PHONG NHA – KẺ BÀNG MỘT ĐỊA CHỈ VĂN HÓA TÂM LINH

Hơn 10 năm qua sau khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng  được Unesco công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, đã trở thành một địa chỉ đỏ tạo sức hút du khách gần xa trong nước cũng như du khách nước ngoài đến thăm quan, du lịch.

Từ đó, trên con đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn ai đã từng vào Nam ra Bắc đi qua địa phận miền Tây huyện Bố Trạch ngước lên đỉnh núi cao đều nhìn rõ một biểu tượng chung đứng trước dòng chữ với kích cỡ lớn màu trắng hắt lên vòm trời xanh“Phong Nha - Kẻ Bàng Di sản Thiên nhiên Thế giới” thật hoành tráng.


          Du khách nào đến với Quảng Bình, đến với Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đều cảm nhận những điều bổ ích, những gì mắt thấy tai nghe trước một kỳ quan thiên nhiên, gắn liền với những chiến công hiển hách của nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ở đây còn là nơi quần tụ của cộng đồng các dân tộc ít người Ma Coong, Arem, Chức…ở tỉnh Quảng Bình. Một khung cảnh đẹp khác thường, một cảnh quan ngoạn mục cũng như là một khu bảo tồn với số lượng lớn các loài động vật và thực vật hoang dã mà trong đó nhiều loại được ghi vào Sách đỏ Thế giới…

          Phong Nha - Kẻ Bàng còn là một tâm điểm của văn hóa tâm linh mà du khách đến đây không thể không dừng chân nơi này hay nơi kia để đứng cúi đầu tĩnh lặng, chiêm nghiệm trước các dấu tích, các chiến công của thế hệ trước để lại. Phong Nha - Kẻ Bàng còn là nơi hiện hữu cả một hệ di tích lịch sử văn hóa có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học thời tiền sử, di tích văn hóa Chăm và Việt cổ, di tích căn cứ kháng chiến các Văn thân hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi từng dấy binh khởi nghia, lập các sơn trại chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Những viên gạch cổ dấu tích người Chăm, người Việt cổ trong động Phong Nha qua thời gian vẹt mòn nhưng vẫn giữ nguyên hơi ấm sức đỏ màu lửa nung, Đền Tiên Sơn lung linh soi bóng xuống dòng sông Son xanh biếc tạo nên nhiều huyền bí. Ngôi Chùa Nghe nay không còn dấu tích do chiến tranh tàn phá vẫn còn bao huyền thoại. Lễ Rước Nước đêm giao thừa hàng năm để cầu sự may mắn trong cuộc sống, trong cày cấy, gieo trồng một vụ mùa bội thu và cho dân tình đủ nguồn nước sinh hoạt. Mỗi khi trời làm hạn hán, dân hội về trước cửa hang tổ chức lễ nguyện cầu là trời cho mưa xuống. Điều đó còn là một kỳ bí đến nay chưa giải mã được, nhưng những gì mà các nhà nghiên cứu xưa và nay nói về Phong Nha - Kẻ Bàng đã cho chúng ta hiểu hơn những giá trị văn hóa tâm linh ở đây lưu giữ được. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, bộ “Quốc sử giám” Triều Nguyễn biên soạn cuối thế kỷ XVIII đã hơn 200 năm trước từng viết.
          “Động Thầy Tiên cách huyện Bố Trạch 40 dặm về phía Tây, lại có tên là núi Động Thầy. Lưng động dốc như vách, âm u sâu thẳm, trong động thạch nhũ rũ xuống  hoặc như cây hoa, hoặc như chuỗi ngọc, hoặc như tượng Phật, hoặc như gấm vóc, phong cảnh thanh u, cửa động nhỏ hẹp. Theo dòng nước vào hơn trăm trượng thì địa thế mở rộng, có một động cát trắng, trước đây có tượng đá như hình người Tiên, người địa phương thờ phụng ở đây.
          Triều trước sắc phong làm Thần hiển linh, ban cấp đồ thờ chép vào đền thờ, sau trải qua binh cách bị bỏ đã lâu, đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) được gia phong làm Thần ứng diệu”.
          Do lưu giữ nhiều giá trị khoa học và lịch sử, từ ngay cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học thám hiểu người Pháp đã tiến hành khảo sát hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Trong bức thư gửi ông Monis Fnot Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ tháng 12 năm 1889, Leopold Cadière đã khẳng định:
          “Những gì còn lại đó đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích không ít cho khoa học”.
          Một cuốn sách về Quảng Bình của một học giả khác lại nói về tâm linh ở đây:
          “Động Phong Nha đã từng là điện thờ Phật của người Chăm vào thế kỷ IX và X. Đấy là thời kỳ Đồng Dương ở Quảng Nam là Inhaptra, kinh đô Phật giáo của vương quốc ấy. Hiện nay vị Thần của động này chủ trì về mưa. Người ta đến đây cầu xin Thần ban ơn huệ trong những lúc hạn hán. Những cuộc lễ đã diễn ra một cách đặc biệt qua các nghi tiết của chúng ta trong khung cảnh tại chổ được trang hoàng thật tráng lệ”.
          Rồi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, những U Bò, Ba Rền, Đầu Mâu, Trung Nẫm, Gia Hưng, Bu Lu Kịn…đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, nay còn lưu lại những địa danh nổi tiếng: Bến phà Xuân Sơn, Bến phà Nguyễn Văn Trỗi, Đường mòn Hồ Chí Minh, Đường 20 Quyết Thắng. Đặc biệt hơn, chính nơi đây ở cây số 16,5; ngày 14 tháng 11 năm 1972 có 8 thanh niên xung phong trong khi đang hàn gắn con đường ra tiền tuyến thì máy bay đế quốc Mỹ dã đến ném bom làm sập cửa hang, đá núi hàng trăm tấn sạt xuống vùi lấp họ đã hy sinh anh dũng. Nay ở đó, nhân dân Quảng Bình đã dựng lên ngôi đền trang nghiêm, linh ứng bên cạnh hang đá đêm ngày tỏa ngát mùi thơm của hương trầm do du khách đến châm bái tôn vinh gọi với cái tên thân mật và trìu mến là “Hang Tám Cô”. Vùng Phong Nha - Kẻ Bàng với đường 20 Quyết Thắng là con đường huyết mạch, phá thế độc đạo nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, ở đây là những tọa độ lửa. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân, dân công hỏa tuyến đã lao động và chiến đấu quê mình, kiên cường anh dũng, và cũng không biết bao nhiêu người con yêu quý thành người chiến sĩ vô danh ngã xuống viết lên những tráng ca nghĩa liệt của dân tộc.
          Tại tất cả những địa điểm ghi danh này đều có các bia đá lớn hoặc các tượng đài tưởng niệm bao chiến sĩ hữu danh, vô danh trang trọng. Cụm tượng đài Thanh niên xung phong sừng sững nơi nga ba trước khi rẽ đường 20 vào Phong Nha, những ai qua đây đều ghé tới dâng hương tỏ lòng biết ơn và sự kính cẩn, ngưỡng vọng hương hồn những người đã vì sự nghiệp thống nhất non sông mà ngã xuống nằm lại vĩnh viễn nơi này.
          Đọc tấm bia “Đây đường 20 Quyết Thắng” của Anh hùng Lao động Vũ Khiên, Nhà nghiên cứu văn hóa soạn lời cho Đền Thiêng những liệt sĩ Thanh niên xung phong được khắc vào đá vúi làm chúng ta nao lòng, rơm rớm:
          “Thanh niên xung phong trên đất thép Quảng Bình. Bộ đội Trường Sơn dưới trời thiêng Đại Việt. Bạt núi xẻ đồi cho thiết giáp xông lên. Lội suối bắc cầu mở tuyến để pháo binh chuyển tiếp. Dù cho máu chảy xương rơi, chẳng kể bom gầm đạn thét. Giúp quân ta ngàn dặm rồng mây đánh kẻ địch trăm lần sấm sét. Bao máy bay vỡ xác tan tành. Những giặc lái nộp mình run khiếp. Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông. Đường trăm trận sá gì sống chết, tỏ cùng trời đất tấm trung can, dài với non sông bầu nhiệt huyết…”
          Thật tự hào và xiết bao xúc động mỗi địa danh ở đây là những trang sử oanh liệt kết lại nồng nàn linh thiêng hồn dân tộc.
          Quảng Bình có một Phong Nha - Kẻ Bàng kỳ ảo do trời đất ban tặng còn là một địa chỉ văn hóa tâm linh dần được khám phá. Chắc chắn du khách sẽ dừng chân lâu hơn với niềm mến yêu da diết một linh địa ẩn chứa trong di sản quý báu này.
BỐ TRẠCH MIỀN DI SẢN

Không có nhận xét nào: