“Đã chọn nghề y phải học y đức suốt đời”


Đó là ý kiến chỉ đạo của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy và học đạo đức y học tại các trường đại học và cao đẳng y Việt Nam” được tổ chức trong 2 ngày 6 -7/8/2011 tại Hải Dương.
Xây dựng khung chương trình
Dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề xây dựng khung chương trình chuẩn của Bộ môn Y đức trong các trường y. Hiện nay, việc dạy bộ môn này về cơ bản tại các trường vẫn trong quá trình “dạy thử nghiệm”, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm. Tại Trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược TP.HCM là 2 trường được Bộ Y tế lựa chọn và chỉ đạo thành lập Bộ môn Y đức xã hội học, sau một năm thực hiện xây dựng và giảng dạy, chương trình đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy bộ môn này cho các sinh viên theo học tại trường. PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chương trình môn học y đức, theo đó cần ý thức rằng “đạo đức là phông nền của mỗi sinh viên khi chọn nghề thầy thuốc, tiên học lễ hậu học y”. Nội dung và khung trong chương trình học được định hình và phát triển dựa vào Chương trình khung đào tạo bác sĩ đa khoa của Bộ Y tế; quy định về y đức cùng với sự tham khảo chương trình đào tạo đạo đức học của các nước phát triển trên thế giới song song với việc tập hợp mời các đội ngũ chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm dạy học đạo đức y học tại các trường trong và ngoài nước. Hiện tại chương trình chi tiết đã phát triển 1 học trình/tín chỉ (15-20 tiết) cho đối tượng là sinh viên hệ bác sĩ (Y3). Dự kiến trong những năm tới sẽ phát triển chương trình thành 3 đơn vị học trình. Với riêng Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã định hình được chương trình dạy y đức với 4 học phần (mỗi học phần 15 tiết) áp dụng cho sinh viên từ năm thứ 2. Ngoài ra đã xây dựng được 1 học trình về “Chương trình y đức sau đại học, y đức trong thực hành nghề nghiệp”. Quan điểm của PGS.TS. Trần Xuân Mai, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y đức, Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì “y đức không phải là môn học ép buộc mà là môn học về bản chất nghề nghiệp gắn liền với phát triển khoa học kỹ thuật; học y đức không phải học những điều cấm kỵ mà là những đồng thuận về giá trị đạo đức”.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Y đức phải gắn với thực tiễn
Việc thống nhất một chương trình khung cho Bộ môn Y đức học cũng nhận được nhiều ý kiến tham luận. Qua đó rất nhiều vấn đề như nội dung môn học, đối tượng môn học, phương pháp giảng dạy có rất nhiều ý kiến tham gia. PGS. TS. Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương cho rằng, nội dung giảng dạy về y đức tại các trường y hiện nay còn thiếu về phần trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm của người thầy thuốc; còn khoảng cách xa giữ lý thuyết với thực hành. Nhiều ý kiến cho thấy phần lớn giáo viên dạy Bộ môn Y đức tại các trường hiện nay đều kiêm nhiệm, như vậy khó để triển khai chuyên sâu chương trình này. Thời lượng chương trình còn hạn hẹp, thời gian thực hành hạn chế…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ những quan điểm về chương trình y đức dạy tại các trường hiện nay. Theo phân tích của Bộ trưởng, hầu hết chương trình mà các trường trình bày đều tập trung vào đối tượng là bác sĩ. Trong khi đó nhóm tiềm ẩn phát sinh “xung đột” nhiều nhất là đội ngũ điều dưỡng, hành chính… những người gần gũi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhất. Nội dung còn quá nặng về lý thuyết, xa rời thực tế. Trên bình diện về phương pháp giảng dạy, Bộ trưởng lưu ý cần đa dạng phương pháp gắn với thực tiễn, đặc biệt quan trọng là phương pháp đóng kịch tình huống.
Sau khi lắng nghe và ghi nhận tất cả các báo cáo tham luận và ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo ngay trong tháng 8 phải thành lập Hội đồng xây dựng khung chương trình giảng dạy Bộ môn Y đức xã hội học cho các trường đại học, cao đẳng y khoa trong cả nước. Thành phần tham gia gồm đầy đủ các chuyên ngành như y, dược, kỹ thuật y khoa, điều dưỡng… Ngay sau khi thành lập, Hội đồng phải tiến hành họp triển khai nội dung trong tháng 9/2011 và phải đưa ra được chương trình khung thống nhất trong tháng 10/2011. Bộ trưởng cũng lưu ý, chương trình khung phải tách bạch phần nội dung chung (áp dụng cho tất cả các trường) và phần riêng phải làm rõ được thời lượng học, lý thuyết, thực hành cho từng đối tượng là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y khoa. Mỗi trường tùy vào điều kiện thực tế có thể biến chuyển phần riêng này để xây dựng chương trình dạy phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của trường mình.

Bài và ảnh: VĂN HẬU
In bài này

Không có nhận xét nào: