MÚA BÔNG Ở CÁC LÀNG BIỂN BỐ TRẠCH

Dinh Ly Hoa

Múa Bông là điệu dân vũ phổ biến ở các làng biển Thanh Hà, Lý Hòa, Quy Đức, Nhân Trạch huyện Bố Trạch. Múa Bông thực ra là điệu Múa Đèn hoặc cũng có nơi gọi theo Hán tự là múa Bài Đăng. Múa Bông ở các làng biển Bố Trạch có tự rất lâu đời. 

Theo các cụ cao niên ở đây kể lại thì cư dân các làng biển có tục lệ thờ thần “ Nam hải Đại vương” tức thờ “ Thần cá Ông” vì vậy trong các lễ nghi cúng tế ngoài hát chèo cạn “ Hát Bả trạo), ngư dân đã nghĩ ra một số điệu múa phù họa làm cho buổi lễ  tăng thêm phần vui vẽ hơn và điệu múa Bông xuất hiện từ đó.  Tuy nhiên, qua thời gian và trải qua hai cuộc chiến tranh điệu múa độc đáo ấy không được sử dụng liên tục. Sau khi đất nước hết chiến tranh đi vào xây dựng, kinh tế phát triển, người dân các làng biển có điều kiện khôi phục lại các hoạt động lễ nghi cầu tự ở Đình, chùa, cầu mùa...và điệu múa Bông dần được khôi phục phục vụ các lễ hội. Múa Bông thường đi đôi với múa Chèo cạn như một cặp bài trùng để giữ sự hài hòa của tinh thần lễ hội.

           Chèo Cạn là tính cách điệu hóa hoạt động người dân vùng biển nên chủ yếu là dành cho phái nam. Vì đây là động tác múa đơn giản, đòi hỏi thể lực khỏe mạnh, tay cầm chèo theo nhịp hát đẩy tới rập ràng. Cái hay của địêu múa Chèo cạn là cách sắm vai diễn viên gõ mõ, diễn viên tát nước và diễn viên cầm lái lĩnh xướng chính. Đây là những vai diễn độc đáo, càng độc đáo bao nhiêu càng gây ấn tượng và được người xem hâm hộ bấy nhiêu.
          Còn điệu múa Bông thì khác hơn. Múa Bông thường chuẩn bị công phu. Ngoài trang phục đẹp, dụng cụ múa Bông chủ yếu là đôi đèn hoa sen nâng to cánh nở xòe để khi múa cầm lên tay tạo ra hình khối đẹp của đội múa. Đèn hoa sen được thiết kế, kết bằng giấy hồng sen ghép nhiều cánh cuốn gọn tựa bông sen đang nở, giữa lòng của hoa được đặt đệm nhẹ để gắn vào dễ dàng cây đèn hồng lạp hay cây đèn bạch lạp ( Đèn sáp). Trước khi múa người múa mới cho châm đèn sáng lên. Múa Bông đẹp nhất là khi lộn vòng, xoay người đảo hàng dọc, hàng ngang với dáng người múa đôi tay uốn ẻo dẻo mềm mại đi theo điệu nhạc lễ. Thường múa Bông được tổ chức ngoài trời giữa sân Đình hay giữa sân tổ chức lễ hội, trông mới đẹp, hấp dẫn và tôn nghiêm. Bởi thế người thiết kế hoa sen làm sao giấy làm cánh hoa phải mỏng, trong suốt và khi tạo cánh thành  những lớp cánh hoa xòe ra nhưng vẫn chặn được gió khi múa lượn đèn không tắt và hắt được ánh sáng đền ra ngoài sân Đình mới đạt được yêu cầu.

           Những người được chọn vào đội múa Bông thường là những Nữ tú tuổi mười tám đôi mươi, có dáng mềm mại, cao ráo, cân đối, khuôn mặt thanh tú, phúc hậu để cho dễ trang điểm và khi diễn có khả năng uốn lượn tạo nét duyên dáng hơn. Trang phục của múa Bông có nhiều tùy theo nội dung của buổi lễ thường  quần trắng áo dài nhiều màu để khi múa tà áo bay bay tạo thế duyên dáng, huyền ảo dưới ánh đèn lung linh trên mỗi đôi tay. Cũng có thể ăn vận đồng phục gọn gàng, nịt lưng, bó chân xà cạp nhưng phải sáng màu cho nổi bật khi múa. Dù dùng loại phục trang nào, người múa cũng phải có một dãi băng bằng vãi màu có rua kim tuyến lóng lánh, mềm mại thắt ngang quanh bụng nhằm tạo dáng thắt đáy lưng ông  của người múa. Múa Bông ở các làng biển huyện Bố Trạch  là điệu múa đầy chất dân gian .

         Múa Bông một loại hình dân vũ mang đậm nét văn hóa miền sông nước và chính do người dân lao động sáng tạo gắn với nghề nghiệp nuôi sống bao thế hệ. Chính vì vậy dù cuộc sống có biết bao khó khăn, vất vã, thiên tai, địch họa nhưng múa Bông vẫn được lưu giữ, vẫn tồn tại và được các thế hệ cư dân các làng biển lưu truyền cho nhau để phục vụ tốt cho các mùa lễ hội và cuộc sống.


QUẢNG BÌNH - ẨN TÍCH THỜI GIAN

Không có nhận xét nào: