ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRONG LÒNG DI SẢN

Di sản Thiên thiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng  có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại khu Di sản đã hình thành và phát triển tuyến đường chiến lược Quốc gia đường Hồ Chí Minh. Phong Nha - Kẻ Bàng  đã và đang chứa trong mình nó một phần máu thịt của con đường huyết mạch huyền thoại.

Với các tên “Đường 559”, đường “Trường Sơn”, đường “Hồ Chí Minh”. Hệ thống đường Hồ Chí Minh từng bước phát triển thành một mạng lưới liên hoàn vững chắc gồm nhiều trục đường dọc ngang nối Đông -Tây Trường Sơn, tỏa ra khắp chiến trường.  Khu Di sản đặc biệt này có tới 10 điểm di tích được xếp hạng  di tích cấp quốc gia đó là: Khu vực bến phà Xuân Sơn và Động Phong Nha, một số khu vực trên đoạn “đường 20 Quyết Thắng” như: km10, km14 thuộc trọng điểm Trà Ang, Hang mộ Tám Thanh niên xung phong hy sinh ở km16,5 và sân bay Khe Gát.
          Do yêu cầu nhiệm vụ chi viện chiến trường miền Nam ngày càng lớn vào những năm 1967, 1968 mà chỉ có một cửa khẩu đường 12 qua Khe Ve, Cổng Trời Mụ Dạ thuộc huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình thì chưa đủ. Vì vậy, Trung ương quyết định mở thêm đường 20 Quyết Thắng, đường bắt đầu từ km số 0 ở cửa rừng Phong Nha đến tỉnh Khăm Muộn dài 123 km. Con đường này trở thanh trung tâm hoạt động của các lực lượng bộ đội và thanh niên xung phong, cũng là khu vực địch tập trung đánh phá ác liệt nhất. Lực lượng thi công gồm các đơn vị công binh với công trường 20 của Bộ Giao thông Vận tải các đơn vị cơ giới, các đơn vị thanh niên xung phong Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình. Toàn bộ số nhân công là 519.287 công với khối lượng đào đắp gần 1 triệu m3 đất đá. Trọng điểm Trà Ang, cao 150m so với mặt biển có chiều dài khoảng 5km, lòng đường hẹp, một bên vách đá dựng đứng, một bên dòng suối sâu thẳm. Máy bay Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt, có đợt ném bom suốt 87 ngày đêm liên tục với 793 trận, có ngày chúng dùng đến 27 lần chiến B52 và 30 lần chiếc máy bay khác ném bom tọa độ, làm hàng trăm người bị thương và hy sinh. Tại suối Trà Ang, chỉ tính riêng con số  phuy  xăng  kéo trong 6 ngày kể từ ngày 25 tháng 9 năm 1968 đến mồng 1 tháng 10 năm 1968, theo kế hoạch kéo 60 phuy xăng đến địa điểm tập kết nhưng kéo được 30 phuy xăng thì đã có 29 người anh dũng hy sinh. Ngoài các đơn vị tham gia vận chuyển xăng với con số 2000 người, còn có các đơn vị tham gia bảo vệ đường gồm 02 Đại đội cao xạ, 01 Đại đội thanh niên xung phong 263, Đoàn 3030.
          Tại km 16,5 máy bay Mỹ đã bắn tên lửa làm sập lèn đá lấp cửa hang, vùi 8 thanh niên xung phong gồm 4 nam, 4 nữ, cả 8 người quê Thanh Hóa, họ đều ở độ tuổi 18 đến 20. Đây là hang mộ chung. Khi thắp những nén hương cho đồng đội của mình, anh Nguyễn Trung Hiếu đã thốt lên:
“Dẫu nói gì, các bạn tôi đâu còn nữa
Mỹ đánh sập hang, đồng đội không rời.
Chín ngày đục núi, bom vằm suốt
Tám người đành gửi lại tuổi hai mươi”.
          Cùng với đường 20 Quyết Thắng là việc mở bến phà Xuân Sơn , bến phà có nhiệm vụ đảm bảo các hướng chi viện từ đường 15a và đường 15b về cùng vượt cửa khẩu đường 20 Quyết Thắng. Tại đây, các lực lượng Ty Giao thông Quảng Bình, Đại đội 10 cầu phà thuộc Binh trạm 14 phụ trách. Có đêm có tới 1.200 xe đến 2.000 xe vượt sông. Địch đánh phá dữ dội cả ngày lẫn đêm, với đủ loại bom, đạn kể cả thả bom từ trường dày đặc dòng sông. Để cho xe vượt sông liên tục, tránh bến phà Xuân Sơn ta mở thêm tuyên đường tranh và bến phà hai đó là đường và bến phà Nguyễn Văn Trỗi  nằm phía thương lưu bến phà Xuân Sơn gần cửa động Phong Nha. Khu vực Xuân Sơn - Phong Nha còn có các hang động như Hang 36, Hang 34, Hang 33 dùng  chứa xăng dầu, đạn dược, lương thực, thực phẩm.. Từ Troóc vào bến phà (khu vực bến phà B), trên đoạn đường sông vào tham quan Phong Nha.

          Đặc biệt, động Phong Nha được dùng để cất giấu canô, phà vào ban ngày để ban đêm kịp ra hoạt động. Nơi đây, quân dân địa phương, thanh niên xung phong, các lực lượng bộ đội dũng cảm chiến đấu bảo vệ đường. Nhiều chiến sĩ cán bộ, bộ đội đã anh dũng hy sinh, ngã xuống để cho các chuyến hàng và người chi viện nhanh chóng kịp thời cho chiến trường. Trên đoạn sông của bến phà Xuân Sơn,  anh Nguyễn Thế Chơn phá bom từ trường, anh Trần Vân chỉ huy phà vượt sông, anh Trần Thường bị thương ở bụng vẫn lái canô cập bến an toàn, anh Hoàng Văn Chảy và Phan Văn Bộ kỹ sư công binh cùng 70 thanh niên xung của Đại đội 4 đã anh dũng hy sinh.
          Sân bay Khe Gát là sân bay dã chiến được nhân dân địa phương, bộ đội, thanh niên xung phong làm khẩn cấp. Tuy chỉ đánh địch một lần nhưng biên đội đã đánh trúng tàu chiến Mỹ.

          Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về con đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh vẫn không hề phai nhạt. Các điểm di tích đường Hồ Chí Minh trong lòng Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn mãi mãi là những câu chuyện huyền thoại, trường tồn như một minh chứng lịch sử của một thời kỳ cả dân tộc ta vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Tham quan Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng ta còn đến với đền thờ các anh hùng, liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng và đặc biệt rồi đây “Bảo tàng đường Hồ Chí Minh” thu nhỏ sẽ được hiển hiện là địa chỉ thu hút khách tham quan thường ngoạn, tận mắt ngưỡng mộ kỳ tích, chiêm nghiệm về sức mạnh vô song, ý chí “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của con người Việt Nam. Chúng ta rất đỗi tự hào và sẽ cùng góp phần làm cho vùng đất Di sản này ngày càng giàu đẹp hơn.

BỐ TRẠCH MIỀN DI SẢN
>>> Video Những Khoảng khắc khó quên tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Link: https://www.youtube.com/watch?v=NbMdQYJndNI

Không có nhận xét nào: