Quê hương Lý Hòa - Hải Trạch





Nằm trên đường Thiên Lý Bắc - Nam, cách sông Gianh 9km về phía Nam và cách Thành phố Đồng Hới 12km về phía Bắc là làng biển Lý Hoà - Hải Trạch. Làng Lý Hoà - Hải Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm vào toạ độ 17,40 vĩ độ Bắc và 106,35 độ kinh Đông.

Làng Lý Hoà - Hải Trạch phía Bắc giáp làng Bồ Khê xã Thanh Trạch, phía Tây giáp làng Thiện Yên xã Phú Trạch, phía Nam là sông Lý Hoà, bên kia sông là làng Mai Hồng xã Đồng Trạch và thôn Trung Đức xã Đức Trạch, phía Đông là Biển Đông. Địa hình làng Lý Hoà - Hải Trạch thấp dần từ Bắc xuống Đông Nam, nơi cao và rộng nhất là Đèo Lý Hoà, nơi thấp và hẹp nhất là cữa sông Lý Hoà.

Diện tích tự nhiên hơn 126 ha, có hai vùng địa hình có liên quan đến nhau trong một hình thế địa lý hoàn chỉnh. Vùng đồi núi ở phía Bắc còn gọi là Đèo Lý Hoà chiếm khoảng 2/3 diện tích tự nhiên.
Đèo lý Hoà xuất phát từ dãy núi Trường Sơn đâm ra biển cách ngang địa hình làng Lý Hoà - Hải Trạch. Theo Lê Quý Đôn miêu tả trong sách Phủ biên tạp lục : “Núi lệ đệ tự đầu nguồn dưới đến bờ biển dẫu không cao lắm nhưng liên tục hơn trăm ngọn chắn ngay đường vào Thuận Hoá”. Đèo Lý Hoà và làng Lý Hòa là một quần thể danh thắng thiên nhiên được Bộ văn hóa thông tin công nhận là “ Di tích thắng cảnh “ cấp quốc gia và cùng với Đèo Ngang là những danh thắng thiên nhiên trên đất Quảng Bình.


( Chùa Lý Hòa)
Đặc điểm địa hình, địa chất đèo Lý Hoà, đó là một dãy núi đá với lớp đất mặt dày chưa đến 01m. Do ở sát biển nên thảm thực vật ở đây không có các lọai cây gỗ lớn mà chỉ có các loại cây bụi như: Sim, Moóc, Mua, Muồng... sau năm 1954 có trồng thêm cây thông nhựa. Đèo Lý Hoà có nhiều khe suối nhỏ,dưới chân đèo, về phía Bắc hơn một ki lô mét có khe Nước, một nhánh chảy về sông Đặng Đề ( sông thanh Ba), một nhánh chảy ra Biển. Ơ chân đèo, phía Nam có khe nước Động Môn. Nơi Núi sát biển có hòn Động Màn ( còn gọi là đỉnh 75) đây là hai cao điểm có giá trị về mặt chiến lược quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, bộ đội và dân quân Lý Hoà - Hải Trạch đã lập đài quan sát và xây dựng các trận địa phòng không đánh máy bay Mỹ. Đèo Lý Hoà không chỉ có giá trị về mặt quân sự mà còn là bức bình phong tự nhiên chắn gió mùa đông bắc và bão tố cho cả một vùng dân cư rộng lớn phía nam tỉnh Quảng Bình, là nơi du lịch sinh thái rừng, du lịch biển lý tưởng của du khách gần xa.


Chiếm 1/3 diện tích tự nhiên còn lại của Làng là vùng đất cát ven biển kéo dài từ dưới chân đèo Lý Hoà đến cữa sông Lý Hoà. Đây là nơi cư trú của hơn một vạn dân cư làng biển Lý Hoà, một kho người, kho của là tiềm lực về vật chất và tinh thần của làng Lý Hoà và cư dân trong vùng. Như Lê Quý Đôn mô tả trong cuốn Phủ biên tạp lục: “Thôn Lý Hoà, châu nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rủ xuống thành một bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng. Dân cư ở ngay bãi trụng về phía Nam, bên tả ngạn ôm lấy sông Thuận Cô, từ bên hữu ngạn chạy lại làm án cho nên nhân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người, tục quen buôn bán, thời bình vào Gia Định đóng thuyền nan hơn trăm chiếc đem về bán…”

(Đá nhảy)

Làng Lý Hoà - Hải Trạch tựa như một bán đảo nhỏ, phía Tây Nam, phía Đông là sông và biển, phía Bắc có Đèo Lý Hoà nối làng với đất liền. Chính do điều kiện địa lý tự nhiên và thiên thời, địa lợi đó tạo nên cho làng biển Lý Hòa một phong cảnh hữu tình đầy thơ mộng : “Núi giăng một mặt, nước vây ba bề”. Đặc biệt hiện nay đất nước đổi mới, người dân Lý Hoà - Hải Trạch có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu cho xã hội và gia đình đã đem đến cho mỗi gia đình và cả làng quê những đổi thay to lớn. Trường học, trạm y tế, chợ và hàng trăm nhà ở được xây kiên cố mái bằng, mái ngói , đường làng được trải bê tông, ngõ xóm được lát đỏ, kè sông, kè biển được kiên cố bê tông hoá, đường điện cao áp chiếu sáng từ đầu làng đến cuối làng lên tới Đá Bụt càng tô thêm cảnh đẹp và sự phồn thịnh cho làng.

Lý Hoà - Hải Trạch là một làng thuần Việt, từ thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lý Hoà thuộc thuộc Bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Trong thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, vùng đất Việt Thường ấy được đổi thành quận Nhật Nam. Năm 192, dưới thời Nhà Hán, khu liên ( Người thuộc huyện Tây Quyển ) cùng nhân dân Chăm nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc dựng nên nước Lâm ấp ( Còn gọi là Hoàn Vương hoặc Chiêm Thành hay Chăm Pa ). Nước Lâm ấp có 5 châu: Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, Châu Ô và Châu Lý. Vùng đất Lý Hoà lúc đó thuộc châu Bố Chính. Sau khi nước Đại Việt ra đời, để giữ vững nền độc lập và mở rộng bờ cõi về phía Nam, năm 1069 vua Lý Thánh Tông cử đại tướng Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm Thành bắt được vua nước Chiêm là Chế Mân . Để chuộc mạng sống, Chế Mân đã đem dâng 03 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (vùng đất Nam Hoành Sơn) cho vua Lý. Vùng đất lý Hoà trở về với Đại Việt. Năm 1075, vua Chiêm Thành là Ha Ri Va Ma đem quân ra đánh phá vùng đất phía nam Đại Việt hòng lấy lại 03 châu đã mất. Tháng 8 năm 1075, vua Lý Nhân Tông ( 1072 - 1127 ) cử Lý Thường Kiệt đi đánh Chiêm. Lý Thường Kiệt thực hiện chiến lược vừa dùng quân đội tiến đánh đẩy lui quân Chiêm về phía Nam, vừa chiêu mộ dân ở các vùng phía Bắc đi vào vùng đất mới đánh chiếm được, lập làng định cư lâu dài. Để khẳng định bờ cõi nước Đại Việt, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ và đổi châu Bố Chính, châu Địa Lý thành châu Lâm Bình; châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Vùng đất Lý Hoà lúc này thuộc châu Bố Chính. Dưới thời nhà Trần vào năm 1306, vua Chiêm Thành lần nữa kéo quân ra đánh Đại Việt, để bảo vệ biên cương phía Nam, vua Trần Dụ Tông đã đưa thuỷ binh từ Bắc vào cùng với cư dân địa phương dàn trận tại cữa biển Dĩ Lý, đánh tan quân Chiêm
(Trạm y tế)

Cuối thế kỷ XVIII, vì lợi ích dòng họ, hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn đã gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và sông Gianh trở thành giới tuyến chia cắt đất nước. Trong cuộc chiến tranh này có hàng chục cuộc binh lửa đã diễn ra trên đất Quảng Bình. Từ trận đánh đầu tiên vào năm 1627 đến trận đánh cuối cùng năm 1672, mỗi lần đưa quân ra Bắc đánh Trịnh, các chúa Nguyễn đều lấy làng Lý Minh ở bờ Bắc sông Thuận Cô, làm nơi đặt đại bản doanh bộ chỉ huy tiền phương, nơi hậu cần tập kết quân lương, nơi đồn trú của quân thủy, bộ; tại đây, các chúa Nguyển còn chọn ngư dân làng Lý Ninh lập thành đội Trường Đà tham gia vào việc vận chuyển quân lương cho quân đội. Đây cũng là cơ sở để năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trên đường đưa quân ra Bắc đánh Trịnh đến Lý hòa cho lập đội thủy vận ( đội Trường đà) và chọn một số ngư dân Lý Hòa tham gia vào đội thuyền vận tải quân lương . Năm 1775, nhà bác học Lê Quý Đôn ở xứ đàng ngoài khi đi vào xứ đàng trong nhìn thấy khoảnh đất bình sa bằng phẳng dưới chân núi Lệ Đệ đẹp như trong tranh, làng xóm đông đúc, thanh bình; thuyền bề tấp nập đi lại trên sông; một vùng đất mà “núi giăng một phía, nước vây ba bề’, “trên bến, dưới thuyền” tức cảnh ,Ông đã ghi lại: "Thôn Lý Hòa, chân Nam Bố chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rũ xuống thành bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng dân cư ngang bãi trong về phía Nam…". Năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng, Châu Bồ chính thức được đổi thành huyện Bố Trạch, thôn Lý Hòa lúc này thuộc huyện Bố Trạch.
Dưới thời Pháp thuộc thôn, xã đổi thành làng, trên làng có tổng, trên tổng là huyện (hoặc phủ) trên phủ là Tỉnh. Thôn Lý Hòa thuộc tổng Hà Bạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời , cấp tổng bị xóa bỏ, phủ được gọi là huyện, thôn Lý Hòa được gọi thành làng Lý Hòa thuộc huyện Bố Trạch. Năm 1947, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, thực hiện chủ trương của ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Bình, làng Lý Hòa và các thôn, làng: Quy Đức, Đồng Cao, Mai Hồng, Thiện Yên, Hỷ Duyệt, Mục Tượng, làng Can ,Vạn Lộc, Hoàn Phúc… sát nhập lại thành xã Hải Trạch . Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, năm 1956, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam: "Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà", thi hành chủ trương của ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình, xã Hải Trạch được chia thành 6 xã mới: Đức Trạch, Đồng Trạch, Phú Trạch, Vạn Trạch, Hoàn Trạch và Hải Trạch; làng Lý Hòa được vinh dự mang tên xã Hải Trạch cho đến ngày nay.
(Lý Hòa về đêm)
Như vậy trãi qua hàng trăm năm, từ thời nhà Trần (1306) đến nay (2010) với biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất nhỏ phía Nam dưới chân núi Lệ Đệ, bắc sông Thuận Cô từ khi có con người đến ở là có làng, có thôn xóm, có tên gọi, có tổ chức hành chính, vùng đất đó có lịch sử. Theo sử củ ghi lại, vùng đất này vào đời nhà Trần (1306) có tên gọi “Dĩ Lý”, trong thời kỳ chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1627 - 1672) mang tên “Lý Ninh” và đến năm 1775 có tên Lý Hòa và hiện nay được gọi xã Hải Trạch. Mặc dù, tên gọi làng Lý Hòa mỗi thời kỳ có khác nhau, nhưng thời nào cũng vậy, chử “ Lý” không bao giờ mất đi mà vẫn tồn tại với thời gian, với lịch sử phát triển của làng. Buổi ban đầu khai đất, lập làng ( 1306) chử “Lý” đứng sau chử “Dĩ”, đến năm 1627 chử “Lý” đứng trước chử “Ninh” và năm 1775 chử “lý” đứng trước chử “Hòa”. Đó là: Dĩ Lý - Lý Ninh - Lý Hòa. Chính sự tồn tại vĩnh hằng của chử “Lý” đã đem đến cho người dân Lý Hòa và du khách muôn phương biết và luôn nhớ về vùng đất, con Người Lý Hòa. Chính đây là cội nguồn sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn của biết bao thế hệ người Lý Hòa dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về cội nguồn quê hương để tự hào từ đó tu đức, tu tài, rèn chí phấn đấu vươn lên bằng anh, bằng chị.
(Đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ và Trường Tiểu học Lý Hòa)

Vậy nên, xét về quá trình thành lập làng, từ khi mang tên Dĩ Lý (1306) đến nay (2010) làng Lý Hòa đã có hàng trăm năm xây dựng và phát triển. Nếu chỉ tính từ năn 1627 khi làng có tên Lý Ninh đến nay (2010) lịch sử hình thành và phát triển của làng Lý Hòa đã có 373 năm.
Về nguồn gốc dân cư, căn cứ vào thần phả làng thờ tại Đình Lý Hòa và các gia phả dòng họ Hồ, Nguyễn, Hoàng, Lê, Phan…và lịch sử làng Cương Gián thì người Lý Hòa chính là người làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh di cư vào (1). Việc người Lý Hòa rời khỏi thôn Lý Hòa, làng Cương Gián di dân vào Nam Hoành Sơn là do không chịu được sự thống trị tàn bạo của chế độ phong kiến và cuộc sống đầy cơ hàn của người dân làng biển nghèo nên đã bỏ làng đi tìm đất mới định cư. Người Lý Hòa sau khi vượt biển qua Hoành Sơn và qua dãy núi Lệ Đệ, gặp bãi cát bằng, có núi, có sông, có biển; trước cảnh sông, nước, mây, trời, núi non gần giống ở quê nhà và hợp với nghề làm biển của ông cha nên đã vào ở lại định cư. Nơi đất khách quê người, sống trong cảnh tha hương, người dân Cương Gián mới đến đã gọi con sông nơi đang ở là sông Thuận Cô. Buổi đầu họ định cư ở bờ Nam, sau thấy vùng đất bờ Bắc bằng phẳng có núi cao che chắn và cú nhiều lợi thế cho việc phát triển về lâu, về dài của con cháu nên đã dời sang bờ Bắc định cư. Buổi đầu dân cư chỉ có ít người, sau khi thấy vùng đất mới yên lành, dễ bề kiếm sống “đất lành, chim đậu”, những người đi trước mỡ đường đã cho người về lại quê củ Cương Gián, vận động bà con, con cháu tiếp tục vào ở đến năm 1775 “Dân đinh lên tới nghìn người”. Đến trước năm 1945, làng có 12 dòng họ, trong đó có 02 dòng họ Hồ và Nguyễn Duy là hai dũng họ lớn có danh tiếng, được xếp vào hàng thứ bậc đứng đầu các dòng họ nên dân làng có câu "Đông Hồ, Tây Nguyễn". Sau năm 1945, một số họ mới và nhiều nam thanh, nữ tú từ các nơi đến đây làm ăn, sinh sống, "lấy chồng, gả vợ" định cư nhập tịch vào làng cùng thờ chung một Thần Hoàng. Hiện nay làng Lý Hòa có 22 dòng họ. Các dòng họ có lịch sử lâu đời hay mới nhập làng, tất cả đều sống thuận hòa, đoàn kết, chung lưng đấu cật, cùng nhau vun đắp, dựng xây xóm làng ngày càng thịnh vượng như lời ông bà xưa từng nói “ Lý mà thuận bởi lý tình, lý nghĩa/ hòa có lý bởi hợp ý muôn người”.

Lý Hòa ở vào thế “thượng Sơn, hạ Thủy”,"Núi giăng một phía, biển vây ba bề”. Nhìn trên bản đồ hay đứng trên tầm cao và tầm xa mà nhìn, làng Lý Hòa tựa như một con rồng lớn đang quẩy mình bay lượn trên một “hồ nước lớn” (nước sông và nước biển). Đầu Rổng là Đèo Lý Hòa, mặt nhìn ra biển Đông, miệng Rồng há to với hai hàm răng sắc nhọn đó chính là bãi Đá Nhảy và Đá Giếng với muôn vàn hòn đá lú nhú, to, nhỏ ,cao thấp muôn hình vạn trạng đêm ngày ngậm súng biển phun trào. Thân rồng “khoảnh đất bình sa” kéo dài từ dưới chân núi Lệ Đệ đến cửa sông Lý Hòa với nhiều khúc uốn lượn quanh co nơi nổi cao của thân rồng là hòn Đá Bụt và vùng đất được làng chọn đặt Đình làng; đuôi rồng trãi dài về hướng Đông Nam và xòe ra ở bãi đá cuối cửa sông; rốn Rồng là cửa sông Lý Hòa. Mỗi khi Rồng nổi giận cuộn mình bay lên, rốn Rồng dịch chuyển về gần với bụng rồng (gần sát thôn Ngoại Hòa) lúc trời yên biển lặng, Rồng thong thả bay lượn, rốn Rồng lại dịch chuyển ra xa làng.
Lý Hòa có bờ biển dài 5km, thuộc biển bãi ngang, nằm giữa hai cửa sông lớn: Sông Gianh và sông Lý Hòa nên hàng năm biển ở đây được đón nhận một khối lượng lớn phù du của hai sông đổ về, đó là một nguồn thức ăn vô tận cho các loài hải sản. Mặt khác do có đèo Lý Hòa ăn lan ra biển đã tạo nên những bãi đá ngầm; rạn rồng, dạo đất, dạo bìa là nơi sinh sống, trú ngụ của hàng trăm loài tôm, cua, cá, mực… Do điều kiện tự nhiên thuận lợi mà biển Lý Hòa có một trữ lượng lớn các loài hải sản. Hàng năm trên biển có hàng trăm tàu thuyền đến đây đánh bắt, khai thác hàng ngàn tấn hải sản tôm, cá, mực... phục vụ cho đời sống dân sinh và xuất khẩu.
Sông Lý Hòa dài 25km, bắt nguồn từ Đông Trường Sơn chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đi qua các làng Vạn Lộc, , Hoàn Phúc , Hiền Sơn( Phú Trạch), Mai Hồng (Đồng Trạch), Đức Trạch, Hải Trạch trước khi đổ ra biển. Tuy đi qua rất nhiều làng mạc, đồng ruộng, nhưng lại được mang tên sông Lý Hòa. Sông Lý Hòa tựa như một bức bình phong tự nhiên che chở cho làng ở hướng nam. Sông Lý Hòa ngắn và hẹp có độ dốc lớn, hàng năm đến mùa mưa bão, nước từ rừng đổ về dâng cao đe dọa đến mùa màng của các xã Vạn Trạch, Hoàn Trạch, Phú Trạch, Đồng Trạch và cuộc sống của các xã Hải Trạch, Đức Trạch nơi sát cửa sông; đặc biệt đối với làng Lý Hòa nơi hứng chịu trực tiếp dòng chảy, mỗi khi mưa bão, nước biển dâng cao , nước sông không thoát ra biển kịp nên hay tràn qua đường làng và bãi cát cuối làng, đây là mối hiểm họa lớn đối làng và với các gia đình ở thòm Ngoại Hòa. Vào mùa trời yên, biển lặng, nước sông Lý Hòa trở lại êm ả, hiền hòa, xanh trong như một dãi lụa lững lờ chảy ra biển. Do đặc điểm sông ngắn và hẹp, độ mặn của nước cao nên nước sông không có tác dụng nhiều trong việc tưới ngọt cho đồng ruộng và không thuận tiện cho việc đi lại bằng đường thủy. Cùng với biển, sông Lý Hòa có nhiều loại cua, tôm, cá tuy số loài và sản lượng không lớn nhưng cũng là nơi cung cấp một nguồn hải sản đáng kể cho cuộc sống dân cư trong vùng.
Việc đi lại giao thương, làm ăn của người Lý Hòa với bên ngoài từ xưa đến nay dựa chủ yếu vào hai tuyến đường: đường biển và đường bộ. Đường biển có một vị trí hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của làng và đời sống người Lý Hòa. Là dân biển, người Lý Hòa đã dám nhìn ra biển lớn, biết dựa vào biển, khai thác thế mạnh vốn có của biển và với vốn kinh nghiệm đi biển lâu đời do ông cha để lại, người Lý Hòa phát triển mạnh giao thông đường biển. Từ thế kỷ XVIII, người Lý Hòa đã dám vượt biển đi “vào Gia Định đóng thuyền nan đem về bán lại...” không chỉ có vậy người Lý Hòa còn đóng ghe bầu có trọng tải lớn từ 30 đến 100 tấn đi ra Hải Phòng, Quảng Ninh, đi vào Sài Gòn, Gia Định chở hàng cho nhà nước và gần đây còn sang tận Phòng Thành của Trung Quốc để giao thương buôn bán; có thể nói dưới thời Phong kiến Lý Hòa là một thương cảng lớn ở Quảng Bình tựa như Phố Hiến ở miền Bắc và Hội An ở Quảng Nam. Chính từ chỗ biết nhìn ra biển lớn, dám vượt biển và biết khai thác lợi thế giao thông biển để đẩy mạnh việc giao thương, buôn bán đã đem đến cho con người Lý Hòa trí thông minh, sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm và tinh thần quyết chí là giàu nên sớm đưa Lý Hòa trở thành làng giàu có, một “ Hồng Công ” thu nhỏ của tỉnh Quảng Bình.
Đường quốc lộ 1A- con đường thiên lý Bắc - Nam đi qua Lý Hòa dài gần 5km, đây là tuyến đường giao thông quan trọng thứ hai để người Lý Hòa mở rộng giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa đối với các địa phương trong tỉnh và khắp nơi trong cả nước. Từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, người Lý Hòa đã tập trung khai thác tuyến đường qưốc lộ 1A để làm giàu. Người Lý Hòa đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua hàng chục xe tải, xe khách để ra tận Móng Cái Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng vào thành phố Hồ Chí Minh chuyên chở hàng hóa, vận tải hành khách. Hàng hóa đủ loại, từ các địa phương được đem về Lý Hòa biến làng quê nhỏ bé trở thành một thị trường sôi động.
Làng Lý Hòa từ buổi sơ khai đến nay sống chủ yếu dự vào nghề buôn bán và nghề đi biển đánh bắt hải sản biển. Trước đây do phương tiện đi biển thuyền nhỏ (noốc) chèo bằng tay, chạy buồm, đánh bắt thủ công và chủ yếu đi biển từ làn nước 20 sải nước trở vào bờ , vì thế sản lượng hải sản đánh bắt hàng năm không nhiều, chất lượng và giá trị sản phẩm không cao. Những năm gần đây do điều kiện kinh tế phát triển, ngư dân đầu tư vốn đóng tàu, thuyền lớn lắp máy từ 12CV đến 150CV, áp dụng kỷ thuật đánh bắt hiện đại và đi biển khơi xa, dài ngày ra đến tận Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An vào tận Đà Nẳng, ra đến hải phận quốc tế để đánh cá. Vì vậy mỗi năm ngư dân Lý Hòa đánh bắt được hàng ngàn tấn tôm, cá, cua, mực, trong đó có đến 2/3 sản phẩm là hàng dùng cho xuất khẩu. Nghề đánh cá phát triển giúp người dân Lý Hòa vừa giữ vững được nghề truyền thống của ông cha để lại vừa đánh bắt được nhiều tôm, cá, mực… góp phần quan trọng ổn định kinh tế địa phương, nâng cao đời sống ngư dân và làm giàu.
Nghề chế biến hải sản vốn có từ lâu đời gắn liền với nghề đánh bắt cá. Từ các loại tôm, cua, cá, mực… người Lý Hòa đã chế biến ra nhiều loại sản phẩm có giá trị cao. Nước mắm Lý Hòa được chế biến từ cá nục, ca trích, cá cơm; trong đó nước mắm cá cơm là ngon nhất. Nước mắm Lý Hòa là một đặn sản biển vốn có tiếng ở Quảng Bình, được dùng trong kho, nấu các món ăn hàng ngày, dùng trong các dịp cúng giỗ, lễ tết, làm quà biếu cho khách phương xa. Mắm chượp được chế biến từ cá Trích, cá Nục… có nhiều loại chượp: chượp mịn (mắm nhỏ, mắm chà, mắm nêm); chượp còn nguyên con cá như chượp cá nục, cá trích, cá chuồn, cá thu, cá hố, cá hồng… mắm ruốc (mắm rươi, mắm tôm,…) cùng với các loại mắm và nước mắm còn có nhiều loại sản phẩm hải sản phơi khô như: Ruốc khô, cá khô, mực khô… Người Lý Hòa chế biến những hải sản này vừa phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, nhất là vào mùa mưa, bão khi "Tháng bảy nước nhảy qua bờ", "buồm treo, neo gác", vừa dùng làm hàng hóa trao đổi, buôn bán và làm quà tặng người thân.. Chính thông qua việc "buôn làng, sang chợ" mà tôm, cua, cá, mực và các sản phẩm chế biến từ hải sản đã đưa các sản vật biên Lý hòa đi đến khắp tận các thôn, làng ở Quảng Bình.

Đi cùng nghề biển, nghề đóng tàu, thuyền phát triển mạnh, từ lâu đã nổi tiếng trong các làng biển của tỉnh Quảng Bình. Người thợ thuyền Lý Hòa không chỉ đóng được các loại thuyền (nôốc) dùng để đi biển đánh bắt hải sản mà còn đóng được cả ghe bầu có trọng tải 30 đến 100 tấn để chuyên chở hàng hóa. Ngày nay, người thợ Lý Hòa còn đóng được cả tàu vận tải, tàu đánh cá bằng gỗ trọng tải trên 100 tấn, lắp máy công suất lớn đi biển xa, dài ngày. Tàu thuyền do người Lý Hòa làm ra không chỉ phục vụ yêu cầu tại chổ mà còn được đem bán cho ngư dân nhiều làng biển khác. Nghề đóng tàu thuyền tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng là nghề phục vụ nghề biển không thể không có được. Chính vì vậy nó đã tạo cho nghề đánh bắt hải sản, nghề vận tải, buôn bán bằng đường thủy của Lý Hòa phát triển mạnh, đưa về nhiều nguồn lợi lớn.
( Sông Lý Hòa)

Cũng như nghề biển, nghề buôn bán ở Lý Hòa có từ lâu đời vào thời kỳ Lê Quý Đôn ( thế kỷ XIII ) đã có "Tục quên buôn bán, bình thời vào Gia Định đóng thuyền nan lớn hơn trăm chiếc đem về bán…" nghề buôn bán ở Lý Hòa được gắn liền với cuộc sống của cả cộng đồng, nó ăn sâu vào máu thịt của mỗi người dân. Ngày trước các chủ ghe bầu và thuyền viên cứ mối khi đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định hay vào Đà Nẵng, Sài Gòn, Gia Định chở hàng cho Nhà nước là dịp để cho mọi người kết hợp mua, bán. Họ bán những sản vật của biển quê hương như: nước mắm, các loại cá khô, mực…và mua về vải, tơ, lụa, đường phèn, đương phổi, chum, vại...những năm 90 của thế kỷ XX người Lý Hòa còn vượt biển đi sang Trung Quốc buôn bán mua những thứ hàng mà ở Quảng Bình không sản xuất được đêm về bán. Đối với phụ nữ Lý Hòa, nghề buôn bán có thể được xem là nghề "gia truyền". Phụ nữ Lý Hòa từ 15 tuổi trở lên đã đi buôn và biết buôn. Với đôi quang gánh trên vai và ít hàng hải sản nồi cá Trích, cá Nục kho, ít lít nước mắm, ruốc... là các mẹ, các chị có thể đi khắp các vùng thôn quê Hoàn Phúc, Vạn Lộc, Cự Nẩm, Khương Hà, Gia Hưng Tro óc để buôn bán. Với cách "buôn làng, sang chợ", mỗi năm phụ nữ Lý Hòa thu về hàng trăm tấn lúa, ngô, khoai, sắn phục vụ nhu cầu cuộc sống của gia đình, cộng đồng và với lối buôn đó, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ Lý Hòa đã đưa lương thực, thực phẩm, đường, sữa, thuốc chửa bệnh từ vùng tạm bị chiếm Lý Hòa lên vùng du kích, vùng tự do phục vụ kháng chiến. Trong những năm gần đây, kinh tế đất nước phát triển, người dân Lý Hòa được tự do làm ăn, buôn bán do đó nghề thương mại ở Lý Hòa ngày càng phát triển và làm ăn phát đạt. Chợ Lý Hòa trở thành một trung tâm bán buôn lớn của Quảng Bình, hàng ngày có hàng trăm khách đến đây tìm hiểu, giao lưu, buôn bán.
Trải qua hàng trăm năm lập làng, ngoài việc tạo dựng cho cư dân một cuộc sống ổn định, gia đình có nhà cửa để ở, sinh hoạt, cộng đồng dân cư Lý Hòa còn xây dựng nhiều công trình kiến trúc biểu tượng văn hóa tinh thần và tâm linh.
Đình Lý Hòa một công trình kiến trúc văn hóa mang đậm nét kiến trúc đình việt thời Nguyễn; Đình làng tọa lạc trên vùng đất cao nhất ngay giữa trung tâm làng. Đình nằm trong khuôn viên rộng trên một nghìn mét vuông được chia thành 2 sân: sân Thượng và sân Hạ. Đình nằm ở sân thượng, được xây dựng theo lối chữ Đinh gồm có ba Đình: Đình Hạ, đình Trung, đình Thượng tạo thành một khối thống nhất vững chắc. Đình hướng mặt nhìn ra sông Lý Hòa. Muốn đi lên Đình phải đi qua cổng, qua 4 trụ biểu hiển thị sự vững chãi,trường tồn của Đình với thời gian, vòng qua bức Bình Phong, bước lên 20 bậc tam cấp, qua cổng tam quan đến sân Thượng vào Đình. Đình làng thờ vị "thành Hoàng" vị thần bổn mạng cho cả làng và thờ tiên tổ của 12 dòng họ . Ngoại vi Đình về phía tả, hữu có nhà thờ các dòng họ (nay không còn). Cùng với Đình, người Lý Hòa còn xây Chùa Hang để thờ vị Chúa sơn lâm; Dinh Thượng (ở Nội Hòa) thờ thần biển; nghè Long Vương (Ngoại Hòa) thờ thủy thần, miếu Thành Hoàng thờ vị thần khai khẩn; Văn Miếu - Điện Thánh thờ các vị khai khoa và phát khoa của làng.
Ngoài Đình làng, Chùa làng được xây tại đầu làng (Nội Hòa), trong Chùa có phật . Chùa không có tăng ni, phật tử, chỉ có một vị sư và một ông Từ chuyên lo hương khói và coi sóc nhà Chùa. Dân Lý Hòa tuy có Chùa nhưng lại tu tại gia, hàng tháng vào ngày mồng một, rằm, ngày ba mươi đến Chùa thắp hương., cầu Phật. Việc tế lễ tại Đình làng và các miếu thờ diễn ra quanh năm, trong đó có hai lễ chính: Xuân thu - Nhị kỳ đó là lễ Xuân Thủ - Khai Xuân vào ngày rằm tháng giêng và Lễ Đại trường câu đây là lể cầu mùa tổ chức vào ngày rằm tháng sáu âm lịch. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, với tinh thần “ không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do”, năm 1968 nhân dân Hải Trạch đã tháo dỡ Đình, chùa, miếu,dinh thờ và hàng trăm ngôi nhà để lấy hơn 1.200 m3 gạch, đá lấp cầu Lý Hòa làm ngầm cho xe chở hàng vào chiến trường miền Nam. Năm 1999 Đình Lý Hòa được Bộ Văn Hóa công nhận di tích:” Lịch sử Văn hóa” cấp quốc gia. Nay Đình được xây dựng lại trên nền đất củ bề thế, to đẹp và trở thành biểu tượng của Làng và là nơi để du khách đến thăm quan, vãn cảnh.
(Ban mai, biển Lý Hòa)

Bên cạnh các kiến trúc: Đình, Chùa, am, miếu, dinh thờ..và nhà ở, trong làng còn có 4 giếng nước lớn được xây cất bằng đá phiến xanh thanh hóa và gạch Bát Tràng đó là: Giếng Dậu , giếng Chùa, giếng Đình và giếng Eo. Theo các cụ kể lại giếng Dậu nằm ở thôn Thượng Hòa, do đào trúng long mạch thần đất nên hàng năm vào mùa Hè hai thôn Nội Hòa và Thượng Hòa thường xảy ra cháy nhà có khi cháy hàng trăm ngôi nhà một lúc, vì vậy làng đem lấp đất lại, từ đó nhà cửa không bị Thần hỏa đốt cháy. Trong 3 giếng còn lại, giếng Chùa có nước ngọt nhất, giếng Đình và giếng Eo nước bị nhiễm mặn (nước lợ) tuy vậy làng vẩn dùng nước giêng nấu nướng, tắm giặt, hiện nay được nhà nước quan tâm đầu tư ngân sách và sự đóng góp tiền của nhân dân, nước sạch lấy từ khe Tòng Môn theo đường ống về tận các hộ gia đình .
Lý Hòa là một làng không xếp trong những làng: bát Danh hương của Quảng Bình nhưng trong lịch sử những làng khoa bảng trên đất Quảng Bình nói chung và đối với huyện Bố Trạch nói riêng làng Lý Hòa cùng các làng Quy Đức (Đức Trạch), Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) được xếp vào hàng: Tam danh hương. Qua nghiên cứu sử củ nói về các làng khoa bảng ở Quảng Bình thấy rằng trong 11 làng Danh hương: Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn- Vỏ – Cổ - Kim – Lý – Quý – Cao thì 8 làng (Bát) Danh hương Sơn – Hà - Cảnh – Thổ – Văn – Vỏ – Cổ - Kim là hai cánh của con chim văn hóa Quảng Bình thì Tam Danh hương Lý - Quý - Cao là cái xương sống của con chim. Điều đó càng khẳng định vị thế và tên tuổi làng Lý Hòa trong lịch sử. Trong văn thánh của làng có câu: “Lý hữu đa nhân, địa linh sinh nhân kiệt/ Hà vi đại quý, hiện sóng xuất anh tài”. Để có được người tuấn kiệt, anh tài, làng lập miếu Khai khoa và phát khoa. Vào đầu Xuân năm mới, sau ngày mồng 1 Tết, thăm Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bước sang mồng 2, các Cụ đồ, các nho sỹ của làng cùng nhau kéo về đây khai bút đầu Xuân và bình thơ văn, đàm đạo chuyện văn, chuyện học mỡ đầu một năm học hành tấn tới của con em trong làng. Đây còn là cách giáo dục con cháu noi theo gương cha, anh trong việc học. Nỗi lên trong truyền thống hiếu học đó có dòng họ Nguyễn Duy có gia đình 5 người con trai và ba cháu nội đều đỗ đại khoa đó là: cụ Nguyễn Duy Miễn đỗ cử nhân; năm đứa con trai là Nguyễn Duy Thắng, đậu phó bảng; Nguyễn Duy Đồng, đậu cử nhân; Nguyễn Duy Tính, đậu Tiến sĩ; Nguyễn Duy Phiến, tiến sĩ đậu Dĩnh Nguyên; Ba cháu nội (con tiến sĩ Nguyễn Duy Tính) là Nguyễn Duy Sán , đậu cử nhân Luật; Nguyễn Duy Chính, đậu bác sỹ; Nguyễn Duy Đính, đậu cử nhân Luật. Đây xem là gia đình được xếp vào bậc Ngũ quế, Tam hòe và “giáo ngũ từ danh câu xương” có nghĩa là một gia đình dạy học được 5 người con đổ ( đậu) khoa bảng là một một việc hiếm thấy . Phát huy truyền thống của làng học, làng khoa bảng, các thế hệ người Lý Hòa dù khó khăn đến đâu trong cuộc sống vẫn chắt bóp lo học hành để bằng anh, bằng chị. Vì vậy, nhiều người con Lý Hòa đã vươn lên trong học tập và đỗ đạt cao trở thành tướng lĩnh trong quân đội, tiến sĩ, kỷ sư, bác sĩ và những nhà kinh tế giỏi, thầy giáo tốt tô đậm thêm truyền thống hiếu học làm rạng danh cho quê hương.
Cư dân Lý Hòa sống chủ yếu dựa vào sông nước nhưng có một đời sống văn hóa phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc của một làng biển nằm trên miền đất Quảng Bình đầy nắng nóng, gió Lào và bão lụt. Về ăn, ở, sinh hoạt điều không thể thiếu của một gia đình là phải có nhà để ở. Từ thực triển cuộc sống lắm mưa nhiều bão, nhà ở có nhà rường, nhà cột, nhà trở mặt về hướng Nam, nhìn ra sông Lý Hòa. Nhà rường dạng nhà tiền khách hậu chủ được làm bằng gỗ. Tùy theo gia cảnh mỗi nhà để làm nhà; nhà thường có có 3 gian hoặc 5 gian được lợp bằng Toóc (thân cây lúa), cỏ tranh hay mái lợp ngói vảy, có nhà lợp ngói âm dương có tường bao xây bằng gạch hoặc đá đủ sức chống chọi với nắng hè, gió lào và mưa bão. Trong chiến tranh chống Mỹ, máy bay Mỹ đã thả hàng trăm tấn bom, đạn hủy diệt làng , nay nhà xưa không còn mà thay vào đó nhà tường gạch lợp ngói Tây, nhà lầu hai ba tầng.
Trong đời sống ẩm thực hết sức phong phú về cơm, có cơm gạo tẻ, cơm nếp, xôi đậu các loại, xôi vò, ngô luộc, ngô xầm, khoai luộc, khoai xâm, sắn luộc, sắn xầm. Thức ăn có cá kho, cá luộc, cá rán, cá nướng, cá hấp các loại, mực rán, mực luộc, mực nướng, canh chua nấu cá, gỏi cá các loại, mắm có: mắm mịn, mắm cá, mắm ruốc, cá khô các loại, cá khô mực, ruốc khô Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mùa nào thức ăn đó. Chè có: chè kê, chè đậu, chè khoai tía, chè khoai môn, chè bột sắn, bánh có: bánh chưng, bánh tét, bánh ít, bánh xoài, bánh in... Đời sống tinh thần trong các dịp Tết, lễ, hội làng, tang lể có hát hò khoan, hò giã gạo, chèo cạn, hò đưa linh... Về việc hỏi vợ, gã chồng có lễ dạm hỏi, lễ hỏi, lễ xin cưới, lễ cưới, lễ rước dâu, lễ lại mặt. Ma chay có lễ lập linh tọa (bàn thờ), lễ thành phục, lễ đưa linh; lễ mở cửa mã (mồ), lễ năm mươi ngày (thất thất), lễ tất khóc (100 ngày-hết khóc), lễ giỗ đầu (gọi Tiểu trường); lễ đại trường (24 tháng). Trong việc ma chay, trước đây những gia đình nho giáo, người có chức sắc, nhà giàu, khi đưa linh còn tổ chức hò đưa linh để tiễn biệt người chết về nơi suối vàng. Do chiến tranh liên miên kéo dài và ngày nay do nhận thức ngày càng tiến bộ, việc hỏi vợ, lấy chồng và việc ma chay, cúng tế ở làng, các dòng họ và trong mỗi gia đình, một số hủ tục được đơn giản hóa hoặc bãi bỏ, chỉ giữ lại những nét đẹp văn hóa thuần túy, phù hợp với thời cuộc được cộng đồng dân cư chấp nhận. Về các trò chơi dân gian có hát bài chòi, chơi cờ tướng, cờ người, kéo co, chơi vượt cầu cạn lấy quà; trò chơi con trẻ có chơi ô, thả diều nhảy dây, chơi vụ, chơi bi... Trong các hoạt động của đời sống văn hóa, đua thuyền (bơi trãi) là hoạt động mang tính cộng đồng, đậm nét sắc thái làng biển. Đua thuyền được tổ chức váo các dịp Tết nguyên đán, lể Đại trường câu – rằm tháng 6 âm lịch và lể Độc lập 2-9. Đua thuyền thường có hai hình thức: Đua sông hoặc đua biển, các cuộc đua đều do làng đứng ra tổ chức gồm có 4 đội thuyền bơi của 4 thôn: Nội Hòa, Thượng Hòa, Trung Hòa và Ngoại Hòa. Vào dịp Tết nguyên đán, lể 2 – 9 tổ chức bơi sông; Lể cầu mùa làng cùng các vạn chài tổ chức bơi Biển. Bơi trãi ở Lý Hòa khác với bơi trãi ở các xã nông nghiệp, thuyền bơi ở Lý Hòa thường lấy ngay thuyền đi biển, đây là loại thuyền vừa to về kích thước, vừa nặng về trọng lượng, vì vậy khi bơi thuyền mọi người ngoài sự hiểu biết về kỷ thuật, chiến thuật bơi, ý chí, tinh thần đoàn kết, tình đồng đội cao còn phải có sức khỏe mới đủ sức chèo, lái con bơi vượt lên trước để về đích sớm. Lễ hội đua thuyền ở Lý Hòa thực sự là ngày hội lớn của cả làng và cư dân trong vùng thu hút hàng ngàn người đổ về dự lễ và vui chơi.
Trong lịch sữ gần 400 năm kiến tạo, xây dựng, do ở vào vùng đất hiểm yếu nhất của đất nước, nơi từng chúng kiến và chịu đựng sự chia cắt đau đớn nhất trong lịch sử thống nhất đất nước. Nơi kẻ thù thực dân, đế quốc xâm lược và bọn tay sai bán nước đã đổ bom đạn gây nên biết bao cảnh tang tóc đau thương. Là người dân Đại Việt -Việt Nam, người Lý Hòa đã không tiếc máu xương đứng lên cùng toàn dân tộc đấu tranh, chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì một đất nước hòa bình, thống nhất.
Trong gần một thế kỷ đắm chìm trong các cuộc nội chiến “ xung đột Nam Triều - Bắc Triều, với tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và ý nguyện được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất. Trong những lần quân Nguyễn kéo quân ra Bắc đánh Trịnh, người dân Lý Hòa đã huy động của cải, vật lực cùng binh lính Nhà Nguyễn xây dựng căn cứ tại làng ( Lý Ninh) phục vụ Bộ Chỉ huy tiền phương và huy động các ghe bầu lập thành đội trường đà tham gia vận tải quân, lương ra Bắc đánh Trịnh. Tinh thần yếu nước, ý thức dân tộc càng thấm đượm vào máu thịt khi quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ - Quang Trung chỉ huy trong hai lần tiến quân ra Bắc dẹp Trịnh (1786) và đánh đuổi quân xâm lược Nhà Thanh (1788) người dân Lý Hòa lại náo nức xung quân, thành lập các đội trường đà chuyên chở quân lương cùng đại quân vượt sông Gianh đánh Trịnh thống nhất bờ cỏi và quét sạch 29 vạn quân Thanh giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lưựoc nước ta. dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến cuộc sống của mọi gia đình, mỗi người dân Lý Hòa chìm trong vòng nô lệ, thuế khóa nặng nề, phu tạp dịch triền miên đè nặng lên thân phận mỗi người, đẩy cuộc sống của người dân vào con đường bần cùng, đói khổ không lối thoát. Với tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc đã thấm sâu trong máu, người dân Lý Hòa đã đứng lên chiến đấu đánh đuổi quân ngoại xâm. Sau sự kiện thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Sơn Phòng Quảng Trị và xuống chiếu Cầu Vương kêu gọi các sĩ phu, quan lại và nhân dân phò vua cứu nước. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài, tướng Tôn Thất Thuyết đã truyền cho tướng Hoàng Phúc chọn Lý Hòa xây dựng căn cứ hải quân chiến đấu. Trước sự tồn vong của đất nước, nhân dân Lý Hòa hiểu sâu sắc cảnh nước mất thì nhà tan đã đồng tâm để cho tướng Hoàng Phúc chọn Đình làng làm nơi đặt đại bản doanh. Truyền thống nối tiếp truyền thống trong phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa Thục do cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh đề xướng một số thanh niên tri thức của làng khi được kêu gọi đã đi theo phong trào.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, mở ra thời đại mới trong lịch sử loại người, thời đại cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới. Do ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga và với uy tín cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc, cuối năm 1929, tổ chức Đông Dương cộng sản Liên đoàn đã về Bố Trạch mốc nối cơ sở và thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản liên đoàn tại ga Kẻ Rấy. Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, sau đó 2 tháng vào ngày 22/4/1930, chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam ga “Kẻ Rấy” – chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bố Trạch được thành lập. Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, các đảng viên đã tổ chức nhiều hoạt động rải truyền đơn, treo cờ Đảng tại thị xã Đồng Hới, vận động nhân dân Bố Trạch đấu tranh chống lại sự thống trị, hà hiếp của bọn thực dân và quan lại địa phương đồng thời tổ chức móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng trong các địa phương. Tại Lý Hòa, sau khi được các đảng viên cộng sản chi bộ ga Kẻ Rấy tuyên truyền, giáo dục đồng chí Nguyễn Phương đã giác ngộ và gia nhập vào Đảng cộng sản Việt Nam và củng trên vùng đất này chi bộ ga Kẻ Rấy đã vận động thành lập một tổ nông hội đỏ; Đây là những tổ chức và hạt giống đỏ của phong trào cách mạng ở Lý Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Tháng 5/1931 Chi bộ Đảng Cộng sản ga Kẻ Rấy bị thực dân Pháp khủng bố, hầu hết đảng viên bị bắt và tù đày, phong trào cách mạng của quần chúng tạm thời thoái trào. Chính điều đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào cách mạng ở Lý Hòa.
(Đá Nhảy. Ảnh chụp năm 1968)

Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nỗ, chính phủ Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở chính quốc và thuộc địa, các quyền lợi dân sinh, dân chủ ít ỏi của nhân dân ta vừa giành được trong cao trào Mặt trận dân chủ (1936-1939) bị thủ tiêu. Trong bối cảnh tình hình đó, phong trào cách mạng ở Lý Hòa tiếp tục lắng xuống
Tháng 2 năm 1942, các tổ chức Đảng ở Quảng Bình được tiếp thu tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng, phong trào cách mạng ở một số địa phương trong tỉnh được khôi phục đi vào hoạt động vận động quần chúng gia nhập các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Trong tình hình đó, phong trào cách mạng ở Lý Hòa từng bước phát triển ngày càng mạnh. Ngày 23/8/1945, cùng với nhân dân cả huyện, nhân dân Lý Hòa đứng lên khởi nghĩa thắng lợi , giành chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng tháng 8 thành công, nhân dân Lý Hòa được sống trong hòa bình chưa được bao lâu thì ngày 27/3/1947 thực dân Pháp huy động hải, lục, không quân đánh chiếm Quảng Bình. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quân và dân Lý Hòa đã nhất tề đứng dậy “bám đất bám làng” kiên cường chiến đấu. Sống trong điều kiện bị địch bao vây bốn phía nhưng quân và dân Lý Hòa đã biến hậu phương địch thành tiền phương của ta tổ chức đánh địch ngay trong lòng địch, vừa sản xuất, vừa tìm mọi cách tiếp tế chi viện cho vùng du kích, vùng tự do của Huyện. Trải qua gần 9 năm kháng chiến trường kỳ, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lý Hòa đã vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh chiến đấu trong lòng địch làm thất bại các âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp giải phóng nữa nước thân yêu.
Qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, cán bộ, đảng viên Lý Hòa được thử thách, tôi luyện và ngày càng trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo, chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Nhân dân Lý Hòa càng tỏ rõ tinh thần yêu nước và cách mạng quyết tâm đi theo Đảng đấu tranh thực hiện các mục tiêu do Đảng vạch ra.
Năm 1954, hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Lý Hòa thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lý Hòa ngày đêm lao động quên mình nhanh chống hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa chuẩn bị một bước cơ bản về cơ sở vật chất và tinh thần để xây dựng quê hương đi lên chủ nghĩa xã hội.
Giữa lúc nhân dân ta đang tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội thì ngày 05/8/1964 đế quốc Mỹ cho máy bay đánh phá, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Xác định vị trí chiến lược của Lý Hòa nằm trong vùng đất tuyến đầu của miền Bắc, hậu phương trực tiếp đối với chiến trường miền Nam. Đảng bộ và nhân dân Lý Hòa - Hải Trạch bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần tự tin, chủ động “Tất cả cho chiến trường, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Trong những năm chống Mỹ, cứu nước; trên mảnh đất Lý Hòa - Hải Trạch là một chiến trường ác liệt, các hoạt động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu đảm bảo giao thông thông suốt, chi viện sức người sức của cho chiến trường diễn ra liên tục, suốt ngày đêm tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam và Trị thiên ruột thịt.
(Ngầm cầu Lý Hòa bị máy bay Mỹ bắn phá năm 1968)

Thấm nhuần chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng bộ, nhân dân Lý Hòa - Hải Trạch đã vượt qua biết bao gian khổ, hiểm nguy tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân tại chỗ, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân cho công cuộc kháng chiến, triển đưa hàng trăm thanh niên lên đường đánh giặc, lấp sông làm ngầm cho xe chở hàng vào chiến trường...trong cuộc chiến đấu tại chỗ đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ Với những chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Đảng bộ, nhân dân, lực lương vũ trang Hải Trạch đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Chiến công đó đã góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
(Xã viên hợp tác xã tham gia đóng thuyền phục vụ sản xuất năm 1968)

Điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử và quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, quê hương đã hun đúc nên bản sắc con người Lý Hòa - Hải Trạch sống trung thực, khẳng khái, dung dị, đậm đà tình làng nghĩa xóm, thủy chung son sắc với bạn bè, Chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, giàu đức hy sinh, thông minh, sáng tạo, linh hoạt, hòa nhập nhanh trong cuộc sống.

Tác giả: Nguyễn Sỹ Hùng. Ban tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch
Chủ biên Bs Hồ Văn Thuân.