Công bố mức đền bù cho ngư dân Quảng Bình

Dù phấn khởi khi tỉnh công bố chi tiết mức giá đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển nhưng tâm nguyện của ngư dân vẫn mong biển sạch trở lại và tìm sinh kế lâu dài để ổn định cuộc sống
Ngày 11-9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa công bố định mức thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra trên địa bàn. Định mức này sẽ được trình Chính phủ phê duyệt áp dụng mức đền bù cuối cùng.

Đã áp xong mức giá
Phương án đền bù của UBND tỉnh Quảng Bình công bố mức độ thiệt hại cao nhất là các tàu đánh cá có công suất trên 400 CV: 30 triệu đồng/tàu/tháng. Các loại tàu còn lại: dưới 20 CV là hơn 9,6 triệu đồng/tháng; từ 20-50 CV, 18,2 triệu đồng/tháng; từ 50-90 CV, 21,7 triệu đồng/tháng; từ 90-250 CV, 15 triệu đồng/tháng; từ 250-400 CV, 25 triệu đồng/tháng; tàu không lắp máy, 5 triệu đồng/tháng.

Đối với ngư dân làm việc trên các tàu không lắp máy sẽ được hỗ trợ 5,4 triệu đồng/người/tháng; ngư dân đi tàu dưới 20 CV, 6,4 triệu đồng/tháng; đi tàu từ 20-50 CV, 7,5 triệu đồng/người/tháng; đi tàu từ 50-90 CV, 9,1 triệu đồng/người/tháng; đi tàu từ 90-250 CV, 3,5 triệu đồng/người/tháng; từ 250-400 CV, 4 triệu đồng/người/tháng và người khai thác hải sản thủ công là 3,8 triệu đồng/người/tháng. Đối với các ruộng muối, đã bị thiệt hại thì được hỗ trợ trên 38,6 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, các đối tượng nuôi trồng thủy sản được áp giá chi tiết theo mật độ con giống, ngày nuôi và địa điểm… Cụ thể, tôm thẻ chân trắng thâm canh trong ao lót bạt trên cát với mật độ 100-120 con/m2 nuôi dưới 45 ngày thì mức hỗ trợ khoảng 34.000 đồng/m2; đối với các chủ hộ nuôi nghêu bãi triều ven biển có mật độ trên 150 con/m2 được hỗ trợ 5.600 đồng/m2, nuôi cá lồng từ 90 ngày trở lên sẽ được áp giá với mức 914.000 đồng/m2… Những người lao động bị mất thu nhập được hỗ trợ với mức 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình, định mức này được xây dựng dựa trên số liệu niên giám thống kê điều tra kinh tế năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 của tỉnh từ các chủ tàu khai thác hải sản, người làm nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…
Tìm sinh kế lâu dài
Quảng Bình có bờ biển dài 116 km, gồm 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 24.000 lao động. Theo báo cáo ban đầu, tổng thiệt hại trên toàn tỉnh tính đến hết năm 2016 khoảng 4.000 tỉ đồng. Đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường do Formosa xả thải gây ra.
Ngư dân Nguyễn Thanh Long, chủ tàu cá QB – 93358.TS (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), cho biết thời gian qua, ông vẫn cho tàu ra khơi. Tuy nhiên, số lượng hải sản khai thác không còn được như trước, giá lại thấp nên thu nhập rất bấp bênh. “Sau khi biết tỉnh đã đưa ra giá đền bù, bà con ngư dân ai cũng vui mừng nhưng điều mong ngóng nhất lúc này là cá đã an toàn chưa” – ông Long bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương, mong muốn các cơ quan chức năng, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp khắc phục, sớm trả lại môi trường biển trong sạch. Cần tăng cường tuyên truyền, thông tin chính xác để người dân thực sự yên tâm sử dụng thủy hải sản ngư dân đánh bắt được.
“Nhằm tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân, tỉnh cũng đang khẩn trương chuẩn bị nhiều phương án. Trước tiên là tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ thuật đánh bắt hải sản cho ngư dân; có chính sách tín dụng như hỗ trợ lãi suất vay, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho các dịnh vụ kinh doanh thủy sản và du lịch” – ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, thông tin.
Bài và ảnh: Minh Tuấn
( Nguồn tinquangbinh.net)

Không có nhận xét nào: