Quê hương

                                                                      Bài dự thi

“Quê hương là chùm khế ngọt
 Cho con trèo hái mỗi ngày
 Quê hương là đường đi học
 Con về rợp bướm vàng bay...”


Đó là những câu thơ được trích trong bài thơ “Quê hương”  của nhà thơ Đỗ Trung Quân nêu lên cảm nghĩ của ông đối với quê hương của mình. Trong mỗi người chúng ta ai cũng có một thời gian sinh ra và lớn lên trên quê hương mình. Tôi cũng vậy, tôi cũng có một nơi gọi là quê hương và tôi luôn tự hào khi gọi tên quê hương tôi – Làng Lý Hòa.
         Làng Lý Hòa còn gọi là xã Hải Trạch thuộc huyện Bố Trạch – tỉnh Quảng Bình. Nằm trên trục đường quốc lộ 1A huyết mạch của đất nước, cách sông Gianh 9km về phía Nam và cách Thành phố Đồng Hới 12km về phía Bắc.
Quê hương tôi là một ngôi làng nhỏ ven biển miền Trung nên dân làng đa số sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản – Đây là một ngành nghề truyền thống của người dân Lý Hòa chúng tôi. Mặc dù vất vả nhưng trên gương mặt họ luôn luôn nở một nụ cười yêu nghề và họ luôn bám biển vì tình cảm của họ đối với biển đã gắn kết keo sơn hơn ba trăm năm nay.

Làng Lý Hòa từ lâu là một ngôi làng với nhiều địa danh nổi tiếng như Đá Nhảy với những tảng đá Cỗ Xôi , Tháp Bút, bãi biển xanh biếc…Đèo Lý Hòa với những con đường uốn lượn tạo thành một dải lụa mềm mại. Nhà Thơ Hồ Đình Ty đã viết bốn câu thơ miêu tả về Đá Nhảy như sau:

“Đá Nhảy đâu chỉ thấy đá ngồi
Sóng lô xô vô hồi vô tận
Trưa nắng đỏ lưng đèo hoa mận
Chiều ân tình tím ngắt hoàng hôn”

Cũng như bao làng khác, Làng Lý Hòa được tô thêm vẻ truyền thống với mái đình cổ kính. Đình Lý Hòa đã được bộ VH – TT chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999. nay chùa đã được tôn tạo lại trên nền đất cũ. Đình Lý Hòa đã trở thành biểu tượng của làng và cũng là nơi để du khách tham quan vãnh cảnh. Một người con của làng Lý Hòa đã viết:
               “ Qua đường lộ ghé đây bạn nhé
                   Thăm ngôi làng bên mé biển đây
                   Bốn bề san sát nhà xây
                   Lại thêm đình cổ tọa ngay giữa làng”     
                                           (Trích Lý Hòa quê mẹ ta ơi – Hồ Ngọc Dũng)

Ngoài những văn hóa phi vật thể, làng Lý Hòa còn có những nét truyền thống dân gian đặc trưng của một vùng biển như lễ hội cầu ngư, rước thành hoàng,.. đặc biệt, vào mồng ba tết hàng năm, làng Lý Hòa thường tổ chức lễ hội đua thuyền nhằm cầu cho dân làng may mắn trong năm mới, làm ăn phát đạt.

Làng tôi tuy nghèo nhưng con người ở đây luôn luôn hòa đồng, giúp đỡ nhau cùng vươn lên làm kinh tế giúp cuộc sống ổn định. Trong những năm tháng bị bão lụt, ngoài sự giúp đỡ của nhà nước, làng còn tổ chức quên góp gây quỹ từ thiện với phương châm “lá lành đùm lá rách” nhằm giúp đỡ các hộ dân khó khăn trong địa phương, ngoài ra còn mở rộng tham gia hỗ trợ các xã lân cận bị ảnh hưởng. Tiêu biểu đi đầu trong công tác từ thiện này là cộng đồng facebook Lý Hòa – nơi gắn kết con em bốn phương của làng.

Không những vậy, con người Lý Hòa cũng có một truyền thống yêu nước, quyết hy sinh để bảo vệ làng, bảo vệ  tổ quốc Việt Nam thân yêu. Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Lý Hòa đã được nhà nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Hai cuộc chiến đỗ bao xương máu
Hơn hai trăm con cháu hy sinh
Bao nhà mất mát người thân
Bao người gửi lại tay chân chiến trường”
                                     (Trích Lý Hòa quê mẹ ta ơi – Hồ Ngọc Dũng)

Ngoài ra, Hiếu học cũng là một truyền thống của nhân dân làng Lý Hòa. Từ xưa đến nay, biết bao người con của làng Lý Hòa đỗ trạng nguyên, khoa bảng, ông nghè,… ra làm quan cho triều Nguyễn. Tiêu biểu phải kể đến truyền thông hiếu học của họ Nguyễn Duy – Một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất lúc bấy giờ. Ngày nay, nối tiếp truyền thống đó làng Lý Hòa hiện nay có rất nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ,... nắm giữ nhiều trọng trách của đất nước nói chung và làng Lý Hòa nói riêng.


Về thăm Lý Hòa hôm nay, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên khi thấy một vùng quê phát triển mạnh mẽ. Nhà nhà san sát nhau, những phiên chợ đông đúc với những mặt hàng đa dạng và bao công trình công cộng như điện đường trường trạm mọc lên từng ngày. Để có được Lý Hòa như bây giờ là nhờ sự lãnh đạo của đảng bộ xã Hải Trạch đi đúng phương châm, đường lối của nhà nước: Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng đầu tư xây dựng. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân ăn ra làm nên đã đóng góp một phần công sức về vật chất và tinh thần để xây dựng làng Lý Hòa được như ngày hôm nay.

        Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn những câu thơ cuối cùng trong “Diễn ca Lý Hòa Quê Mẹ ta ơi” của tác giả Hồ Ngọc Dũng để nói lên tình yêu của tôi dành cho quê hương tôi:


“Sóng vẫn vỗ rì rầm ven biển
Gió mãi reo đèo đỉnh Lý Hòa
    Đi đâu cũng nhớ về quê nhà
    Đố ai không nhớ nơi ta sinh thành”.


Họ và tên:       Hồ Ngọc Tân
Ngày sinh:       18 / 1 / 1999
Địa chỉ: Thôn Quốc Lộ 1A – xã Hải Trạch – huyện Bố Trạch – Tỉnh Quảng Bình


Không có nhận xét nào: