kêu ra tên bệnh của chị. Theo chân chị Tú, chị Loan quyết định "cầu may" ở thầy lang đang được xóm giềng mách nước.

Căn bệnh của cháu Hoài Nhi, 8 tuổi, học sinh Trường Tiểu học số 2 Đại Trạch cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Khoe, ông ngoại cháu cho hay, sau một tháng khám bệnh ở phòng khám tư của một giám đốc bệnh viện lớn cháu nhi vẫn xanh xao, sốt và hay bị ngã vì chóng mặt. Ông cháu chỉ còn biết nuôi hy vọng ở thầy lang nổi tiếng kia!

Theo lời ông Khoe, chính mắt ông từng trông thấy thầy lang này bắt bệnh và đến tận nhà chữa bệnh cho anh Đỗ Văn Hán, 25 tuổi, người hàng xóm của gia đình ông nên ông cũng được an tâm phần nào!

"Đêm đêm, nghe tiếng ho của cháu, chạm vào thân hình mỏng manh nhưng nóng ran của cháu, chỉ còn biết chảy nước mắt. Thôi thì ai mách cho cách nào cũng coi đó là hy vọng cả!" - Ông khoe tâm sự.

Với tâm trạng "có bệnh thì vái tứ phương" như thế, dần dần không chỉ trong làng Lý Nhân mà những ai có bệnh tương tự, dù nặng hay nhẹ cũng đều theo sự chỉ dẫn của người trước mà tìm đến "thần y"!...

(Chí Hiếu - Khánh Trang / VNN)
Việt Báo (Theo_VnMedia)
Liên hệ với Admin QRCode

Không có nhận xét nào: