ĐÈO LÝ HOÀ.

Đèo Lý Hòa

Trêcon đường thiên lý Bắc Nam, cách cầu Gianh chừng 13 km về phía Nam có dãy núi chắn ngang, đó là những ngọn núi cuối cùng của dãy Lệ Đệ tách ra từ dãy Trường Sơn chạy về ớng Đông, và điểm dừng chân là vịnh Hà Não, nay gọi là Đá Nhảy. Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) viết:

" núi Lệ Đệ trên tự đầu nguồn dưới đến bờ biển dẫu không cao lắm nhưng liên tục hơn trăm ngọn chắn ngang đường vào Thuận Hóa". Đó là đèo Lý Hoà.

Tương truyền, vào giữa thế kỷ 18 sau gần 150 năm nội chiến huynh đệ tương tàn, hao người tốn của, chúa Trịnh và chúa Nguyễn ngừng chiến và cùng ngồi lại với nhau để đàm phán phân chia cát cứ. Địa điểm được chọn để đàm phán thương thuyết là hòn Động Màn nằm trên đèo Lý Hoà. Sau nhiều ngày lý sự, tranh cãi quyết liệt để ai cũng được phần hơn, cuối cùng hai bên đã đi đến hòa thuận, vui vẻ thống nhất lấy Linh Giang làm ranh giới Đàng Ngoài (chúa Trịnh) và Đàng Trong (chúa Nguyễn), và tên đèo Lý Hòa xuất hiện từ thời đó.

Thuở ấy khu vực đèo cây cối rậm rạp, có nhiều thú dữ, con đường ra Bắc vào Nam không phải băng qua đèo như bây giờ mà đi men theo đường biển qua Đá Nhảy. Sách " Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí" do thượng thư bộ binh triều Nguyễn Lê Quang Định biên soạn và trình tấu lên vua Gia Long ngày 20/11/1806 viết: "phía Đông chạy dọc theo bờ biển, phía tây có nhiều đá tảng, đến núi đá trang Thuận An tục gọi là đèo Đá Nhảy, cao 5 tầm 3 thước, đoạn đường này toàn đá lởm chởm, gồ ghề lại nhiều cọp beo, khách đi đường phải hết sức thận trọng".

Ông Hồ Văn Dực (1706 - 1756), ông thuộc đời thứ ba họ tộc Hồ Văn. Năm 1736 Chính quyền giao phụ trách một đội khoảng 10 người làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn và bảo vệ cho người qua lại khu vực này được an toàn. Sau khi ông qua đời, để ghi nhận công lao của ông trong gần 20 năm tận tụy, trách nhiệm với công việc, Vua Lê Hiển Tông sắc phong cho ông tước danh " Chính hầu đội trưởng - Quản thủ ngự danh - Chí kim đội vận". Thi hài của ông được an táng ở phía tây dưới chân đồi 75, hiện nay con cháu trong dòng tộc đã tôn tạo, xây dựng lại khu lăng mộ của ông bề thế, trang nghiêm.

Đèo Lý Hòa đã in dấu chân của các Hoàng đế triều Nguyễn và các vị đại quan nổi tiếng thời bây giờ.
Năm 1842, trên đường Bắc tuần, vua Thiệu Trị (1807 - 1847) đã dừng chân tại đèo Lý Hòa và khắc bia làm kỷ niệm, nhiều tài liệu viết về sự kiện này nhưng đến nay chưa có tài liệu nào nói rõ vua đã khắc bia ở địa điểm cụ thể nào trên đèo Lý Hoà.
Cụ Tam nguyên Yên đỗ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), mùa thu năm 1884 rời chốn quan trường ở triều Nguyễn khuyến cáo về quê, khi đến đèo Lý Hòa sững sờ trước cảnh trời biển núi sông gặp nhau tại một điểm trong một màu xanh huyền bí đã làm bài thơ "qua Lý Hòa", bài thơ do dịch giả Nguyễn Văn Huyền dịch từ bản chữ Nôm:
"Núi non chững lại dứt đầm ao
Vời vợi trong xanh ngắt một màu
Trên dưới nước liền trời biếc biếc
Đêm ngày bờ gọi sóng xôn xao.
Nom như mảnh lá con thuyền đó
Trông dứt làn mây xứ sở nào
Có ai đấy cũng như ta vậy
Cũng mỗi phương trời mỗi bãi lau."

(Hết đoạn I).
P/s: cảm ơn bạn Tu Van Nguyen đã cung cấp một số tư liệu trong bài viết này.


Không có nhận xét nào: