Lời người đi xa

Những dòng tâm sự này tôi xin gửi tới những người con đang vì cuộc sống mưu sinh mà phải rời xa quê hương Lý Hòa yêu dấu, nơi nguồn cội bắt nguồn của sự yêu thương. Lời nói đầu tiên tôi xin chúc các bạn khoẻ mạnh và thành công trong công việc của mình.Cuộc sống mưu sinh đầy vất vả và nhiều cám dỗ nơi xứ người làm cho chúng tôi càng biết trân trọng hơn về quê hương mình, chúng tôi ra đi mang theo bao nhiêu mơ ước và hi vọng thay đổi cuộc sống của gia đình và bản thân, bỏ lại tất cả bạn bè, ba mẹ và mối tình đầu chớm nở, khi đi đến các nước tư bản chúng tôi được biết đến sự hiện đại của máy móc tân thời, nhiều thức ăn ngon và vật lạ, thế nhưng trong tận sâu tâm hồn của chúng tôi, thèm khát nhất chỉ là con cá khô duội dầm khế chua, một bát ruốc chấm rau muống luộc,
hay chỉ là nồi cá nục kho ba bốn lửa của mẹ, chúng tôi được uống những chai rượu đắt tiền những loại bia nổi tiếng thế nhưng thằng bạn cùng phòng tối nhậu say nằm ngủ trong cái lạnh âm độ của trời tây vần thì thào "mi ơi tau ưng đi náng cá tích với bọn hội miềng"rồi hai thằng cùng rơm rớm nước mắt. Chúng tôi đi đến khu phố người Việt ăn đủ món phở bò, hủ tiếu, thậm chí cả cháo lòng thế nhưng đằng sau tiếng cười đùa đó là niềm đau của kẻ tha phương. Có lần lên mạng ngồi chát với thằng bạn hỏi nó giờ muốn gì, thay vì muốn vàng bạc châu báu nó lại nói "tau thèm một ít nắng quê hương" rồi giật mình vì điều ước ngây ngô đó, hai thằng ngồi cười những chẳng cần nói chúng tôi cũng hiểu là đó dường như là bản năng luôn tiềm ẩn nổi nhớ nhà trong mỗi con người xa quê nó chỉ chực lao ra và vỡ oà khóc thành tiếng khi biết tin người thân đã mất nhưng đau khổ thay chúng tôi đang ở xa không thể về được. Một tháng mỗi người mức thu nhập khác nhau một ngàn, ngàn rưỡi, hai ngàn và hơn thế nữa thế nhưng trong số chúng tôi mấy ai đủ khả năng để về kịp khi biết tin người thân trong gia đình sắp mất, không chúng tôi không muốn nghĩ đến điều tồi tệ đó nhưng cuộc sống không phải là màu hồng hay êm ả như con sóng trời nam. Trong số những bà con sống ở nước ngoài mỗi người mỗi cảnh, có người là lao động hợp pháp hay có người phải trốn tránh công an. Vì sao chúng tôi phải khổ như vậy ư, chính là vì những đồng tiền gửi về trả nợ và phụ giúp gia đình đó. Thế nên khi mọi người cầm những đồng tiền đó hãy hình dung và nhớ về chúng tôi những người con xa xứ. Trong mùi tiền đô thơm phức mà chúng tôi gửi về còn lẫn trong đó là mồ hôi của công việc, là nước mắt của nỗi nhớ nhà, là tuổi thanh xuân lang thang khắp chốn, trong cái lạnh giá độ âm hay cái nắng chói chang rách thịt chúng tôi vẫn còn đó, miệt mài và hăng say trong công việc đề rồi tối lại chỉ một bữa ăn qua loa mà trùm chăn đi ngủ. Chúng tôi thèm khát một vòng tay chi sẻ. Nhớ ba mẹ bạn bè và người yêu da diết nó nhưng những cái kim thật nhỏ đâm vào tim, lang thang trên mạng đọc được bài báo về quên mình thấy hình ảnh cá tích, mực tươi, cố nhắm mắt hình dung lại về nhưng hình ảnh quên thuộc đó, vẫn hay đặt câu hỏi thời tiết và khí hậu của làng mình vào thời gian này thế nào rồi nhĩ? khao khát được về quên một tiếng đồng hồ thôi cũng được, nhưng ước mơ cũng chỉ là ước mơ. Cảm ơn nhé các bạn ở quê vẫn ngày ngày cập nhật thông tin lên mạng để chúng tôi được biết. Hẹn gặp lại vào một ngày gần nhất. Hay vào buổi tất niên cuối năm bên nồi lẫu cùng với mấy chai voka ngồi lai rai hát hò trong cái lạnh cuối đông chúng tôi sẽ kể cho bạn nghe về nụ cười và nước mắt nơi đây.
                                               
                                                                                                              HN11B

1 nhận xét:

YOUR SON nói...

Cô đã đọc bài "lời người đi xa" vừa đọc vừa khóc. Cô thương các em quá. Chắc giờ này các em sẽ thấm thía vô cùng câu ca dao xưa: "Anh đi anh nhớ quê nhà; Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương." Những món ăn bình dị dân quê ấy có gì đáng nhớ cơ chứ. Ấy vậy mà nó cồn cào tâm can mỗi người xa quê.Bởi đó là hương vị quê hương thấm vào máu của mỗi người lúc nào ta không thể lý giải nổi. Cũng như các em giờ ở nơi đất khách quê người khao khát được quây lại với nhau bên bếp lửa với mấy con cá trích nướng, một bát ruốc, mấy cọng rau ngò...Giờ em thấm đã thía vô cùng cái làm cho con ta hạnh phúc hoàn toàn không phải là tiền mà là tình yêu thương bình dị thầm lặng của gia đình, bạn bè, người ta yêu thương. Cô tin chắc các em sẽ còn nhớ nhiều nữa những gương mặt không thân thiết không biết tên mà hay gặp trên đường làng như nhà thơ Tế Hanh đã viết: "Tôi nhớ cả những người không quen biết". Hồi ở nhà không hiểu tác giả học văn thế nào mà viết hay quá. . Xưa kia viết bài Hịch tướng sĩ cách đây gần 700 năm Trần Quốc Tuấn cũng không phải là nhà văn, ông là nhà quân sự, ông viết Hịch tướng sĩ là lời nói đầu của tập sách Binh thư yếu lược để khuyên tướng sĩ ra sức đánh giặc nhưng ngòi bút của ông đạt đến mức thăng hoa tuôn chảy dạt dào bởi tình yêu quê hương đất nước sục sôi trước cảnh quân thù giày xéo quê hương. Vì vậy bài hịch đã trở thành áng văn chương muôn đời bất hủ. Cái hay của bài em viết có được là do mạch cảm xúc tuôn trào chân thành và mãnh liệt đối với làng quê.Không chỉ cô mà chắc nhiều người người đi xa cũng sẽ vô cùng xúc động bởi em đã nói hộ được tấm lòng của hàng ngàn người con xa xứ. Tại đất mẹ Lý Hòa yêu thương cô cầu chúc cho các em luôn luôn sức khỏe cố gắng kiếm nhiều tiền về giúp mẹ, vợ con thoát nghèo để rồi mau chóng được trở về quê mẹ. Và cô muốn em hãy dành chút thời gian viết thư căn dặn em út, cháu chắt của mình rằng: Hãy cố gắng hết sức để tu dưỡng rèn luyện sau này kiếm được một nghề chính đáng sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Đừng quá ỷ lại vào sự đổi đời bằng việc làm thuê ở xứ người vất vả lắm chứ không dễ dàng đâu. Điều nữa là anh chị em ở bên đó hãy làm giầu tâm hồn mình, để cuộc sống đỡ cô đơn bằng cách hãy thật yêu thương đồng hương của mình, xem họ như người thân giúp nhau khi trái gió trở trời bằng chính sự chân thành cởi mở, có trách nhiệm thật sự. Làm được như thế cô tin các em sẽ vơi được phần nào sự cô đơn vì xa nhà xa quê em nhé. Xin chào em. Cho cô gửi lời thăm và chúc các bạn đồng hương làng Lý Hòa quê miềng. Cô giáo làng Phạm Thị Điệp.