Tiếng kêu cứu của những con “ma thuốc độc”

Vu vạ để bán “thuốc thánh”
Bà Nguyễn Thị Mẳn (74 tuổi) ở thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nghẹn ngào, kể về nỗi oan khuất của mình. Vào giữa tháng 8-2010, nhà bà bị mất con trâu tìm mãi không thấy. Nghe người ta nói ở xã Quảng Phong (Quảng Trạch) có “thầy” Thành xem bói hay, bà nhờ con dâu chở đi xem.


Ở đây, “thầy” Thành lấy một que hương chỉ trên đầu bà rồi hỏi: “Con có biết con có tội gì không?”. Bà Mẳn nói không biết, thế là bà bị “thầy” đuổi ra khỏi nhà trước sự chứng kiến của nhiều người đến xem bói.
Những ngày sau đó bà Mẳn bắt đầu cảm nhận được sự ghẻ lạnh của dân làng, thậm chí có người đến tận nhà xin bà giải độc, không được thì chửi bới... Hỏi ra mới biết, chính “thầy” Thành đã nói với mọi người rằng, bà Mẳn là người chuyên bỏ thuốc độc hại người. Giải thích không được, bà bỏ ăn, bỏ uống toan tìm đến cái chết.
Anh Trần Văn Thận (con trai bà Mẳn) cho biết: “Con cháu đến động viên, năn nỉ sao bà cũng không nghe, sức khỏe của bà xuống dốc trông thấy. Hoảng quá, tôi viết đơn trình báo sự việc với công an xã, rồi công an huyện vẫn không thấy động tĩnh gì. Người làng vẫn thế, họ tin mẹ tôi là người chuyên bỏ thuốc độc hại người”.
Chị Nguyễn Thị Xuyến, một trong nhiều con bệnh “ma thuốc độc” của “thầy” Thành cứ khăng khăng khẳng định với PV, chính bà Mẳn là thủ phạm làm cho chị nhức mỏi trong người bấy lâu. “Thầy Thành nói là tui bị “long hổ” (thuốc độc) trong một lần đến nhà mệ Mẳn uống nước. Thầy Thành còn dặn bọn tui, tránh xa mệ ấy ra, nếu không là bị bỏ thuốc độc nữa đó” - chị Xuyến nói.
“Thầy” Thành nói bệnh của chị Xuyến phải uống hết 10 liều mới hết hẳn. Do không có tiền, chị mua tạm 3 liều, hết 1,5 triệu đồng về uống. Theo chị Xuyến, thuốc có dạng bột màu nâu vàng, uống vào có mùi tanh. Ở thôn Thọ Đơn, có cả trăm người “bị mệ Mẳn bỏ độc” như chị Xuyến đang nhờ thầy Thành bốc thuốc.
Cũng là nạn nhân do thầy Thành vu vạ, chị Trần Thị Thía (SN 1976) ở xã Hoàn Trạch (Bố Trạch), bị người làng ghẻ lạnh, chửi bới đánh đập, đòi đốt nhà... Ngay cả nhà chồng cũng tin chị đã bỏ thuốc độc cho Tuấn (em chồng), khiến anh này sống dở, chết dở. Phía nhà chồng ra tuyên bố, nếu Tuấn chết thì chị Thía phải đền mạng.
Chị Thía cho biết, Tuấn bị bệnh nặng, đưa đến bệnh viện được xác định suy thận độ 4 và trả về. Mẹ của Tuấn tìm đến “thầy” Thành nhờ cậy và được biết, một trong ba người con dâu của ông bỏ thuốc độc cho Tuấn. Khi đưa ra ba cái tên của ba cô con dâu, “thầy” phán ngay là chị Thía. Chồng đi làm ăn xa, áp lực ngày càng đè nặng lên chị Thía khi mẹ con chị bị làng xóm, họ hàng xa lánh. Chị cũng đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Bi đát nhất là trường hợp của chị Trương Thị Hoan (40 tuổi) ở thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa (Quảng Trạch). Chồng đi làm ăn xa, đã mấy tháng nay đêm nào 4 mẹ con chị cũng phải đội mũ bảo hiểm, chui xuống gầm giường để tránh những loạt “mưa” đá của người làng. Sự việc bắt đầu từ giữa tháng 9 -2010, khi bà Tâm nghe “thầy” Thành nói con bà là Tuấn (bị bệnh nhũn não - PV) là do nhà đối diện bỏ thuốc độc.
Bà Tâm kéo con cháu sang nhà chị Hoan yêu cầu chị giải độc cho anh Tuấn. Chị Hoan từ chối vì cho rằng mình không gây ra bệnh cho anh Tuấn, ngay lập tức người nhà của bà Tâm xông vào đánh đập, rồi khống chế chị phải để tay lên đầu anh Tuấn để giải độc.
Thế là cả làng tin chị Hoan bỏ thuốc độc. Chị Hoan nói trong nước mắt: “Khổ lắm chú ơi, kiểu ni chắc tui sống không nổi mất. Tui đi chợ mua thức ăn hàng ngày họ cũng không bán. Con tui đi học, phải ngồi riêng một bàn, nó về khóc đòi bỏ học. Ở nhà mà đêm nào cũng phải đội mũ bảo hiểm, chui xuống giường vì bị người ta ném đá. Tui bị sút mất 10 cân kể từ khi sự việc xảy ra”.
Sau khi chị có đơn trình báo, công an xã Quảng Hòa đã xử phạt hành chính người nhà bà Tâm về tội đánh chị Hoan và xử phạt hành chính đối với kẻ ném đá vào nhà chị Hoan gây thương tích cho người đi đường. Tuy nhiên sự việc chưa kết thúc, chị Hoan vẫn bị người làng ghẻ lạnh và đêm nào mẹ con chị cũng phải hứng chịu những trận “mưa” đá của người làng.
Ông bà Mẳn hiền lành kiếm sống bằng nghề truyền thống đan lát
Ông bà Mẳn hiền lành kiếm sống bằng nghề truyền thống đan lát.

Nhà báo cũng bị thuốc độc
Trong vai người đi xem bói, PV Tiền Phong tìm đến nhà “thầy” Thành ở thôn 4, xã Quảng Phong. Ngôi nhà ngói đông nghịt người, cái sân rộng được che bạt cho khách để xe và ngồi chờ đến lượt mình. Thành chừng 30 tuổi, mặc áo phông, ngồi trên một chiếc ghế đẩu, miệng liên hồi nạt nộ. Bố của Thành ngồi cạnh ghi chép và hướng dẫn người đến xem.
Lúc này Thành đang đuổi một người, cương quyết không chữa bệnh nữa vì không nghe lời thầy. (Thì ra đó là chị Phan Thị Hòa, vợ anh Tuấn bị suy thận ở Hoàn Trạch đã nói ở trên). “Thầy nói cho biết để mà tránh người ta ra, sao lại về đập đánh, đòi đốt nhà người ta để họ làm phiền thầy. Đánh đập, chửi bới làm họ ghét nên giờ họ yểm bùa rồi, khó chữa lắm. Thầy mà không chữa thì coi như chết chắc, đừng hi vọng đi thầy khác” - Thành phán.
Người phụ nữ này khóc lóc van xin mãi Thành mới bớt giận và nhận chữa tiếp. Thành dùng kéo cắt đôi chiếc áo cũ, bện lại bỏ lên bàn thờ thắp hương và đọc chú. Thành luôn trách móc người nhà những con bệnh của mình không nghe lời vì đã chửi bới, đánh đập những người bỏ thuốc độc.
Theo quan sát của PV, thì ông “thầy” này rất cao tay, cứ mỗi địa phương ông vu cho một đến hai người chuyên bỏ thuốc độc hại người. Mỗi lần xem bệnh chỉ năm đến mười phút “thầy” lấy 50 ngàn đồng, mỗi liều thuốc chữa độc 500 ngàn, còn ai đổi mạng, đổi số thì phải cúng cho “thầy” không dưới 5 triệu đồng.
Đến lượt PV, Thành gọi đến đứng cạnh hỏi tên, tuổi, quê quán... Khi PV nói mấy ngày nay nghe nóng ruột, ngay lập tức Thành bắt áo lên và phán: “Con bị long hổ khoảng 10 ngày nay, nếu không chữa sớm, con thuốc độc hắn ăn hết nội tạng là chết đó. Con có biết ai bỏ con không, ở làng Thọ Đơn của con có người bỏ con đó”. Chỉ trong vòng 5 phút xem bệnh, Thành lấy của PV 50 ngàn đồng. Thành không bán thuốc mà giới thiệu cho PV đi mua nơi khác.
Lân la hỏi chuyện bố của Thành, ông Trần Văn Kỳ nói: “Thuốc vẫn còn nhưng có việc nên thầy không bán đâu, mấy bữa nữa quay lại là có”. Gặng hỏi cái “có việc” của thầy, ông Kỳ tiết lộ, là do người nhà con bệnh về tức lên đánh đập, chửi bới mấy người bỏ thuốc độc mà Thành chỉ cho họ biết nên bị công an dòm ngó. Ông Kỳ có vẻ rất tự hào về cậu con trai của mình.
Thành sinh năm 1984, học đại học 10 năm nay, đã có bằng luật, kinh tế và tâm lí. Thành đã phát tài “cứu nhân độ thế” được khoảng 5 năm. Nạn nhân bị Thành vu vạ phải đến mấy chục người, còn con bệnh thì phải lên đến cả ngàn, họ hầu hết là dân nghèo ở các huyện trong tỉnh Quảng Bình.
Trao đổi về việc Thành vu vạ cho nhiều người để lừa bán thuốc chữa bệnh, công an các xã có nạn nhân kêu khó, vì “thầy” bói ở địa phương khác nên họ không đủ thẩm quyền. Còn công an huyện Quảng Trạch thì cho rằng, Thành hành nghề mê tín dị đoan nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên không thể bắt để xử lí (?).
Nguồn : Hoàng Nam ( Báo Tiền Phong)
Liên hệ với Admin QRCode

Không có nhận xét nào: