Rồi một ngày, khi ánh nắng của mùa hè còn vương lại mấy sợi trên sân trường, cành phượng sót lại một vài chùm hoa, cây bàng lác đác điểm một ít lá đỏ, thì nghe tiếng chân rậm rịch của các bạn học sinh, trống choàng tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn. Đúng rồi, đã đến ngày khai trường, lòng nó háo hức, rộn rã và sẳn sàng cho một không khí tưng bừng hòa chung niềm vui của các bạn trong ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường.
Ngày
khai trường thường thì trùng vào dịp ngày Tết độc lập của dân tộc. Thuở ấy, trước
ngày khai trường và để chào mừng năm học mới, nhà trường tổ chức cho học sinh cổ
động. Từng tốp, từng đoàn học sinh,cờ hoa, băng rôn đỏ rực khắp đường làng, ngỏ
xóm, học sinh vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Rộn ràng và náo nức quá! Người lớn
đứng xem mà cứ ngở mình đang còn vào cái tuổi học sinh vậy, cùng hòa lòng mình
vào cái không khí đó. Không rõ hình thức cổ động ấy người ta đã bỏ đi từ lúc
nào. Chúng tôi lớn lên chỉ có nghe tiếng tùng tùng thân yêu một vài niên học
thôi. Chiến tranh ập đến, bom đạn tàn phá quê hương, trường học. Cái trống cũng
bị mảnh bom, mảnh đạn của giặc làm cho nó hư hỏng, mặt trống lổ chổ nhiều lổ thủng,
tội nghiệp cho nó quá, không biết thân xác nó hiện giờ nằm ở đâu. Rồi cha ở lại
trực chiến giữ làng, còn chúng tôi phải theo mẹ đi lánh nạn. Mẹ quang gánh, một
đầu gạo cơm mắm muối, đầu kia quần áo sách vỡ, chúng tôi chạy lon ton theo mẹ
lên vùng sơ tán. Và ngay trên vùng đất đồi hoang cỏ cháy ấy, những lớp học của
thời chiến được hình thành. Ngày khai trường đến, chúng tôi lại được cắp sách đến
lớp dưới mưa bom bảo đạn của giặc.Âm thanh của trống không còn nữa, nhưng thay
vào đó là tiếng kẻng. Các o, chú dân quân đã nhặt được những máng bom bi của
máy bay giặc ném xuống làm thay trống. Tiếng keng keng chói tai mghe lúc đầu
cũng lạ lẩm, sợ sệt nhưng rồi cũng quen. Tiếng kẻng đó vừa báo hiệu ngày khai
trường đã đến, giờ học, giờ ra chơi, vừa cũng là hiệu lệnh báo động cho cả lớp
cả trường biết để xuống hầm trú ẩn khi máy bay địch sắp đến bắn phá. Tuy là thời
chiến, nhưng ngày khai trường vẫn được tổ chức nghiêm trang, vẫn có ảnh Bác Hồ,
lọ hoa rừng, vẫn có những câu khẩu hiệu “Hồ chủ tịch muôn năm”, “Nhiệt liệt
chào mừng năm học mới”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”. Sau bài diễn
văn chào mừng năm học mới dài lê thê của thầy hiệu trưởng, ông chủ tịch xã phát
biểu. Ngày khai giảng mà bài phát biểu của ông chẳng đề cập gì đến chuyện dạy
và học,mà toàn là những vấn đề hết sức đau thương, bi tráng và vĩ đại. Ông nói
một lô, một lốc, dài dằng dặc, không chấm cũng nỏ phẩy. Hơi của ông dài, chúng
tôi ngồi nghe mà miệng há hốc nín thở,chờ cho ông ngắt quảng mới thở phào một
cái, có bạn hơi ngắn tức thở muốn chết tại chổ.Nội dung ông nói, đại loại là:
chiến tranh ác liệt thế này mà các em được đi học là tốt lắm rồi, Ở miền Nam
các em nhỏ cũng độ tuổi như các em đây, ngày ngày bị Mĩ, ngụy moi gan, mổ bụng,
phụ nữ bị chúng hảm hiếp, đàn ông không chịu đi lính bị chúng chặt đầu, chặt
tay chân (kinh khủng quá), các em phải học cho giỏi, ăn thật no ( thời ấy làm
gì có nhiều gạo để ăn thật no) để mau lớn cầm súng vào giải phóng miền Nam trả
thù cho các em nhỏ.Chúng tôi lúc ấy chỉ 11, 12 tuổi thôi mà ông huấn thị như những
cán bộ cấp sư đoàn chuẩn bị đưa bộ đội vào chiến đấu ở chiến trường vậy. Ông
nói thì không sai, nhưng lúc ấy tầm của chúng tôi đâu đã đến mức ấy.Dù sao những
lời dạy bảo của ông về sau này vẫn đọng lại trong tâm thức, dần dà hình thành
cho chúng tôi một lí tưởng sống.
Thời
nào thì sinh ra cốt cách, khí chất của con người ấy.Thời chiến tranh, khói lửa,
đạn bom thì hình thành lớp người lúc nào cũng mang trong mình một khí thế hừng
hực, sục sôi, lúc nào cũng muốn xông ra trận để giết giặc, giải phóng, bảo vệ
quê hương, đất nước.Thời cơ chế thị trường thì sinh ra lớp người năng động,
sáng tạo, lúc nào cũng tìm mọi cách để kiếm được nhiều tiền. Nhưng cho dù thời
nào đi chăng nữa, thì tất cả mọi thế hệ đều có một nhân cách chung, đó là thông
qua những lời ru của mẹ, những bài giảng
của thầy cô giáo, tất cả mọi người đều có lòng yêu thương đất nước, quê hương,
hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nghĩa tình thủy chung với làng xóm, bạn bè.
Nhớ
đến tiếng trống trường, điều đầu tiên là nhớ đến thầy cô giáo. Người xưa đã dạy:
“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “không thầy đố mày làm nên”.Nghề dạy học thời
nào cũng được xã hội tôn vinh, trân trọng và mọi người kính nể, bởi hình ảnh của
thầy cô giáo bao giờ cũng đẹp đẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế mà vào thời buổi
này có nhiều người lại không nhận thức đúng về hình ảnh đó. Hình ảnh của thầy
cô giáo đâu phải như là thần tượng của
diễn viên. Diễn viên trong các sô diễn chỉ cần giọng ca khét lẹt, chói cháng,
hòa cùng bản nhạc vũ điệu đường cong ầm ĩ trong cái sân khấu tranh tối tranh
sáng, chớp chớp lòa lòa, khán giả la hét tán thưởng, thế là thành thần tượng,
còn sau đó diễn viên làm gì thì chỉ có trời mới biết. Thần tượng ở thầy cô giáo
không phải như vậy, chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ và trong sáng thôi thông qua cử
chỉ, lời nói từ việc dạy học cho đến sinh hoạt. Không phải lúc nào thầy cô giáo
cũng trong bộ áo quần com lê thẳng gấp, chiếc áo dài duyên dáng, dày dép bóng
loáng, đầu tóc mượt mà từ lúc lên lớp cho đến khi đi chợ. Thầy cô giáo cũng như
chúng ta thôi, cũng yêu ghét, cũng vui buồn. Sau những ngày dạy học căng thẳng
và mệt mỏi, vào ngày nghỉ, buổi sáng thầy đến quán nhấm nháp ly cà phê, tán gẩu
cùng bạn bè,trưa đến cùng họ nhậu say lí bí, tối đến làm vài giờ ca ra ô kê có
khi đến 1,2 giờ sáng.Bạn bè sợ thầy mệt đưa thầy về nhà và bàn giao cho vợ thầy
đầy đủ hình hài, nhung nhan không thiếu một bộ phận gì. Sau khi cảm ơn các bạn
của thầy, vợ thầy vội pha một cốc nước sắn cơm cho thầy uống để giả nhiệt, tìm ống
vôi ăn trầu của bà ngoại bôi vào gan bàn chân của thầy, rồi đặt tay lên mũi thầy
thấy vẫn thở đều đều, chị mới yên tâm buông màn nằm ngủ cạnh chồng. Sáng sớm,
thầy vẫn áo quần tươm tất, lên lớp giảng bài đúng giờ không sai một phút như
đêm qua không có việc gi xảy ra. Thế mới biết phong cách thầy giáo thời a
còng(@).
Không
chỉ hiểu sai về hình ảnh của thầy cô giáo, mà ngay đến cái nghề của thầy cô
thiên hạ cũng bàn tán, xì xào. Thời kinh tế thị trường, mọi người đều phải đi
làm thêm, từ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ cho đến các loại công chức, viên chức của
các nghành khác, tất cả đều đi làm thêm, thế mà xã hội không có ý kiến gì, lại
còn ủng hộ. Còn thầy cô giáo của chúng ta dạy thêm thì xã hội không đồng tình,
phê phán, thậm chí có người cho là vấn nạn. Việc dạy thêm đã có sự ràng buộc của
quy chế nghành giáo dục đào tạo rồi, Thật không công bằng với thầy cô giáo chút
nào, vô lí quá! Có cung ắt phải có cầu, đó là khách quan, đó là xu thế. Bên cạnh
một số thầy cô giáo cuộc sống ổn định, còn rất nhiều thầy cô đời sống đang còn
chật vật, thiếu thốn. Gia đình chúng ta có 4,5 người (vợ chồng và vài ba đứa
con) ở trong một ngôi nhà không cấp một thì cấp bốn với diện tích trên dưới
100mét vuông mà có lúc còn kêu ca chật chội, còn gia đình thầy cô giáo, vợ chồng,
con cái ăn ở, sinh hoạt lâu dài trong một căn phòng tập thể với diện tích 10
mét vuông, mùa mưa thì lụt lội,ướt át, mùa nắng thì ngột ngạt, oi bức nhưng
cũng đành phải “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Hết giờ dạy, cô giáo ra chợ chỉ
còn lại mấy bó rau muống héo úa của chị Đồng Cao, mớ cá long hội của bà Kẻ Nại,
cũng đành vậy, bửa ăn đạm bạc. Chật vật là vậy, thiếu thốn là vậy, thế mà vẫn lạc
quan, yêu đời, không kêu ca, phàn nàn, ngày lại ngày vẫn gắn bó với trường lớp,và
vẫn hết lòng vì đàn em nhỏ thân yêu.
Lại
còn việc xin điểm, xin lớp nữa chứ. Hiện nay, cơ chế đã phù hợp, chính sách
thông thoáng, kinh tế phát triển, môi trường lành mạnh, đó là những điều kiện
thuận lợi hết sức cơ bản và là cơ hội vàng để học sinh tự vươn lên, tự hoàn thiện
mình. Thế nhưng một số bạn lại chểnh mảng, chơi bời lêu lỏng, không chịu khó
rèn đức luyện tài, kết cục điểm học các môn thấp kém, lưu ban. Còn phụ huynh
thì nổi lên lòng tự trọng vì con cái thua em kém chị, xấu hổ với dòng họ, làng
xóm, bạn bè, đành phải làm liều đến thầy cô giáo để xin điểm, xin lớp, ấy là
chưa nói đến việc xin đạo đức nữa.Họ năn nỉ, quỳ lụy, quà cáp, thậm chí còn đe
dọa. Thầy cô giáo cũng đau đầu và dằn vặt lắm chứ. Tình làng, nghĩa xóm, không
dây mơ thì rễ má, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Người ta làm ông này bà
nọ giúp quê hương, dòng họ biết bao là việc, mà toàn những việc lớn cả. Mình
làm nghề dạy học chẳng lẻ không cho con em được một vài điểm học để được lên lớp
à, còn chuyện thành tích của lớp của trường nữa chứ. Thôi thì “một điều nhịn,
chín điều lành” đành chấp nhận vậy, phụ huynh mang ơn, mình được tiếng sống có
tình có nghĩa, thành tích của trường lớp cũng được nâng lên. Trọn cả ba đường.
Thời
nay, dưới con mắt của nhiều người, một bộ phận không nhỏ trong học sinh đạo đức
xuống cấp nghiêm trọng. Dư luận thường đề cập đến những chuyện học sinh nổi loạn
trong lớp, chuyện bạo lực học đường, thực tế là có. Năm kia, có năm nữ sinh trường
PTTH huyện nhà, trước giờ học hẹn nhau vào nhậu tại một quán cháo lòng, tiết
canh và làm mấy xị cho ngon miệng. khi vào lớp, con ma men đã ngấm vào thân xác
những đào liểu này và chúng đã nhảy múa điên loạn, la hét om sòm ngay trong lớp
học. Nhà trường báo động khẩn cấp. Thầy hiệu trưởng đích thân đến, nhìn cảnh tượng
có một không hai ấy, thầy tròn xoe mắt, tuyên bố một câu để đời: tôi làm nghề dạy
học đã 38 năm nay mà chưa bao giờ thấy cảnh này xảy ra ở trong trường học. Cũng
mới năm ngoái đây thôi, tại trường THCS nọ đã xảy ra một chuyện động trời. Một
học sinh nữ, không rõ có mâu thuẩn gì với bạn,tay lăm lăm con dao nhỏ sáng
loáng,mặt hằm hằm sát khí xông vào lớp học định làm thịt đối thủ. Thầy hiệu phó
thấy vậy, mặt xanh như tàu lá chuối, cầm ngay điện thoại lạc cả giọng, yêu cầu
Cảnh sát 113, CA huyện, CA xã đến trấn áp một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm
đang gây án nghiêm trọng tại trường. Nghe vậy, nữ quái càng trở nên điên tiết
hơn và ra tay ngay làm cho một vài học sinh bị thương tích. Còn các lực lượng
chức năng khi nghe điện báo của nhà trường, đã cử ngay vài chục cán bộ, chiến
sĩ, huyện xã có, gậy cao su, roi điện có, nhanh chóng đến hiện trường như đang
thực hiện cuộc vây bắt một thành viên của tổ chức khủng bố A kê đa vậy. Giã sử
lúc đầu gặp em nhỏ trong tình trạng như thế, thầy giáo hoặc ông bảo vệ nhà trường
gặp gỡ cháu, ôn tồn hỏi han và tìm cách dàn xếp thì có lẻ chuyện động trời kia
cũng không xảy ra. Dân gian có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, đời học
sinh ai mà chẳng có một vài lần ngây ngô, khờ dại, thậm chí loạn tặc,đó là một
thực tế, đó là vấn đề xã hội, buộc ta có lúc phải chấp nhận. Xã hội bao giờ
cũng tồn tại giữ cái thiện, cái ác, giữ cái tốt, cái xấu, có điều trách nhiệm của
chúng ta phải ngăn chặn và làm hạn chế những cái tiêu cực, để cho những cái
tích cực được gìn giữ và phát huy.
Đã
đến lúc chúng ta phải có cái nhìn cởi mở hơn với tất cả các góc độ và với
phương pháp nhân sinh quan, thế giới quan để đánh giá đúng mọi vấn đề xảy ra
vào thời buổi này. Chúng ta có thể thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ tiêu cực
tham nhũng,một số công chức nhà nước cậy quyền hạch sách nhân dân, một vài CSGT
nhận tiền mãi lộ mà nhìn xã hội này một màu xám xịt, cũng như khi thấy tác
phong của một vài thầy cô giáo chưa đứng đắn, một bộ phận nhỏ học sinh hổn láo,
nghịch ngợm mà đánh giá nền giáo dục này xuống cấp. “Con sâu làm rầu nồi canh”.
Đó chỉ là những hiện tượng trong tương lai là không thể và dần dần sẽ được điều
chỉnh và loại bỏ.
Ngành
giáo dục, đào tạo đã và đang có những cố gắng tích cực, bền bỉ trong nhiệm vụ
nâng cao chất lượng dạy và học. Những phong trào “nói không với tiêu cực trong
thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo
đức, tự học và tự sáng tạo” đang được thực thi có hiệu quả và không ngừng nhân
rộng. Gần đây, ngành đang xây dựng và triển khai mô hình “trường học thân thiện,
học sinh tích cực”,đây là mô hình cải thiện linh hoạt các hoạt động thường ngày
của nhà trường nhằm làm cho các hoạt động giáo dục trở nên nhẹ nhàng vui tươi,
nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. Với những phong trào và mô hình như
thế, chúng ta tin tưởng rằng thầy và trò sẽ có những chuyển biến mới, sâu sắc
và toàn diện hơn trong việc dạy và học thời gian tới.
Tiếng
trống trường đã điểm, thầy, trò cùng vào lớp. Những ánh mắt trẻ thơ đăm đắm,
chăn chú nghe thầy cô giảng bài như muốn nuốt lấy từng lời.Tương lai, vận mệnh
của đất nước nằm gọn lỏn trong từng lớp học nhỏ bé này đây. Cầu mong cho từng lớp
học, từng sân trường mãi mãi yên bình,chỉ có tiếng giảng bài của thầy cô giáo,
tiếng i ơ học bài của đàn em nhỏ và vọng mãi tiếng trống trường với nỗi niềm
thương nhớ thầy cô, bè bạn và cả những khát khao mảnh liệt về một ngày mai tươi
sáng của quê hương, đất nước.
Hạnh Vinh
2 nhận xét:
Bài viết rất cởi mở, lại có nhiều cảm xúc: vừa bùi ngùi, xúc động, vừa dí dỏm chua chát, có hình ảnh của quá khứ, hiện tại, tương lai. Có hành vi đáng chê trách và có những hoàn cảnh đáng thương, có tích cực lẫn tiêu cực. Cảm ơn HV đã nói hộ suy nghĩ và tấm lòng của thầy cô giáo.
thật đáng trân trọng HV.
Đăng nhận xét