Những mảnh đời phụ nữ quê tôi…


Hình Internet
Quê tôi là quê hương của miền di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, của những làng quê anh dũng “rào làng chiến đấu” trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, là những đồng ruộng mênh mông, những ngôi nhà tranh xa xa sau luỹ tre làng gắn với những buổi chiều chăn trâu, thả diều cùng lũ bạn, là dòng sông xanh êm đềm theo tuổi thơ tôi khôn lớn. 


Bình dị và nông thôn là thế, nhưng con gái ở quê tôi lại trắng trẻo và đáng yêu vô cùng. Tụi bạn tôi- có những đứa theo học bằng cấp này, bằng cấp nọ và cũng đã có những công việc nhất định. Còn những đứa không còn tiếp tục con đường học vấn dường như đã lấy chồng gần hết khi vừa ở tuổi mười tám đôi mươi. Đôi lúc, tôi tự tìm cho mình một lời giải thích. Ông bà ta thường nói “lấy chồng như đeo gông vào cổ”. 

Vậy nên tôi luôn tự hỏi tại sao lũ bạn tôi đeo cái gông ấy chi sớm vậy?. Hỏi thăm, tìm hiểu mới biết rằng mỗi đứa mỗi hoàn cảnh và có những nguyên nhân thật khác nhau... 

Thảo-nó lấy chồng năm 18 tuổi, vừa tròn cái tuổi mà pháp luật cho phép, đủ để không vi phạm luật hôn nhân-gia đình. Chồng nó cũng chỉ hơn nó hai tuổi và là người cùng làng. Cô bạn tôi có hoàn cảnh khá đặc biệt: ba nó chia tay mẹ con Thảo lúc Thảo còn rất nhỏ chỉ vì mẹ nó không sinh được cho ba nó đứa em trai nào, vậy là mẹ nó một mình nuôi Thảo và hai đứa em gái. Nhưng rồi sự đau khổ lại ập đến với ba chị em Thảo khi trong một lần lên rừng đốn củi, không may mẹ Thảo bị tai nạn giao thông và ra đi từ đó, trớ trêu thay kẻ gây tai nạn cũng bỏ trốn mà cho đến giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Thảo thôi học từ năm lớp 9 cũng vì hoàn cảnh khó khăn. Em gái Thảo theo đó cũng bỏ học để đi làm công nhân, hôm việc này, mai việc nọ miễn là để có tiền cho ba chị em rau cháo nương tựa nhau cho đến khi Thảo xuất giá theo chồng. Thảo thường ao ước có một lần được mặc chiếc áo dài trắng đến trường, chiếc áo trắng tinh khôi của tuổi học trò. Vậy mà chiếc áo dài đầu tiên nó mặc là chiếc áo cưới. Đối với nó tình thương của một người cha chỉ là một ước mơ xa vời, với nó ba là người đáng sợ. Hôm thành hôn nó bật khóc khi gọi tiếng “ba”, tiếng ba mà mười mấy năm trời nó chưa một lần được gọi. “Ba” - tiếng gọi thiêng liêng ấy chỉ dành cho ba chồng thôi nhưng đối với nó là một niềm hạnh phúc lớn. Nó khóc vì xúc động, nó nói với tôi: “Cuối cùng tau cũng được gọi tiếng ba”. Nhìn nó vui mà hai mắt tôi cứ đỏ hoe.

Phương học sau tôi hai lớp, nó học cùng lớp và là bạn thân với em gái tôi nên tôi coi nó như là em gái mình vậy thôi. Tôi và Phương cũng không thân lắm. Thuở còn đi học nó thường hay đến nhà rủ em gái tôi đi học nhóm hoặc đi sinh hoạt lớp.v.v.Bốn năm xa nhà, xa quê và giờ khi gặp lại, trông Phương già dặn hơn, xinh đẹp và có vẽ mạnh mẻ hơn thì phải. Tôi gặp lại cô ấy trong hoàn cảnh trớ trêu: Cô ấy đến cơ quan tôi để nộp đơn xin ly hôn thì gặp tôi. Sau khi cho cô ấy biết cơ quan tôi chỉ thực hiện chức năng kiểm sát, còn việc trực tiếp thụ lý và giải quyết là do Toà án, tôi liền hỏi thăm thì mới hay rằng Phương lấy chồng cũng đã được hơn hai năm. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Phương thi không đỗ đại học nên cô ấy đã theo học một lớp trung cấp du lịch, sau đó ra trường xin về làm việc tại một trung tâm du lịch dịch vụ ở xã Bảo Ninh-tỉnh Quảng Bình. Trong thời gian còn đi học trung cấp, cô ấy đã yêu một thanh niên cùng tuổi ở khác làng, ra trường hai người liền đi đến hôn nhân. Nhưng không hiểu quá trình yêu nhau thế nào mà sau này, khi đã thành vợ chồng thì Phương phát hiện chồng mình là một con nghiện. Mọi tài sản, của cải Phương sắm được cũng theo những cơn nghiện của chồng mà lần lượt “đội nón” ra đi. Khi Phương khuyên ngăn, góp ý thì bị chồng “thượng thẳng chân, hạ thẳng tay” không thương tiếc. Thế là ly dị, chỉ thương cho đứa con nhỏ hơn một năm tuổi của Phương sẽ thiếu đi hơi ấm và tình thương của một người bố, dù đó là người bố nghiện ngập…! Phương kể cho tôi nghe mà chẳng thấy có chút đau buồn nào trên nét mặt của nó. Dường như Phương cũng đã chịu đủ mọi khổ đau trong thời gian chung sống với người chồng nghiện ngập nên việc ly dị âu cũng là tất yếu, để “giải thoát cho nhau là tốt nhất” như lời Phương đã nói với tôi lúc chia tay.

Còn hoàn cảnh của Huệ thì lại khác. Tôi biết về chuyện của Huệ qua anh bạn tôi là đồng nghiệp với Huệ. Huệ là một giáo viên của một trường THPT của huyện tôi hẳn hoi. Huệ không phải là bạn học với tôi, Huệ từ một tỉnh khác đến đây lập nghiệp với mong muốn được truyền tải những kiến thức đã học được ở đại học cho các em học sinh cấp ba ở quê tôi. Nhưng không biết cô giáo trẻ này đã suy nghĩ như thế nào mà trong một dịp hè, cô không về thăm quê mà ở lại trường và theo chân một em học sinh miền biển về quê “đánh cá”. Và cũng không hiểu quan hệ thế nào mà kết quả của những chiều cùng cậu “học trò quý” ra biển “đánh cá” là một cái bầu khi cậu nam này đang là học sinh cuối cấp. Thế là cưới, cậu học trò cũng gắng học hết lớp 12 để làm một ông bố “bất đắc dĩ” khi hành trang cho một gia đình mới đối với cậu học sinh này chỉ là kinh nghiệm của những lần theo cha đi đánh cá, những lần theo đám bạn học sinh đùa nghịch trên những bãi cát trắng lúc hoàng hôn chứ làm gì có kiến thức nuôi dạy trẻ, còn cô giáo cũng vì thế mà ở lại lập nghiệp trên vùng biển cát trắng gió lào quê tôi.
Đó mới chỉ là những chuyện xãy ra ở quê tôi, là nơi đã có nhiều điều kiện tốt để tiếp túc với những thông tin, tri thức mà vẫn còn biết bao nhiêu chuyện buồn, vui để chia sẽ. Vậy thì ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nữa thì sao? Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi mà pháp luật cho phép, một gia đình với “hai đứa con nít” sinh ra “một đứa con nít”. Họ vi phạm pháp luật hôn nhân ư? Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng liệu luật lệ sẽ làm được gì khi phong tục, tập quán ở một số vùng dân tộc ít người vẫn thế. Nếu họ vi phạm pháp luật thì sao? Không lẽ đã cưới rồi lại bắt họ thôi nhau? Còn phạt tiền ư? Liệu có ích gì?

Tôi mong sao người dân quê hương mình trình độ dân trí và vấn đề sức khoẻ sinh sản giới tính ngày càng được nâng lên. Bởi hơn hết, những người con gái, khi lớn lên tất cả họ và đặc biệt là tất cả các bậc làm cha, làm mẹ họ đều mong muốn cho con mình tìm được một nữa của sự yêu thương, của hạnh phúc gia đình, mong cho họ tìm được cho mình một tổ ấm và sự bền vững của một gia đình Việt Nam đúng nghĩa của nó.

Để làm được điều đó, hơn ai hết, tất cả chúng ta hãy chung sức cùng các cấp, các ngành có những biện pháp, chính sách tuyên truyền phù hợp về vấn đề hôn nhân-gia đình, sức khoẻ sinh sản, giới tính, vấn đề giáo dục pháp luật.v.v tới tất cả mọi người dân từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị tới nông thôn, trẻ già, trai gái. Để bản thân của mỗi một cá nhân có đầy đủ nhận thức và hiểu biết về các kiến thức pháp luật, về các chuẩn mực đạo đức xã hội. Và hơn bao giờ hết, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử thì những người phụ nữ, bà mẹ và trẻ em vẫn là những người cần được chính chúng ta và toàn xã hội bảo vệ và chăm sóc trên cơ sở tình thương yêu đồng loại, sự tương thân tương ái giữa mỗi con người. Để mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Xã hội chỉ thực sự bền vững khi mỗi gia đình bền vững, ấm no và hạnh phúc. Có như vậy, chúng ta mới có được một Việt Nam đẹp giàu và những con người Việt Nam khoẻ mạnh...
                                                                                                              Phúc Đinh

Liên hệ với Admin

Không có nhận xét nào: