LÝ HÒA – LÀNG QUÊ VĂN VẬT


Huyện Bố Trạch có ba làng nổi tiếng không chỉ trong lịch sử tỉnh Quảng Bình mà còn của cả nước đó là các làng: Lý Hòa; Quy Đức; Cao Lao Hạ; chính điều đó ba làng được xếp vào thứ hạng “ Tam danh hương” (“Lý – Quy – Cao”) sánh ngang hàng cùng với Bát danh hương: Sơn – Hà Cảnh, Thổ - Văn, Võ, Cổ, Kim của các huyện Quảng Ninh – Lệ Thủy và Quảng Trạch – Tuyên Hóa. Sự nổi danh của “Tam danh Hương” còn được xem là cái xương sống của hai cánh chim văn hóa “Bát danh hương” trên đất Quảng Bình.

Làng Lý Hòa xưa, nay được gọi là xã Hải Trạch, là một vùng đất, một làng quê nằm phía Nam dưới chân dãy núi Lệ Đệ. Theo Lê Quý Đôn “Thôn Lý Hòa, châu Nam Bố chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rũ xuống thành một rãi cát bằng, nổi cao, mở rộng, dân cư ở ngang bãi trông về phía Nam”. Làng Lý Hòa ở trên một bán đảo bao quanh ba phía là nước sông và biển, phía Bắc giáp với đèo Lý Hòa. Lý Hoa một vùng đất, một làng quê nổi tiếng đẹp về cảnh quan, có núi, có biển, có sông. Vì vậy, năm 1993, Bộ văn hóa đã có Quyết định công nhận: “khu danh thắng Lý Hòa” di sản thiên nhiên cấp Quốc gia.

Với phong thủy như vậy đã tạo cho làng Lý Hòa giàu có về kinh tế, đa dạng phong phú về văn hóa. Lý Hòa có dòng họ khoa bảng nổi tiếng trong sử sách với những con người tài cao, trí rộng. Đây chính là cội nguồn sức mạnh để các thế hệ người dân Lý Hòa vươn lên, vượt qua khó khăn, quyết chí học hành để có vốn kiến thức giúp đời, giúp nước.

Cư dân làng Lý Hòa có nguồn gốc từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tỉnh, nơi có danh tướng Nguyễn Xí – một trong những vị khai quốc công thần của nhà Lê di cư vào chọn vùng đất bên bờ sông Thuận Cô, sau này gọi là sông Lý Hòa lập ấp, lập nghiệp. Vùng đất Lý Hòa có hình thể tự như một con rồng bay lượn trên một biển nước lớn. Đầu rồng là đèo Lý Hòa, mặt ngoảnh ra biển khơi, đôi hàm răng rồng là hàng trăm hòn đá lớn, nhỏ được gọi là bãi Đá Nhảy chắn ngang những đợt sóng biển đâm ngang, tung bọt trắng xóa. Từ bãi Đá Nhảy đi theo bờ biển vốn là con đường Hạ đạo thời xưa về phía Nam gần đên đầu làng có một hòn núi đá “mồ côi” mọc lên giữa bãi cát trắng còn gọi là hòn đá Bụt, ở đây có bãi đá ngầm còn gọi là Rạn Biển, chạy dài hàng chục mét ra biển tạo nên một con đê bằng đá chắn ngang dòng hải lưu từ Vũng Chùa – Đảo Yến về phía Nam. Tạo hóa sinh ra con đê biển giữ cho làng Lý Hòa không bị biển xâm thực. Cửa sông Lý Hòa được xem là rốn rồng, mỗi khi trời yên biển lặng “rồng” thảnh thơi bay lượn, “rốn rồng” được đẩy xa ra khỏi xóm ngoài của làng, lúc đó không còn cảnh tàn phá của nước biển và lũ lụt từ thượng nguồn sông đổ về. Trong những ngày bão tố, mưa to “rồng” cuộn mình uốn lượn, “rốn rồng” cuộn  về gần xóm ngoài, nước sông, nước biển dâng cao cuốn phăng bãi cát cuối làng tạo nên cửa sông mới uy hiếp cuộc sống của hàng trăm con người.

Là một vùng đất thuộc Chiêm Thành xưa, nên làng có ba cái giếng của người Chăm và người Việt. Ở ngay trong khuôn viên chùa Vĩnh Phước có một giếng nước do người Chăm đào có hình vuông, thành giếng được lát bằng những phiến đá xanh, đáy lát bằng gỗ, nước giếng chùa rất mát, trong và ngọt. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và địa chất cho biết, người Chăm có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chọn đất, tìm nguồn nước ngọt để đào giếng, chính vì vậy dù giếng được đào gần hay xa sông, xa biển, nước giếng bao giờ cũng ngọt và đủ cung cấp cho cư dân trong vùng. Ngoài giếng chùa, làng Lý Hòa còn hai giếng hình tròn có đường kính hơn 2m đó là giếng Đình nằm sát đình làng và giếng eo nằm ở xóm giữa, nơi hẹp nhất của làng. Giếng Đình và giếng Eo được đào sau khi người Lý Hòa vào định cư; giếng nước được xây bằng gạch Bát Tràng, đáy lát bằng gỗ, nước giếng có vị mặn do bị ảnh hưởng của nước biển và nước sông thẩm thấu.

Với thế phong thủy, thiên thời địa lợi nhân hòa đã tạo cho người dân Lý Hòa một: tâm thế, tâm lực, tâm trí dũng cảm, ngoan cường, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo trong suy nghỉ và hành động. Đây là hành trang cần thiết để con dân Lý Hòa đi đến mọi miền đất nước để học tập, lao động giao thương từ đó về xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trải qua lịch sử gần 400 năm kiến tạo và xây dựng quê hương, người Lý Hòa biết bảo tồn và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiêu biểu của hai dân tộc Việt – Chăm  tạo nên một di sản văn hóa của làng biển vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc  Việt vừa gìn giữ, bảo tồn được những nét văn hóa Chăm để làng Lý Hòa trở thành một trong những địa phương lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa Việt – Chăm trên đất Quảng Bình. Người dân Lý Hòa đã xây dựng được một thiết chế văn hóa tiêu biểu như: đình, chùa, đền , miếu và các di sản văn hóa phi vật thể mang đậm sắc thái văn hóa làng biển miền Trung: Chèo Cạn, hát bài chòi, múa bông, bơi trải (đua thuyền) trên sông , trên biển; lễ rước Thành hoàng làng, lễ giáng trần Thánh mẫu thiên Y-A-Na – bà Chúa Ngọc,… tập tục thờ thần biển, thờ cá Ong,… và nhiều phong tục tập quán khác: tiếng nói, nghề nghiệp, nhà cửa ẩm thực,… Trong những di sản văn hóa đó, người Lý Hòa trân quý nhất là đình Lý Hòa, đây được xem là một biểu tượng uy quyền của làng dưới thời phong kiến, nhưng giá trị hơn cả đình làng là nơi lưu giữ những thông tin về sự hình thành làng xã, về các dòng họ được thờ,…về những tập tục thờ tự, cúng tế, lễ nghi, những làn điệu hò Chèo Cạn, hát bài chòi,…đây chính là cội nguồn sức mạnh tinh thần đối với mỗi ,thế hệ người dân Lý Hòa từ xưa đến nay. Với những giá trị trên, năm 1993, đình Lý Hòa đã được Bộ văn hóa công nhận xếp hàng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đền thờ thánh mẫu Thiên Y-A-Na-bà chúa ngọc, một di sản Chăm về thờ mẫu duy nhất trên đất Quảng Bình được Việt hóa và cùng với đền thờ công chúa Liễu Hạnh dưới chân dãy Hoành Sơn ( phía bắc sông Gianh) càng khẳng định giá trị văn hóa tục thờ Mẫu của người Việt trên đất Quảng Bình. Là cư dân biển, người dân Lý Hòa còn có tục thờ cá Ong, một vị cứu tinh đối với người dân chài trên biển. Có thể nói, vùng đất Lý Hòa là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa. Ít được một vùng đất, một làng quê nào như Lý Hòa cùng lúc có được di sản văn hóa, , di sản thiên nhiên cấp Quốc gia đó là đình Lý Hòa và khu Danh Thắng Lý Hòa và cũng có ít vùng quê nào cùng lúc được thụ hưởng di sản văn hóa cấp Quốc gia: tục thờ cá Ong, hai di sản văn hóa thế giới: tục thờ Mẫu và hát Bài Chòi.

Lý Hòa trong lịch sử thời phong kiến có 12 dòng họ “thập nhị gia tiên”. Trong đó có 2 dòng họ lớn đó là dòng họ Nguyễn Duy và họ Hồ được thờ tại đình làng. Họ nổi tiếng nhất là họ Nguyễn Duy, trong thời nhà Nguyễn từ năm Minh Mạng thứ 10 (1822) mở khoa thi đầu tiên cho đến khoa thi cuối cùng (1919), dòng họ Nguyễn Duy đã đóng góp cho đất nước 5 vị tiến sĩ, phó bảng sánh ngang với dòng họ Nguyễn Đăng ở  làng Phù Chánh ( Lệ Thủy). Đó là trường hợp có một không hai trong lịch sử khoa cử Việt Nam trong thời phong kiến.
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Duy thì vào đời thứ 5 có cụ Nguyễn Duy Khâm là một quan ngự y nổi tiếng, chữa bệnh, dạy học cho vua  và các hoàng tử, công chúa, nên khi cụ qua đời được truy tặng “Thị giả y học sỹ”. Cụ sinh được hai người con trai là Nguyễn Duy Cần và Nguyễn Duy Đức cho ăn học tử tế.

Nguyễn Duy Cần sau đổi tên thành Huân là người đỗ tiến sỹ và là người khai khoa đầu tiên của làng Lý Hòa, năm 1842  (đời vua Thiệu Trị thứ 2). Ông sinh năm Đinh sửu (1817) đỗ cử nhân năm 25 tuổi (1841). Sau đỗ tiến sỹ, ông được vua phong làm Giáo tập Tôn học đường, chuyên dạy con vua, chúa trong phủ Tôn Nhơn, trực thuộc dưới quyền vua. Sau một thời gian, ông được cử sang chức Tế tửu Quốc Tử Giám là trường đại học cao nhất trong thời phong kiến, chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông từng làm Thị giảng học sỹ ở Hàn Lâm Viện, đến 60 tuổi ông được phong hàm Tham tri trước khi nghỉ hưu.
Con trai thứ 2 tên Nguyễn Duy Đức tức Nguyễn Duy Miễn, đỗ cữ nhân năm 1878, đời vua Tự Đức thứ 31, được vua cử làm Tế Tửu trường Quốc Tử Giám, sau đó ông cáo lão về hưu, chuyên dạy cho con cháu học hành, ông Miễn có 5 người con đỗ đại khoa là:
-                           Nguyễn Duy Thắng đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất (1898) lúc mới 27 tuổi, ông làm quan đến chức Tả trực kỳ chưởng ấn
-                           Nguyễn Duy Tích vào năm 23 tuổi đỗ tiến sỹ, ông làm đến chức Tham tri bộ Bình dưới thời vua Thành Thái.
-                           Nguyễn Duy Phiên đỗ cử nhân Khoa Quý Mão (1903), đỗ Hoàng Giáp năm Đinh Mùi đời vua Thành Thái thứ 19 lúc 23 tuổi.
-                           Nguyễn Duy Thiệu đỗ phó bảng khoa Canh Tuất (1910) năm 25 tuổi, sau đỗ thụ hàm Thừa chi theo học Trường Hậu Bổ làm quan đến chức Thị Lang.
-                           Nguyễn Duy Đồng đỗ cử nhân, tuy không thi Tiến sỹ nhưng học vấn không thua kém Tiến sỹ, ông ở nhà để phụ dưỡng cha mẹ.
Dòng họ Nguyễn Duy thật xứng đáng “Giáo ngũ trứ danh câu xương”, một dòng họ có 5 vị đại khoa thật là hiếm có.
Sự hiếu học, đỗ đạt cao của các vị đại khoa dòng họ Nguyễn Duy là nguồn khích lệ to lớn đối với bao thế hệ người dân Lý Hòa. Vì vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào, người Lý Hòa nhất là người trẻ vẫn luôn theo đuổi sự học để trở thành những người đỗ đạt cao, tài giỏi trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, có nhiều đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

Lý Hòa một vùng đất gắn liền với biển, đất gắn liền với núi, nơi tụ khí, tụ nghĩa để từ đó hình thành nên một làng quê văn vật với nguồn tài nguyên là các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, đây là cội nguồn sức mạnh tinh thần, vật chất để chính từ đây mở hướng đi mới trong việc khai thác các giá trị văn hóa di sản phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng làng Lý Hòa ngày càng giàu, đẹp.

Tác giả: Nguyễn Sỹ Hùng
Biên soạn: Hồ Thị Vân

Không có nhận xét nào: