Tìm lại tuổi thơ (Chương III)

Phần 11: Bắn pháo hoa, đốt tăm lăm, bắn súng
Có thể nó pháo hoa là một mặt hàng sa sỉ của thời kỳ hiện đại chúng tôi làm gì có để đốt, nhưng không vì thế mà không có pháo hoa. Pháo hoa do chúng tôi tạo nên, không biết từ đâu do ai khởi sướng nhưng tôi còn nhớ dạo ấy khoảng 12 tuổi tôi thường đi lên đỉnh núi Ông Tượng và Đá Đen để đi nhặt mãnh vỡ của máy bay, hồi đó tuy không có chiến tranh nhưng những di chứng của chiến tranh nhất nhiều trong đó có mãnh vỡ của máy bay.
Khi nhặt được từng mãnh vỡ đó đưa về nhà đến tối lại ra bờ sông nhóm lửa đốt lấy than đến lại bỏ mảnh nhôm vỡ của thân máy bay vào nung cho nó chảy ra rồi lấy que dài lớn bắt đầu hất tung phần nóng chảy của nhôm máy bay lên trời càng cao càng tốt. Khi các mảnh nóng chảy của nhôm máy bay bị hất lên trời rơi xuống gặp không khí phát sáng rơi lã chã không khác gì pháo hoa. Thường chúng tôi chơi những lúc nghỉ hè nhưng vẫn để dành lại ngày tết để dùng trong đêm chuẩn bị đón giao thừa.
Đốt tăm lăm ( thuốc súng của đầu đạn pháo 85) hồi ấy không hiểu đâu ra mà tăm lăm nhiều vậy, tôi còn nhớ hè nào lúc nào trong nhà tôi cũng có loại này, tăm lăm thường được các anh chị lớn đưa về muốn có nó phải dùng đến tiền mua hoặc có hàng quà gì để trao đổi. Tăm lăm nó như một ống nhựa màu vàng nhạt giữa có lỗ nhỏ, dài và lớn bằng chiếc đũa bây giờ khi đốt lên nó cháy phát sáng nặng mùi thuốc súng. Nhiều thì đốt chơi còn ít thì chúng tôi chia nhỏ ra rồi đặt nó vào phần đuôi thuyền giấy đốt tạo lực đẩy, thuyền chạy nhanh lắm nhưng chạy xong thì hầu như thuyền nào cũng bóc cháy luôn.
Bắn súng: súng chúng tôi làm thường bằng gỗ đầu buộc mũi đạn AK hoặc van xe đạp còn cò súng và nòng súng thì dùng đến dây đồng điện thoại ( loại đồng lớn một lõi) , lực đẩy chủ mạnh nhẹ do dây cao su, nếu có thuốc súng thì dùng còn không thì dùng diêm sau khi nhồi thuốc vào mũi đạn hoặc van xe đạp lên nòng kéo cò nó nổ lớn và đanh lắm như tiếng pháo. Một cách khác cũng tạo ra tiếng nổ nhưng không có súng, đó là dùng lông gà, lông vịt buộc quanh đầu mũi đạn hoặc van xe đạp một đầu buộc một cái đinh đã mài tù đi một đầu cũng nhồi thuốc như vậy khi tạo ra tiếng nổ bằng cách bắn mũi đạn hoặc van xe đạp lên trời hoặc bắn mạnh xuống đất nó cũng tạo ra tiếng nổ như vậy.

Phần 12: Bắn súng đùng, làm con rối
Súng đùng: Chơi súng đùng chỉ dành cho con trai thôi, thi thoảng có em gái nào nghịch ngợm cũng nhào vô trò chơi này. Súng đùng được tạo ra từ thân cây hóp khoảng 20cm (dạng tre nứa nhưng thân nhỏ, hay được dân biển làm cần câu) thân súng được dùng đoạn giữa ở giữa hai mắt (nhánh) ở giữa có lổ thông nhau, đuôi súng gắn xilanh súng được cắt ra từ đoạn mắt hóp khoảng 2cm rồi lấy một đoạn tre đã được vót tròn bằng lỗ hóp và độ dài tính từ cồi nòng súng đến thân khoảng 22cm. nòng súng phái được vuốt tròn theo lỗ thân súng. Đạn thời ấy hay dùng là hạt cây Bài Lài, hạt Bài Lài hồi ấy ở quê mình cũng rất nhiều, nhưng càng về sau người ta làm nhà nên chặt hết vì vậy muốn hái hạt phải lên rừng. hạt Bài Lài cho vào lổ súng trở cán súng đập cho viên đạn vào lỗ nòng tra cán nòng vào rồi dùng tiếp một hạt Bài Lài khác tiếp tục làm như vậy để đẩy tạo áp lực đẩy viên đạn trước đi. Viên đạn (Bài Lài) sau cùng phải thấm nước miếng để khít nồng súng tạo áp lực đẩy viên đạn đi, nếu không có Bài Lài thì dùng đạn giấy, bằng cách dùng giấy cho vài miệng nhai, sau đó vo tròn lại giống viên đạn. Trò chơi bắn súng đùng rất vui và không kém phần nguy hiểm, đạn Bài Lài nếu nghịch thì được ngâm vào nước mắm hoặc nước muối khi bắn vào người trúng da thịt rất rát nguy hiểm hơn là trúng vào mắt có thể gây mù. Nghịch hơn nữa là chơi súng đùng liên thanh bằng cách ở 1/3 cuối tạo ra một lổ rồi dùng thêm một ống hóp đặt vừa ở trên, khi chơi đổ đạn (Bài Lài ) đầy ống và có thể bắn liên tục. Chơi súng đùng thường cặp phe mỗi phe cũng tùy không giới hạn người chơi, cứ núp rìn nhau khi phát hiện ra bắn trúng da thịt kêu oai oái, khổ nhất là mấy đứa con gái khi vào lớp học bị bắn trộm mắt cứ tố ngược nhìn quanh không biết ai bắn trong khi bọn con trai thì cười nghiêng ngã.
Làm con rối: Việc làm con dối thì đơn giản cứ xem hình thù người ra sao thì cứ làm vậy, quan trọng nhất là các khớp chân, tay, hông, cổ..sau đó dùng cước xâu vào chừa lại bốn đây ở tay chân, sau đó dùng 4 ngón tay để điều khiển con rối hoặc đặt con rối trên bàn có kẻ hở luồn dây xuống dưới để điều khiển bằng tay. Hay nhất là dùng kiếm buộc vào tay rối để đấu với rối của bạn hoặc tạo vòng quay, lộn, đá hệt như những chú robot nhựa thời bây giờ.
Tạo máy cưa: lúc ấy muốn tạo ra trò chơi máy cưa cũng đơn giản nhưng rất vui, tạo máy cưa bằng cách lấy vỏ hộp lon sữa bò cắt khoanh lại cho tròn sau đó cắt hình răng cưa, đục ở giữa hai lổ và dùng dây bả (nilon) xâu qua. Khi cưa thì quay ngược máy cưa cho nó xoắn dây bả lại rồi dùng lực giật ra, cứ như vậy giật ra vào liên tục tạo ra sự quay vòng của máy cưa, máy cưa thường chỉ cưa được lá cấy, cành cây nhỏ, hoặc dùng để bạng (đấu) nhau, hai mây cưa chạm vào nhau máy ai ngừng quay hoặc đứt dây trước là thua. Nếu để máy cưa phạm vào da thịt thì cũng gây rách da chảy máu như chơi.

Phần 13: Thả diều, điện thoại:
Nói đến thả diều thời ấy bọn con trai chúng tôi ai chả thích, diều được làm từ giấy báo, vở củ, to nhỏ tùy từng cá nhân nhưng hầu như ai cũng làm được, chỉ mỗi tội đứa nào nhác không làm hồ dán ( hồ dán chúng tôi hay lấy bột sắn cho vào nước đun sôi lên khi bột chín đặc lại sền sệt là được) nếu dán bằng cơm thì khi diều bay dễ bị đứt đuôi. Lúc ấy sân vận động còn rất rộng, nhà cửa thấp thưa thớt nên gió nhiều tha hồ thả diều, thả diều khó nhất là tìm dây diều, nếu dứa nào trong nhà có người đi câu biển thì lấy ống cước còn không thì tự tạo lấy bằng cách đi nhặt những đoạn dây cước, ni lon, dây bì xi măng về nối lại. Mỗi dịp hè về lúc nào trên bầu trời khu vực sân vận động cũng đầy diều đủ màu sắc và kích cỡ, khi thả được diều đủ độ cao chúng tôi thường với thư cho Ngọc Hoàng bằng cách xé nhỏ một tờ giấy tiếp tục xé đôi đến đoạn giữa tờ giấy rồi găm tờ giấy vào dây diều, thư được gió thổi lên trời đến ngay con diều thì ngừng lại nhưng càng để thì gió thổi nó bay đi đâu mất, như vậy Ngọc Hoàng đã nhận thư.
Điện thoại: Thời bấy giờ làm gì có điện thoại muốn điện phải ra bưu điện nhưng chúng tôi tự tạo điện thoại để cho nhau nghe, điện thoại làm cũng đơn giản, chỉ cần dùng hai vỏ hộp diêm buộc chỉ vào mỗi đứa cầm một hộp diêm là nói cho nhau nghe, khoảng cách độ dài tùy thuộc sân chơi và dây chỉ, thường chúng tôi mỗi đứa ngồi mỗi góc sân vận động hoặc sân trường nhưng vẫn nói chuyện với nhau bình thường mà vẫn nghe được, nhưng có nói chi mô toàn nói chuyện nghịch ngợm hoặc chửi nhau và những trận cười kéo dài không dứt
Phần 14 : Ăn trộm dừa, mía, gói quà lừa, thổi tên lén
“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” tuổi thơ tôi cũng không tránh khỏi những chơi nghịch ngợm của thời con nít. Đến đây cho tôi xin lỗi những người đã là nạn nhân của tôi và bạn bè của một thời ấu thơ.
- Ăn trộm dừa: cây dừa thời đó ở quê mình nhiều lắm, hình như đất cát mặn hợp với cây dừa cho trái ngọt thì phải, đi đâu, nhà nào cũng có ít nhất một đến hai cây dừa, nhất là dừa ven sông của ủy ban về sau giao cho hội phụ lão quản lý. Chúng tôi lúc còn nhỏ thì hầu hết không dám đi ăn trộm dừa nhà khác mà chỉ có dám ăn trộm dừa gia đình, nghe như chuyện lạ nhưng thực ra đúng vậy, vì thời buổi cơm thua gạo kém trái dừa cũng quý lắm. Với gia đình tôi lúc ấy cũng có gần chục cả cây dừa, cao thấp có cả , dừa ngon nhất là dừa xiêm trái nhỏ nước ngọt lúc ấy trong nhà cũng có một cây. Thứ hai đến dừa lửa, trái to màu vàng nhạt nước và cơm dừa cũng ngọt, còn những loại khác thì cũng tầm thường thôi. Hằng ngày mỗi buổi đi học về thế nào cũng ngước mắt lên xem trái dừa to nhỏ thế nào để hái. Nói ra chẳng mấy ai tin nhưng có khi bị cha mẹ giận tôi thường leo lên cây dừa nằm lì ở trên cây cả ngày mà chẳng ai biết, không có dao, rựa gì nhưng với hàm răng chắc khỏe thế nào tôi cũng hái vài trái dừa để lót dạ. Lớn lên chút nữa là theo bạn bè đi ăn trộm dừa các cụ phụ lão, hồi ấy cây dừa được găm đinh và dây thép gai quanh góc cây nhiều lắm, nhưng phần vì đói, phần nghịch ngợm chúng tôi vẫn thay nhau trèo lên hái được, có khi bị dượt đuổi cũng ra trò, chân chạy bước thấp bước cao, ngã té nhào mà miệng vẫn cười. Tôi nhớ như in hôm đó đi học tổ về đói bụng quá mấy đứa bạn bảo đi ăn trộm dừa nhưng lại thiếu người leo trèo giỏi nên tôi bảo thôi vè ăn trộm nhà dừa tao, thế là tôi với hai đứa bạn nữa về đến cổng nhà hai đứa đứng ngoài còn tôi vào nhà, vì con chó nó quen nên chẳng sủa, khi leo lên đến cây thì hai thằng bạn nghịch nhau ngoài cổng nên con chó cứ gậm gừ và cất tiếng sủa. Khi ấy anh đầu tôi đang ở nhà đi ra xem, hai thằng bạn sợ quá chạy mất dép, còn tôi thì như bị đóng đinh ở trên cây. Chờ cho anh vào nhà khoảng 15 phút sau tôi mới định hồn và tiếp tục hái dừa, khi hái được ba trái thì ôm không được hết nên một trái rơi xuống đất làm con chó sủa ầm ỉ, sợ quá tôi thả luôn hai trái dừa còn lại và tụt nhanh xuống đất, nhanh chân chạy nhưng không quên mang theo một trái dừa, khi đó anh trai tôi nghe tiếng chó và tiếng dừa rơi nên chạy ra và rượt đuổi theo tôi, chạy đến ngang lùm cây tôi nhanh tay vứt vội trái dừa vào và chạy thoát thân. Khi đã thoát được anh đuổi tôi tìm hai thằng bạn, đến lùm cây lấy lại trái dừa và cùng nhau chia sẽ một trái dừa ăn trộm của gia đình. Có một lần chúng tôi ăn trộm dừa ông B đưa ra ngoài sân trường để ăn bị thầy hiệu trưởng phát hiện mấy thằng bỏ lại cả chùm dừa, thi nhau chạy trốn trong bụng vừa sợ lại vừa tức cười.
- Ăn trộm mía cũng là một trong những việc con nít thời bấy giờ, mía cơ bản lúc ấy chỉ tập trung ở thôn Nội Hòa ( vì đất rộng) Mía lúc ấy chỉ hầu hết là mía lau, ban đêm có khi ban ngày chúng tôi rủ nhau đi ăn trộm mía, cũng bò cũng trườn , gở dây thép gai, giống như lính đặc công. Khi vào đến nơi lấy dao sắc để cứa thân mía cho nó đứt từ từ rồi hạ cây mía xuống cứa phần ngọn bỏ lại cứ như vậy mỗi lần ăn trộm 3 - 5 cây, có khi làm luôn một vác nặng rồi từ từ luồn ra ngoài. Có khi bị phát hiện cũng bị rượt đuổi chạy mất hồn.
- Gói quà: Kỷ niệm này trước hết tôi rất xin lỗi những nạn nhân của trò chơi nghịch ngợm này. Lúc đó mấy đứa con nít chúng tôi hay bày trò này, ban ngày đi gắp phân bò về để bón cho cây ( Lúc ấy nhà tôi vườn rộng nên ba tôi hay trồng thêm cây bí, hành, tỏi, ớt, ….) thế nào tôi thường để dành lại chút ít, sang ngày khác gọi thêm mấy thằng bạn lấy giấy báo gói lại hình vuông buộc lại rất đẹp như gói quà, chờ đến lúc chợ đông chúng tôi đi dọc đường rải “gói quà” xuống đường và tìm chỗ núp kín và theo dõi. mấy bà mấy chị đi chợ khi thấy “gói quà” của ai rơi mắt nhìn quanh rồi nhanh tay bỏ vào cạo trong khi đó mấy thằng tôi thì vừa cười vừa bịt miệng lẫn nhau đến như ngạt thở. Khi người nhặt “gói quà” đi xa thì ôm bụng cười nắc nẻ
.- Thổi tên: Không phải có cung tên mà là chúng tôi tạo ra bằng cách lấy một đoạn ống lá cây đu đủ vừa đủ độ dài, rồi lấy thân cỏ lào đã được gắn thêm mũi tên (thường dùng gai cây ắng hoặc cây chanh) Khi thực hiện bắn tên chúng tôi thường trèo lên cây cao (lúc ấy ở nhà tôi có cây xoan rất lớn) lắp tên vào ống Đu Đủ chờ cho những người đi chợ qua đường rồi hít một hơi thật mạnh thổi vào ống Đu Đủ, mủi tên bay ra và găm vào nón những người đi đường, chẳng mấy ai phát hiện được vì mủi tên rất nhẹ găm rất êm vào nón, có về nhà mới biết được, nhưng chẳng ai biết trò quái quỷ này do mấy đứa con nít chúng tôi làm.
Phần 15: Câu cá, thả lưới, kéo véc, bắt cua
Lần đầu tiên trong đời bắt được một con cá theo đúng nghĩa của nó là tự làm lấy không phụ thuộc ai. Tôi còn nhớ lúc ấy tôi mới 6 tuổi hồi ấy ở quê tôi nhất là khu vực gia đình tôi ở đầm, ao, hồ nhiều lắm, nhất là hố bom, hôm ấy buổi sáng mùa hè thấy các anh chị thi nhau đi câu, còn tôi nhỏ ngồi ở nhà nhìn ra thấy mấy anh câu được nhiều cá thích lắm. Đang buồn chẳng biết làm chi thì thấy một đoạn dây cước có dính liền lưỡi câu, thế là tôi đi tìm cái cần để buộc nhưng tìm đâu có, thế là vào nhà vén chiếu lên rút ngay một thanh vạc gường (vạc gường thời ấy chủ yếu làm bằng tre đã vót nhỏ bện với nhau để nằm) tôi buộc chặt một đầu cước vào vạc gường và đi đào mồi, mồi lúc ấy chủ yếu dùng mồi giun đất, khoản đó tôi rành vì hay thấy các anh làm, chỉ cần ra lạnh nước nơi bỏ lu nước uống lật mấy viên đá lên thế nào cùng có giun. Thế là tôi cầm câu đã móc sẳn mồi đi ra bờ hố bom gần nhà và thả câu, sau 10 phút thấy dây cước bị kéo căng giật mình tôi kéo ngược trở lại thì thấy rất nặng cần vạc tre cong uốn vòng, cứ thế tôi cứ níu và kéo trượt một con cá đô ( Cá Tàu) nặng gần một kg lên bờ, mừng quá tôi chẳng biết làm sao nữa vì hể cứ đụng vào con cá là nó quật, nó nhảy tôi chỉ bằng cách nâng cả câu lẫn cá chạy về nhà cùng lúc đó mạ tôi đi chợ về thấy nét mặt hân hoan của tôi mẹ tôi cũng cười theo (nhưng sau đó tôi cũng bị phạt nặng vì tội lấy vạc gường đi câu cá. Kỷ niệm về câu cá và bắt cá thứ hai tôi còn nhớ như in đó là vào một buổi chiều trời nắng nam rất nóng, hôm đó đi qua một hồ nước bị cạn chỉ còn lại rất ít nước, nước lúc ấy cũng như muốn sôi lên vì trời nắng nóng, mấy chú cá lóc chịu nóng không nổi cũng chui lên khỏi bùn , thấy cá là mừng rồi nên tôi quyết tâm xuống để bắt về nhà nấu canh chua, vừa lội xuống nước thì cũng phải giật mình vì nước rất nóng, bắt cá bằng tay thì không bắt được nên vừa nhìn lên bờ thấy một vỏ lon sữa bò, tôi quyết định dùng lon sữa để múc cá, nghĩ lại thấy mình sao ngu vậy không biết, cứ múc con cá vào lon nó lại nhảy ra, cứ như vậy hì hục cả buổi chiều mới bắt được gần chục con cá lóc.
Lớn lên chút nữa mỗi đợt nghỉ hè tôi lại sắm câu đi câu cá đồng, hồi ấy cơ man nào cá, khi lúa chín hoặc khi có một trận mưa rào xong là chúng tôi cùng nhau đi câu cặm, câu cặm cũng có cần câu nhưng rất ngắn phải cặm sâu vào bùn và cho cần ngập nước vì sợ mất trộm, buổi tối đi bủa câu đến sáng đi lần (lấy) câu, hồi ấy cá rô đồng và cá tàu rất nhiều câu cặm thường cở 50 cần câu thì khi thu câu thế nào cũng được gần 40 con cá. Ban ngày mùa hè thì đi câu cá sông, chủ yếu câu cá tìa, cá heng,..câu cá tìa phả dùng mồi tạp nhưng mỗi khi cá cắm câu thì khâu lùa cá là thích nhất, vì thân hình con cá tìa dẹt nên khi cắm câu lùa nó thì nó chạy liếc qua liếc về rất thích, cần câu lúc nào cũng uốn cong. Nếu câu cá tìa không có thì lên cống 10 của Phú trạch để câu cá ngẹng (ngạnh) cá nghẹng dể câu và rất nhiều, nhưng vì nó nhỏ nên khi cắm câu lùa không thích.
Đi thả lưới: thực ra lúc đó lưới rất hiếm và đắt nên ít được dùng, lưới đi thả thường dùng lưới bén, cước rất mảnh, có được một tay lưới lúc đó là quý lắm. Tôi lúc đó làm gì có lưới mà chủ yếu đi với bạn, chúng tôi lên một cái hố bom, hoặc đám ruộng nào đó rồi thả lưới xuống ven bờ mỗi thằng cầm một cái gậy thi nhau đập nước. Đi thả lưới thì cá đủ loại nhưng tôi chả thích vì không khi nào nó cho tôi cầm lưới vì sợ lưới rách.
Kéo véc : mỗi lần nghe Ba của đứa bạn thân gọi đi kéo véc là tôi thích lắm, thực ra đi phụ kéo thôi chứ nhà tôi làm gì có lưới véc, nhưng rất thích vì được kéo và mỗi lần kéo như vậy cá cũng rất nhiều, chỉ cần chọn địa điểm một hoặc hai người giữ mỗi càng để kéo, còn khi đến gần nhau một người phải kéo đường có gắn chì kép vào nhau để cá khỏi ra ngoài, nếu ai một lần đi kéo véc thì khó quên vì cá nhiều bị vây lại nó cứ nhảy chồm lên loạn xạ.
Bắt cua: Cua sông (cua bể) Hồi ấy cua sông sao nhiều thế, hôm nào trời có trăng non là tôi lại hẹn mấy anh em bạn bè đi soi cua (bắt cua) soi cua phải dùng đến đuốc ngày ấy chủ yếu dùng dép cao su hoặc lóp xe hỏng, chỉ cần đi một đoạn đường gần 1km dọc mép sông từ cầu cụt lên đến cầu dài là có thể được vài chục con cua bể, con nhỏ thì 1-2 lạng con lớn cở 5 - 7 lạng, khi soi đuốc gần bờ nhất là những chỗ kẹt đá, và nơi rong rêu nhiều thấy con cua lúc ẩn lúc hiện dơ 2 cái càng lên là nhanh tay dùng vợt chụp lấy, có khi chụp bằng tay bị nó cắm miệng la oai oái, khi bàn tay đưa lên thì chỉ còn 1 hoặc 2 cái càng cua đang gắp vào da thịt. Về sau cua ngày càng ít, lúc ấy phải đi bắt xa hơn có khi lên đến tận Hiền Sơn xã Phú Trạch, riêng tôi khoái nhất là bắt cua lột, con cua đã lột vỏ (thay vỏ) nó mền nhũng nằm sát gần bờ đung đưa theo từng đợt sóng vỗ, khi mà ăn lại rất ngon, đặc biệt về nấu bát cháo cua cho em út ăn thì nó mừng đáo để.. Khoái nhất là chụp được một cặp hoặc 1 con cua bồng, cua bồng thường chỉ gặp những ngày nắng gắt, thường 1 cặp cả đực lẫn cái rất to mỗi con có khi cả 1 kg, cua bồng ôm nhau bơi nổi trên mặt nước.

Không có nhận xét nào: