Tìm lại tuổi thơ (Chương II)

Phần 6: Đánh khăng
Đánh khăng trọi vụ…là những trò chơi không thể thiếu của lũ con nít chúng tôi. Đánh khăng là một trò chơi đơn giản vui, nhung không kém phần nguy hiểm. Khăng thường được làm bằng 2 đoạn que, que dài khoảng 0,5 mét ( Con mạ) , que ngắn khoảng 0,2 mét (Con con), chơi khăng thông thường chia ra làm 2 phe, phe ở đây không hạn chế người chơi chỉ cần 2 người cũng chơi được, khi chơi chỉ cần đào một cái lỗ gọi là lỗ chọt dài khoảng 0,2 mét sâu khoảng 0,1 mét vừa con khăng mạ đặt vào.
Và một đường vạch gọi là đường cai cách xa lỗ khoảng 5 mét. Khi chơi bắt xăm, đội hơn thì dùng các động tác chơi khăng để đánh, đội thua thì phải đứng xa ra ngoài vạch cai để bắt khăng, nếu bắt được hoặc không đánh qua cai thì đội khác thay thế. Các động tác trong đánh khăng gồm chọt đấm, bả, trong, ngoài, sang tay, lòn háng, sáy..sợ nhất là động tác bả, đặt con con hơi chéo góc con mạ rồi tung con con lên dùng con mạ đánh một cái thật mạnh để con con bay ra khỏi cai, thông thường động tác này rất mạnh đánh con con bay rất xa, và nếu lỡ trúng nhằm ai ở gần có thể gây tai nạn, nhiều đứa bọn tôi đang còn dấu tích sứt môi, sưng trán..vì động tác này. Còn động tác chọt, đấm thì dễ bị đối phương bắt được con con. Trò chơi khăng thường kéo dài suốt trong thời kỳ học sinh cấp I đến cấp II của chúng tôi thời bấy giờ.
Phần 7: Đánh mậm ( đánh củi hoặc gỗ)
Trò chơi đánh mậm cũng như bao trò chơi khác đi suốt dọc tuổi thơ của chúng tôi đánh mậm (mậm có thể là dùng củi hoặc gỗ) Cũng đơn giản nhưng hơn thua say máu ra trò, trò chơi đơn giản chỉ cần một cái nọc bằng gỗ hoặc đá, gạch. Cách nọc dài ngắn tùy độ tuổi nhưng thường 5 đến 7 mét có một đường vạch ở đất ( cai), bao nhiêu người chơi cũng được , bắt đầu chơi là đi để chọn cái, mọi người đứng ở cai bằng mọi cách làm sao đưa mậm của mình lên gần nọc nhất là thắng và được làm cái. Người làm cái ôm cả số mận mà người chơi đưa lên nọc để bắn xuống cai, làm sao cho gần sát cai nhất và que mậm của đối thủ nằm ngang để dể đánh. Sau khi dồi (bắn) xong thì chọn mận nào gần cai nhất để đánh , nếu đánh được ra ngoài cai coi như thắng và ăn (được lấy mậm của đối thủ). Trò chơi này rất thú vị, và thú vị nhất là có được một que mậm cồ, que mậm cồ vừa nặng vừa có mấu ở phía trước, khi chọt ( đánh) mậm của đối thủ dễ bay ra cai, nếu không tìm được mậm cồ thì tạo mậm chổi, mậm chổi được tạo bằng cách dùng đá hoặc búa để đập nát phần đầu que củi rồi tỉa ra như hình cái chổi để khi đánh nó quét mậm đối thủ bay xa. Trò đánh mậm cũng nực cười vì hay cải nhau có khi thua sạch cả đóng củi hoặc khi đi nhặt va phải về tay không vì đánh mậm.
Phần 8: Làm ô tô:
Thấy trẻ em chơi ô tô nhựa bây giờ mà thèm, nhớ lúc ấy chúng tôi làm gì có đồ chơi, chỉ bằng cách tạo ra đồ chơi, trong đồ chơi đó thế nào cũng có xe ô tô. Xe ô tô thì đủ loại có thể làm bằng gỗ, bùn…Lúc còn bé tí thì được các cậu làm cho, tôi còn nhớ lúc ấy được cậu T làm cho 1 cái xe ô tô bằng gổ thông to đùng có bánh chạy ngồi lên người lớn có thể kéo đi chơi được. Lớn lên chút nữa là bắt đầu tự làm đồ chơi cho mình, thường chúng tôi làm bằng bùn, bùn ở đây phải lên đào tại Đồng Bơi đưa về đập nặn rồi cắt ra hình thù từng loại xe, đem phơi nắng. sau khi phơi nắng cỡ 1 ngày bắt đầu lắp ráp và cùng nhau chơi bài binh bố trận, trận giả chọn quân chọn xe, chọn pháo…và sau cùng chọi xe để kết thúc trò chơi, thông thường sau mỗi trận chiến xe nào cũng hỏng cả.
Lái ô tô bằng bẹ dừa, sáng ra đi học chúng tôi đưa theo bẹ dừa đã cắt sẵn, giờ ra chơi lấy bẹ dừa ra vùng mô đất có cỏ xanh ở gần trường và ngồi lên bẹ dừa cho nó tuột xuống dóc, có khi mài thủng cả quần hoặc ngã lộn cổ xuống nước.
Phần 9: Khiêng ma
Trò chơi khiêng ma là một trò chơi rùng rợn nhất, mỗi đêm mà chơi trò này thì đứa nào cũng về nhà ngủ chứ không dám ngủ lại tại sân vận động.
Trò chơi muốn bắt đầu thì phải chọn một người giả chết,điều thứ hai tối kỵ nhất trong quá trình chơi là không được nói được cười. Khi người giả chết nằm xuống thì cả đội bắt đầu đến ( tùy theo số người nhưng ít nhất cũng có 8 người khiêng ma)
Đội khiêng ma vào vị trí hai bên thân người giả chết dùng 1 ngón tay luồn vào người giả chết, 2 người đặt ở đầu, 2 người đặt ở vai, 2 người đặt ở mông, 2 người đặt ở đùi, 2 người đặt ở gót chân. Khi đặt tay vào con ma, người khiêng miệng nói lẩm bẩm liên tục câu thần chú “khiêng ma đi lòi” nhưng không được phát thành lời. Khi người khiêng ở đầu ra hiệu lệnh bằng cái gật đầu thì mọi người cùng nhau dùng lực 1 ngón tay đó để khiêng ma. Cũng lạ một điều với chỉ mỗi người một ngón tay nhưng dù ma to, ma nhỏ thế nào cũng khiêng được hết. Chỉ khi nào người khiêng bắt đầu phì cười là con ma bị rớt xuống đất. Khi ma rớt xuống đất cũng là lúc chúng tôi thi nhau cười thẩm chí cải nhau nói vì thằng này thằng nọ cười.
Phần 10: Hái nấm , ăn móc, ăn sim, bẫy chim.
Hè năm nào cũng vậy chỉ cần một trận mưa rào là thế nào 2 ngày sau cũng có nấm, thường tôi chỉ có hái nấm tràm, thời ấy do làng Lý Hòa có một bộ phận phải đi vùng kinh tế mới cách quê hương 5km, trong số các gia đình đi có gia đình của Bác và Gì tôi. Lớn lên tuổi thơ ấu của tôi cũng gắn liền một phần với Làng mới đó. Năm nào cũng vậy cứ đến hè là tôi đi bộ từ nhà lên Bác và Gì tôi chơi, phần vì nhiều trò chơi phần thì muốn đi khám phá những cái mới, vì lên đó là miền quê gắn liền với đồng ruộng và núi rừng. Nói về chuyện ăn nấm, khi nghỉ hè mà có một trận mưa dong thế nào ngày mai tôi cũng đi bộ lên Làng mới để đi hái nấm, lúc đó trước đường vào Làng mới còn có cả một hợp tác xã gạch ngói, rừng tràm bạt ngàn, đi hái nấm chỉ cầm một cái rá hoặc cạo thậm chí có khi bí quá thì lấy áo quần buộc túm lại để đựng nấm. Khi vạch lá tràm lên đoạn nào đất ẩm ướt thường thấy một đám nấm mọc quanh góc tràm, chỉ việc hái lên cho vào rá. Thường thì hái đủ ăn thôi vì nấm để lâu ngày không được, nếu tiện có ai về đi chợ thì tôi gởi về cho mạ rồi ở lại chơi với mấy anh chị vài bữa, nếu không thì phải đi bộ hoặc đi nhờ xe bò kéo để về. Nếu được ở lại thường đi bắn chim ban ngày nào là chi cu cu, chào mào…gần tối thì đi đặt bẫy chim đa đa, bẫy chồn, ngày nào ở lại cũng có chim để ăn. Thích nhất là món chim nướng, khi bắt hoặc bắn được chim thì lấy bùn táp lên phủ toàn bộ con chim rồi đặt lên miệng lò gạch đang nung. Chỉ cần 1 tiếng sau quay lại lấy sau khi bóc bỏ lớp bùn ngoài đi là một con chim giống như bị quay vàng ngậy béo thơm, có tí muối ớt chấm nữa là ngon phải biết.
Lên Làng mới khoái nhất là được ăn những món ăn bấy lâu quê biển hiếm nào ổi, mít, mía, dứa, dưa đỏ, …ăn thỏa thích lại còn được đi chăn bò bắt chim, thường chim Chào Mào, chim CU CU để về nuôi, còn lúc về nhà Bác hoặc Gì tôi cho mang về quả mít hoặc quả dưa để làm quà. Kỷ niệm nhất của tôi khi lên làng mới lúc nào tôi cũng có một cái kín lúp, đó là vật của Ba tôi dùng để soi cạo râu, khi nào đi xa tôi tôi thường dùng để mồi lửa để nướng chim, nấu nước…bằng cách lợi dụng ánh nắng mặt trời hội tụ qua kính. Lúc ấy nếu đến mùa sim, mùa móc chín thì phải biết, không có sức để ăn thôi, nhiều khi ăn nhiều quá táo bón lại khổ, còn ăn sim thì miệng lúc nào cũng nhuộm một màu mực.

Không có nhận xét nào: