LÝ HÒA NÉT ĐẸP VĂN HÓA TIỀM ẨN

Trên con đường thiên Lý Bắc – Nam, ai có dịp đến Quảng Bình, nếu đi từ Nam ra Bắc, sau khi đi qua thành phố Đồng Hới, tỉnh Lỵ Tỉnh Quảng Bình hơn 20 km gặp một con sông lớn đó là sông Lý Hòa. Nếu đi từ Bắc vào Nam, sau khi qua cầu Gianh, đi hơn 10 km ta bắt gặp một dãy núi lớn chặn ngang đường Quốc Lộ 1 A đó là đèo Lý Hòa.
Dù đứng trên cầu hay trên đèo lý Hòa nhìn bao quát vùng đất phía Đông con đường Thiên Lý, trước mắt ta là cả một vùng sông nước, biển cả làng mạc hòa quện vào nhau tạo nên một cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc, đến nao lòng người. Vùng đất, làng quê đó là xã Hải Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tên gọi lịch sử là làng Lý Hòa.
      Làng Lý hòa có lịch sử hình thành gần 400 năm, cư dân của làng bắt nguồn từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh di dân vào lập làng, sinh cơ, lập nghiệp dưới chân núi Lệ Đệ (đèo Lý Hòa) bên bờ sông Thuận Cô ( Sông Lý hòa).
Làng Lý Hòa ở vào thế phong thủy “Thượng Sơn, Hạ Thủy”... “Núi giăng một phía, nước vây ba bề” ở vào thế tiền chu tước đầu gối lên núi Lệ Đệ ở phía Bắc đây là hậu huyện vũ; phía bên trái là tả thanh long đó là biển Đông; bên phải là núi hòn Bung là hữu bạch hổ.

     Đèo Lý Hòa thuộc dãy núi Hòn Bung một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy ra biển điểm cuối cùng là đèo Lý Hòa. Đèo Lý Hòa cùng với Đèo ngang tạo thành hai đèo lớn chắn ngang đường thiên lý Bắc – Nam đi qua Quảng Bình. Đèo Lý Hòa dù không cao, lớn như đèo ngang nhưng đây là một danh thắng cảnh đẹp, dưới chân đèo có bãi đá Nhảy với vô vàn hòn đá to nhỏ, đủ hình thù, đêm ngày vui đùa cùng sóng biển.. “Những phiến đá trần tuồng như trẻ nhỏ/ như giỡn đùa cùng sóng , như là không/ hình đá giống con thuyền cưỡi sóng / giống con người kéo lưới lên bờ / giống con chim vút lên trời rộng / lại giống như ai đứng đợi chờ...”
                                                                 ( Đá nhảy – thơ hồng thế)


     Đi dọc theo bờ biển, là một bãi cát vàng trãi dài hơn 10 km từ cửa sông Gianh vào đến cửa sông Lý Hòa. Đây là bãi cát mịn, độ dốc thoai thoải, vào mùa hè sống biển phẳng lặng tựa đầm ao.
      Dưới thời phong kiến khi chưa có con đường cái quan, đường thiên lý Bắc – Nam đi qua Quảng Bình phải qua bãi Đá Nhảy còn gọi là đường “Hạ Đạo". Đi qua Đá Nhảy vào lúc nước triều cường hết sức khó khăn, vất vã và nguy hiểm, bởi phải vượt qua hàng trăm hòn đá to, nhỏ trơn tượt. Nếu mỗi lần đi qua không nhanh nhạy, khéo léo không chỉ khó vượt qua mà còn bị sống biển cuốn trôi ra biển vì vậy người xưa có câu nói “Bò, đi, đá, nhảy” ;Đá nhảy không chỉ in đậm dấu ấn với người dân trong vùng mà vào thủa thiếu thời, trong những lần Bác Hồ theo cha vào kinh thành Huế, Người đã đi qua Đá Nhảy và hình ảnh Đá Nhảy đã in đậm dấu ấn vào trí nhớ của Người. Năm 1957, khi về thăm Quảng Bình, Bác Hồ đã nhắc lại câu đố “Bò, đi, Đá, Nhảy” của người xưa... bãi Đá Nhảy hiện nay hàng năm thu hút hàng trăm du khách về đây du lịch tắm biển.




     Nằm dưới chân đèo Lý Hòa về Phía Nam là Làng Lý Hòa, một làng biển giàu có được xếp vào hàng nhất, nhì của tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là một làng khoa bảng, làng thương thuyền, buôn bán và đánh cá nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc.
Sau khi thành lập làng, Lý Hòa ngày một thịnh vượng có nhiều dấu ấn trong lịch sử Quảng Bình và cả nước. Trong sách phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có viết: “Thôn Lý Hòa châu Nam Bố chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rũ xuống thành bãi cát bằng, nỗi cao mở rộng, dân cư ngang bãi, trông hướng Nam, đuôi bãi từ bên tả ôm lấy sông Thuận Cô làm án, cho nên dân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người, tục quen buôn bán, bình thường vào Gia Định Đống thuyền nan lớn đến trăm chiếc, mỗi chiếc giá hơn nghìn quan đem về bán lại..” “làng Lý Hòa là làng đông dân cư và giàu có vào hạng nhất nhì trong tỉnh Quảng Bình, làng ấy là làng văn vật”làng Lý Hòa xưa được xem là một “thương cảng” của Quảng Bình. Cụ Nguyễn Khuyến khi đi qua Lý Hòa, đứng trước cảnh đẹp yên bình của một làng quê, cụ đã làm bài thơ tự sự:
                                             Quá Lý Hòa
                          Ngạn Tuyết tân phong tuyệt cựu đường
                          Hải thành thất vọng chính thương thương
                          Đông Tây thủy sắc tiên thiên bạch
                          Nhật dạ đào thanh dáo ngạn trường
                          Khả hạn quá thời như nhất điệp
                          Vân yên tận xứ thị thùy hương
                          Hữu nhân vị tất bất như ngã
                          Diễu diễu kiêm hà các nhất phương
  Dịch nghĩa:
                                        Đi qua Lý Hòa
                        Ngắm cảnh núi non chặn hết ao hồ củ
                        Bức thành phòng mặt biển chỉ còn một
                        Đông tây hai phía sắc nước màu trời liền nhau xanh ngắt
                        Ngày đêm tiếng sóng nền bên bờ sông dài dằng dặc
                       Tàu thuyền qua lại như lá cây
                       Nơi tận cùng mây khói là quê hương ai?
                       Có người nào giống ta
                       Mỗi người một phương trong các bãi lau sậy mênh mông xa bờ ấy
         Dịch thơ
                                   Đi qua Lý Hòa
                     Núi non chững lại dứt đầm ao
                     Vời vợi trông xanh ngát một màu
                     Trên dưới nước liền trời biêng biếc
                     Đêm ngày bờ gọi sóng xôn xao
                     Nom như mảnh lá con thuyền đó
                     Trong đứt làn da xứ sở nào
                     Có ai đấy cũng như ta vậy?
                     Cũng mỗi phương trời mỗi bãi lau
      Lý Hòa là một làng quê ở đây cư dân mang trong mình khí phách của người dân Nghệ - Tỉnh, vì vậy ngoài tinh thần dán mìn ra biển lớn, dám vượt trùng khơi đi đến những nơi mình cần đến làm ăn, học hỏi kinh nghiệm, để về giúp đời, xây dựng quê hương. Chính điều đó đã cũng cố tăng cường thêm tinh thân yêu quê hương đất nước và trong những thời khắc lịch sử họ luôn sẵn sàng tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng
      Theo Đại việt sử ký toàn thư thì vào đời: “Trần Dụ Tông năm Đại tự thứ tư, tân sữu (1361), người chiêm Thành vượt biển ra đánh cướp, dân cửa biển Di Lý ( Lý Hòa ngày nay) và quân của phủ ấy đánh tan bọn chúng”. Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh từ những năm 1627 – 1672, chúa Nguyễn luôn chọn làng Lý Ninh ( Làng Lý Hòa) làm nơi đặt đại bản doanh chỉ huy quân đội nhà Nguyễn, ra sông Gianh đánh quân Trịnh. Để phục vụ triều đình và quân đội nhà Nguyễn theo chỉ dụ của nhà vua, người dân Lý Hòa đã thành lập các đội thương thuyền ghe bầu, còn gọi là đội Trường Đà chuyên chở quân lương...Năm 1865 vua tự Đức ra dụ: thành lập đoàn thuyền vận tải cả hai miền Bắc – Nam. Trong đoàn Bắc, đoàn thuyền của Quảng Bình có 50 chiếc, mỗi chiếc có 15 người, đoàn nghệ An có 20 chiếc, mỗi chiếc có 20 người. Theo quy định của nhà nước, mỗi chiếc phải chở 3000 phương gạo trở lên. Hai làng Cảnh Dương và Lý Hòa là hai làng có tuyền thống về nghề hàng hải được tuyển chọn làm một đội lấy tên là đoàn Dương Hòa . Dưới thời thực dân pháp xâm lược nước ta ,phong trào cần vương chống pháp nổ ra, Lý Hòa lần nữa được vua Hàm Nghi và tương Tôn Thất Thuyết, chọn làm căn cứ thủy binh. Hiện tại dòng họ Hoàng Phúc còn lưu giữ một bản mật lệnh có ghi: Đến đầu địa giới Lý Hòa lập căn cứ thủy binh theo kế hoạch hai mặt Bắc – Nam của vua Trần Dụ Tông... cùng phối với quan lục lộ Hoàng Phúc mà làm. Mong tướng quân lo liệu cùng với di vật “mật kế đồ” Là một ống bút bằng đá, phía bên phải của ống có khắc hai chữ “Tôn Thất” phía bên trái khắc hai chữ “Tưởng Công” mặt dưới đáy khắc một bản đồ quân sự trên mặt bản đồ có khắc hình một lưỡi gươm cắm thẳng xuống giữa bản đồ và ghi chữ vương, đồng thời bản đồ có ghi rõ: Địa giới Lý Hòa và dòng chữ: Mật kế đồ triều Nguyễn, Hoàng Phúc kế lập. Theo những người kế tự dòng họHoàng Phúc cho biết sau khi phong trào cần vương tan rã, cô gái có tên “Cô Tám” thành viên trong giới lãnh đạo phong trào đã về ẩn dật sinh sống và chết tại Lý Hòa, mộ Cô Tám được mai táng sau chùa Vĩnh Phước, hiện tại khu vực xung quanh chùa Vĩnh Phước được quy hoạch làm nhà ở, phần mộ “Cô Tám” được một gia đình ở thôn Nội Hòa cải táng về nghĩa trang của làng. Truyền thống yêu nước luôn luôn là một dòng chảy trong tâm khảm người dân Lý Hòa, vào năm 1930 ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 22 tháng 4 năm 1930 chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên trên đất Quảng Bình được thành lập tại ga Kẻ Rấy, Lý Hòa có một Đảng viên tham gia, đây là một trong những hạt giống đỏ cách mạng đầu tiên của quê hương Lý Hòa và của Quảng Bình.


                  Người Lý Hòa sinh ra và lớn lên nhờ vào biển, nên tính cách người Lý Hòa rất trực tỉnh, trực ngôn, thấy đúng ủng hộ, thấy sai thì góp ý, phê bình một cách chân tình, thẳng thắn, không câu nệ, không để bụng, oán ghé trong cuộc sống hàng ngày, người Lý Hòa rất độ lượng, đoàn kết giàu tính thương người. Vì thế dâm gian có câu: “ nhất đàn ông Lý Hòa, Nhì đàn bà Động Hải”... “Lý mà thuận bỡi Lý tình, Lý nghĩa Hòa có lý bỡi hợp ý muôn người”.
      Đến Lý Hòa, không ai không biết đó là một làng khoa bảng trong đó một gia đình của dòng họ Nguyễn Duy dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, có 5 người con đi thi đều đỗ đạt cao trở thành 5 vị đại khoa được xem là một gia đình “Giáo ngũ tứ danh xương” đó là trường hợp có một không hai trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Chính điều này làng Lý Hòa cùng với làng Quy Đức, làng Cao Lạo Hạ được xếp vào hàng ngũ “Tam danh hương” của Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình và “tam danh hương” được xem như cái xương sống của con chim văn hòa Quảng Bình .
      Là một làng có gần 400 năm hình thành và phát triển, tuy chịu nhiều tác động của cuộc sống, của lịch sử nhưng người dân Lý Hòa từ khi thành lập làng cho đến nay vẫn luôn lưu giữu những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất cố hương làng Cương Giám, từ kết cấu làng xã: xóm trên, xóm dưới, xóm giữa, xóm ngoài... giếng Đình, giếng Eo, từ cách đi, cách đứng, xưng hô đặc biệt là tiếng nói, giọng nói xứ Nghệ Tỉnh: mô, tê, răng rứa, mi, choa, eng ả... để đến nổi người Lý Hòa gặp người Cương Giáng, người Cương Giáng gặp người Lý Hòa nghe nhau nói chuyện chỉ biết thốt lên eng ả là ai?... rồi ôm nhau cười hả hê khi biết mình gặp người cùng quê.

      Là một vùng đất chiêm thành xưa, người Lý Hòa sau khi lập nghiệp đã biết tiếp thu có chọn lọc và bảo tồn được các giá trị văn hóa tiêu biểu của hai dân tộc Việt – Chăm, đây là nét văn hóa đặc biệt của một làng quê ở Quảng Bình. Người Lý Hòa đã xây dựng được một thiết chế văn hóa tiêu biểu như: Đình, Chùa, Đền, Miếu, vào nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang đậm sắc thái văn hóa làng biển miền Trung: chèo cạn, hát bài chòi, múa bông, bơi thuyền, lễ rước thần hoàng làng, tục thồ thần biển, ngư ông, thờ mẫu Thiên Y A Na... Trong những di sản văn hóa đó, người Lý Hòa tân quý nhất là Đình làng, đây được xem là một biểu tượng về quyền uy của làng dưới thời phong kiến. Đình làng Lý Hòa được xây dựng ngay giữa trung tâm làng, mặt hướng về hướng Nam, Đình được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Đình làng là nơi lưu giữ những thông tin về sự hình thành làng xã, về các dòng họ, về những tập tục thờ tự, cúng tế, lễ nghi nhửng làn điệu hò chèo cạn, hát bài chòi, múa bông... đây chính là cội nguồn sức mạnh tinh thần đối với mỗi người dân. Đình Lý Hòa được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

           Đền thờ thành mẫu Thiên Y A NA một di sản văn hóa về tục thờ mẫu của người chăm duy nhất trên đất Quảng Bình. Đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y A NA tọa lạc trên đất xóm giữa (xóm Trung Hòa), đền được xây dựng theo lối kiến trúc thời Nguyễn... Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi: “Xe chưa qua nhà không tiếc” nhân dân Lý Hòa đã tháo dỡ đền Thờ thánh mẫu cùng với Đình, Chùa, nhà ở lấy hơn 1200m2 đá để lấp sông Lý Hòa làm đường cho xe qua. Hiện nay đền Thánh Mẫu được nhân dân địa phương góp công, góp của xây dựng mời trên nền đất củ làm nơi thờ tự và tiếp trục làm làm tốt việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp về tục thờ Mẫu vốn đã được tổ chức văn hóa giáo dục thế giới UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
      Lý Hòa một vùng đất sông gắn liền với biển, làng gắn liền với núi, nơi tụ khí, tụ nghĩa để từ đó hình thành nên một làng quê văn vật, một làng quê có hai di sản Đình Lý Hòa và khu Danh thắng Lý Hòa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia; Một làng quê được thụ hưởng một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia: Tục thờ Ngư ông; một làng quê được thụ hưởng hai di sản văn hóa thế giới: Hát bài chòi và tục thờ Mẫu một làng quê có nhà thờ và một dòng họ khoa bảng Nguyễn Duy được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh. Với nguồn tài nguyên di sản văn hóa có biết bao sự tiềm ẩn những giá trị
văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa đây không chỉ là cội nguồn sức mạnh tinh thần và vật chất của người Lý Hòa, mà đây còn là sự gợi mở, mời gọi du khách đếnđu lịch, tìm hiểu, khai thác nét đẹp văn hóa vốn dĩ từ lâu đã chìm sâu trong dòng chảy của thời gian.

Nguyễn Sỹ Hùng                                                                                        


Xem thêm:  

>>> Đất và người Lý Hòa