LOẠI HÌNH VĂN HÓA TUỒNG BỘI Ở HUYỆN BỐ TRẠCH

hai trach
ly hoa
         "Hát bội làm tội người ta..."
            Sinh hoạt văn hóa tuồng bội ở huyện Bố Trạch đã có từ rất sớm. Hát bội (Còn gọi là hát bộ) bắt nguồn từ tuồng Bắc. Hát bội được Đào Duy Từ mang từ ngoài Bắc vào. Thầy Đào Duy Từ đã phát triển tuồng bội ở Đàng Trong trong thời kì ông vào làm quan cho chúa Nguyễn.
Đầu tiên, cũng là nơi phát triển tuồng bội mạnh nhất là Quảng Nam và Bình Định. Quảng Bình và các tỉnh miền trung khác cũng được thừa hưởng loại hình sinh hoạt văn hóa này.


Ở Bố Trạch các làng có tuồng bội tương đối có quy củ. Nỗi danh ở thời kì đó là: xóm Hát làng Kẻ Đòi (Phú Trạch), kẻ Hạc ( Vạn Trạch),  kẻ Nầm (Cự Nẫm), Khương Hà (Hưng Trạch), Cao Lao ( Hạ Trạch) .. Tuồng bội được tổ chức theo hình thức gánh hát từ 13 đến 18 người bao gồm: Thầy tuồng (Trưởng gánh, đạo diễn), đào, kép, hề... Các vai diễn vua, chúa, tướng, binh lính, thầy đồ, học trò, dân chúng...
          Các tích tuồng thường được sử dụng từ các truyện cổ: Tam Quốc, Trưng Trắc- Trưng Nhị, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Thoại Khanh-Châu Tuấn, Phạm Công-Cúc Hoa, Lưu Bình-Dương Lễ.... Sau này thời kì cách mạng có thêm các vở: Tô thắm sơn hà, Ba mươi năm đời ta có Đảng...
Hệ thống nhạc với các nhạc cụ: Trống cái (Trống chầu), trống con (trống ban), nhị, hồ, thanh la, kèn.
          Làn điệu tuồng có khá nhiều bao gồm: Nam ai, Nam Bình, Nam Dựng, Tẩu Mã, Sa Mạc, Than, Hát Khắc, Nói Lối, trống Quân ... mang đậm bản sắc văn hóa Việt không chỉ là nội dung mà cả hình thức sử dụng. Đặc biệt là sử dụng khá nhiều các làn điệu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
          Việc hóa trang các nhân vật cũng vậy, chỉ trừ một vài vai như: Tướng, Sỹ hóa trang gần giống Kinh kịch có vẻ dữ dằn còn lại các vai khác như đào, kép đều hóa trang đẹp gần với người thường.
Hóa trang của hát bội đã mô phỏng phần nào tính cách của nhân vật; nhìn vào người ta nhận thấy ngay nhân vật: Chính, tà, hiền, dữ, vua quan, học trò, binh lính, thứ dân đều khá rõ.
          Các làn điệu được sử dụng cho các loại vai cũng rất cụ thể, nên khi nghe lời hát, kết hợp với trang phục điệu bộ, khán giả thấu hiểu nội tâm, tính cách của nhân vật.
Trước cách mạng các gánh hát bội thường khai diễn từ rằm tháng Giêng, sang tháng Hai, tháng Ba tiếp tục diễn. Thoạt đầu diễn tại các thôn trong xã (Thường diễn ở các địa điểm có miếu, đặc biệt là miếu mới khánh thành) sau đó các làng xã khác mời thì đi diễn.

          Công việc luyện tập và biểu diễn đều do gánh hát tự sắp xếp mà người chịu trách nhiệm toàn bộ là thầy tuồng. Vở diễn do thầy tuồng và các kép hát chịu trách nhiệm sưu tầm từ các vở tuồng có sẵn, cũng có thể các kép hát giỏi đi học các nơi sau đó về đọc lại cho thầy tuồng chép để luyện tập. Việc luyện tập được tổ chức tại nhà thầy tuồng vì đó là nơi đặt bàn thờ tổ của gánh hát. Trước và sau buổi tập các thành viên gánh hát phải thắp hương lạy tổ để được thuận lợi; mỗi lần ra diễn các vai diễn đều thắp hương khấn vái tổ..
          Lúc đi hát thì nơi nào mời, nơi đó lo cơm nước, hát hay thì có tiền thưởng, tiền chầu thật ra cũng chẳng được bao nhiêu.
Trang phục, đạo cụ, nhạc cụ đều do các thành viên đóng góp để mua sắm, son phấn của ai người ấy tự mua, thỉnh thoảng làng xã và các mạnh thường quân có hỗ trợ thêm.
          Dù vậy hoạt động của các gánh hát bội vẫn duy trì phát triển. Tiếng trống hát Bội đêm đêm vẫn vang lên nên người đời lúc đó đã có câu: "Đêm nằm nghe trống kẻ Đòi/ Nghe chuông kẻ Hạc/ Nghe còi kẻ Lau" ý nói rằng tiếng trống chầu Tuồng bội ở làng kẻ Đòi ( xóm Hát – xã Phú Trạch) ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân trong vùng là vậy.
           Lúc bấy giờ có sự giao lưu liên kết giữa các gánh hát làng này làng kia. Không chỉ làng này mời gánh hát làng kia về hát mà họ còn trao đổi các vai diễn cho nhau như: Kẻ Nầm (Cự Nẫm) mượn đào của Kẻ Hạc (Vạn Trạch) hoặc Kẻ Hạc mượn kép của Kẻ Nầm khi diễn các tích tuồng mà cả hai bên đều có. Thế mới biết sức mạnh của văn hóa nói chung và tuồng bội nói riêng, họ vượt qua sự kì thị giữa làng này làng kia thời thực dân phong kiến vượt qua "Kẻ" này "Kẻ" nọ để liên kết với nhau vì đời sống văn hóa tinh thần điều mà chế độ thực dân phong kiến không muốn trong chính sách "chia để trị" của họ.
Thời bấy giờ hát bội thu hút khá đông đảo dân chúng đi xem đến mức lúc đó đã có câu ca là: "Hát bội làm tội người ta. Bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ cả gạo cơm" là vậy.                     Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hát bội vẫn được duy trì tuy khó khăn hơn phần do chiến tranh, phần thì một số người trong gánh hát đi tham gia kháng chiến. Thầy tuồng Nguyễn Vỵ ở Cự Nẫm làm chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến xã, các kép hát nhiều người đã đi kháng chiến.
Hòa bình lập lại các gánh hát được khôi phục và phát triển nhanh chóng phần vì phấn khởi sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi đang xây dựng cuộc sống mới phần vì "máu" nghệ sỹ trong các nghệ nhân tiếng trống bội lại vang lên ở các làng xã.
Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt các gánh hát không có điều kiện để duy trì vì rất nhiều lẽ nên nhiều làng gánh hát đã giải  thể.
Những năm gần đây thực hiện nghị quyết Trung ương V khóa VII về giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc các địa phương trong huyện Bố Trạch đã cố gắng sưu tầm lại nhưng chỉ dừng lại ở một đôi làng còn có hát bội đó là Khương Hà ( Hưng Trạch), xóm Hát ( Phú Trạch) mỗi năm cố gắng lắm cũng chỉ diễn được một lần vào rằm tháng Giêng.
          Có người hỏi: "Liệu ngày nay các làng huyện ta, tỉnh ta có khôi phục lại hát bội không?"
Chúng tôi thấy đây là cả một vấn đề...

Dù rất tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này song chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng đây là một việc làm cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng, phải có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và các ban ngành chức năng: Văn hóa thông tin, Hội di sản Văn hóa, hội văn học nghệ thuật. Hiện tại chúng ta đang đứng trước các thách thức đó là:
Thứ nhất: Về khán giả: ngày nay do phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh nên các loại hình nghệ thuật đương đại, cổ truyền đều được đăng tải, trình diễn nhiều đến chóng mặt thu hút hầu hết lực lượng khán giả; ngay một số môn nghệ thuật ca hát cổ truyền đã được công nhận "Di sản văn hóa phi vật thể" của nhân loại cũng đang khó khăn trong việc duy trì và bảo tồn
Thứ hai: Về kinh phí hoạt động cho bộ môn nghệ thuật này cũng là một rào cản; Hát bội ngày nay chắc chắn đòi hỏi trang bị tương đối hiện đại như các loại hình nghệ thuật khác. Nguồn kinh phí để xây dựng lại môn nghệ thuật đã bị lãng quên thực sự khó khăn, vấn đề trang phục đạo cụ, hệ thống âm thanh ánh sáng, lương cho người dạy, người học... là cả một vẫn đề cần được tháo gỡ bắt đầu từ chủ trương và biện pháp thực hiện.
Thứ ba: Từ hai lý do trên nên vấn đề diễn viên trở nên khó khăn. Ai dạy, ai học, học ở đâu, tiền học thế nào, lương lúc hành nghề ra sao... trong lúc thế hệ nghệ nhân cũ gần như không còn. Để thu hút những người có năng khiếu tuồng bội hoạt động tất phải có chính sách, chế độ phù hợp.
Dù sao chúng ta cũng phải cám ơn các thề hệ nghệ nhân trước đây đã từng say mê với tuồng bội, đã cống hiến hết mình cho tuồng bội, là nguồn động viên, là món ăn tinh thần một thời không thể thiếu trong quá khứ. Hát bội một thời đã là niềm khao khát, háo hức của người dân quê  ta đã từng "làm tội người ta..." nhưng ngày nay hát bội chỉ còn là sự nuối tiếc.
Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay để hòa nhập mà không hòa tan. Chúng tôi thiết nghĩ cần phải khôi phục các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể và phát triển lên; điều này có ý nghĩa sống còn với việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đường lối văn hóa của Đảng

Nên chăng trước mắt cần đầu tư khôi phục tuồng bội ở một vài điểm như Hưng Trạch, sau đó nhân rộng ra ở các địa phương một thời có tuồng bội. Làm được như thế chúng ta khỏi hổ thẹn với các thế hệ tiền bối và cũng không mắc nợ thế hệ tương lai về sự nỗ lực của mình cho bộ môn nghệ thuật tuồng bội trên quê hương chúng ta.
BỐ TRẠCH MIỀN DI SẢN

1 nhận xét:

Thom NgoHong nói...

Hát tuồng bội...học 4 năm mà chưa nghe...thấy ham rồi đếy