XÃ HẢI TRẠCH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975).

haitrach
Chương III
3.1. Tình hình Hải Trạch sau ngày ký hiệp định Giơnevơ năm 1954  
Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đối với ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Ngày 1/1/1955, tại quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể của hàng chục vạn nhân dân Hà Nội chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô.  Ngày 16/5/1955, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng và đến ngày 22/5/1955 thì rút khỏi đảo Cát Bà. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng.     
          Tại Quảng Bình, ngày 18/8/1954, quân viễn chinh Pháp rút khỏi thị xã Đồng Hới, Quảng Bình hoàn toàn giải phóng.
          Sau ngày Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Bố Trạch phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề: đồn bốt, lô cốt, tháp canh, bom mìn dày đặc cùng các phế liệu chiến tranh ngổn ngang; nhiều làng mạc trù phú bị tàn phá, ruộng vườn bị bỏ hoang. Toàn huyện có 9.426 nóc nhà bị thiêu, hàng ngàn mẫu ruộng đất bị bỏ hoang. Chỉ riêng thôn Hỷ Duyệt (Hải Trạch) đã có 600 mẫu đất hoang hóa. Toàn bộ đê ngăn mặn ở phía Nam sông Gianh và dọc hai bên sông Lý Hòa bị hỏng. Hệ thống cầu cống, đường giao thông nông thôn bị phá hủy. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, đồng bóng khá phổ biến. Những hủ tục, tàn dư phong kiến đan xen với nền văn hóa thực dân đã ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng con người mới, đời sống mới.  “Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp còn gây nên những thiệt hại lớn về người, toàn huyện có 1.876 người bị giết, 6.085 người bị bắt,trong đó có 53 đảng viên hi sinh, 239 đảng viên bị bắt. Bên cạnh đó, hạn hán kéo dài, bão lụt xảy ra liên tiếp gây nên mất mùa, đói kém” [26, tr.18].
          Như vậy, sau ngày kháng chiến thắng lợi, nhân dân Bố Trạch nói chung, Hải Trạch nói riêng vô cùng phấn khởi vì quê nhà đã được giải phóng song cũng còn đó nhiều khó khăn trở ngại do chiến tranh tàn phá. Tình hình trên đòi hỏi Bố Trạch nói chung, Hải Trạch nói riêng cần sớm kiện toàn tổ chức về mọi mặt để lãnh đạo xã nhà hoàn thành nhiệm vụ mới trong tình hình mới – đất nước tạm thời chia cắt hai miền với hai chế độ chính trị – xã hội khác nhau.
          3.2. Bước đầu xây dựng chế độ mới của nhân dân Hải Trạch (1954 – 1964)
          3.2.1. Củng cố, kiện toàn bộ máy hành chính.
          Để tăng cường công tác quản lý nhà nước phù hợp với tình hình mới, thi hành chủ trương của Liên khu ủy Khu IV và của tỉnh ủy Quảng Bình về việc phân chia lại đơn vị hành chính cấp xã, tháng 6/1955, Huyện ủy, ủy ban hành chính Bố Trạch (trước đây được gọi là Uỷ ban kháng chiến hành chính) đã chỉ đạo công tác phân chia đơn vị hành chính mới từ 8 xã trong kháng chiến chống Pháp được điều chỉnh chia thành 26 xã. Về tổ chức Đảng, từ 8 chi bộ Đảng cơ sở trong kháng chiến chống Pháp nay thành lập mới 25 chi bộ. Về chính quyền, từ 8 Uỷ ban hành chính xã thành 26 Uỷ ban hành chính xã, các xã đều có các tổ chức đoàn thể quần chúng theo cơ cấu hiện hành. Theo đó xã Hải Trạch được chia thành 6 xã: Hải Trạch, Đức Trạch, Đồng Trạch, Phú Trạch, Hoàn Trạch, Vạn Trạch. Thôn Lý Hòa trở thành một cấp hành chính gọi là xã Hải Trạch từ đó, do đồng chí Nguyễn Soan làm Chủ tịch; chi bộ xã Hải Trạch do đồng chí Nguyễn Hương làm Bí thư. Dân làng, khi hòa bình lập lại, từ các vùng sơ tán trong thời kỳ kháng chiến trở về quê hương . Mật độ tập trung đông nhưng phân hóa về mặt xã hội chưa có gì thay đổi. Đời sống dân lao động nhất là tầng lớp đánh cá nghèo, đánh cá thuê vẫn chật vật kham khổ, làm ăn chạy bữa hàng ngày, tuy ngành nghề vừa khôi phục lại nhưng thời tiết chưa thuận chiều. Tầng lớp khá giả và số người có quyền lực trong thời kỳ tạm bị chiếm đều có sự phân hóa nhất định. Một số ít trong họ vẫn muốn khôi phục lại uy thế chính trị cũ, còn đa số có con em và thân thuộc được cách mạng giác ngộ đã hăng hái gia nhập kháng chiến và cách mạng, có ảnh hưởng đến họ, hạn chế được thái độ tiêu cực và hành động xấu đối với sự phát triển của tình hình.
          3.2.2. Những thành tựu trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Hải Trạch (1954 – 1964).
          3.2.2.1. Việc thực hiện giảm tô và sửa sai trong cải cách dân chủ miền biển.
          Cùng với các địa phương khác trong huyện, xã Hải Trạch thực hiện giảm tô và cải cách dân chủ miền biển. Đảm nhận công việc này do đội ngũ giảm tô và đội cải cách điều hành từ khâu tổ chức quán triệt, xây dựng lực lượng và bồi dưỡng chỉ đạo các lực lượng đó thực hiện.
          Tiến trình giảm tô phát triển thuận lợi, khí thế quần chúng và ý thức giai cấp dược phát động; uy thế chính trị - xã hội của giới bóc lột và tầng lớp quan quyền cũ đã bị lên án kịch liệt, đập tan sự phản ứng và phản kháng.    “Thành phần xã có 665 hộ dân được phân định rõ ràng (270 hộ dân đánh cá thuê, 180 hộ dân đánh cá nghèo, 87 hộ đánh cá thường, 90 hộ dân nghèo, 5 hộ chủ thuyền, 33 hộ địa chủ); quyền làm chủ xã hội, làm chủ mặt biển, khúc sông được xác lập, quyền lợi vật chất qua trưng thu, trưng mua… đã giải quyết cho mọi người nghèo trong làng” [30, tr.44].                                        
Tuy việc giảm tô cũng đạt được một số kết quả như phân loại và xử lý địa chủ phản động, cường hào gian ác, chia đất đai, tài sản… của địa chủ cho dân nghèo nhưng để lại dấu ấn nặng nề, bởi những sai lầm của việc giảm tô bước đầu không được phát hiện mà còn sâu nặng thêm. Do nhận thức và phương pháp không đầy đủ, thiếu khách quan đã dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng, nhất là việc bắt giam các đảng viên chủ trì của tổ chức Đảng, vô hiệu hóa tổ chức Đảng vốn có và đã trải qua thử thách của cuộc kháng chiến trường kỳ; một bộ phận gia đình có con em đi kháng chiến bị quy định thành phần sai, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị áp đặt là phản động… Những sai lầm trên kéo dài đã ảnh hưởng đến kết quả của bước đầu giảm tô và dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng trong bước phát động cải cách dân chủ miền biển tiếp theo trong năm 1956.                           
          Trên cơ sở đã tiến hành giảm tô (không có phát hiện sai) nên “đội cải cách” dân chủ miền biển tiếp tục phát động mạnh mẽ hơn nhân dân đứng lên đánh đổ toàn bộ giai cấp bóc lột. Để triệt để đánh đổ, “đội” tiếp tục xây dựng bồi dưỡng đội ngũ – vốn là những người nghèo khổ, tố khổ những sự việc theo sự tạo dựng, suy diễn một cách hình thức của “đội” để vạch tội ác, quy kết thành phần gian ác, phản động … quy kết tổ chức Đảng, truy bức các đảng viên thậm chí bắt giam, tách biệt, nhục hình. Đặc biệt là bắt giam những đảng viên, cán bộ trung thành suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp như các đồng chí Nguyễn Soan, Hoàng Minh Tả, Phạm Thị Huệ, Hồ Thị Đất…
          Tháng 9 năm 1956, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 10, kiểm điểm việc thực hiện chính sách cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị đề ra chủ trương: “Kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức để phát huy những kết quả đạt được” [26, tr.31].
          Tại Bố Trạch, Đảng bộ huyện nhận rõ tầm quan trọng của công tác sửa sai lúc này là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được những thắng lợi cơ bản của cải cách ruộng đất và đánh giá đúng mức về những sai lầm, kiên quyết sửa chữa sai lầm. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng, tăng cường đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết giữa Đảng và quần chúng, tăng cường sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, chính quyền, Đoàn thể quần chúng.
          Tháng 12 năm 1956, công tác sửa sai bước đầu đã căn bản hoàn thành.
           Toàn huyện đã trả lại đảng tịch cho 316 đồng chí bị xử trí trong giảm tô và 128 đồng chí bị xử trí trong cải cách ruộng đất, phục hồi Đảng cho 20 đồng chí, phục hồi chức vụ cho 48 đồng chí chi ủy cũ và để lại xem xét 33 đồng chí cán bộ, đảng viên mới được đề bạt trong cải cách ruộng đất. Trả lại tự do cho 143 người bị kết án sai tội danh, trong đó có 18 cán bộ, đảng viên; trả tự do cho 748 người trong đó có 32 đảng viên bị quy sai là địa chủ, phản động. [26, tr.33]
          Hải Trạch, một trong năm xã miền biển của huyện Bố Trạch được chọn là điểm sửa sai trong cải cách dân chủ miền biển của huyện và tiến hành sửa sai vào đầu năm 1957. Được sự chỉ đạo của huyện và tỉnh, chi bộ đã nhanh chóng nhận rõ tính phổ biến và thực sự nghiêm trọng của sai lầm. Quán triệt nhiệm vụ và phương châm tiến hành sửa sai như đảm bảo thành quả của cải cách, sai đến đâu sửa đến đó, phục hồi chức vụ cho những đảng viên, cán bộ bị quy sai, thương lượng ổn thỏa những người được hưởng và người được sửa sai… Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những đảng viên đã bị quy sai, nhất là các đồng chí chủ trì; phát huy vai trò trung tâm, đi đầu trong tiến hành sửa sai. Hầu hết đảng viên, cán bộ bị tù đã được minh oan và phục hồi chức vụ (như chủ tịch xã Nguyễn Soan, Bí thư chi bộ Hoàng Minh Tả). Các đảng viên được sửa sai và được trả lại chức vụ đã nhập cuộc sửa sai thực sự, tỏ lòng trung kiên với dân, với Đảng bằng sự vận động có hiệu quả, đảm bảo mục đích, yêu cầu và tiến độ công việc sửa sai. Sau 3 tháng, công tác sửa sai của chi bộ Hải Trạch đã cơ bản hoàn thành. Về thành phần địa chủ là 31 (trước đây là 33), trong đó có 4 là địa chủ kháng chiến, chỉ có 3 là cường hào.Về tài sản, đất đai, nhà cửa cũng giải quyết ổn thỏa, không còn vướng mắc cả hai phía, tình đoàn kết trong xóm làng được củng cố.
Qua sửa sai, Thường vụ Tỉnh ủy và Huyện ủy đã có sự đánh giá cao về tấm lòng của nhân dân và lòng tin sắt đá của dân đối với Đảng và Chính phủ. Công việc sửa sai ở Hải Trạch khi đã biết dựa vào dân, tin dân và tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước trong dân chẳng những tạo cho mình thế vững và lòng tin để ổn định tình hình, chuẩn bị đi vào khôi phục kinh tế, mà còn góp kinh nghiệm để huyện chỉ đạo thực hiện sửa chữa sai lầm trong lịch sử của sự “ấu trĩ”, của chủ nghĩa giáo điều, rập khuôn và thiếu tôn trọng dân.
Nhân tố cơ bản nhất để vượt qua thử thách của thời kì này chính là sự đoàn kết thành một khối của đảng viên (cả cũ và mới) trong hành động. Chi bộ lúc thực hiện sửa sai gồm có 27 đảng viên trong đó 3 đồng chí cũ, 10 đồng chí được kết nạp trong giảm tô và cải cách ruộng đất, 14 đồng chí là bộ đội phục viên và cán bộ giảm biên chế. Sự đồng lòng chung sức của đảng viên đã làm cho chi bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, là cầu nối nối liền Đảng với dân, là pháo đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng đại của Đảng trong thời kỳ sửa sai.
          3.2.2.2. Khôi phục sản xuất và thực hiện hợp tác hóa ngư nghiệp và vận tải biển.
* Về đánh bắt hải sản.
Động viên các chủ nôốc tu bổ lại nôốc và công cụ làm ăn, giúp nhau đóng thêm các nôốc mới (cả cũ và mới gần 20 nôốc). Trên cơ sở đó, củng cố lại thành 4 tổ sản xuất, được xây dựng thành 2 tập đoàn đánh cá: tập đoàn Thượng Hòa và tập đoàn Trung Hòa làm thí điểm.
Chi bộ quyết định xây dựng hợp tác xã ngư nghiệp Thống Nhất bao gồm cả Thượng hòa và Trung hòa, xây dựng thêm ở Ngoại hòa trong năm 1960, đưa 80% hộ ngư dân vào hợp tác xã. Về tư liệu sản xuất được nhà nước đầu tư cho vay dài hạn, nhờ vậy các hợp tác xã đã mua sắm phương tiện đánh bắt hải sản cả nghề lộng và nghề khơi, tạo thêm không khí tin tưởng, phấn khởi làm ăn, một phong trào thi đua hăng hái tham gia lao động đã đem tới kết quả đáng khích lệ, bước đầu thu nhập bình quân của xã viên trong năm 1960 –1961 đã cao hơn ngư dân làm ăn cá thể. “Thành tích nổi bật nhất là năm 1965, hợp tác xã đánh bắt được 350 tấn hải sản”   [30, tr.48]. 
* Về vận tải đường biển.
Tu sửa nâng trọng tải một số thuyền từ 15 lên 30 – 40 tấn, động viên góp cổ phần đóng các thuyền mới có trọng tải đến 70 tấn , hình thành tập đoàn vận tải biển gồm 15 thuyền với sức trọng tải từ 600 – 750 tấn/chuyến. Ban liên lạc bến đi liên hệ với các cơ quan nhà nước ở tỉnh để vận chuyển hàng từ Hải Phòng về Đồng Hới phục vụ cho sản xuất, xây dựng.
 Đến giữa năm 1960, được sự giúp đỡ và hướng dẫn của Ty giao thông vận tải Quảng Bình, chi bộ đã nhất trí xây dựng hợp tác xã vận tải đường biển Hồng Hải. Hợp tác xã Hồng Hải gồm các chủ thuyền trong tập đoàn cũ tự nguyện gia nhập, phương tiện đã được đánh giá và quốc hữu hóa. Dần dần các chủ thuyền khác và chủ thuyền mới đóng thêm gia nhập, “cho tới đầu năm 1965 đã có một đội thuyền gồm 24 chiếc, có sức trọng tải 1240 tấn bao gồm 183 hộ xã viên với 234 lao động” [30, tr.49]. Nhiệm vụ chính là thực hiện kế hoạch vận chuyển hàng hóa cho nhà nước, qua hợp đồng với Ty giao thông vận tải Quảng Bình. Các chuyến hàng được thực hiện ngay và liên tục từ các tỉnh phía Bắc về Đồng Hới và ngược lại. Hoạt động đã phát huy hiệu quả trên hai mặt: đảm bảo đời sống xã viên bao gồm ¼ nhân khẩu của xã, đảm bảo lòng tin đối với các cơ quan (giao và nhận hàng) hoàn thành được các hợp đồng đề ra. Từ năm 1963, chi bộ đã động viên hợp tác xã đảm nhiệm việc vận chuyển các chuyến hàng từ các tỉnh phía Bắc vào Cửa Tùng, đáp ứng nhu cầu cuộc đấu tranh của Đặc khu Vĩnh Linh – địa bàn nơi tiếp giáp hai miền, bộ mặt của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã Hồng Hải đã dấy lên một phong trào các thuyền xung phong tình nguyện đi vận chuyển tuyến đó. Đây là một biểu hiện tấm lòng cao quý của nhân dân Hải Trạch chung sức trong cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân miền Nam. Bởi mỗi chuyến đi trên tuyến này thực sự là một cuộc chiến đấu, không chỉ là sự thuần thục nghề biển mà nó đòi hỏi sự sẵn sàng hi sinh tính mạng nữa, bởi lúc này kẻ thù đã hoạt động ráo riết hơn để kiểm soát, ngăn chặn và phá hoại trên tuyến biển vùng này… mà mọi sơ suất trong nắm bắt thời tiết, chệch choạc về luồng lạch và thủy triều đều có thể dẫn tới thiệt hại về người và hàng hóa.Bản thân hợp tác xã còn năng động tổ chức thêm các nghề phụ như tổ chức đội vận chuyển đất từ Nghệ An về để sản xuất nồi đất, đội thợ cưa, tổ tu sửa thuyền và đóng thuyền mới… để tăng thu nhập cho xã viên, vừa mở rộng cung cách làm ăn theo con đường tập thể.                                                         
Sự năng động của hợp tác xã Hồng Hải là một kinh nghiệm sống đầy sức hấp dẫn, là cơ sở để chi bộ chỉ đạo triển khai xây dựng các hợp tác xã khác trong xã. Chi bộ vận động lập ra các tổ như tổ dệt, tổ tiểu thương, trên cơ sở đó xây dựng thành các hợp tác xã   Từ tổ dệt thành hợp tác xã Minh Khai, chuyên đan lưới, dệt thảm. Trong thời gian ngắn đã thu hút hơn 100 chị em tham gia. Hợp tác xã làm ăn thuận lợi, tăng thêm thu nhập cho đời sống từng gia đình, tạo thêm không khí phấn khởi trong xóm làng.Từ các tổ tiểu thương thành các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân trong xã.
Để đảm bảo việc làm ăn lâu dài và cải tạo môi trường sống của dân cư, chi bộ đi đến quyết định thành lập một bộ phận tiến lên khai hoang ở vùng gò đồi phía Tây của xã để trồng cây sả, nấu dầu tràm và trồng cây hoa màu theo thời vụ lấy ngắn nuôi dài. Một bộ phận đảng viên cùng một số gia đình xã viên đã tình nguyện xung phong đi khai hoang. Mặc dù hiệu quả kinh tế từ việc khai hoang mang lại không lớn nhưng đã hình thành nên một vùng đất mới – xã Sơn Lộc hiện nay, tiền thân là tổ khai hoang, hợp tác xã Sơn Lý của xã miền biển Hải Trạch.
          Dựa trên cơ sở thực tiễn hoạt động rộng và nhiều ngành nghề, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đầu năm 1962, Thường vụ Huyện ủy quyết định thành lập Đảng bộ xã Hải Trạch bao gồm 4 chi bộ: chi bộ hợp tác xã đánh cá, chi bộ hợp tác xã Hồng Hải, chi bộ hợp tác xã dệt Minh Khai và chi bộ cửa hàng, tín dụng, y tế .   Bên cạnh việc ổn định đời sống kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội cũng có bước tiến đáng kể. Các tệ nạn xã hội dần được đẩy lùi, nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới.
          Tóm lại, qua 10 năm tiến hành khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng bộ và nhân dân Hải Trạch đã tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm và đã vượt qua những khó khăn phức tạp của tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng trong giảm tô, cải cách dân chủ miền biển, công tác sửa sai, phong trào hợp tác hóa. Qua đó thể hiện quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ cũng như lòng tin sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.                       
3.3. Quân dân Hải Trạch trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1964 – 1968).
          3.3.1. Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại Miền Bắc.
          Cuối năm 1964 đầu năm 1965, đồng thời với việc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc.                                                     
Ngày 5/8/1964, Mỹ dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ" và cho máy bay ném bom, bắn phá một số nơi ở miền Bắc, như: cửa sông Gianh, Vinh –  Bến Thuỷ, Lạch Trường, thị xã Hòn Gai.                                
 Ngày 7/2/1965, lấy cớ "trả đũa" việc quân giải phóng miền Nam tiến công doanh trại quân Mỹ ở Plâycu, Mỹ cho máy bay ném bom, bắn phá thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ... mở đầu chính thức cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ âm mưu: Phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; ngăn chặn nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam; uy hiếp tinh thần, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước.                         Tại Quảng Bình, rạng sáng ngày 7/2/1965, đế quốc Mỹ sử dụng 49 máy bay phản lực ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới. Tiếp đó vào ngày 8 tháng 2, đế quốc Mỹ sử dụng 120 lần chiếc máy bay tiếp tục đánh phá thị xã Đồng Hới và các vùng phụ cận. Ngày 9 và ngày 10 tháng 2, máy bay Mỹ liên tục trinh sát trên vùng trời Quảng Bình.
          Quân và dân Quảng Bình đã kịp thời đánh trả, với sự hợp đồng tác chiến của lực lượng phòng không ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ), “chỉ tính từ ngày 7 đến ngày 11/2/1965, quân dân Quảng Bình đã bắn cháy, bắn rơi 13 máy bay, nhiều giặc lái bị tiêu diệt và bắt sống” [26, tr.159].
Sau ngày 7/2/1965, Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ chủ chốt ở tỉnh và thị xã Đồng Hới để quán triệt tình hình và nhiệm vụ mới. Hội nghị xác định quyết tâm: “Dù chiến tranh xẩy ra với hình thức nào, dù có đổ máu hi sinh, quân và dân Quảng Bình cũng quyết đánh, quyết thắng trận đầu với bất kỳ giá nào. Đồng thời vô luận tình huống nào cũng đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tỉnh, ra sức phát triển kinh tế, văn hóa và đảm bảo đời sống của nhân dân” [7, tr.11].
3.3.2. Chủ trương của Đảng bộ Hải Trạch đối phó với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ.
Trước tình hình đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, Đảng bộ xã Hải Trạch đã xác định nhiệm vụ công tác là: “Tăng cường công tác an ninh, củng cố quốc phòng toàn dân, giữ vững và đẩy mạnh sản xuất và các mặt hoạt động, góp phần làm tròn vai trò là hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn - cách mạng miền Nam, là tiền phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.” [30, tr.54]. Nhiệm vụ chung đó cụ thể thành các công tác sau đây:
Vận động nhân dân sơ tán, khẩn trương xây dựng hầm hào để phòng tránh, phục vụ sản xuất và chiến đấu tại chỗ, giảm bớt thương vong khi địch
oanh tạc, pháo kích từ biển vào cũng như khi chiến sự xảy ra trên địa phương. Củng cố mạng lưới y tế, văn hóa, giáo dục phù hợp với tình hình mới.
Tăng cường công tác phòng thủ, củng cố và xây dựng lực lượng dân
quân tự vệ và lực lượng an ninh. Tổ chức phân công tuần tra bảo vệ bờ biển
chống đột nhập của biệt kích, người nhái, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm.       Tích cực bám biển, bám ngư trường sản xuất, giữ vững sản lượng.              
3.3.3. Xã Hải Trạch chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1964 – 1968).
3.3.3.1. Nhân dân Hải Trạch tổ chức phòng tránh, bám làng, bám biển để đảm bảo sản xuất.
          Do địa bàn xã là một vùng dân cư tập trung, đông người, đất hẹp, nhà ở dày đặc và lộ rõ, việc hầm đào không có đủ để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công cụ sản xuất… do vậy phải tổ chức cho dân sơ tán mới vừa đảm bảo được tính mạng tài sản của dân, đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Về hầm và giao thông hào phải thật vững chắc ở làng để bám trụ, ở nơi sơ tán (xóm Cồn, Nập Nương – Phú Trạch) phải đầy đủ cho dân và chỗ học hành cho con em.
          Thực hiện chủ trương xây dựng hầm hào để phòng tránh, phục vụ sản xuất và chiến đấu tại chỗ, nhân dân Hải Trạch đã tích cực ủng hộ nhân lực, vật lực để xây dựng hầm hào.                                                                          
Đã có 88 gia đình tự nguyện hạ nhà mình ở làng, chuyển đến nơi sơ tán để làm hầm chéo, làm 13 phòng học và làm bệnh xá nơi bám trụ, cho mượn 26,8 tấn vôi. Đặc biệt là huy động nhân lực toàn xã tranh thủ làm trong 15 ngày, với lực lượng của hàng trăm thanh niên và dân quân, đã hoàn thành một hầm của bệnh xá tại làng, 13 hầm phòng học và 26 hầm kèo (1,5m x 2m) để đảm bảo an toàn cho 500 em trú ẩn, giao thông hào dài 3km, cứ cách 50m là có một hầm kèo trú tránh. [30, tr.55-56]
          Nhờ có hầm đào liên hoàn, vững chắc và thường xuyên được củng cố, dân quân và thanh niên bám trụ tại làng yên tâm sản xuất, sẵn sàng trong nhiệm vụ canh phòng và chiến đấu. Thực tế đã có lần bị địch đánh phá nhiều loại bom như bom phá, bom sát thương, bom bi và có đợt bắn pháo hạm (đạn pháo chum, đạn pháo chụp) vẫn đảm bảo an toàn tính mạng của dân. Đặc biệt, một ngày trong tháng 5/1966, 3 chiến hạm địch đi gần bờ, bắn pháo vào làng từ 7h đến 9h30, hơn 1313 đạn pháo, một số nhà của dân bị phá, thương vong có xảy ra nhưng nhờ có hầm hào vững chắc nên hạn chế được nhiều.
           Việc thường xuyên tu bổ hầm hào ở các lớp học và đảm bảo an toàn cho học sinh trên đường đi về đã được các chủ nhiệm lớp và Chi đoàn trường chăm lo chu đáo. Nhờ vậy, trong những năm chống chiến tranh phá hoại, giáo viên và học sinh của trường cấp 2 xã Hải Trạch không xảy ra thương vong.
          Việc tổ chức mạng lưới y tế cũng kịp thời xây dựng phù hợp với thời chiến. Với một đội ngũ hạn chế (gồm 1 y sĩ, 2 y tá, 2 hộ sinh) đã tổ chức thành 2 bộ phận: một bộ phận bám trụ tại làng, một bộ phận có mặt tại nơi sơ tán. Tổ cấp cứu được Đảng ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí trạm trưởng y tế xã Phạm Thị Huệ trực tiếp phụ trách để kịp thời giải quyết khi có thương vong. Ngày 5/8/1968, địch đánh vào thuyền đánh cá của xã làm 7 người chết, bị thương 10 người, đã được tổ cứu chữa hết khả năng của mình. Cũng vào thời điểm này, các thương binh chiến đấu từ Cồn Cỏ trên đường chuyển ra viện 4 điều trị, trung chuyển tại xã – trạm Cầu Lý Hòa, đã được tổ cấp cứu và trạm xá xã đón tiếp chăm sóc chu đáo. Với nỗ lực và tận tâm công tác, trạm xá Hải Trạch xứng đáng được chọn là đơn vị tiên tiến trong phong trào “2 giỏi” của Quảng Bình, được chọn đi dự Hội nghị tổng kết 4 năm chống Mỹ cứu nước của quân dân Quân khu 4. Đồng chí Phạm Thị Huệ được báo cáo điển hình ở Hội nghị *
          Công việc xây dựng và củng cố hệ thống hầm trú ẩn, hào giao thông không chỉ là chiến công của thời kỳ đầu mà còn là thành tích to lớn và xuyên suốt trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và nhân dân  Hải Trạch.Trong điều kiện địch tiến hành chiến tranh phá hoại, để đảm bảo đời sống của dân, mấu chốt là phải có đủ công cụ làm ăn (ghe thuyền, buồm lưới, giây neo, dầu rái, xơ xảm…), Đảng bộ đã chủ động đề xuất với các thuyền
trong các chuyến đi chuẩn bị và tích trữ (lúc này đã có hợp tác xã, có kho dự trữ, ít nhiều đã có vốn nên huy động xã viên đóng góp và cho vay mượn thêm. Trên cơ sở của 3 hợp tác xã trước đây là Thượng Hòa, Trung Hòa và Ngoại hòa) đã hình thành nên hợp tác xã Thống Nhất, gồm có 40 nôốc, với 277 lao động. Đây là hợp tác xã trụ cột của xã và đã bám biển liên tục trong các năm chiến tranh, cung cấp một khối lượng hải sản cho nhu cầu đời sống của dân làng và trao đổi cho các vùng khác.
* Không may trên đường dự Hội nghị trở về, đồng chí Huệ bị máy bay Mỹ oanh tạc và đã hi sinh
          Trong hoàn cảnh bom đạn Mỹ bắn phá liên tục, việc tập trung phương tiện và lực lượng đánh bắt tại quê nhà không thể an toàn và do đó không đạt chỉ tiêu sản xuất. Đảng bộ họp và quyết định đưa một bộ phận ngư dân (60 hộ) vào làm ăn ở vùng biển xã Ngư Thủy – huyện Lệ Thủy. Kết quả là 4 đảng viên xung phong nhận nhiệm vụ (gồm các đồng chí Phan Sỏi, Vũ Thắng, Nguyễn Mai, Phan Hóa) cùng với 56 hộ xã viên tổ chức thành một đội đi vào ngư trường Gia Ninh, huyện Quảng Ninh để sản xuất. “Nhờ vậy, 2 năm đầu (1965 – 1966), hợp tác xã đã đánh bắt được 500 tấn, vượt chỉ tiêu được giao, năng suất tăng 15,2% so với các năm trước, bình quân đầu người đạt từ 1,4 tấn – 1,8 tấn/người/năm” [30, tr.58].
          Để đảm bảo phương tiện (chủ yếu là nôốc thuyền), Đảng ủy cũng đã quyết định xây dựng thêm hợp tác xã Hòa Trạch (từ một tổ sửa chữa đã có trước) với 24 xã viên, đảm bảo việc tu bổ và đóng mới các nôốc thuyền để duy trì và phát triển sản xuất.  Hợp tác xã Hòa Trạch đã thiết lập mặt bằng, lán trại nơi bám trụ, tranh thủ mọi thời gian tu sửa hàng trăm lượt nôốc thuyền và đóng thêm nôốc thuyền mới.                                  
Song song với việc đảm bảo sản xuất cho hợp tác xã ngư nghiệp, Đảng ủy cũng động viên các hợp tác xã khác nỗ lực theo chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần vào chỉ tiêu chung của xã, đảm bảo đời sống của xã viên. Hợp tác xã Diêm Lý đã nhận rõ được giá trị của việc làm ra hạt muối lúc này không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn góp phần trực tiếp phục vụ chiến trường, do đó mặc dù đồng muối bị bom đạn cày xới hư hỏng nhiều nhưng các xã viên đã ra sức hàn vá, khắc phục khó khăn về đi lại, ăn ở và tranh thủ nắng nóng để sản xuất, đảm bảo được sản lượng. “Năm 1965, 1966 đều đạt 314 tấn/năm, vượt gấp đôi năm 1963” [30, tr.59].                                                       
 Xã viên hợp tác xã dệt Minh Khai cũng chuyển hướng sản xuất phù hợp thời chiến. Từ dệt thảm, làm ăn tập trung đã chia thành nhiều tổ, một bộ phận chuyển sang đan lưới phục vụ trực tiếp cho sản xuất ngư nghiệp, một bộ phận chuyển sang làm các nghề dệt chiếu, làm nón, làm nồi đất… Gắn với hoạt động sản xuất, chị em cũng được phân công các hoạt động như canh gác và sẵn sàng làm nhiệm vụ do yêu cầu của kháng chiến. Thành tích đạt được của hợp tác xã dệt Minh Khai đã góp phần ổn định đời sống của các xã viên, quan trọng hơn đó là ý thức tập thể được bồi dưỡng và phát huy.
           Hợp tác xã mua bán, tín dụng cũng đã chuyển phương thức phục vụ dân kịp thời và đem hàng tấn hàng đến tận nơi sơ tán, nơi sản xuất.    
3.3.3.2. Nhân dân Hải Trạch tổ chức chiến đấu tại chỗ và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ.
* Tổ chức chiến đấu tại chỗ và bảo đảm an ninh trật tự.
Gắn chặt với nhiệm vụ sản xuất, nhiệm vụ tổ chức chiến đấu tại chỗ, giữ vững an ninh trật tự xóm làng đã được Đảng bộ đặc biệt quan tâm.   Lực lượng dân quân tự vệ của xã đã được tổ chức lại gồm 1 đại đội, 4 trung đội và 8 tiểu đội do Xã đội trưởng làm chỉ huy, Bí thư Đảng ủy xã là chính trị viên, nhiệm vụ chiến đấu cụ thể:                                     
Bộ phận trực chiến được trang bị 12 ly7, tổ chức cơ động trên các trận địa: Đá Nhảy, Đá Bụt, cây Bàng Dinh, Cửa Lạch, thay phiên hàng ngày. Mỗi ngày một trung đội dân quân xã bám trụ trận địa ngày đêm, vừa huấn luyện chiến đấu vừa sẵn sàng đánh địch, máy bay bay thấp, quân nhảy dù, quân biệt kích từ biển vào.         
Bộ phận hậu cần đảm bảo vật chất, giao thông liên lạc phục vụ trực tiếp cho bộ phận trực chiến hàng ngày và công tác chiến đấu chung của xã. Bộ phận cấp cứu, tải thương sẵn sàng mọi phương tiện để cứu chữa và xử lý kịp thời. Bộ phận lão quân được bổ sung trong nhiệm vụ canh phòng và theo dõi phát hiện biệt kích từ mặt biển.                                                                     
Ngày 13/6/1966, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 200. “Trong thành tích chung của quân dân Quảng Bình có sự góp phần của đồng chí Nguyễn Nghĩ, người tiểu đội trưởng gan dạ và Hồ Thanh Uông – lực lượng dân quân tự vệ xã Hải Trạch, đã bắn rơi 1 chiếc F105 ngày 27/5/1966 và 1 trinh sát không người lái ngày 2/9/1967” [30, tr.60].                                                                                                           
Cùng với việc tổ chức lực lượng chiến đấu tại chỗ của dân quân tự vệ, việc tổ chức đảm bảo an ninh trật tự xóm làng, bảo vệ tài sản của dân đã được Đảng ủy chỉ đạo chặt chẽ. Về tổ chức, lực lượng an ninh ở mỗi xóm lập một tổ gồm 10 – 12 thanh niên dưới sự điều hành của Ban công an xã, thực hiện không chỉ trong xã mà cùng phối hợp cùng các xã khác để bảo vệ an ninh toàn khu vực.      
Hoạt động nổi bật của lực lượng an ninh xã là gắn bó với dân chúng, vừa tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, vừa thu thập thông tin từ nhân dân. Nhờ vậy đã phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động xâm nhập của địch, ngăn chặn những hành vi của bọn xấu và hạn chế các tệ nạn xã hội. Chiến công thầm lặng của lực lượng an ninh đã được nhân dân và Đảng bộ đánh giá cao, các tệ nạn tiêu cực như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp… đã giảm nhiều. “Lực lượng an ninh xã đã được khen thưởng xứng đáng với 18 chiến sĩ được tặng danh hiệu “chiến sĩ quyết thắng”; 27 chiến sĩ thi đua; về tập thể có 5 bằng khen của Bộ, 1 bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 2 cờ quyết thắng, góp phần quan trọng trong thành tích chung của nhân dân và Đảng bộ xã Hải Trạch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” [30, tr.61].
* Tổ chức chiến đấu thực hiện vận tải đường biển.
Đây là một nhiệm vụ rất quyết liệt, biểu hiện tập trung nhất tinh thần chiến đấu kiên cường, gan dạ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, hợp tác xã vận tải biển Hồng Hải đã đối mặt với kẻ thù trong thế trận không ngang sức và bất lợi. Ngày 31 tháng 3 năm 1965, đoàn thuyền 24 chiếc với trọng tải 1240 tấn đang triển khai thực hiện kế hoạch vận chuyển năm 1965, bị địch phát hiện và bị đánh phá khi đang trên đường từ cảng Hải Phòng về (tại Hòn La). Một thuyền bị địch đánh hỏng, thuyền trưởng Hồ Thu hy sinh, ông Phượi, anh Thế, anh Quế bị thương – anh Quế bị thương nặng nhất. Đoàn thuyền còn lại bình tĩnh luồn tránh về đến nơi trả hàng đầy đủ, sau đó tạm sơ tán lên xóm Môn đợi lệnh mới. Khi kẻ địch đã chú ý đánh phá các mục tiêu (thuyền, tàu) trên biển, tình hình vận tải đường biển gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo an toàn. Một số hợp tác xã vận tải  như Cảnh Dương, Thanh Quang, Hồng Vân, Bình Minh... có sự bế tắc trong khi yêu cầu vận chuyển rất nhiều. Trước tình hình đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ty giao thông Lại Văn Ly, Phó ty Hồ Điệp cùng đồng chí Bí thư Huyện ủy Lưu Văn Đăng và một số cán bộ ở huyện về xã Hải Trạch triệu tập một cuộc họp bất thường của Đảng bộ (4/1965).    Sau khi nói rõ âm mưu của địch và nhiệm vụ bức thiết của các hợp tác xã vận tải đường biển, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Hải Trạch và nhiệm vụ cụ thể cho chi bộ Hồng Hải: Với bất kỳ giá nào và dù phải hy sinh cũng phải đưa hai mặt hàng thiết yếu (dầu và xi măng) về cho tỉnh để phục vụ chiến đấu. Sau đó, tỉnh giao cho phó ty Hồ Điệp ở lại cùng chi bộ Hồng Hải làm công tác tư tưởng với cán bộ, xã viên để thuyền có thể xuất phát càng nhanh càng tốt.                                                                           
Đảng ủy cùng họp với chi bộ Hồng Hải để bàn thực hiện nhiệm vụ trên bàn giao và ra Nghị quyết: Dù tình huống diễn ra như thế nào thì chi bộ Hồng Hải quyết tâm động viên và tổ chức bố trí thích hợp đảng viên cùng xã viên thực hiện bằng được nhiệm vụ chính trị của mình là vận chuyển hàng hóa theo kế hoạch và an toàn.  Thuyền lớn không đi được thì đi bằng thuyền nhỏ, không dùng được buồm thì dùng sức mà chèo, ban ngày không đi được thì vận chuyển ban đêm, chuyển tải đường ngắn hoặc đường dài đều sẵn sàng. Qua bàn bạc và sắp xếp, trong 9 đảng viên của chi bộ, đợt đầu bố trí 3 đảng viên cùng 1 cán bộ phó chủ nhiệm và 1 Bí thư Đoàn, đi 5 thuyền. Qua đợt đầu của 5 thuyền sẽ rút kinh nghiệm tổ chức cho 16 thuyền (và 150 xã viên) tiếp tục nhiệm vụ.    
Tối 7/5/1965, Bí thư Huyện ủy và cán bộ của Ty giao thông về gặp mặt động viên tất cả thành viên của 5 thuyền và sáng 8/5/1965 đợt đầu xuất quân. Ngày 25/5/1965, 5 thuyền của đợt đầu đã hoàn thành nhiệm vụ, giao hàng (dầu và xi măng) ngay trong đêm.
Trong 4 năm (1965 – 1968), hợp tác xã Hồng Hải đã thực hiện hàng ngàn chuyến vận tải trên các tuyến: Hải Phòng – Đồng Hới, Vinh – Đồng Hới, Vĩnh Linh, Bãi Môn, Lệ Kỳ, chuyển được 115.000 tấn hàng hóa (trung chuyển 96.000 tấn, vận chuyển đường ngắn 19.000 tấn). Thành tích vận chuyển trên là kết quả của lòng gan dạ, dũng cảm với trí tuệ thông minh trong xử lý nhiều tình huống của cán bộ, đảng viên, xã viên hợp tác xã Hồng Hải. Tiêu biểu như: chuyến thuyền của anh Vút, anh Khủ (tổ trưởng, tổ phó) chở 25 tấn gạo từ Nghệ An về (tháng 5/1966) đã bị máy bay bắn 3 lần, lần thứ 3 bị bắn tại Vũng Áng (Hà Tĩnh). 7 người trên thuyền xuống xuồng lánh nạn, thuyền đã bị bắn và bị gió nam đẩy trôi dạt ra khơi. Anh em vẫn trên xuồng nhỏ, bơi cả đêm, đến 8 giờ sáng hôm sau tìm được thuyền vì thuyền chưa bị chìm, anh em lại chèo đến cứu thuyền, đưa gạo về tận bến. Hoặc chuyến chở hàng từ Thanh Khê đi đến Bến Môn – Liên Trạch phải vượt qua đoạn sông địch đã rải nhiều thủy lôi, bị thương 4, mất 10 người, trong đó có 2 đảng viên.         
* Tổ chức chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải.          
Đối với Hải Trạch, trên đoạn đường quốc lộ 1A đi qua, là đoạn có nhiều mục tiêu kẻ thù có thể đánh bất cứ lúc nào, nhằm phá hoại và cản trở việc chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Huyện ủy giao cho Hải Trạch nhiệm vụ đảm bảo mạch máu giao thông trên đoạn quốc lộ 1A từ  phía Bắc cầu Khe Nước đến phía Nam Cầu Lý Hòa và dọc đèo Lý Hòa. Công việc chính là lấp đường, vá đường, làm đường tránh, làm cầu ngầm. Chấp hành nhiệm vụ được giao, Đảng bộ đã thống nhất ra Nghị quyết tổ chức thực hiện: “Tất cả cho mạch máu giao thông thông suốt, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trên là mặt trận hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân xã, xuyên suốt trong quá trình chống Mỹ cứu nước” [30, tr.62]. Đảng bộ Hải Trạch đã lãnh đạo nhân dân tổ chức thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Tiêu biểu là bảo đảm thông xe cầu Khe Nước, làm đường tránh từ chân đồi 75 đến Bàu Cừa và làm cầu ngầm Lý Hòa.
          +) Bảo đảm thông xe cầu Khe Nước.                                                
Suốt năm 1966, địch đánh phá dữ dội Cầu Khe Nước để ngăn chặn và đánh phá các xe chuyển hàng từ Cảng Sông Gianh vào phía Nam. Vì cầu ngắn, địch đã liên tục đánh phá ngày đêm một vùng quanh cầu trong phạm vi bán kính 500m để phá cầu và phá hủy rừng phi lao, tạo nên một vùng dày đặc hố bom. Ban chỉ huy xã đội đã điều động trung đội dân quân do chị Võ Thị Đởn làm trung đội trưởng đến chốt trụ ở khu vực đó với nhiệm vụ duy nhất: đảm bảo thông xe.     Trung đội này hai phần ba là nữ, đã nhanh chóng tiếp cận khu vực để triển khai nhiệm vụ. Vị trí trú quân là trong rừng phi lao. Ban ngày, một bộ phận làm nhiệm vụ quan sát địch, theo dõi các vị trí ném bom đánh phá trong ngày, đại bộ phận lo chuẩn bị cây (chủ yếu là cưa cắt từ những cây bị địch đánh đổ và các cây ở xa hơn) để lát mặt bằng cho xe qua. Ban đêm, thực hiện san lấp hố bom, tạo mặt bằng để xe đi, khiêng vác phi lao đã chuẩn bị ra vị trí đã san lấp và lát thành đường cho xe qua, đảm bảo thông xe. Có nhiều lần địch dội bom xuống khu vực hoặc có đêm thả pháo sáng để hạm tàu đội pháo vào, công việc của trung đội vẫn tiếp tục. Trong một thời gian dài, trung đội đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công: đảm bảo thông xe và quân số an toàn.                                                                                                           
 +) Làm đường tránh từ chân đồi 75 đến Bàu Cừa.                                     
Tiếp sau nhiệm vụ đảm bảo thông xe Cầu Khe nước, đầu năm 1967, huyện giao cho Hải Trạch làm con đường tránh từ chân đồi 75 đến đập Bàu Cừa, dài 5km, gọi là đường chân đồi 75. Vùng đồi 75 là một mục tiêu đánh phá của địch từ phía Bắc cầu Khe Nước đến phía Nam cầu Lý Hòa. Đường chân đồi 75 đi men theo chân Hòn Bung, qua nhiều khe cạn và đồi thấp có độ đá dày và rất cứng, do vậy việc làm đường đã khó, việc đảm bảo phòng tránh cho người làm càng khó hơn. Công cụ chủ yếu bằng xà beng, cúp to, xúc đá bằng xẻng lớn, rải đá bằng rổ, giành bằng tre đan... tất cả đều bằng sức người. Đảng bộ đã lập một Ban chỉ huy công trường, lực lượng trung đội được tăng cường thêm, đa số dân quân đều là nữ thanh niên. Dựa vào kinh nghiệm về tổ chức lao động và trú quân của trung đội thông xe cầu Khe Nước, Ban chỉ huy công trường triển khai công việc được khẩn trương và thuận lợi. Chỉ sau vài ngày đêm, địch phát hiện và bom đạn lại lần theo từng đoạn đường, hạn chế tốc độ thi công và công việc chủ yếu được thực hiện về đêm, do vậy thời gian hoàn thành công trình bị chậm lại.                                                                                           
Trong việc hoàn thành đường chân đồi 75, anh chị em dân quân đã nêu cao tinh thần chịu khó, sẵn sàng hy sinh cho mạch máu giao thông thông suốt. Tiêu biểu là sự dũng cảm hi sinh của liệt sĩ Lê Thị Sen, tên tuổi chị mãi mãi sáng ngời trên bảng vàng “Tổ quốc ghi công”. Nhiều anh chị dân quân cũng đã được biểu dương, trung đội trưởng Võ Thị Đởn đã được đi báo cáo thành tích ở Đại hội quân dân quân khu IV qua 4 năm chống Mỹ, cứu nước.                        
+) Chiến dịch làm cầu ngầm Lý Hòa.                                                        
Trong các đợt đánh phá đầu, cầu Lý Hòa đã bị địch đánh hỏng, việc làm cầu ngầm Lý Hòa đã được đặt ra một cách khẩn trương để đón thời cơ vận chuyển hàng lên phía trước. Năm 1968, Tỉnh ủy và Huyện ủy giao cho Đảng bộ và nhân dân các xã quanh cầu đảm nhiệm, nhất là xã Hải Trạch. Huyện ủy trực tiếp giao cho Hải Trạch mở chiến dịch lấp sông làm cầu ngầm ở vị trí cầu Lý Hòa cũ.                                                                                     
Để thực hiện nhiệm vụ giao  trên trong thời gian ngắn, phải có 1200m3 đất đá và huy động một lực lượng lớn tại chỗ, hơn thế, phải có một kế hoạch đầy đủ, một sự chỉ huy cụ thể. Đảng bộ Hải Trạch đã mở Hội nghị toàn thể đảng viên để quán triệt nhiệm vụ được giao. Đảng bộ tập trung giải quyết 2 vấn đề: Phải động viên lực lượng toàn xã, nhân lực, vật lực phải đủ thì triển khai được nhanh chóng và hoàn thành trong một thời gian ngắn nhất. Với khẩu hiệu: “xe chưa qua nhà không tiếc”, sơ bộ trù tính là phải động viên nhân dân dỡ ngói, hạ nhà, lấy tường làm vật liệu (trên 120 nhà có tường gạch, mới đủ 1200m3); Phải huy động 26 thuyền, nếu mỗi thuyền chở 2m3/chuyến, thực hiện được 8 chuyến trong 1 ngày đêm, thì công việc sẽ hoàn thành trong 3 ngày đêm. Việc dỡ nhà, phá tường và chuyển gạch, đất đá ra bờ sông huy động toàn bộ thanh niên trong xã, các thanh niên trong hợp tác xã Thống Nhất được phân công chèo thuyền đưa vật liệu đến cầu để lấp. Các đảng viên đều được phân công theo thuyền, Đảng bộ giao nhiệm vụ cho Ban chỉ huy xã đội tổ chức, điều hành cụ thể.
Được sự chỉ đạo của Đảng bộ, 120 gia đình đã tự nguyện tháo dỡ nhà, đập tường lấy vật liệu để lấp cầu ngầm. Đồng chí Phạm Lủm – Bí thư Đảng ủy, chính trị viên xã đội và đồng chí Hồ Tớ, Bí thư chi đoàn đã  huy động đoàn viên, thanh niên trong xã trực tiếp giúp các gia đình dỡ ngói, hạ nhà sau đó đập tường và khuân xuống bờ sông tập kết vật liệu. Theo kế hoạch, ra quân đợi đầu, tập trung tất cả 26 thuyền để chở trong đêm đầu. Sau khi đã chuẩn bị xong, chờ lệnh xuất phát, thì được Huyện đội thông báo hiện còn khoảng 36 bom nổ chậm vùng ven cầu gần vị trí làm cầu ngầm. Ban chỉ huy xử trí thận trọng và kịp thời, cả đội thuyền chờ tại chỗ, cử một thuyền đi trước, được trang bị trung liên thực hiện phá bom nổ chậm dưới sông bằng cách vừa chèo đi (dích dắc) vừa bắn xuống dòng sông để rà phá bom. Thực hiện kế hoạch và sự phân công của đồng chí Lủm, đồng chí Hồ Tớ đã hoàn thành chuyến mở đầu, đến vị trí, đổ đá xuống sông và trở về an toàn. Theo luồng đi và vị trí đổ đã được đánh dấu, Ban chỉ huy cho 25 thuyền tiếp tục cho công việc theo kế hoạch; thuyền cách thuyền một cự li nhất định, chèo chống thận trọng, đổ gạch đá gọn nhẹ tại vị trí, công việc nối tiếp theo dự định, 26 thuyền đã thực hiện được khối lượng trong đêm đầu, thuyền và người an toàn. 
Đêm thứ hai, trong lúc đội thuyền đang làm nhiệm vụ thì bị địch phát hiện và đánh phá, làm cho đội thuyền phải tạm ngừng công việc... Ban chỉ huy quyết định phải tranh thủ giữa các đợt đánh phá để hoạt động và đảm bảo kế hoạch thời gian, các thuyền phải phân tán nhỏ lẻ, tranh thủ làm cả ban ngày. Trước tình hình đó, lực lượng chị em đã xung phong gánh gạch đá ban ngày để công trình được hoàn thành theo dự định, không để kéo dài. Nhờ sự hợp lực gánh ban ngày của chị em, việc vận chuyển nhỏ lẻ ban ngày của từng nhóm thuyền, công việc làm cầu ngầm qua sông Lý Hòa (dài 100m, rộng 5m, sâu từ 3– 4m) đã được nhân dân Hải Trạch hoàn thành trong 3 ngày đêm. Cùng với các thành tích ở cầu Khe Nước, ở đường chân đồi 75, sự kiện làm cầu ngầm Lý Hòa là một chiến công nổi bật của Đảng bộ và nhân dân Hải Trạch trên mặt trận giao thông vận tải, góp phần đảm bảo mạch máu vận chuyển hàng hóa và phương tiện chiến đấu cho miền Nam, là một trong những hành động anh hùng và sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ghi nhận thành tích này của quân dân Hải Trạch, năm 1968, Hải Trạch được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.                                                                              
     3.4. Quân dân Hải Trạch chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ (1972 – 1973).
          3.4.1. Tình hình Hải Trạch từ năm 1969 đến năm 1972.
          Đối với Hải Trạch, trong bốn năm chiến tranh phá hoại, phần lớn phương tiện tàu thuyền, ngư lưới bị địch đánh phá hư hỏng nặng, việc tổ chức đánh bắt cá trong hợp tác xã và xã viên phân tán. Sau ngày địch ngừng bắn, việc tổ chức lại các hoạt động nghề biển gặp không ít khó khăn. Là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ, sau chiến tranh phá hoại, số lượng bom mìn còn sót lại trên sông, biển, các tuyến đường khá nhiều. Với việc đánh bắt hải sản, Đảng bộ Hải Trạch đã vận động xã viên giúp đỡ nhau tu sửa, đóng mới, mua thêm thuyền, lưới, ngư cụ để ra khơi đánh bắt. Chuyển một số lao động từ những nơi sơ tán về bám biển để đánh bắt. Hợp tác xã ngư nghiệp và các ngành nghề khác được tổ chức lại phù hợp với tình hình sản xuất. “Năm 1970, hợp tác xã Thống Nhất đánh bắt được 90 tấn cá, thì đến năm 1971 đã đánh bắt được gần 200 tấn. Nhiều ngành nghề mới như dệt lưới, làm thảm muồng, thảm đay, chế biến hải sản… được đầu tư phát triển đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động nữ”. [26, tr.299].
          Đảng bộ còn động viên nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, lấy hợp tác xã làm nòng cốt để giúp nhau tạo dựng lại cuộc sống. Các gia đình giúp nhau tu sửa lại nóc nhà và dựng lại nhà mới. Từ những chủ trương và việc làm kịp thời trên, cuộc sống nhân dân đã đi vào ổn định. Các trung đội dân quân kết hợp với công binh, thanh niên xung phong tiến hành rà phá bom mìn, tháo dỡ hàng trăm quả đạn pháo, bom nổ chậm.
          Về giáo dục, đã xây dựng và củng cố lại các lớp mẫu giáo, trường cấp 1, cấp 2, tu sửa, đóng mới hàng chục bộ bàn ghế. Tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường ngày một đông. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân cũng được quan tâm, Đảng bộ xã vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền được chú trọng, nhiều ca khúc cách mạng được phổ biến, tạo nên không khí phấn khởi trong nhân dân.    Cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, Đảng bộ vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đẩy mạnh tu sửa, củng cố hầm hào, duy trì vọng gác và cử người canh trực, kịp thời phát hiện địch từ xa, báo động cho nhân dân phòng tránh. Đại đội 363 của huyện đã cử nhiều cán bộ về Hải Trạch giúp huấn luyện dân quân, tự vệ. Lực lượng dân quân phối hợp với đồn biên phòng Lý Hòa và đơn vị pháo bờ biển huấn luyện đánh tàu chiến, biệt kích địch và tuần tra, canh gác bờ biển.
          Công tác tuyển quân, bổ sung lực lượng chi viện cho các chiến trường cũng được Đảng bộ tiến hành thường xuyên.                                           
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đã có 320 thanh niên Hải Trạch xung phong tình nguyện đi bộ đội, một số được bổ sung vào đoàn Nhật Lệ để lên đường vào mặt trận B5 chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Số khác được điều động vào các đơn vị bộ đội của tỉnh (tiểu đoàn 48, 49) và đại đội 363 bộ đội địa phương huyện Bố Trạch. Ngoài ra còn có 300 thanh niên xung phong và 520 lượt dân công hỏa tuyến. [30, tr.66].
          Tóm lại, sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ, Đảng bộ Hải Trạch đã lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
          3.4.2. Quân dân Hải Trạch tham gia chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ (1972 – 1973).
          Bước sang năm 1972, để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đứng trước nguy cơ phá sản sau đòn tấn công chiến lược năm 1972 của quân ta trên khắp các mặt trận, sau khi lên nắm quyền, Níchxơn đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, đồng thời giăng thả mìn, thủy lôi phong tỏa các cảng và dọc duyên hải miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ 6/4/1972.                                                           
Chiều tối ngày 19/4/1972, sau 6 tháng chuẩn bị, phi công Nguyễn Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy từ sân bay dã chiến Khe Gát (Quảng Bình) đánh hỏng 2 tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ, trong đó có chiến hạm Meghec bị hỏng nặng. Đây là trận đánh đầu tiên của không quân Việt Nam vào tàu chiến của Mỹ. Trận đánh này thể hiện tinh thần của lực lượng vũ trang miền Bắc: kiên quyết tiến công, đánh bại mọi bước phiêu lưu quân sự mới của Mỹ. Ngày 8/5/1972, Níchxơn tuyên bố “Hành động quân sự có tính chất quyết định” và ra lệnh rải mìn phong tỏa các cảng và bờ biển miền Bắc nước ta.                                              
Tại Quảng Bình, từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1972, địch thả thủy lôi dày đặc phong tỏa cửa Nhật Lệ, cửa Gianh, các bến phà Long đại, Quán Hàu, cầu Lý Hòa… Trong 43 điểm địch phong tỏa, khu vực Hòn La và cảng Gianh bị phong tỏa nặng nhất. Chúng không đánh phá mặt đường mà tập trung đánh phá các cầu, cống để cắt đường. Thủ đoạn đánh phá mới của địch đã làm ách tắc đến việc vận tải hàng hóa trên các tuyến đường và gây nhiều khó khăn cho lực lượng phòng không của ta trong đánh trả, tiêu diệt máy bay địch.      
          Sau khi Níchxơn tuyên bố phong tỏa toàn bộ hệ thống giao thông của miền Bắc, lượng hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc đến Quảng Bình chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam giảm đi đáng kể. Trước tình hình đó, Trung ương giao cho Quảng Bình nhiệm vụ quan trọng: Tiếp nhận lương thực viện trợ của nước bạn Trung Quốc tại khu vực Hòn La.
          Hòn La, nằm phía Bắc cửa Roòn, cách bờ biển Quảng Đông (Quảng Trạch) 2,4km. Là một vịnh tự nhiên có nhiều thuận lợi cho việc đón các tàu lớn vào chuyển tải hàng hóa phục vụ chiến trường.
          Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng kế hoạch tiếp nhận hàng tại khu vực Hòn La lấy tên là “Chiến dịch Hòn La” với mật danh KHR1 và thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch với mật danh “R1” do đồng chí Hồ Bế, ủy viên thường vụ Huyện ủy phụ trách. Lực lượng huy động cho chiến dịch gồm lao động của 11 xã biển của hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, bộ phận cảng
vụ, hoa tiêu và 150 công nhân bốc vác của cảng Gianh; Công ty ô tô vận tải Quảng Bình và cán bộ, chiến sĩ của hai đại đội 363 và 365 bộ đội địa phương Bố Trạch và Quảng Trạch.  Ngày 29/5/1972, chuyến hàng đầu tiên do tàu “Hồng Kỳ 150” chở 6000 tấn gạo của nhân dân Trung Quốc vào vịnh Hòn La.          
Đêm 30/5, lợi dụng yếu tố bất ngờ, ta dùng tàu VS vận chuyển vào cảng Gianh được 500 tấn hàng. Ngày 1/6, phát hiện được tàu vận tải của ta, hạm đội 7 của Mỹ đưa 3 tàu chiến neo đậu cách tàu “Hồng Kỳ 150” 10 km, bắn phá liên tục vào bờ. Trên trời, máy bay Mỹ quần đảo suốt ngày đêm, trinh sát, bắn phá vào những nơi chúng nghi ngờ. Ban đêm chúng thả pháo sáng vào vùng biển Hòn La, làm cho tốc độ vận chuyển của ta chậm lại. Dù đã rất cố gắng nhưng tuần đầu tiên ta chỉ đưa được 2500 tấn hàng vào bờ.
          Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo chiến dịch chuyển sang phương án dùng thuyền đánh cá trọng tải nhỏ để tiếp nhận hàng và giao cho hai đại đội 363 và 365 tổ chức hai thuyền vận tải đi mở đường làm gương cho lực lượng dân quân. Các tổ thuyền của đại đội 363 và 365 vừa chèo thuyền, vừa chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ. Tuy nhiên trong một chuyến vận tải hàng từ tàu vào bờ, tổ thuyền của đại đội 363 bị trúng một loạt roóckét của địch, thuyền trưởng Nguyễn Thanh (người Hải Trạch) hi sinh.
          Để ngăn chặn thuyền vận tải và lực lượng của ta ra chuyển tải hàng hóa, Mỹ đã thả thủy lôi dày đặc trong vịnh Hòn La, phong tỏa chặt con đường ra vào tàu Hồng Kỳ. Ban chỉ đạo chiến dịch đã có sáng kiến từ chuyển hàng bằng thuyền gỗ sang chuyển hàng bằng trục tời và dùng thuyền nan - là loại thuyền được làm bằng tre, phủ nhựa đường, không dùng đinh kim loại nên không dính bom từ trường của địch.
          Lợi dụng thủy triều, dòng chảy để dùng dây tời kéo gạo từ tàu vào đất liền, mỗi chuyến kéo được từ 5 đến 8 bao gạo, gạo được đóng trong các túi chất dẻo dán kỹ không thấm nước. Đối với việc dùng thuyền nan, ban chấp hành Đảng bộ huyện Bố Trạch đã huy động trên 200 thuyền nan của 4 xã vùng biển, mỗi thuyền có 2 đến 3 người, chở được từ 1,5 đến 2 tạ gạo. Phát hiện lực lượng chuyển tải mới của ta, máy bay Mỹ liên tục ném bom, bắn pháo để ngăn chặn không cho thuyền ta ra lấy hàng. Để rút ngắn cung đoạn chuyển tải và giảm bớt thương vong, Ban chỉ đạo chiến dịch chuyển hướng từ đưa hàng thẳng từ tàu vào bờ sang đưa hàng từ tàu lên đảo La, sau đó chuyển tiếp vào đất liền. Phát hiện hoạt động của ta trên đảo, máy bay Mỹ tập trung bắn phá, ném bom napan đốt cháy các bãi hàng. Quyết không để cháy hết gạo, Ban chỉ đạo cử một số đồng chí chèo thuyền vào đảo La dập tắt lửa cứu hàng.
          Ngày 27/6/1972, tàu “Hồng Kỳ 152” chở 6000 tấn gạo đến vịnh Hòn La, vừa lúc có cơn bão ập đến, lợi dụng gió bão, ta thực hiện phương án thả gạo tự trôi vào bờ.
          Ngày 22/9, “Hồng Kỳ 162A” chở 6000 tấn gạo và sau 1 tháng ta thả hết 6000 tấn gạo. Tháng 1/1973, tàu “Hồng Kỳ 162B” là chuyến cuối cùng chở 6000 tấn gạo đến Hòn La. Mặc dù thời tiết gió bão lớn cùng với máy bay, tàu chiến Mỹ bắn phá dữ dội, nhưng ta vẫn thả hết số gạo trên.
          Nằm trong đội hình phục vụ chiến dịch Hòn La, Đảng ủy xã Hải Trạch đã phát động đăng ký tình nguyện đi Hòn La từ trong Đảng ra quần chúng, đông đảo đoàn viên thanh niên, dân quân, xã viên hợp tác xã đăng ký, đặc biệt có cụ ngót 70 tuổi cũng hăm hở xin đi (như cụ Nguyễn Duy Bảnh)... Bởi phục vụ chiến dịch Hòn La, thực sự phù hợp với nguyện vọng cao cả và tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ và nhân dân Hải Trạch đối với sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước ở giai đoạn cuối.Trước hết tổ chức một đợt đi trước để rút kinh nghiệm chỉ đạo, do đồng chí Đảng ủy viên Phan Chấu phụ trách. Khi đến cửa sông Gianh, bị địch thả pháo sáng phong tỏa nhưng anh em vẫn bình tĩnh và gan dạ nhảy xuống biển, đẩy thuyền lướt đi trước, người bơi bám theo sau, qua khỏi cửa sông, người lại lên thuyền, chèo đến địa điểm. Lúc sắp tới tàu Hồng Kỳ, đoàn thuyền phải qua một đợt pháo hạm phong tỏa mới đến được khu vực an toàn. Đợt đi này đã vượt qua được nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở về an toàn.Từ kinh nghiệm, Đảng ủy Hải Trạch đã tổ chức 4 đợt đi vận tải, mỗi đợt 5 thuyền.
Đợt 1 do đồng chí Phan Húa và đồng chí HồTớ (Đảng ủy viên) chỉ huy đã hăng hái lên đường. Vượt qua các vùng pháo sáng phong tỏa, tranh thủ luồn lách vượt qua các loạt đạn pháo hạm. Đợt 1 xã cùng với các xã bạn đã hoàn thành chuyến hàng vượt mức thời gian, chỉ 20 ngày là xong, an toàn trở về trong sự đón tiếp đầy xúc động và phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân.
Đợt 2 do đồng chí Phạm Lủm – Bí thư Đảng ủy, chính trị viên xã đội chỉ huy. Đợt này gặp nhiều tình huống gay cấn nhưng anh em vẫn thể hiện sự bình tĩnh gan dạ, thông minh trong xử trí. Có một chuyến, khi thuyền vừa rời tàu Hồng Kỳ ra khỏi vùng an toàn, đã bị hàng loạt đạn pháo chụp đón đường, thuyền bị hỏng, thuyền bị lật, 450 kg gạo bị trôi, anh em đã không quản ngại, vừa bơi, vừa dìu thuyền và vớt các bao gạo vào bờ giao nạp đủ số lượng. Lần thứ 2, khi thuyền sắp đến bờ thì máy bay địch rải hàng loạt bom bi từ bờ đến sát vùng an toàn. Tuy vậy, anh em đã phòng tránh được đảm bảo cho người và thuyền, đưa hàng vào bờ trọn vẹn. Đợt 2 đã hoàn thành kế hoạch vận chuyển trong 18 ngày, phát huy được lòng dũng cảm, gan dạ, thông minh trong xử lí tình huống. Đợt 2 an toàn trở về trong sự khâm phục tin yêu của Đảng bộ và nhân dân, góp thêm kinh nghiệm cho các đợt sau.    
Đợt 3 do đồng chí Hoàng Văn Thái (Đảng ủy viên) cùng với các đồng chí Hai, Đồng, Mẹo phụ trách. Khác với 2 đợt trước, đợt này bị địch phong tỏa chặt, bắn phá dữ dội và liên tục làm nhiều thuyền bị hỏng, xảy ra thương vong, do đó tốc độ vận chuyển bị chậm. Trước khó khăn chung, anh em đợt 3 đã đề xuất ý kiến: kéo hàng vào bờ bằng dây tời. Sáng kiến đó đã được chấp nhận và thực hiện vừa đảm bảo về người và thuyền, vừa nâng cao năng suất vận chuyển. Chưa được bao lâu bị địch phát hiện và đánh phá tập trung làm dây tời bị đứt; chẳng quản nguy nan, anh em đợt 3 đã xung phong tìm kiếm, nối lại đường giây trong đêm để tiếp tục chuyển gạo vào bờ. Do nhiều sự cố, đợt 3 phải 30 ngày mới hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch và trở về an toàn.          
Đợt 4 do đồng chí Phan Xỏi (Đảng ủy viên) chỉ huy. Khó khăn của đợt 4 là thời tiết chuyển về mùa đông, gió to và lạnh thuyền nan nhỏ hạn chế nhiều đến khối lượng và năng suất vận chuyển. Theo chỉ đạo của Ban chỉ huy chiến dịch: thả gạo xuống biển, lợi dụng sóng và gió đưa hàng trôi dạt vào bờ và khiêng về nơi quy định. Cùng với các đội bạn, anh em đợt 4 không ngại gió to và rét lạnh, lao động tại bờ suốt đêm, đã hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch, trở về an toàn.                                                                                  
Trong suốt thời gian ta triển khai chiến dịch Hòn La, từ tháng 6/1972 đến 15/1/1973, để ngăn chặn việc ta chuyển gạo từ tàu Hồng Kỳ vào đất liền, đế quốc Mỹ đã huy động 1500 lần chiếc máy bay, đánh phá gần 700 trận, trong đó có 341 trận đánh đêm, thả hàng nghìn pháo sáng, ném xuống gần 1000 loạt bom phá, 149 loạt bom bi, 540 loại roóckét, 606 loạt đạn 20 ly,124 quả đạn cối, 96 quả bom napan, 149 quả bom từ trường nhưng chúng đã thất bại trước ý chí, tinh thần cách mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Bình trong chiến dịch Hòn La. [26, tr.323]
Sau 6 tháng đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, chiến dịch vận tải Hòn La đã kết thúc thắng lợi. Ta đã chuyển tải hơn 21000 tấn gạo từ các tàu Hồng Kỳ vào đất liền và chuyển vào chiến trường miền Nam. Thắng lợi trên một lần nữa phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Ban chấp hành Đảng bộ huyện và Đảng ủy các địa phương, đồng thời nói lên tinh thần chiến đấu quả cảm, dám xả thân vì nước của cán bộ, đảng viên và nhân dân Bố Trạch, trong đó có nhân dân Hải Trạch đã góp phần không nhỏ vào thành công của chiến dịch.               
3.5. Nhân dân Hải Trạch khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố hậu phương, chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ (1973 – 1975).    
          Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
          Trước cơ hội lịch sử đó, Đảng bộ Hải Trạch đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố hậu phương, dốc sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đảng bộ tích cực triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy với tinh thần “4 chuyển”:
“Chuyển nhiệm vụ chính trị và ý chí phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân từ chiến tranh sang thời kỳ hòa bình; chuyển tổ chức bộ máy chỉ đạo từ thời chiến tranh sang hòa bình; chuyển sinh hoạt của nhân dân từ dưới mặt đất lên; chuyển phong trào lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp, các ngành, các đoàn thể phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới”. [2, tr.346].                            
Trong thời kỳ phá hoại của đế quốc Mỹ, hơn ½ dân số Hải Trạch phải đi sơ tán ở Đồng Trạch, Phú Trạch, Tây Trạch…nay trở về quê hương. Đảng bộ xã đã động viên nhân dân phát huy truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ nhau dựng lại nhà cửa, quan tâm đến những đối tượng hiến nhà, hiến tường để lấp cầu Lý Hòa trong thời kì máy bay Mỹ ném bom phá hoại. Các gia đình tự giác đóng góp tre, lá cùng nhau dựng lại nhà.   Làm tốt công tác chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, quán triệt đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng an nhàn, hưởng lạc, tư lợi cá nhân… tập trung mọi nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng lại quê hương.                             
Về nghề cá, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện và vật tư, nhưng với tinh thần chủ động, tích cực bám biển, các hợp tác xã và xã viên đã khắc phục khó khăn, chủ động tìm kiếm nguyên vật liệu để tu sửa, đóng mới thuyền, sắm mới lưới để sản xuất. “Năm 1974 Hải Trạch góp phần cùng toàn huyện đánh bắt được 1400 tấn cá, năm 1975 đánh bắt được 1600 tấn cá” [26, tr.362].                                                                  
Đảng bộ đã sắp xếp lại lực lượng lao động nữ vào làm tại các hợp tác xã thủ công dệt lưới, làm muối, sản xuất nước mắm… Nhờ vậy đời sống nhân dân dần đi vào ổn định.Cùng với các ngành, các địa phương khác trong huyện, tỉnh, nhân dân Hải Trạch đã tổ chức tham gia chiến dịch vận tải lớn vào chiến trường miền Nam. Chiến dịch mang mật danh: “ngày N” với khối lượng hàng chuyển qua Quảng Bình hơn 20 vạn tấn. Hải Trạch cùng với các xã lân cận củng cố lại cầu Lý Hòa vững chắc. Đóng góp phương tiện làm cầu phao qua sông Gianh.  Bên cạnh đó, công tác tuyển quân cũng được quan tâm. Năm 1974 thanh niên Hải Trạch hăng hái đến trụ sở ủy ban nhân dân xã để đăng kí danh sách tòng quân. Nhờ đó công tác tuyển quân năm 1974 đạt kết quả cao, có nhiều em học sinh chưa học hết cấp 3 cũng hăng hái tòng quân lên đường chiến và phục vụ chiến đấu.
Về giáo dục, khôi phục và củng cố các cấp học từ mầm non, cấp 1, cấp 2. Trường lớp sau khi sơ tán trở về đã được nhân dân xây dựng lại để con em có thể học tập ngay tại địa phương. Cơ sở y tế cũng được khôi phục, đảm bảo việc khám chữa bệnh cho nhân dân.       
Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, chiếu bóng…được đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động trên đã tạo nên không khí sinh hoạt lành mạnh trong nhân dân, tạo điều kiện để mọi người xây dựng chế độ mới, con người mới.                                       
Tóm lại, với tinh thần khẩn trương nỗ lực, tự giác của Đảng bộ và nhân dân, từ sau 1973 đến 1975, đời sống nhân dân Hải Trạch cơ bản đi vào ổn định và phát triển, góp phần cùng huyện nhà và cả nước tập trung sức người, sức của để giải phóng miền Nam.      Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta thu vềmột mối, kỷ nguyên độc lập tự do vĩnh viễn được xác lập.                                
* Tiểu kết chương 3.                                                                       
Từ 1954 – 1975, Đảng bộ Hải Trạch đã năng động, sáng tạo, lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, gian khổ và hi sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Chính phủ, tỉnh và huyện giao Trong 10 năm đầu khôi phục kinh tế, cải tạo kinh tế và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954 – 1964), Đảng bộ Hải Trạch đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiến hành giảm tô, cải cách dân chủ miền biển và sửa sai, hướng nhân dân đi vào làm ăn tập thể, thành lập và động viên nhân dân tham gia vào các hợp tác xã ngư nghiệp, hợp tác xã vận tải biển, hợp tác xã Minh Khai và hoạt động có hiệu quả, ổn định đời sống nhân dân, củng cố an ninh trật tự xóm làng.                                                                    
       Trong hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 – 1968), (1972 – 1973), quân dân Hải Trạch vượt qua khó khăn, “bám làng, bám biển” sản xuất, chiến đấu, đảm bảo công tác giao thông vận tải và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường. Mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, xã viên hợp tác xã Thống Nhất luôn nêu cao tinh thần “tay chèo, tay súng”, bám biển đánh cá và vận tải hàng hóa. Xã viên hợp tác xã vận tải biển Hồng Hải đã vượt hàng nghìn hải lý đường biển, đường sông, bom từ trường, thủy lôi, sự rình rập của tàu chiến Mỹ để chuyển hàng nghìn tấn hàng từ Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An về Quảng Bình.   Đặc biệt là thực hiện chiến dịch vận tải Hòn La, Đảng bộ và nhân dân Hải Trạch một lần nữa đã động viên và phát huy sở trường ngành nghề và cuộc sống đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn nguy hiểm, sẵn sàng hi sinh bất chấp mọi sự phong tỏa và uy hiếp bằng bom đạn của kẻ thù, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Như Thơ

>>> Video Tư liệu Lý Hòa giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
Link: http://youtu.be/iNJ0svWMHy4

Không có nhận xét nào: