Sự cần thiết của vi chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ nhỏ


 Hàng ngày, cơ thể chúng ta cần rất nhiều vi chất dinh dưỡng để tăng trưởng, phát triển và duy trì các hoạt động như: học tập, lao động, sáng tạo, vui chơi, giải trí… Tuy nhiên, ở Việt Nam, các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng như: thiếu Vitamin A, vitamin D, acid folic, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu iốt… đều rất phổ biến và được coi là những vấn đề cộng đồng.
Vi chất dinh dưỡng là gì?
Vi chất dinh dưỡng là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu hụt sẽ gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe.



Có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, có thể chia chúng thành các nhóm sau:
- Nhóm thứ nhất: Các acid amin, đặc biệt là 8 acid amin (lơ xin, ly – zin, va- lin…)mà cơ thể không thể tự tổng hợp được.
- Nhóm thứ 2: Các acid béo: Dòng Omega 6 và Ome ga 3
- Nhóm thứ 3: Các Vitamin như: B1, B6, B2, B12,Vitamin C, Vitamin A,D,E, K…
- Nhóm thứ 4: Các chất khoáng như: Na, Ca, K, Cl, P, Mg, Fe, F, Cu, Zn, Al…
- Nhóm thứ 5: Các chất xơ.
Vi chất dinh dưỡng có vai trò như thế nào đối với cơ thể con người?
Vi chất dinh dưỡng có rất nhiều vai trò đối với cơ thể con người:
- Vi chất dinh dưỡng tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô;
- Tham gia vào các hoạt động như hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào;
- Tham gia xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể;
- Vi chất dinh dưỡng còn tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể;
- Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng có tác dụng duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô bị tổn thương;
-  Ngoài ra, vi chất dinh dưỡng còn là thành phần chủ yếu để tạo ra các hoocmon, các dịch tiêu hóa…
Tóm lại, Vi chất dinh dưỡng có rất nhiều vai trò khác nhau đối với cơ thể, giúp cho cơ thể có thể phát triển trí tuệ, thể chất, giúp cho cơ thể khỏe mạnh chống đỡ bệnh tật; Đặc biệt vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng về chiều cao và cân nặng ở trẻ em.
Vi chất dinh dưỡng có ở đâu?
Thứ nhất, vi chất dinh dưỡng có trong thực phẩm hàng ngày như: thịt, cá, trứng, sữa, rau, củ quả, dầu động vật, thực vật; tinh bột, các loại Vitamin, khoáng chất.
Thứ 2, vi chất dinh dưỡng có trong thuốc có thể dưới dạng đơn chất (như: vitamin A, viên sắt).. hoặc dưới dạng hợp chất (như viên đa vitamin tổng hợp).
Thứ 3, Một số thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng (như sữa, nước mắm, bột canh..).
 Sử dụng thực phẩm hàng ngày như thế nào để cung cấp cho trẻ vi chất dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ nhất?
Để cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ thì cần biết cách sử dụng hợp lý các thức ăn hàng ngày.
Trong mỗi bữa ăn của trẻ nên chế biến có đủ 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột (như gạo, mỳ, khoai sắn...); Đạm (như thịt, cá trứng, tôm, cua...); dầu đồng vật, thực vật; các loại Vitamin, khoáng chất, chất xơ từ nhiều loại thực phẩm đa dạng khác nhau.
Thực đơn trong tuần thường xuyên được thay đổi. Khi chúng ta lựa chọn, chế biến nhiều món ăn từ sự phối hợp bởi nhiều loại thực phẩm, cơ thể trẻ có nhiều cơ hội hơn để hấp thu các vi chất dinh dưỡng cần thiết và sẽ tạo ra cảm giác ngon miệng hơn.
Thông thường nếu thực hiện cho trẻ ăn đầy đủ, đa dạng nhiều loại thực phẩm trong các bữa ăn có thể cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong một số trường hợp như: trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ đang trong độ tuổi phát triển, trẻ bị ốm đau bệnh tật…thì nhu cầu đòi hỏi chất dinh dưỡng nói chung và vi chất dinh dưỡng nói riêng sẽ tăng cao hơn so với bình thường. Vì vậy, ngoài chế độ dinh dưỡng như trên còn cần bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng thuốc uống theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Đ phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, cần:
Sử dụng phối hợp 15-20 loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý ưu tiên sử dụng các thực phẩm có sẵn tại địa phương, gia đình.
Khi trẻ bị bệnh không bắt trẻ ăn kiêng.
Cho trẻ em trong độ tuổi uống Vitamin A một năm 2 lần vào 2 đợt 1-2/6 và 1-2/12 hàng năm. Bà mẹ ngay sau khi sinh con cần được uống Vitamin A theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Định kỳ 6 tháng 1 lần tẩy giun cho trẻ em từ 24-60 tháng tuổi; Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống để phòng chống nhiễm giun, sán.
Sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn.
Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ và đủ chất dinh dưỡng, uống thêm viên sắt, acid folic hoặc viên đa vitamin theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Sử dụng muối, bột canh i ốt trong chế biến thức ăn cho trẻ.
Ngày 1-2 tháng 6 và 1-2 tháng 12 hàng năm hãy đưa trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 36 tháng tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường, thị trấn./.

BS. Thu Nam

Liên hệ với Admin

Không có nhận xét nào: