Đất và người Lý Hòa (Chương II phần 2)


2.2. Kinh tế thương nghiệp
Cư dân người Việt ở Quảng Bình từ sớm đã chú trọng những việc buôn bán. Họ trao đổi sản phẩm giữa các vùng, miền với nhau. Cư dân làm nông nghiệp ở vùng đồng bằng đem lúa gạo và nông sản đổi lấy cá, nước mắm của cư dân làm ngư nghiệp vùng biển và ngược lại..

Giữa làng xã miền núi và làng xã miền biển khi mới nhìn vào ta thấy ít có mối quan hệ trao đổi, buôn bán qua lại với nhau một cách trực tiếp, nhưng thực chất thì mối quan hệ này lại rất chặt chẽ. Người làng xứ biển rất cần săng, gỗ, tre, mây, ngược lại người làng núi rất cần mắm muối. Sự giao lưu hàng hóa vật chất giữa các vùng miền đã tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển. Người đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi, giao lưu hàng hóa ở các làng xã chính là cư dân buôn bán lưu động.
Lý Hòa là làng ven biển, ven sông, ven đường lớn, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc đi lại buôn bán, giao lưu ở cả ba con đường: đường sông, đường biển, đường bộ. Chính nghề đi biển là cơ sở cho nghề buôn ra đời và phát triển ở làng Lý Hòa.
Cũng giống các làng buôn khác, số lượng người tham gia vào việc buôn bán cũng rất đông. Mặc dù sử sách không ghi lại con só cụ thể là bao nhiêu nhưng chúng ta cũng có thể hình dung được ra rằng số lượng này là trên dưới 1 nghìn người.
Ø      Chợ Lý Hòa
Khi sản xuất hàng hóa đã đạt đến một trình độ nhất định, chợ ra đời nhằm giải quyết nhu cầu trao đổi – lưu thông hàng hóa. Chợ chính là nơi quần tụ buôn bán trao đổi của con người. Về thời điểm ra đời chính xác của chợ Lý Hòa chưa thể xác định được một cách chắc chắn, song theo nguồn tài liệu dân gian, đồng thời căn cứ vào trình độ phát triển sản xuất có thể khẳng định chợ Lý Hoà có mặt từ rất sớm. Sách Đại Nam nhất thống chí tập 2 có mô tả lại: “chợ Lý Hòa huyện Bố Trạch họp buổi chiều, hàng quán thưa thớt”. Đến khi làng phát triển thì chợ đi vào hoạt động hiệu quả hơn, địa điểm tụ họp đầu tiên của chợ Lý Hòa nằm ngay đầu làng (Nội Hòa) trên mội dãi đất phẳng, phía dưới là xưởng đóng thuyền. Chợ thường họp hai buổi một ngày, buổi sáng đông nhất từ 8 – 9h còn buổi chiều từ 4 – 5h. Ngoài cá là mặt hàng chủ yếu thì chợ Lý Hòa còn là nơi trao đổi buôn bán các sản phẩm lương thực: gạo, lúa, ngô, khoai, rau,... và các thứ hàng tiêu dùng cần thiết cho cuộc sống con người: vải vóc, giày dép, kim chỉ, thuốc lá, gạo muối, đường, chiếu,...
Hiện nay, chợ Lý Hòa đã có quy mô rộng lớn hơn trước rất nhiều, các mặt hàng buôn bán cũng khá đa dạng và phong phú. Vì là làng buôn nên ở đây đầy đủ các mặt hàng của ba miền đất nước, người dân không phải đi đâu xa để sắm sửa mà đến ngay chợ của mình để mua. Hoạt động chợ diễn ra sôi nổi tấp nập, nhất là vào các dịp lễ, Tết người ở các làng kề cận tập trung về chợ Lý Hòa để mua bán làm cho hoạt động của chợ sôi động hơn.
Như vậy chúng ta thấy sự ra đời và phát triển của chợ đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó có thể thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương. Chợ là thước đo trình độ phát triển của một vùng, nhìn vào chợ ta thấy được nền kinh tế địa phương đó phát triển hay không.
Nói tóm lại, sự ra đời của chợ đã phá v nền kinh tế khép kín của làng xã Việt Nam từ bao đời nay mà Lý Hòa cũng không phải là ngoại lệ. Nó thúc đẩy nền kinh tế thương nghiệp phát triển, nối liền sản xuất với sản xuất, sản xuất với tiêu dùng. Càng ngày kinh tế càng phát triển, giao thông đi lại thuận tiện thì chợ được xây dựng với quy mô lớn hơn và có tác dụng thúc đẩy phát triển đến một địa phương. Đối với đời sống kinh tế của người dân thì chợ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu kinh tế xã hội bất kể thời kỳ nào. Chợ là nơi diễn ra sinh hoạt mua bán hàng hóa giữa người sản xuất với sản xuất, giữa thương nhân với thương nhân. Chợ có tác dụng to lớn trong việc đáp ứng nhiệm vụ cung cầu của toàn xã hội. Do đó chợ là một yếu tố tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Ø      Đội ngũ thương nhân
Thương nhân buôn ở chợ làng chủ yếu là phụ nữ. Từ xưa, phụ nữ làng Lý Hòa đã nổi tiếng về giỏi buôn bán nhưng vẫn là làm ăn nhỏ, đôi gánh trên vai là phương tiện lưu thông chính. Họ mang sản phẩm của biển như tôm, cá, mực và các chế phẩm mắm, ruốc đi bán rồi mua khoai sắn, gạo, dầu đèn,... từ các nơi khác về để trao đổi, dù vốn liếng ít cũng là buôn bán hai chiều, đở công sức.
Đáng kể trong đội ngũ thương nhân là những người buôn xa – buôn chuyến, có thương thuyền, có vốn lớn. Từ buổi đầu lập làng, đã có không ít người đóng ghe, thuyền để đi buôn, ra bắc vào nam. Nhờ vị trí của làng ba bề giáp sông, biển lại kề bên đường Thiên lý bắc – nam nên giao thông thủy, bộ đều rất thuận lợi. Nhờ thế, nhân dân Lý Hòa buôn bán bằng xả phương tiện đường bộ và thủy nhưng đường thủy phát triển hơn. Đội ngũ thương nhân buôn chuyến đều sắm ghe, thuyền chuyên chở hàng hóa trên sông, biển. Thuyền ghe của thương nhân cũng có nhiều loại lớn nhỏ với trọng tải chở hàng rất khác nhau. Ghe nhỏ, dài, thon, không có buồm thường là của các thương gia có vốn vừa và ít, phạm vi buôn bán gần như Đồng Hới, Kỳ Anh, Nhượng Bạn (Hà Tĩnh).

Ø      Phương tiện buôn bán
Ở Lý Hòa, thuyền là phương tiện buôn bán chủ yếu và cũng có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau. Các thuyền lớn gọi là ghe bầu có trọng tải từ 30 đến 100 tấn. Loại thuyền nhỏ và vừa thường dành cho thợ chài đánh bắt cá gần bờ. Thuyền lớn cũng do thợ trong làng đóng theo đặt hàng của các thương gia dùng để chuyên chở hàng trên biển. Vào thời điểm phát triển của nghề buôn, ở làng có tới hàng chục chiếc thuyền lớn và hàng trăm thuyền buôn nhỏ. Thương nhân nổi tiếng ở làng xưa có ông Chánh Thi, các họ buôn bán giỏi như họ Hoàng, Phạm. Dân làng vẫn lưu truyền: “giàu họ Hoàng, sang họ Phạm”.

Ø      Thị trường buôn bán
Thị trường mua, bán của thương nhân Lý Hòa rất xa và rộng, thường thì từ Quảng Bình, Đà Nẵng đến tận Sài Gòn. Dân làng cho biết, trước đây những chủ thuyền không có hoặc ít vốn, họ mang ghe đi xúc đá san hô ở Cà Ná chở vào bán cho những lò nung vôi ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, lấy tiền đó mua lại vôi chở ra bán cho các đồn điền trồng mía ở Dầu Tiếng, Trảng Bàng, Tây Ninh,... Với những chủ thuyền có nhiều vốn, họ mua hàng hóa từ nơi này chuyển sang nơi khác bán như mua xác mắm ở Mũi Né – Phan Thiết, mua vôi ở Cà Ná đưa lên các đồn điền bán hoặc đổi Lúa, mua vải, gạo ở Sài Gòn đưa về... Vào khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch, thời gian đó gió đông nam hoạt động mạnh họ tranh thủ mua sắm hàng hóa chuẩn bị xuôi ra bắc. Hàng  hóa chủ yếu trên tuyến đường này thường là gạo mua ở Sài Gòn, vỏ đà mua ở Tân An, Ô Cấp, sắt, đường, dừa ở Quảng Ngãi. Khi thuyền chở về làng, tại đây những hàng hóa tiêu dùng được vợ con chủ thuyền hoặc đấu nậu (bao mua) đưa ra bán ở chợ Lý Hòa và các chợ xung quanh. Còn vỏ đà, vỏ tràm đưa ra bán ở chợ Nam Định, Hải Phòng, ở đây họ mua lại chiếu, vải, chén bát mang về. Cuối tháng 6, dù đi đâu ghe thuyền cũng phải tụ họp ở Cửa Lý Hòa để tu sửa ghe, tránh mùa mưa bão, vì thế nhân dân có câu:
“Mãn mùa cá nục xa chà
Chéo dọc xa đậu nấu, anh em mình xa nhau”
Sau đó là lễ hội phàm (hội buồm) được tổ chức để kết thúc mùa làm ăn.
Có thể nói việc buôn bán ở Lý Hòa là một ngành nghề phong phú, sôi động và có hiệu quả. Thành ngữ “phi thương bất phú” được chứng minh quá rõ ở làng Lý Hòa từ xưa cho đến nay, do vậy nhiều nơi trong huyện tỉnh nhà cũng như trong Nam ngoài Bắc đều có nhận xét: Lý Hòa là một trong những làng buôn bán giỏi ở Quảng Bình.
Nhờ hoạt động thương nghiệp diễn ra sôi động ở chợ đã tạo điều kiện cho người dân trong làng không ngừng mở rộng sản xuất nhằm tạo ra nhiều măt hàng để phục vụ cho việc buôn bán trao đổi với các làng lân cận. Trong giai đoạn chiến tranh, mặc dù bị đánh chiếm ác liệt nhưng ở Lý Hòa nghề buôn vẫn rất phát triển. Lúc này họ vừa buôn bán, vừa phục vụ cho chiến tranh, các ghe thuyền đã bắt đầu đi xa hơn, thông qua việc buôn bán ở chợ vận động nhau đóng góp ủng hộ kháng chiến, tiêu dùng đồng bạc tài chánh vốn chỉ lưu hành ở vùng kháng chiến, đã dần dần được bộ phận trong nhân dân vùng sau lưng địch ở Lý Hòa và các thôn lân cận chấp nhận trong việc buôn bán trao đổi.
Từ năm 1986 trở đi, Nhà nước xóa bỏ việc ngăn sông cấm chợ, các thành phần kinh tế được đi lên trong nên kinh tế chung của đất nước. Đặc biệt từ năm 1990, đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước khởi xướng mở ra cho đất nước một thời kỳ mới, phát huy hết sức mạnh của các thành phần kinh tế để xây dựng đất nước. Với sự năng động, nhạy bén sẵn có, bản chất của làng thương thuyền, các thanh niên đã mạnh dạn đóng tàu gỗ, lắp máy vượt biển khơi sang cảng Kỳ Sá, Phong Thành – (Quảng Đông – Trung Quốc) mua các loại hàng như đồ điện, vải vóc, gạch mem, xe đạp, đồ sành sứ đem về bán tại Lý Hòa. Tranh thủ thu lợi nhuận cho các nhân chủ tàu và các bạn hàng. Thực hiện được việc này, giải quyết được cho hai manh mối thoát ra khỏi chế độ bao cấp đầy khó khăn, đó là:
-         Đưa được các mặt hàng tiêu dùng với giá rẻ phục vụ trực tiếp cho đời sống nhân dân.
-         Giải quyết được việc làm cho hàng trăm thủy thủ và lao động bốc vác nữ trong xã và các xã lân cận.
-         Có hàng hóa tạo ra một đội ngũ dịch vụ buôn bán xa gần trong tỉnh và cac tỉnh bắc nam.
Đời sống nhân dân được nâng lên, nhà cao cửa rộng của xã Hải Trạch cũng được mọc lên ở thời điểm này. Sự giàu có lại được trở lại và hơn cả ngày xưa. Hiện nay nên kinh tế thương nghiệp ở Lý Hòa phát triển rất mạnh mẽ. Trên địa bàn xã có 15 doanh nghiệp tư nhân, 1 HTX vận tải đường bộ, 1 doanh nghiệp dịch vụ vận tải biển, có gần 600 hộ kinh doanh (trong đó có 228 hộ do chi cục thuế quản lý, 292 hộ thuộc quản lý của xã), cơ bản các doanh nghiệp và hộ kinh doanh chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế của nhà nước, lệ phí của địa phương mặc dù trong điều kiện kinh doanh có nhiều biến động.

2.3.           Kinh tế thủ công nghiệp
Thủ công nghiệp nước ta vốn có lịch sử phát triển lâu đời, bắt nguồn từ làng xã và gắn liền với làng xã. Một đặc điểm bao trùm trong lịch sử phát triển thủ công nghiệp là Việt Nam là sự kết hợp chặt chẻ với nông nghiệp dưới nhiều mức độ và sắc thái khác nhau. Thủ công nghiệp nước ta xuất hiện từ rất sớm, phát triển tạo nên kết cấu kinh tế đa dạng trong mỗi làng quê, nó ra đời với tư cách là nghề tay trái của một số người nông dân. Hơn nữa, nông thôn nước ta vốn giàu có về nguyên liệu cho thủ công nên người ta có thể khai thác và tận dụng nó trong việc làm ra các sản phẩm.
So với các làng khác thì nền kinh tế thủ công nghiệp ở Lý Hòa phát triển bằng các ngành nghề khác nhưng lại có một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển.
Đóng thuyền ở Lý Hòa cũng là một nghề rất quan trọng. Lực lượng đóng thuyền không nhiều, chỉ tập trung vào một số gia đình cha truyền con nối, tuy nhiên đây là một bộ phận quan trọng trong cư dân bởi nó đáp ứng được việc sản xuất các loại thuyền – công cụ chủ yếu để thực hiện đánh bắt hải sản.
Với Lý Hòa, nghề đóng thuyền có mặt tương đối sớm, có thể khẳng định từ khi làng ra đời đã có mặt con thuyền dưới dạng đơn giản buộc bằng mây, đóng thêm gỗ, trọng tải rất thấp. Ông tổ của nghề này là người thợ từ làng Hoàng Lao thuộc huyện Nghi Thức – Nghệ An đi cư vào lập nghiệp ở đất Lý Hòa. Từ đó nghề đóng thuyền trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Lý Hòa. Trải qua quá trình phát triển, từ những kinh nghiệm sản xuất và đòi hỏi của thực tiễn những chiếc thuyền thô sơ không còn đủ sức chống chọi với bão tố được nữa buộc nghề đóng thuyền ở Lý Hòa phải có một sự chuyển biến về chất.
Mùa đóng thuyền ở Lý Hòa bắt đầu từ tháng 8 kéo dài đến tháng 10, tháng 11, lúc đầu chỉ là những con thuyền đơn giản bằng tre rồi dần dần phát triển lên thành những con thuyền gỗ, to, chắc, đẹp. Để đóng được một chiếc thuyền đi biển, quan trọng nhất là phần chuẩn bị nguyên liệu, có đầy đủ nguyên liệu rồi thì phải mất khoảng 12 đến 15 ngày cho việc hoàn tất một chiếc thuyền. Gỗ, ván dùng cho việc đóng thuyền phải là gỗ tốt như lim, huỳnh, táu, hiện nay thường sử dụng thêm gỗ mít ròng hoặc gỗ mu, ván bằng gỗ chò, kiền kiền,... có thể chịu được nắng mưa, chịu được sự ăn mòn của nước biển.
Thông thường, người chủ thuyền khi đến đặt đóng thuyền thường phải bàn giao toàn bộ số gỗ, ván cùng các nguyên liệu cần thiết khác cho người thợ, sau đó giao toàn quyền cho thợ cả xử lý. Khi dựng thuyền, đầu tiên người thợ phải dựng lô thuyền. Lô thuyền là thanh gỗ dài uốn cong từ đầu và đuôi thuyền xuống dưới đáy. Có lô rồi người ta ép hai thanh gỗ dài gọi là cạp be, dày chừng 3cm, rộng khoảng 40 cm vào hai đầu lô tạo thành mạn thuyền, từ đó khung xương bên ngoài của con thuyền đã được tạo thành. Nói có vẻ đơn giản, nhưng để có thể ép thanh gỗ cứng, thẳng theo hình dáng của chiếc thuyền đòi hỏi người thợ phải nắm rõ cấu tạo, tuổi gỗ và có tay nghề cao.
Có lô thuyền và cạp be rồi, người thợ sẽ tiến hành đan nan để ép vào mạn thuyền. Nan thuyền phải làm từ tre già, có chất lượng tốt. Nan đan thành tấm dày khoảng 0,5 cm,sau đó ép vào mạn thuyền, quy trình này được gọi là “ập khẩu”. Ập khẩu hoàn tất, người ta sẽ chùi lên nan một lớp phân bò, chờ khi phân bò khô sẽ đổ nhựa đường hoặc dầu phủ lên trên, có như vậy, nan mới đủ độ bền chống chọi với sự ăn mòn của nước biển. Nhờ vậy tuổi thọ của nan khá cao, cứ khoảng 7, 8 năm chủ thuyền mới thay nan một lần... Khi con thuyền hoàn tất, người thợ giao cho chủ thuyền và nhận tiền công, đồng thời được mời tham gia một nghi thức quan trọng là lễ hạ thủy con thuyền. Lễ hạ thủy được tổ chức vào ngày lành tháng tốt, nhất thiết không được thiếu phần tế lễ. Chủ thuyền dựng một mâm lễ ở giữa biển, ngay trước mũi thuyền đang chuẩn bị được hạ thủy, thắp hương cầu khấn mong Bà Thủy phù hộ làm ăn được no ấm, sau đó huy động thanh niên trai tráng đẩy thuyền xuống bãi biển, thuyền trượt xuống càng êm, chủ thuyền càng vui mừng bởi họ tin rằng như thế thì đi biển mới thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang.
Đây cũng là một nghề đầy kinh nghiệm về việc dóng sao để thuyền vào lộng ra khơi, vào Nam ra Bắc tốc độ được cao, nahnh trong gió lúc bình thường cũng như trong giông tố bão bùng. Hơn nữa nghề này cũng cần phải có sự sáng tạo để làm sao cho hình dáng chiếc thuyền được cân đối, khỏe – đặc biệt hình dáng thuyền Lý Hòa có nét riêng, khác với thuyền lớn nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc.
Nhìn chung nghề đóng thuyền của cư dân Lý Hòa ra đời muộn hơn so với các ngành thủ công khác như chế biến hải sản, song nó ngày càng tỏ ra phát triển theo chiều hướng đi lên về kỹ thuật cũng như công cụ sản xuất, từ chiếc thuyền tre buộc mây đã tiến đến làm bằng gỗ đóng đinh hoặc chốt, trọng tải thuyền vì thế cũng tăng lên.
Với kỹ thuật mang nặng tính chất thủ công và tự phát vì thế quy mô đóng thuyền của làng Lý Hòa không lớn lắm, thành phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho nội tại. Cho đến nay, Lý Hòa có trên 100 thuyền đánh bắt gần bờ. Chi phí đóng mỗi chiếc thuyền khoảng từ 20 – 25 triệu đồng, trong đó khoảng 3,5 triệu đồng tiền công. Những năm gần đây vật giá leo thang, giá xăng dầu càng cao khiến ngư dân thêm khốn dón. Hơn nữa, cửa biển Lý Hòa đã bị thu hẹp lại nên bây giờ chỉ đóng những thuyền có trọng tải nhỏ để khai thác gần bờ, thêm vào đó là sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã cho ra đời những con thuyền máy với công suất vượt trội đã làm cho nghề đóng thuyền truyền thống của Lý Hòa gặp không ít khó khăn. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nghề đóng thuyền hiện nay không còn hưng thịnh như ngày trước, người thợ đóng thuyền cũng ít công việc hơn, thu nhập từ công việc không đủ trang trải cuộc sống. Từ vị thế là một nghề chính, nghề đóng thuyền dần trở thành nghề tay trái bên cạnh công việc đi biển của các thợ đóng thuyền chủ lực.
Ngoài đóng thuyền, ở Lý Hòa còn có một số nghề thủ công khác như đan lưới, làm lưỡi câu, làm chà, nghề dệt, khai thác vật liệu xây dựng, mộc, nề dân dụng, sơ chế hải sản,... Mặc dù không mang lại giá trị kinh tế cao nhưng lại phục vụ đắc lực cho nghề nghiệp chính ở Lý Hòa là đánh cá biển.

2.4.           Thực trạng kinh tế Lý Hòa hiện nay
Nhìn chung, dưới tác động sâu sắc của điều kiện tự nhiên và con người, nền kinh tế làng Lý Hòa tồn tại khá vững chắc và đóng vai trò quyết định với đời sống và toàn bộ các thiết chế xã hội của ngư dân Lý Hòa. Là những cư dân gắn liền với biển, kề sông, cư dân lại là những người vốn có nguồn gốc từ nghề biển nên bộ phận kinh tế chủ yếu cua ngư dân Lý Hòa là nghề đánh bắt cá biển và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tùy theo mùa đánh bắt, kỹ thuật ngành nghề mà bản thân nó bao gồm nhiều nghề khác nhau: nghề mành chốt, lưới rê, xăm tủ, bủa câu,...Tất cả đều có tác dụng làm phong phú thêm bộ mặt kinh tế biển và hỗ trợ một cách đắc lực cho người dân. Hiện nay, dù gặp khó khăn vì thời tiết không thuận lợi, xăng dầu lên giá nhưng trong kết cấu kinh tế ở Lý Hòa kinh tế biển vẫn đóng vai trò quan trọng. Hơn 50% số dân ở Lý Hòa làm nghề đánh cá biển, năng suất chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%). Ngành kinh tế này đã đạt được một số kết quả sau:
Năm
2008
2009
2010
2011
Sản lượng (tấn)
1017
1222
1134
1072
Nguồn: bảng kết quả thực hiện phát triển kinh tế biển của xã Hải Trạch giai đoạn 2008 – 2011
Như vậy, tổng sản lượng khai thác trong giai đoạn 2008 – 2011 đạt 4293 tấn, sản lượng này tăng giảm bất thường qua từng năm. So với mục tiêu của xã đề ra 1300 tấn thì vẫn chưa đạt được, nhưng nhìn chung kinh tế biển vẫn đem lại giá trị kinh tế cho xã và nguồn thu nhập ổn định cho cac ngư dân, bình quân 3 triệu đến 3,5 triệu/lao động/tháng.
Tổng giá trị mà hoạt động kinh tế này đạt được giai đoạn 2008 – 2011 trên 100 tỷ đồng. Giá trị sản lượng hàng năm không ngừng tăng lên, năm 2008 đạt 23,695 tỷ đồng, năm 2009 đạt 24,500 tỷ đồng, năm 2010 con số này tăng lên 38,172 tỷ (đạt mức cao nhất trong các năm), năm 2011 đạt 27,560 tỷ đồng. Năm 2011 giá trị sản lượng kinh tế biển đạt 87%.
Năm
2008
2009
2010
2011
Tỷ đồng
23,695
31,566
38,172
27,560
%
19,58
26,09
31,54
22,78
Nguồn: Bảng thống kê tình hình kinh tế xã Hải Trạch giai đoạn 2008 – 2011
Mặc dù vậy, kinh tế biển hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn nhất định và chưa được chú trọng bởi những lý do sau:
-         Mùa hải sản bấp bênh, khi được khi không bởi nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt.
-         Thị trường xuất khẩu cũng thất thường bởi xuất khẩu sang Trung Quốc là loại tươi sống theo yêu cầu về thực phẩm trực tiếp nên thị trường càng bấp bênh, có lúc rớt giá thảm hại.
-         Về mực, các xí nghiệp đông lạnh ở Quảng Bình không đủ khả năng chế biến nên đưa đi Đà Nẵng thì các xí nghiệp thua lỗ, họ ít nhập cho mình do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
-         Dầu diezen tăng giá, các loại ngư lưới cụ, trang thiết bị cho tàu thuyền tăng giá.
Từ thực tế trên mà nghề đánh bắt, chế biến hải sản hiện nay gặp nhiều khó khăn. Một số chủ tàu không trụ nổi rồi bán tàu, kéo theo lao động dư thừa, thanh niên thất nghiệp phải bỏ đi lao động ở các tỉnh vùng biển miền nam. Khuynh hướng vay vốn đi lao động nước ngoài gia tăng. Song nước ngoài do khung hoảng kinh tế vì vậy các nhà máy, xí nghiệp cũng không có việc làm, vì thế mà lao động dư thừa ở Hải Trạch cũng là một điều trăn trở hiện nay. An sinh xã hội có khi bất ổn.
Nghề đánh bắt hải sản hiện nay chỉ là cầm chừng, duy trì sự sống bất ổn định, kể cả nghề khơi, nghề lộng. Ông cha ta xưa có câu:
“Biển giả - Biển vời”
“Rừng vàng – Biển bạc”
Với những khó khăn trên, trong phương hướng nhiệm vụ năm 2012, ban lãnh đạo xã đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để phát triển kinh tế biển như sau:
-         Thực hiện chương trình phát triển thủy sản, vận động nhân dân tăng cường đầu tư mạnh cho đánh bắt xa bờ.
-         Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân hình thành các tổ chức tiêu thụ, chế biến sản phẩm của ngư dân.
-         Thành lập các tổ chức liên kết trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì đánh bắt gần bờ, đồng thời vận động nhân dân đầu tư vốn vào nghề chế biến truyền thống của địa phương.
-         Bên cạnh đó còn thực hiện tốt chủ trương thuế môn bài nghề cá của nhà nước, chống thế độc canh, chú trọng khai thác nghề xuất khẩu hải sản. Mục tiêu mà ban lãnh đạo xã đưa ra năm 2012 sản lượng đat tới 1300 tấn, tổng doanh thu là 31 tỷ, bình quân lao động nghề cá 4 triệu đến 4.5 triệu đồng/người/tháng.
Nghề thủ công nghiệp của xã Hải Trạch trước cánh mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau năm 1975 là nghề thủ công đóng tàu thuyền cũng chỉ là nghề phụ, chỉ giải quyết được việc làm cho một số ít lao động. Ngoài ra, sau khi kháng chiến chống Pháp có thêm nghề dệt lưới của HTX Minh Khai, rồi phát triển thêm dệt thảm muồng, thảm dừa xuất khẩu nhưng khi chiến tranh phá hoại xảy ra thì giải thể. Hiện nay chỉ có một số nghề duy nhất cho Tân Lý là khai thác đá xây dựng nhưng vẫn bấp bênh. Xã Hải Trạch đang quan tâm, tạo điều kiện cho các ngành nghề phát triển như khai thác vật liệu xây dựng, các tổ hợp mộc dân dụng, cơ sở may mặc, tiêu thụ chế biến hải sản,... Vừa giải quyết được việc làm và có thu nhập ổn định. Mặc dầu còn hạn chế về quy mô, số lượng nhưng làm ăn có hiệu quả được thị trường chấp nhận, tiêu biểu là tổ hợp may của anh Phạm Sơn ở thôn Tân Lý. Đáng tiếc là nghề đóng thuyền – một trong những nghề nổi tiếng đem lại thu nhập cao xưa kia hiện nay không còn phát triển mà bị mai một dần. Những người thợ có tay nghề chủ yếu đi làm ở các nơi khác như Cảnh Dương, Nghệ An, Vũng Tàu,... còn có một số chỉ đóng và bán những loại thuyền nhỏ dùng để đánh bắt gần bờ. Tuy vậy giá trị mà nghề này mang lại cũng rất cao đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tổng giá trị sản xuất thủ công nghiệp – xây dựng
Năm
2008
2009
2010
2011
Triệu đồng
758,500
830,000
1,002,500
1,007,500
%
21.07
23.06
27.85
27.99
Nguồn: bảng thống kê tình hình kinh tế xã Hải Trạch giai đoạn 2008 – 2011
Như vậy giá trị sản xuất thủ công nghiệp tăng lên theo từng năm, thu nhập bình quân của người dân khoảng từ 2 – 2.5 triệu đồng/lao động/tháng. Mục tiêu của xã trong năm 2012 là duy trì các nghề sản xuất hiện có, đồng thời khuyến khích các hộ đầu tư mạnh và khôi phục lại các nghề truyền thống như làm kem đá, nghề mộc dân dụng, dịch vụ ăn uống,... nhất là các nghề có thu nhập cao. Nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng Tân Lý trong việc khai thác vật liệu xây dựng phải có chiến lược lâu dài nếu không sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sẵn có. Phấn đấu tăng tổng giá trị sản xuất lên 1.6 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập từ 3 – 3.5 triệu đồng/lao động/tháng. Bên cạnh đó phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhà nước.

Nghề thứ ba của Lý Hòa xưa và Hải Trạch nay là nghề buôn bán dịch vụ thương mại. Đây là nghề cốt lõi xuyên suốt trong quá trình hình thành làng Lý Hòa. Trở thành một nghề truyền thống có ý nghĩa “phi thương bất phú”. Trước đây ông bà, cha mẹ đã phát triển mạnh, bây giờ con cháu càng phát triển mạnh hơn. Đi buôn tuyến bắc nam, buôn với nước ngoài, đây là sự giữ “lửa bếp” cho người dân Lý Hòa. Nếu như trước đây kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo thì sau giải phóng kinh tế thương nghiệp lại giữ vai trò này. Hiện nay nghề này chiếm tới 45% trong cơ cấu kin tế nghề nghiệp của xã. Năm 2011, chợ Lý Hòa được đầu tư xậy dựng với quy mô lớn để đưa chợ và các hộ kinh doanh đi vào ổng định nhằm giải quyết thêm việc làm và tăng nguồn thu ngân sách. Tiếp tục vận động nhân dân, các doanh nghiệp tư nhân mở mang ngành nghề, dịch vụ, sản xuất trong và ngoài địa bàn để thu hút lao động đồng thời tuyên truyền việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, chấp hành nghiêm pháp luật trong sản xuất, buôn bán kinh doanh. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã đang khảo sát và quy hoạch những vùng đất dôi thừa ở bắc Đá Bụt lên Đá Giếng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân và nhân dân sản xuất kinh doanh nhưng phải bảo đảm luật đất đai và công bằng xã hội
Kinh tế Lý Hòa ngày nay quả đã kế tục và phát huy tối đa những tiềm năng vốn có để không ngừng đi lên. Cơ cấu trong nền kinh tế Lý Hòa đang có sự chuyển dịch rất rõ ràng với nền kinh tế biển chiếm 35.5%; thương mại dịch vụ chiếm 44.5%, thủ công nghiệp xây dựng chiếm 20%. Như vậy chúng ta có thể thấy kinh tế thương nghiệp đang ngày càng phát triển và là nền kinh tế giữ vai trò chủ đạo thay thế cho hoạt động kinh tế biển.
Trong những năm qua xã đã có nhiều thuận lợi để phát triển nền kinh tế như nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xậy dựng trong những năm qua đang phát huy tác dụng, năng lực sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế đang dần tăng lên. Tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết thất thường, sản phẩm sản xuất về thường bị tư thương ép giá, thị trường không ổn định lại thiếu các biện pháp quyết liệt trong công tác thu nên một số hộ kinh doanh chưa nghiêm túc chấp hành nộp thuế cho nhà nước. Thủ công nghiệp còn phát triển cầm chừng, các mô hình sản xuất tính bền vừng chưa cao. Phải làm thế nào để giữ được nghề và phát triển nó thiết nghĩ đó là điều mà lãnh đạo của xã luôn trăn trở, suy nghĩ. Để cuộc sống của cư dân được ổn định và năng suất của các nghề được cao cần có sự đầu tư về ngư cụ đánh bắt, trang bị tàu thuyền hiện đại và có trọng tải cao hơn. Giao thông cũng cần được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc  giao lưu buôn bán giữa các vùng miền. Chợ cũng cần mở rộng quy mô và tổ chức có hệ thống để phát triển hơn nữa kinh tế thương nghiệp.
Với những tiềm năng sn có, cộng với sự lao động cần cù sáng tạo của cư dân chắc chắn trong tương lai nền kinh tế Lý Hòa sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Kết cấu kinh tế của Lý Hòa cũng rất đa dạng, đa nghề, nhưng một điều đặc biệt là đều liên quan đến nghề biển. Nếu làng làm nông nghiệp lấy cây lúa chi phối đến toàn bộ đời sống của cư dân trong làng thì làng Lý Hòa lại lấy con cá làm trục chính cho sự phát triển kinh tế của mình. Có ngành nghề thuần phục và có thương trường sôi động, phong phú là điều kiện cần thiết cho sự phát triển thịnh vượng, trong đó điều kiện then chốt và xuyên suốt của cả hai quá trình hoạt động trên chính là sự năng nổ của dân lao động (cả nam và nữ) – điều kiện đủ làm cho Lý Hòa trở nên một làng giàu có loại nhất nhì Quảng Bình. Tuy không ở trong hàng “Bát danh hương” nhưng Lý Hòa vẫn được xem là một làng văn vật. (Còn nữa) 


Xem bài : 

Tác giả Nguyễn Thị Kiều Trang. Biên soạn : Hồ Thị Vân ; chỉnh sửa : Nguyễn Thị Thắm

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ông bà mình có câu "phi thương bất phú" lý hòa mình có bộ mặt như ngày hôm nay là do dân mình thông minh biết làm giàu dựa vào buôn bán là chính, còn đi biển đánh cá chỉ là dủ sống thôi không thể giàu có được như vậy đâu. tác giả hãy viết lại nhé!