Tìm lại tuổi thơ (Chương VI)

Phần 16: Xin cá:
Thời con nít phần đa số chúng tôi ai cũng có lần đi xin cá, riêng với tôi thì đó cũng là những kỉ niệm khó quên. Phần do gia đình khó khăn, phần vì trong nhà không có ai đi biển nên còn thiếu thốn món ăn tươi. Tôi nhớ lúc ấy khoảng 7 tuổi tôi đã bắt đầu đi xin cá ăn, tùy theo buổi học và ngày nghỉ, nếu nghĩ được buổi sáng, thì từ mờ sáng tin mơ tôi đã phải dậy để đi xin cá, dụng cụ chả có gì ngoài cái vợt lưới. Lúc ấy đang còn hợp tác xã ngư nghiệp, khi đi đến nơi chờ thuyền đi đèn vào là đến để xin, trong lúc chờ cá vào bờ chúng tôi thường đãi ngao.
Khi thuyền cặp bến mọi người ùa nhau xuống để cân cá, tranh nhau xin thập chí ăn trộm, còn tôi phần vì nhỏ người phần chưa biết bơi nên không dám đi ra nơi thuyền vào cặp bến tôi chỉ quanh quẩn trên bờ chờ cho người ta khiêng cá lên bờ nhìn thấy người quen là chạy đến để xin, hôm nào cá mực nhiều và gặp được người bà con thì được một vài kg có hôm phải về tay không. Nếu nghỉ buổi chiều thì đi xin cá nghề. Lớn lên đi được đi ăn học và cho đến bây giờ tôi vẫn không quên ơn những con người một nắng hai sương, bán lưng cho trời bán mặt cho biển đã hổ trợ cho tôi và gia đình có được những bữa cá tươi.
Kỷ niệm trong đời đi xin cá tôi nhớ nhất có một hôm đi xin cá đèn vào buổi sáng tin mơ tôi đã dậy cầm lấy vợt đi ra biển, gió lạnh áp vào người làm tôi sởn gai óc, đi ra đường lòi, lúc ấy nhà của chưa có nhiều như bây giờ đoạn đường ấy quả gian nan đối với tôi, đi qua lòi nghĩa phải đi qua nghĩa địa, không có nhà, và những bộ xương người bị gió lào thổi bay mất cá lộ nguyên hình, Hôm ấy ra đến nơi xin chẳng được con nào, đang buồn lững thững đi về và suy nghĩ, sáng nay không biết 3 anh em phải ăn gì đây ( Ba tôi đi làm 1 tuần về 1 lần, mẹ tôi đi làng) đang đi trên bờ thì thấy có một cái thuyền bơ (nan) chèo vào, tôi đứng lại xem thuyền ai, có quen không, thì rất may vì đó là bơ của ông T và ông V (2 ông này bố tôi gọi bằng chú bên dòng họ) Tôi mừng như bắt được của, khi bơ 2 ông vào tôi chạy đến, thì cũng thật đáng buồn vì hôm ấy 2 ông đi câu về cũng chẳng có gì. Lúc ấy ông T lấy trong nồi ra một con mực lá khoảng 7 lạng đã luộc chín, ông bảo cầm về mà ăn cho em cùng, trên đường về đến nhà tay cầm con mực đã chín, bụng thì đói cồn cào vì phải dậy sớm ra biển chưa có gì ăn, lẽ ra tôi phải về nhà để ăn cùng em cho vui, nhưng thôi giải quyết cái bụng đói đã thề là tôi ăn, trước khi ăn còn lấy gang đo để chia phần cho anh và em tôi, trên đường đi ai gặp cũng cười, về đến nhà tôi mới biết vì đói quá vội ăn nên để bọng mực lem luốc cả mặt miệng.
Phần 17: Đi lặt vai ( Nhặt vai)
Đi nhặt vai ( vai ở đây là những mãnh gổ mụn được thợ thuyền đẽo, bào, cưa ra từ gỗ). Lúc ấy đang còn hợp tác xã đóng tàu thuyền, tôi thường đi nhặt vai về để dùng làm củi đốt cho gia đình ( củi đốt lúc đó rất nhiều vì rừng gần ) nhưng vì nhỏ nên chưa đi củi được thì đi nhặt vai. Đi nhặt vai dụng cụ chẳng có gì ngoài một cái thúng, sau khi ăn sáng xong là tay cầm thúng hoặc cạo để lên đường đến xưởng đóng tàu thuyền, Lúc ấy ở xưởng đóng tàu thuyền của hợp tác xã bà con tôi làm ở đó rất đông ( có các chú, cậu, các anh bà con bên nội bên ngoại có cả) việc nhặt vai chả khó gì chỉ ngồi chờ hoặc đi lấy dụng cụ cho mấy người lớn rồi chờ người ta đẽo vai ra rồi nhặt về, khó nhất là phải nhanh tay chân và nhanh mắt tránh ông giữ kho không thì ông ấy thu hết, đến giờ ăn cơm khi nào ra về cũng đột trên đầu một thúng chất đầy, lúc ấy nhà tôi có một vị trí để đựng vai như một cái kho vậy.Nếu không có vai thì chúng tôi dùng một cái đinh đóng thuyền (đinh rất to) đập gãy phần đầu mài dẹt lại tạo thành cái đục để đi đục võ cây gỗ của hợp tác xã. Bây giờ hợp tác xã giải thể đã lâu, nhưng mỗi lần đi qua vị trí của Hợp tác xã củ (ở nhà Mẫu giáo hiện nay) lòng tôi lại dâng lên cảm giác lưng lưng khó tả, kỷ niệm sâu sắc trong thời con nít đi nhặt vai.
Phần 18: Hái rau cho lợn
Tôi còn nhớ lúc ấy mới có 10 tuổi đã phải đi hái rau để cho lợn ăn. Hồi ấy vùng đất nhà tôi hiện đang ở nhà cửa thưa thớt đất rộng nên hầu như nhà nào cũng chăn nuôi lợn 2 đến 3 con. Thông thường lợn giống mẹ tôi mua ở Làng ( Toóc) về. Phần vì thức ăn cho lợn đắt đỏ, cơm người ăn đang còn trộn mì, khoai, sắn lấy gì cho lợn ăn, nên hằng ngày tôi phải đi hái rau, đi hái rau cũng đơn giản chỉ cần cầm một cái thúng và một cây liềm để đào rau. Ngày nào cũng vậy chỉ cần cầm dụng cụ đi lên đồng ruộng của Phú Trạch đã cắt lúa, rau mít, rau khoai, môn..mọc đầy chỉ cần chăm chỉ là sau 1 giờ là đủ rau để pha trộn với cám gạo và chuối cây cho lợn ăn, nuôi lợn lúc bấy giờ phải 7 đến 8 tháng có khi cả năm con lợn mới lớn 70 đến 80kg. Chúng tôi trông chờ từng ngày để được ăn một bữa thịt lợn cho thỏa thích, và có tiền để mẹ mua cho bộ áo quần mới, nhưng lợn chỉ thường được mổ vào ngày tết.

Phần 19: Đi hái củi
Thời niên thiếu hầu hết bọn trẻ chúng tôi ai cũng kinh qua đi hái củi, đập mậm ( đào gốc cây)., với tôi còn nhỏ thì đi lặt vai, lớn lên khoảng 13 tuổi bắt đầu đi hái củi, củi đốt là một phần không thể thiếu của mọi gia đình lúc bấy giờ, chỉ có nhà nào khá giả thì họ dùng tiền để mua củi, còn lại hầu hết chúng tôi phải tự đi chặt củi để nấu nướng và sưởi ấm mùa đông. Thường thì sau mỗi buổi đi học về hoặc ngày nghỉ, sau khi ăn cơm xong là chúng tôi gọi nhau đi hái củi, lúc ấy củi cũng nhiều lên đến núi Ông Trượng là đã có củi để chặt về sau củi ít phải đi xa hơn vào đến tận Nước Con Trâu, Đá Đen hoặc đi xa hơn nữa thì vào Ba Trại. Tôi còn nhớ như in hôm đó tôi cùng mất đứa bạn đang nghĩ hè. Đêm ấy trăng rằm rất sáng chúng tôi chơi rất khuya nên buồn ngủ, vừa mới ngủ được chút ít đã nghe gà gáy cứ tưởng trời đã sáng ( lúc ấy đồng hồ rất hiếm nên không biết mấy giờ) Thế là cả bọn gọi nhau í ới đòn gánh và dây lên đường, vừa đi vừa hát lên đến đỉnh núi Ông Trượng thì mới biết trời cần lâu mới sáng, nên mấy đứa chúng tôi lấy khoai ra ăn rồi nằm trên tảng đá để ngũ nhưng không quên lột vỏ khoai (để vỏ trên tảng đá khi nắng lên nó khô lại, khi đi về nếu đói thì lấy mà ăn), sáng ra mới thấy một con rắn đang ngũ chung với mình lúc đó mới giật bắn người. Hồi ấy rắn nhiều vô kể nhất là rắn lục, nếu ai từng đi củi ở Nước Con Trâu ( Ở vách núi có khe nước) thì mới cảm nhận được rắn lục nhiều thế nào, thường chúng tôi chỉ dám chặt củi ở phần lưng chừng núi, khi nào khát nước mới dám xuống khe, xuống đó thì cẩn thận kẻo rắn lục, vừa đi vừa dùng rựa chặt cây phát đường vừa nhì thấy rắn vắt vẻo trên cây mà ớn lạnh cả người, có khi về đến nhà mới biết mình đang gánh cả một con rắn lục về, không biết nó chui vào lúc nào vào trong bó củi. Có một lần nghe các anh chị bảo ở Ba Trại củi nhiều và đẹp nên đi theo, hôm ấy vào đến nơi đã mệt dã rời vì đường xa lại khó đi, nhưng thấy củi thì thật đã con mắt, thế là cứ lao và chặt lấy chặt để, khi chặt xong thấy hai bó củi to và cây thẳng thật đẹp, nhưng than ôi, sức người thì ít mà lại ham, gánh đi chừng một cây số thì thở muốn đứt hơi, bỏ đi thì tiếc thế là cứ gắng nhưng chừng thêm cây số nữa thì gánh hết nổi vậy nên phải mở ra bớt củi đi và bó lại, đi được chừng cây số nữa vẫn gắng không được lại bớt củi, cứ như vậy khi về đến núi Ông Trượng thì trời cũng đã xế chiều bụng lại đói dép cao xu lại đứt quai, bước đi chân thấp chân cao vừa gánh củi vừa khóc, hôm ấy ở nhà thấy đi lâu về anh trai đi đón, vừa nhìn thấy anh miệng đã khóc òa lên nức nỡ.
Đi củi mậm: thường đi vào buổi sáng nghỉ học hoặc nghỉ hè , đào được gốc cây phải dùng đến dụng cụ chuyên biệt đó là cúp một đầu chặt và một đầu đào, gánh mậm phải dùng đến gánh sắt hoặc đồng, góc mận đào được phần ngọn quay vào trong phần góc quay ra ngoài. Góc mận đốt than thường đào góc sim, góc rèng rèng, góc dẻ…năm nào cũng vậy mọi nhà đều có góc mậm để dành cho mùa đông đốt sưởi ấm vì trời rét và áo quần chưa đủ ấm, nhà cửa chưa được kín như bây giờ. Lúc ấy ông bà già và người bệnh thường chết về mùa đông do lạnh và đói.
Hái củi vui nhất là hái củi cháy, đúng ra lúc đó mong được cháy rừng để đi củi. Hôm nào thấy trên rừng cháy là cả bọn trẻ chúng tôi hăm hở đi hái củi cháy, có ngày đi 2 đến 3 chuyến , vừa gánh về ăn vội rồi đi ngay mặt mũi, áo quần đứa nào đứa nấy lem luốc nhưng miệng vẫn giòn cười và ham hở bước đi.
Mùa đông bão đến thường chúng tôi đi nhặt củi rều, củi rều đủ loại nào ván, gổ, củi ở tận đâu đâu do sóng biển đưa về.

Phần 20: Tập nấu ăn
Chuyện nấu ăn có gì để kể, nhưng với tôi có những kỷ niệm sâu sắc riêng, nhà đơn người lúc tôi lên 7 tuổi mệ nội tôi đã qua đời, Anh lớn lại đi học, ba đi làm xa mạ hay vắng nhà, chỉ đơn độc 2 anh em tôi, vì vậy tôi tập nấu ăn rất sớm khoảng 8 tuổi tôi đã bắt đầu được mạ tập cho nấu ăn. Bài tập đầu tiên là nấu khoai, khoai lang lúc đó nhiều và chủ yếu là thực phẩm chính của gia đình, hôm đó theo dự kiến mạ tôi bảo tôi đi rữa khoai bỏ vài nồi, chế nước, một nồi khoai cở nồi 6 lon bây giờ thì chế một nữa gáo nước lạnh, khó nhất với tôi là mồi lửa, bàn tay run run cầm lấy hộp diêm thống nhất để quẹt lửa, phải 5 đến 6 lần tôi mới quẹt được diêm đỏ rồi nhanh tay lấy vai bào ( gỗ đã được bào mỏng) để chụm lửa, khi lửa bắt đầu bén thì dùng vai nhỏ bỏ lên để cho lửa cháy, tiếp tục đưa vai lớn hơn để duy tùy lửa. Sau khi đỏ lửa đưa nồi khoai lên để luộc, cở 15 phút sau nước bắt đầu sôi sau 10 phút tiếp theo mùi khoai bắt đầu tỏa ra thơm nòng, kể từ khi bắt đầu đến khoai chin gần 30 phút.(bây giờ nấu lửa bếp ga nhanh hơn nhiều) khi muốn biết khoai chín chưa thì dùng 1 chiếc đũa xăm thử, nếu chiếc đũa xuyên qua được thân củ khoai là khoai đã chín. Sau khi tập nấu khoai xong bắt đầu mạ tập cho tôi nấu cơm, nấu cơm đơn giản hơn nấu khoai nhưng cẩn thận không thì cơm cháy hoặc sống là khổ, sau khi đỏ lửa vo gạo chỉ được vo 2 lần thôi nhưng khó nhất là lượt sạn, gạo hồi đó sao sạn và đất nhiều thế, dùng 1 cái rá nhỏ rồi ngâm cả gạo xuống nước sàng qua sàng về lấy phần gạo ở trên còn đất và sạn tụ lại ở dưới. Khi vo gạo xong là chế nước, nước nhiều thì cơm nhão, nước ít thì cơm sống, nhưng có một kinh nghiệm khi chế nước dùng một ngón tay đặt thẳng đứng xuống nước ngậm đúng một lóng (đốt) là được. Khi cơm bắt đầu sôi phải dùng một đôi đũa để đảo gạo cho cơm chín đều, nhớ canh chừng dỡ vung kẻo nước sôi đẩy vung ra thì tắt lửa. Khi gạo cơm đã cạn nước thì hạ nồi xuống rạt tro mun ra đặt nồi lên gần bếp lửa, chú ý vần nồi đều thường xuyên để cơm chín đều. Khổ nhất là cơm sống, cơm sống? đơn giản thôi, chỉ cần dùng muối hạt, cõ một nắm muối hạt bỏ vào lửa để tăng nhiệt độ, lấy thêm khăn tay nhúng nước đê đắt lên vung, bí quá nếu làm vậy mà còn sợ chưa chín ( chú ý hạn chế mở nắp nồi cơm) thì lật ngược nồi cơm lại cho vung nằm dưới lửa tiếp tục bỏ thêm nắm muối nữa.
Nấu canh: lúc đó tôi khoảng 10 tuổi thật buồn cười, cả nhà đi vắng lại có ấy chú bác làm giúp nhà, như vậy đương nhiên tôi làm bếp trưởng, sau khi nấu cơm kho cá xong tôi nấu canh, phi hành mỡ thì tôi dã thông thạo rồi, nhưng lúc ấy nêm canh vì thường ngày tôi nấu nồi nhỏ, hôm ấy đông người lại nấu nồi to, vì vậy nêm muối không có chừng nên nêm mãi nó vẫn nhạt. Đến khi lúc ấy cũng quá trưa mấy chú bác chờ cơm tôi nhở tay đổ cả bát muối vào, lòng hoảng sợ bị mấy chú bác về mách ba, mạ tôi lấy luôn hộp đường cho luôn vào nồi canh, khi ăn chắc mọi người cũng biết nồi canh kỷ niệm trong đời tôi như một nồi chè.
Làm bánh mì: hồi ấy tiêu chuẩn sáng của 2 anh em tôi thường được một lon bột mì, sáng ra thường 5 giờ tôi phải dậy làm bánh (sau này lớn hơn tôi thường xuyên phải nấu sáng cho cả nhà ăn) sau khi trộn bột với ít nước trộn đều lại chú ý đừng để nhão quá, tôi lấy một cái nắp vung (nắp xoong đúc) dàn bột đã trộn lên nắp (chiều dày của bánh khoảng 1,5 cm), đặt lên bếp lửa, chờ khoảng 10 phút lật ngược phần bánh còn lại xuống nắp đun lửa tiếp (chủ yếu lửa than nếu không bánh không chín đều) 10 phút là có ngay một chiếc bánh nướng ăn rất thơm và ngon, nếu rảnh ai muốn làm thử thì nên thưởng thức một lần.


Phần 21: Chăm em, giữ nhà
Tôi có biệt danh là thằng giữ của, đúng vậy chắc cũng vì hoàn cảnh thôi. Hồi ấy khoảng 8 tuổi là cả nhà tôi ba, mạ, anh thường xuyên vắng nhà, vì vậy tôi phải giữ nhà. Cũng đơn giản nhưng cũng phức tạp đối với tôi, phần lo cơm nước cho mình và cho em , phần còn lo học bài.
Lo giữ nhà: Thực ra kẻ trộm lúc ấy cũng không nhiều, nhưng mỗi lầm Ba không về mạ đi làng, anh đi học là tôi lo ngay ngáy. Sáng sớm ra tôi đã triệu tập mấy anh chị con mấy Bác và Gì có khi con của anh con Gì đến để chơi và thông báo chuẩn bị ra nhà tôi ngủ để canh nhà. Sau khi cơm nước buổi tối xong các anh chị em lần lượt kéo nhau đến, chúng tôi tranh thủ học bài đôi chút còn lại thời gian bao nhiêu là chơi, trò chơi chủ yếu đánh tặng, và ù mọi, chơi đến khuya đứa nào đứa nấy mệt lử mắt buồn ngủ lúc đó tôi mới phân công người đi khóa cửa, khóa chưa yên tâm thì lấy thêm dây buộc và bàn ghế chèn vào cửa, mỗi người một con dao án ngự mỗi cửa ra vào và cửa sổ. Sau khi mọi người yên vị trí tôi kiểm tra một lượt thấy yên tâm lúc đó mới ngủ. Thực ra nếu có kẻ trộm lúc ấy vào dinh cả người thì cũng chẳng ai biết.
Lo trông em: Ai có em út thì mới hiểu, với tôi tuổi thơ tôi gắn liền với việc trông trẻ. Em gái tôi thua tôi 7 tuổi, kí ức đầu tiên hôm nó ra đời tôi đang nằm cạnh mệ tôi, giữa đêm khuya đang ngũ tôi chợt thức giấc nói với mệ, mệ ơi con mèo nào kêu to thế? Ngày mai tôi đã có một đứa em gái rất xinh còn đỏ hỏm.
Thực lòng mà nói tôi cam em tôi nhiều lắm, khi nó chập chững biết đi cũng là lúc mẹ tôi phải đi làng để đổi khoai lúa, khi ấy mệ nội tôi cũng mới qua đời, vì vậy công việc trông giữ em hoàn toàn phó mặc cho tôi. Việc cho nó ăn, dỗ cho nó nín là cả một việc gian nan đối với một đứa trẻ vừa chớm 10 tuổi như tôi, sáng ra ngũ dậy đã phải khuấy hồ nấu cháo cho nó ăn ăn xong vội vàng rữa bát lại cầm lấy cặp sách vỡ, khóa cửa nhà cõng em trên lưng chạy ra nhà mự cách nhà tôi gần km để gửi em, có khi mệt dậy muộn vừa cõng em vừa chạy cho kịp giờ lên lớp, gặp ngày trời mưa lại rất khổ, có khi cõng em vấp đá ngã em khóc, anh xót cũng khóc theo. ..

Bạn đọc thân mến, tôi là một thằng đi học môn văn chưa bao giờ được điểm 7, nhưng cũng muốn viết bài cho vui thôi, có gì mong các bạn thông cảm. Đi tìm tuổi thơ của tôi cũng phần nào đó là tuổi thơ của các bạn. Viết lại được ký ức tuổi thơ tôi mới hiểu rằng, vì sao mọi người dù đi đâu, sống và làm việc gì đến cuối đời cũng muốn trở về nơi quê hương chôn rau cắt rốn.

Không có nhận xét nào: