Lịch sử chùa Vĩnh Phước - Lý Hòa

Chùa Lý Hòa
Cổng chùa Lý Hòa củ
Làng Lý Hoà, châu Bố Chánh xưa, nay là xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được nhà sử học Lê Quý Đôn thời nhà Lê chép trong Phủ biên tạp lục: Lý Hòa là làng thương thuyền, giàu nhất nhì tỉnh Quảng Bình, làng ấy còn là làng Văn Vật”. Làng có một hệ thống đình chùa miếu vụ thờ Linh thần và Nhân thần, với 32 ngôi đền và miếu ở khắp nơi trong địa phận làng quản lý. 

Trong đó có chùa Phật Vĩnh Phước được xây dựng rất sớm. Chùa Phật “Vĩnh Phước” là nơi hướng thiện mang đậm nét  văn hóa dân gian, thể hiện đời sống tinh thần của dân làng Lý Hoà.
Vĩnh Phước Tự được xây dựng năm Mậu Ngọ (1738) thời vua Gia Long, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ tư. Lúc đầu chùa được làm bằng gỗ lợp tranh khá đơn sơ. Đến năm Mậu Tuất (1802) thời vua Gia Long niên hiệu thứ nhất chùa được xây lại bằng gạch, lợp ngói vảy, ba gian hai chái rất rộng, lớn nhất trong vùng. Qua đó có thể thấy tư tưởng Phật giáo đến với nhân dân Lý Hòa khá sớm.
Chùa Lý Hòa đang xây dựng mới 
          Khuôn viên chùa rất rộng trên 10000  mét vuông. Phần nổi chùa rộng 2000 mét vuông có thành bao quanh. Cổng chùa cao, một cửa ra vào. Trên bình quan cổng có đắp 3 chữ nổi" VĨNH PHƯỚC TỰ" bằng tiếng phạn Ấn Độ. Trước mặt chùa có ba đám ruộng chùa rộng 5000 mét vuông gọi là ruộng Tam Bảo do ngài tiền hiền khai khẩn duyệt hòa hầu Nguyễn Duy Duyệt và vợ là bà Hoàng thị Lý bỏ ra một trăm ba mươi quan tiền khai phá, canh tác thu hoa lợi để hương khói cho chùa và nuôi sư sải. Khi ông bà qua đời được lập bài vị thờ trong chùa. Phía sau chùa là khu đại viên rộng trên 2000 mét vuông trồng nhiều loại cây ăn quả và hoa phượng phật, hoa hồng. Bên phải về phía Tây chùa có hồ sen rộng chừng 1000 mét vuông. Bên trái về phía Đông chùa có một giếng hình vuông xây bằng đá đẽo thành phiến 20cm x 20cm x120cm do người Chăm xây dựng có lịch sử trên 800 năm. Đây là cổ vật lộ thiên quý giá hiếm có. Từ lâu đời nhân dân thường gọi là Giếng Chùa.
Chùa Lý Hòa đang xây dựng mới
          Sự bài trí thờ phụng trong chùa theo Phật Diễn: Các tượng phật đặt ở các vị trí theo thứ tự chặt chẽ tôn nghiêm. Chùa có một chuông bằng đồng thau nặng 300kg (dân thường gọi là boong) được đúc vào năm Kỷ Mão(1819) thời vua Gia Long niên hiệu thứ 18. Chuông có ghi nhiều sự tích về chùa và ghi danh các phật tử, người đóng góp tiền của đúc chuông. Do chiến tranh chuông bị hư hỏng nặng , nay được thay thế băng chuông mới nặng 400kg. Chuông cũ là một vật cổ có giá trị lịch sử lâu đời sẽ được lưu giữ bảo tồn cùng giếng chùa, cổng chùa ( đã được phục chế lại) tại khuôn viên giếng chùa.
Chùa Lý Hòa đang xây dựng mới
          Chùa phật Vĩnh Phước là nơi dân làng Lý hòa và các nơi đến thắp hương niêm phật hướng thiện thường xuyên vào các ngày mồng một, rằm hàng tháng. Đặc biệt vào ngày đại lễ Phật đản mồng tám tháng tư âm lịch, nay đổi lại ngày 15 tháng 4 âm lịch. Ngày Vía 12 tháng 2 âm lịch trong năm. Đây là hai ngày lễ hội phật giáo lớn hàng năm của chùa. Cứ sáu năm chùa tổ chức lễ cầu siêu một lần, có lập đàn chay cầu kinh ba đến bảy ngày đêm. Đây là lễ hội trọng thể nhất của chùa được nhân dân trong làng và các nơi đến đi chùa dự lễ đông đúc và sôi nổi nhất. Giữa hai kỳ của sáu năm có bà Thường (vợ cụ Thượng Thư Tiến Sỹ Nguyễn Duy Tích) lập đàn chay cầu siêu tại chua thêm một lần, nên chùa ba năm cầu siêu một lần.
Chùa Lý Hòa đang xây dựng mới
          Sư chủ trì chùa lúc đầu do chùa Bảo Quốc Huế cử ra tu hành và trong coi chùa, sau này do các sư người Lý hòa chủ trì. Trước cách mạng tháng tám 1945 do sư thầy Hoàng Duy Ổi thường gọi là thầy Kiểm Ổi chủ trì lâu năm rồi qua đời được nhà chùa an táng sau khu đại viên chùa. Mộ được xây bằng hình tháp lục giác rất cao. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ  chùa được sư thầy Đặng Gia Khiên chủ trì.
          Đến năm 1965 chùa bị máy bay Mỹ ném bom hư hỏng nặng chỉ còn cổng chùa với vô số vết đạn mà nó mang theo cho đến mãi sau này. Nên sư thầy lúc đó đã thỉnh toàn bộ tượng phật trong chùa xuống thờ tại chùa Đức trạch và tu hành ở đó cho đến cuối đời , được đưa về an táng tại nghĩa trang gia đình ở Lý hòa.
Chùa Lý Hòa đang xây dựng mới 
          Đất chùa bị dân chiếm làm nhà ở, ruộng chùa cũng được chính quyền xã phân lô cấp cho dân ở. Chùa bị hoang phế một thời gian dài, nhân dân đau lòng nuối tiếc, may mắn Phật linh thiêng độ trì phù hộ, có vợ chồng Ông Phan Hải và bà Phạm Thị Dung đang cư trú làm ăn tại thành phố  Hồ Chí Minh . Là hai người con tâm huyết của Lý Hòa đã và đang đầu tư nhiều chục tỉ đồng xây dựng cho làng nhiều công trình dân sinh và tâm linh. Tháng 11/2011 đã tiến hành xây  dựng Chùa Phật Vĩnh Phước Lý Hòa trong khuôn viên đất Chùa còn lại lại 1.400m vuông. Với mong muốn để nhân dân quê hương Lý Hoà có nơi hướng thiện. Kiến trúc chùa sẽ có phần hoàn toàn khác Chùa xưa. Hiện đại uy nghi, cao ráo, khoáng đãng, cây xanh to cao phủ kính quanh sân Chùa tôn thêm vẻ đẹp và uy nghi cho chùa. Bài trí Thờ phụng trong chùa cơ bản theo Phật Diễn. Có phần thay đổi chút ít do khuôn viên chùa quá chật hẹp.
Chùa Lý Hòa đang xây dựng mới
Nhưng điều quan trọng nhất là:
Triết lý đạo Phật của chùa Vĩnh Phước mới ngày nay không thay đổi, thỏa mãn tâm nguyện của nhân dân Lý Hòa và các nơi lân cận trong vùng. Từ đây nhân dân Lý Hoà lại có chùa để “niệm phật hướng thiện”. Chùa Phật Vĩnh Phước trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Lý Hòa hiền từ, đức độ đã lâu đời.
          Chùa chọn làm ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng mười tháng ba Quý Tỵ (2013) ngày ĐẠI QUỐC LỄ, làm lễ khánh thành đầy ý nghĩa nghiêm trang và trọng đại.
Tác giả : Nguyễn Ánh

Liên hệ với Admin

Không có nhận xét nào: