Tìm hiểu về hóa chất khử trùng Cloramin B

Trong thời điểm hiện nay, từ khoá “nóng nhất” của cả thế giới chắc chắn là “nCoV” hay còn được biết đến là virus Vũ Hán. Do sự nghiêm trọng của bệnh dịch nên độ quan tâm của mọi người đến phương pháp phòng tránh lây lan của bệnh dịch cũng như biện pháp khử trùng là rất lớn. Trong đó Cloramin B là hoá chất khử trùng được sử dụng nhiều nhất xuất hiện ở cả trong trường học, bệnh viện… 

Sau đây là thông tin cần thiết về Cloramin B để mọi người có thể hiểu rõ hơn về hoá chất này. 

Cloramin B là gì? 

Cloramin B được biết đến là hoá chất với mục đích sử dụng để diệt khuẩn bề mặt, xử lý nước. Đặc điểm của Cloramin B là bột có màu trắng, hoà tan được trong nước ở nhiệt độ thường, có thành phần chính là Sodium Benzensulfochleramin (có công thức hoá học là C6H5SO2NClNa.3H2O), trong đó clo hoạt tính chiếm khoảng 25%. Hoá chất này tồn tại ở dạng bột hoặc dạng viên.Cloramin B là chất tẩy được sử dụng nhiều nhất hiện nay 

Cloramin B chứng minh được độ hiệu quả của nó khi là một trong những hoá chất đặc biệt được Tổ chức y tế thế giới WHO và bộ y tế tại Việt Nam khuyên dùng để sát khuẩn ở bệnh viện và những nơi công cộng khác như trường học, mầm non hoặc ngay tại gia đình. 

Cloramin B có hai thành phẩm trên thị trường, các loại phổ biến nhất như là Viên Cloramin B 0.25mg và Cloramin B dạng bột. Tùy theo mục đích sử dụng mà người dùng chọn các thành phẩm khác nhau. 

Công dụng nổi bật của Cloramin B là gì? 

Cloramin B là hợp chất hữu có chứa ion Clo dương trong thành phần (hay còn được gọi là Clo hoạt động). Clo hoạt động có tác dụng khử trùng, khử khuẩn có trong nước ở một nồng độ thích hợp vì nó có tính oxy hoá mạnh, dễ phản ứng với các hợp chất hữu giúp diệt vi khuẩn. 

Tuy vậy, điều đó chỉ xảy ra với Clo hoạt động (Clo dương), còn Clo có trong muối ăn hằng ngày là Clo âm nên không có tác dụng diệt khuẩn và được khuyến cáo là không nên sử dụng muối ăn để tiệt trùng nước.

 Cloramin B được ứng dụng để khử khuẩn các khu vực như hành lang, WC, sảnh… Ngoài ra còn để khử trùng các bề mặt, đặc biệt là các vật dụng có trong gia đình dễ lây bệnh như tay nắm cửa, đồ chơi trẻ con…Cloramin B còn được sử dụng để pha nước rửa tay sát khuẩn, tẩy sạch các vết ố vàng ở sàn nhà hay vật dụng thông thường. 

Cloramin B có độc không? 

Đây là hoá chất được khuyến cáo sử dụng để sát khuẩn, tuy nhiên cần phải cẩn trọng trong việc sử dụng vì Cloramin B có thể gây độc khi pha nồng độ cao trên 2%. Cụ thể là sẽ tác động lên hệ tiêu hoá, hô hấp và da như: gây viêm da, suy hô hấp, ngộ độc đường tiêu hoá. Khi pha Cloramin B cần chuẩn bị găng tay cao su, khẩu trang bảo vệ để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. 

Ngoài ra bạn cần lưu ý khi sử dụng Cloramin B trong hộ gia đình, cần để ở nơi tránh xa tầm tay của trẻ em vì nếu trẻ em nghịch ngợm và nuốt phải bột Cloramin B sẽ xảy ra hậu quả không đáng có. 

Giải quyết trường hợp ngộ độc Cloramin B? 

Trong trường hợp xảy ra ngộ độc Cloramin B, ngay lập tức cho nạn nhân uống nước ấm hoặc natribicarbonat (có bán ở các hiệu thuốc lân cận) để trung hoà hoá chất. 

Nếu ngộ độc do hít quá nhiều khí Clo thì đưa ra khỏi nơi có khí, để nạn nhân hít thở rồi di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để có thể xử lý tình huống kịp thời. 

Trong trường hợp da tiếp xúc trực tiếp với hoá chất thì cần rửa sạch vùng tiếp xúc nhiều lần với xà phòng và nước sạch để rửa trôi hoá chất. 

Cách pha Cloramin B dạng bột an toàn và chính xác 

Để tránh trường hợp Clormin B gây ngộ độc cho người sử dụng, chúng ta cần hiểu rõ công thức để pha Cloramin B. Tuỳ vào từng mục đích sử dụng sẽ có nồng độ Cloramin B thích hợp, các bạn cần đặc biệt lưu ý. 

Thông thường trong công tác chống dịch, nồng độ Cloramin B thường được sử dụng là 0,5% và 1,25%. 

Thời gian để làm sạch vi khuẩn và nấm trên bề mặt là khoảng từ 15 đến 30 phút, thời gian cần thiết để làm sạch bề mặt chứa virus khoảng 60 phút. 

Xử lý khử trùng các dụng cụ của bệnh nhân có bệnh truyền nhiễm: Ngâm các dụng cụ, quần áo mà bệnh nhân đã sử dụng trong Cloramin B với nồng độ 0,5% khoảng 1-2 giờ trước khi đem giặt rửa bằng nước sạch. 

Cách pha Cloramin B trong phòng chống dịch 

m = (c% x V/C%) x 1000 

Trong đó: m: lượng hóa chất cần lấy pha (g)

 c%: nồng độ dung dịch Clo cần pha (%) 

C%: nồng độ hóa chất chứa Clo ban đầu (Cloramin B 25%, Clorin 70%, Clorin 90%…). 

V: thể tích dung dịch cần pha (L). 

* Hàm lượng clo hoạt tính của hóa chất sử dụng luôn được nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao bì hoặc bảng hướng dẫn sử dụng sản phẩm. 

Ví dụ: 

Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,5% từ bột cloramin B 25% clo hoạt tính, cần: (0,5 x 10 / 25) x 1000 = 200 gam. 

Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,5% từ bột canxi hypocloride 70% clo hoạt tính, cần: (0,5 x 10 / 70 ) x 1000 = 72 gam. 

Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,5% từ bột natri dichloroisocianurate 60% clo hoạt tính, cần: (0,5 x 10 / 60) x 1000 = 84 gam. 

Cách pha: 

Hòa tan hoàn toàn lượng hóa chất cần thiết cho vừa đủ 10 lít nước sạch. 

Các dung dịch khử trùng có clo sẽ giảm tác dụng nhanh theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha. 

Tốt nhất chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ. 

Dung dịch khử trùng chứa clo đã pha cần bảo quản ở nơi khô, mát, đậy kín, tránh ánh sáng 

Hướng dẫn sử dụng Cloramin B sau khi đã pha 

Khi sử dụng Cloramin B cần đặc biệt chú ý vì nó có thể gây độc với da, mắt và cơ quan hô hấp. Cần phải có phương tiện bảo vệ khi pha dung dịch Cloramin B. Sử dụng bằng cách có thể đưa dung dịch vào bình phun với trường hợp cần khửu trùng ở diện tích lớn, dùng chổi lau nhà nhúng ngập dung dịch để lau sàn nhà hoặc có thể để trong chậu inox để ngâm những vật dụng nhỏ. Cloramin B cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nhiệt độ từ 20 đến 30 độ C. Tránh để chất tẩy tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì có thể làm hỏng hóa chất.

 

Không có nhận xét nào: