BÀI HỌC TRƯỜNG ĐỜI

 

Bước vào trường đời năm 22-23 tuổi, với tôi lúc ấy mọi thứ thật mơ hồ. Tôi tốt nghiệp ở 1 trường không mấy danh tiếng (ULSA - nếu bạn biết - khóa C10), học 1 khoa không ưu ái con trai (Kế toán), bằng tốt nghiệp của tôi cũng chẳng đẹp: Khá. Vậy nên hiển nhiên là tôi nhận được bài học đầu tiên:

Bài học thứ 1: Bằng cấp để làm gì?

Xã hội không coi trọng bằng cấp, điều đó đúng hay không thì chưa biết. Nhưng bằng mà không tốt thì sẽ gặp khó khăn nhiều lắm.

 MÁ VÀ CHỊ
>>ANH CHỒNG LÀ NGƯỜI SAI HAY CHỊ VỢ SAI  
>>>TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI VIẾT
>>>>MỘT MIẾNG KHI ĐÓI
>>>>>KHI KHÓ KHĂN ẬP ĐẾN, BẠN SẼ LÀ…

 Lúc đầu tôi hồ hởi đưa bằng của mình vào hồ sơ xin việc, nhưng nhanh chóng nhận ra trên tập CV trong tay nhà tuyển dụng có nhiều bằng KTQD, HVTC, Ngoại thương... và người ta còn đạt loại Giỏi. Vậy tôi làm gì có "cửa". Đã thế người ta còn hỏi "Em có kinh nghiệm không?" - Không à, thế thì không được rồi.

Đó là chuyện hơn 10 năm trước. Sau 10 năm nhìn lại thị trường tuyển dụng thì thấy vẫn vậy. Hay có thể tôi không cập nhật thông tin nên chưa biết có gì thay đổi không.

Mất mấy tháng mà không tìm được công việc nào. Tôi không chê trách gì ngôi trường tôi học. Tôi đã có quãng thời gian tuyệt vời ở đó: tập trung học tập, làm lớp trưởng, được bạn bè quý mến, thầy cô cũng quý mến tôi. Ở đó tôi tìm lại được chính mình sau 2 lần thi trượt đại học. Nên cái gì cũng có giá của nó, phải chấp nhận mà đi tiếp. Nếu có trách chỉ trách bản thân. Những cái gì đã là quá khứ thì không thay đổi được đâu, chỉ có đi tiếp như thế nào thôi.

Tôi lúc đó chỉ nghĩ là: muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Bởi vậy nên việc gì cũng được, miễn là chân chính và kiếm ra tiền. Bố tôi chỉ cho tôi 1 chỗ: Làm rửa xe máy. Tôi vui vẻ nhận lời.

Bài học 2: Giá trị sức lao động

Nếu mà nghĩ 12 năm học, rồi học cả cao đẳng (lúc ấy tôi mới học xong cao đẳng) mà để đi rửa xe máy thì thật là "kém". Phí tiền ăn, tiền học để làm gì, khi mà công việc này không đòi hỏi phải có học. Học xong lớp 4 cũng đi làm việc này được, miễn là có sức khỏe và đủ tuổi lao động. Tôi chẳng để tâm lắm tới điều này. Bởi vì khi ấy tôi nghĩ rất đơn giản.

Làm việc đó kể ra cũng vui. Quen những người bạn mới, họ đúng là không được học hành đầy đủ, không có điều kiện như tôi, nhưng họ rất nhiệt tình và thân thiện. Họ giúp đỡ tôi nhiều. Một "công tử bột" như tôi làm sao làm việc này tốt được. Vậy nên được họ giúp đỡ quả là may mắn với tôi.

Tháng đầu tiên được trả công. Cầm những đồng lương đầu tiên mình làm được, tôi không nghĩ đến số lượng. Tôi chỉ nghĩ là "vậy là mình đã kiếm được tiền". Những ngày tháng đổ mồ hôi, bùn đất đầy người, nước xà phòng ăn mòn da tay, những mệt mỏi sau cả mấy tiếng lao động... cuối cùng cũng được đền đáp.

Chỉ đến tháng thứ 2 tôi mới để ý đến "bao nhiêu". Tôi nhẩm tính để biết một tháng mình lao động bao nhiêu tiếng, được trả công bao nhiêu. Vậy là 1 giờ được trả lương ngần ấy cho việc rửa xe. Tôi đã hiểu. Hẳn là việc khác thì lương khác, công sức bỏ ra cũng khác.

Lao động chân tay trả lương bèo lắm. Bởi vì ai cũng làm được. Chẳng cần được đào tạo bài bản, chẳng cần bỏ tiền bỏ thời gian ăn học nhiều, cứ có sức là làm được. Vậy thì 12 năm học, 3 năm cao đẳng nó phải khác.

Sau khoảng 4 tháng tôi nghỉ làm. Vì tôi tìm được 1 công việc đúng ngành nghề. Tuy lương không cao vượt trội so với việc rửa xe máy, nhưng chắc chắn cách thức làm việc sẽ khác, phù hợp hơn với 1 đứa như tôi.

Những ngày tháng rửa xe khiến tôi nhận ra: Mình không hợp với nghề này, và mình không bao giờ muốn làm nghề này 1 lần nữa.

Bài học 3: Chốn công sở

Những tưởng đi làm chốn công sở, công việc bàn giấy sẽ an nhàn và dễ kiếm tiền hơn, nhưng làm rồi mới biết: NHẦM, NHẦM TO!

Việc gì mà tạo ra giá trị trực tiếp thì luôn có người đảm nhiệm rồi, cũng không đến lượt 1 thằng lính mới như tôi sờ vào.

Những người ấy sao mà giỏi: Giỏi giao tiếp, giỏi nịnh, giỏi xã giao, giỏi nói dối, giỏi chuyên môn, giỏi tính toán, giỏi thủ đoạn... cái quái gì cũng giỏi. Tôi như lạc vào 1 cái mê cung với đầy rẫy những năng lực, thủ đoạn, gian dối... cứ cuốn vào nhau, khiến tôi chẳng biết đường nào mà lần. Họ làm tốt như vậy rồi cần gì đến mình nữa - tôi tự hỏi.

Công việc hàng ngày của tôi là: đến công ty thì chào hỏi người ta, rồi đi rửa chén, pha trà, quét nhà, tưới cây, ai sai ra ngân hàng thì đi, ai bảo tìm giúp đồ thì tìm, ai nhắn làm cái gì thì làm. Trong các cuộc họp thì chẳng ai nói gì ngoài sếp lớn, tôi cũng ngậm miệng an phận, bởi biết gì mà nói.

Mỗi ngày đi làm tôi cảm thấy: Mình đang làm cái quái gì vậy? Còn tệ hơn cả rửa xe nữa. Nhận lương (đôi khi chậm) mà chẳng thấy vui. Chỉ thoáng vui vì có tiền tiêu thôi, còn lại là buồn. Buồn vì lương này nó không phản ánh đúng giá trị sức lao động. Tôi mà là người trả lương thì tôi sẽ không trả cho 1 thằng làm những việc như vậy.

Tệ hơn nữa là tôi không biết lối thoát ở đâu. Bởi "đúng ngành nghề được đào tạo rồi nhé", "làm văn phòng chẳng sướng hơn lao động tay chân à?". Tôi sẽ đối mặt ra sao với những ánh nhìn từ bố mẹ, người yêu, bạn bè bây giờ?

Một lần nữa tôi nhận ra: Mình không hợp với việc này.

Giá như có ai, giá như có cách gì thoát ra, chắc chắn tôi sẽ nắm lấy. Nhưng chỉ biết chờ đợi và hy vọng thôi. Bởi bản thân tôi đã lạc lối và bất lực rồi.

Bài học thứ 4: Tra tấn bằng cafe

Sau một thời gian làm văn phòng, có 1 người xuất hiện và họ kéo tôi ra khỏi môi trường đó. Với tôi mà nói đó là 1 lối thoát. Nhưng ở 1 góc nhìn khác, người ta bảo rằng đó là cách khéo léo để cho tôi nghỉ việc mà không mất uy tín. Sao cũng được! Điều tôi cần lúc này là một hướng đi mới, không phải đắm mình trong vũng lầy đó nữa.

Khi ấy tôi coi việc rời công ty, đi theo người ta là để "học khôn". Bởi tôi tự nhận thấy mình ngu dốt, kém cỏi, bất tài. Tôi chẳng có năng lực gì đặc biệt. Học hành cũng chẳng hơn ai. Va chạm trường đời khiến tôi nhận ra mình không thích nghi nổi với môi trường khắc nghiệt.

Người kia, tạm gọi là 1 ông anh, bảo tôi: mày suy nghĩ chậm lắm. Quả thật khi 1 vấn đề xảy ra, tôi chưa kịp hiểu có chuyện gì thì ông anh đã nghĩ được trăm ngàn hướng. Người ta còn chưa kịp nói ông ấy đã đoán ra, đã nghĩ thông và nói thay cho họ luôn. Mồm miệng ông ấy thì hót hay hơn cả đa cấp. Tôi phục lắm, thầm nghĩ đây đúng là người thầy phù hợp với mình.

Ông anh hay hẹn tôi ngồi cafe nói chuyện. Những buổi cafe dài miên man, lúc đầu là 1-2 tiếng, sau dần 4-6 tiếng. Chủ yếu tôi ngồi nghe ông anh nói. Tôi được khai sáng nhiều điều. Cuối những buổi nói chuyện ấy, tôi sẵn sàng trả tiền cafe, bởi cái giá cho những bài học chỉ là 1 ly cafe, quá rẻ!

Nhưng không phải buổi cafe nào cũng vui vẻ và có bài học hay. Có những buổi ông anh chất vấn tôi. Giống như hỏi cung, như đi phỏng vấn, như đứng trước quan toà. Ổng bắt tôi suy nghĩ về tương lai, về bản thân, về những gì tôi làm, những điều tôi nói. Ổng quay tôi như quay dế. Tôi im lặng ko dám trả lời, ổng lại đá sang chuyện khác. Khi tôi vui vẻ thoải mái hơn ổng lại đá xoáy tôi. Một trò chơi kéo co về thần kinh diễn ra suốt 4-5 tiếng đồng hồ. Thận và bàng quang tôi như muốn nổ tung vì buồn đái, mồ hôi túa ra, tim đập nhanh, đầu óc quay cuồng... hơn cả là nỗi sợ. Tôi lo sợ về tương lai u ám của mình. Tôi chẳng biết mình nên đi đâu, làm gì. Tôi muốn nói một cái gì đó, nhưng cổ họng cứ nghẹn đắng...

Tiền cafe tôi vẫn trả, dù tôi không còn nhận lương và không có nguồn thu nhập nào khác.

24 tuổi, tôi lạc lõng giữa dòng đời, móc từng xu cuối cùng cho những ly cafe. Giờ nó không còn rẻ nữa.

Bài học thứ 5: Còn muốn trả tiền cafe nữa không?

Tôi vẫn nhớ hôm ấy, ông anh ngồi thuyết giáo cho tôi 1 bài dài về chuyện: đừng mất tiền ngu.

Như thường lệ, tôi vẫn thấy hay. Gần như chưa bao giờ tôi thấy ông anh hết chuyện để nói. Những câu chuyện mới lạ, hấp dẫn và thú vị. Những bài học về cách ứng xử trong cuộc sống luôn có sức hút với tôi. Cuối buổi ông anh nhìn tôi dò xét: mày còn bao tiền trong túi.

Tôi bảo: em vẫn còn tiền. 

Tôi móc ví trả tiền cafe. 

Ông anh hỏi: thế muốn ngồi cafe nữa không?

Lúc ấy tôi nghĩ: ông anh muốn ngồi nữa à? Tôi thì mỏi lắm rồi. Cũng biết gì để nói đâu, toàn ngồi nghe đấy thôi. Nhưng tôi vẫn gật đầu: anh muốn uống ở đâu?

Ông anh nhìn sâu vào mắt tôi: Mày vẫn muốn uống nữa à?

Tôi mới phải là người hỏi câu này mới đúng chứ nhỉ? Tôi ngập ngừng: Anh muốn  uống thì em ok thôi.

Kiểu trả lời lấp lửng, trốn tránh, đẩy trách nhiệm cho người khác dường như đã quá quen với tôi rồi.

Thế thì đi tiếp! Ông anh vừa nói vừa dắt xe ra khỏi quán.

Đi một lúc, ông anh hỏi: Thế những gì tao nói mày có hiểu không?

Tôi trả lời như phản xạ: Hiểu chứ ạ.

Phét! mày chả hiểu cái gì.

Tôi im lặng ko biết mình mắc lỗi gì?

Nếu không thích uống cafe nữa thì mày phải nói.

Dạ...

Tiền trong túi mày, muốn tiêu gì là quyền của mày.

Dạ...

Nếu không cần thiết thì đừng có mất tiền ngu. Mày suýt mất 1 cốc cafe nữa vì ngu đấy.

Giờ tôi mới giật mình. Đúng là tôi không muốn uống cafe nữa, vậy mà tôi vẫn gật đầu đi uống tiếp. Bởi vì cả nể, bởi vì quý mến, hay bởi vì sợ không dám từ chối người ta. Đúng là mất tiền ngu.

Em hiểu rồi.

Thế đi về được chưa?

Tiền trong túi mình là tiền của mình. Tiền ra khỏi túi thì không còn là của mình nữa, kể cả cho người ta vay. Nếu không kiểm soát được tiền trong túi mình thì chẳng bao giờ khôn lên được đâu.

Có lẽ đây là bài học đắt giá nhất tôi học được sau khi gia nhập trường đời.



Bài học 6: Yêu xa

Dù sự nghiệp chưa đi đến đâu nhưng tôi vẫn có người yêu. Người yêu tôi kém tôi 7 tuổi. Tại thời điểm đó - khi mà tôi nghỉ việc để theo học ông anh - thì cô ấy đang học xa nhà. Gọi là xa thôi, chứ khoảng cách cũng chỉ tầm 50 km, cỡ 1h30' đi xe máy. Cuối tuần nào hai đứa cũng gặp nhau. Nếu không phải cô ấy về HN gặp thì tôi cũng phóng xe lên trường. Ban đầu tôi thấy khá mệt mỏi vì điều này. Những áp lực từ công việc, tiền bạc, giờ lại phải dành thời gian, công sức để tới thăm cô ấy nữa.

Cô ấy thuộc kiểu người nghịch ngợm, hồn nhiên, vô tư. Đó là điều cuốn hút tôi, là lý do tôi yêu cô ấy, mà nó cũng khiến tôi lo lắng. Ở trường, cô ấy có rất nhiều người thích, theo đuổi. Tôi biết hết những người đó: từ thầy giáo, bạn cùng lớp, bạn khác trường, thậm chí đến cả từ mạng xã hội nữa. Có thể nói cô ấy cũng khá xinh xắn nên mới thu hút nhiều người đến thế. Tôi là đàn ông nên tôi biết rõ những người kia muốn gì từ cô ấy. Tôi xuất hiện ngang nhiên trước mặt họ, để cho họ thấy rằng cô ấy đã có người yêu, nhưng bọn họ vẫn không chịu từ bỏ.

Nhiều người nói với tôi là: Sao mày chịu được điều đó?

Bố mẹ tôi cho rằng việc cứ cuối tuần đi-về 100km là mệt mỏi và nguy hiểm.

Ông anh họ tôi cho rằng: việc gì phải khổ như vậy. 

Ông anh xã hội tôi cho rằng: làm sao tin tưởng được? 1 tuần có 2 ngày mày ở đó, còn 5 ngày kia thì sao?

Đỉnh điểm có 1 vụ tôi nhớ mãi: đó là có 1 anh chàng (tạm gọi là anh chàng đi, vì nó kém người yêu tôi 2 tuổi, tức là kém tôi 9 tuổi), anh chàng này muốn tán người yêu tôi. Dù biết tôi là người yêu cô ấy thì cậu ta vẫn dám đi cùng chúng tôi khi tôi đưa cô ấy từ trường về nhà vào 1 dịp cuối tuần. Nếu hỏi tôi có ghen không thì chắc chắn là tôi có. Nhưng tôi không thể hiện ra trước mặt anh chàng này.

Về tới nhà, khi chỉ 2 đứa với nhau, tôi mới nói rõ cho cô ấy biết là tôi rất khó chịu. Và muốn cô ấy hãy nghiêm túc về chuyện này, rằng như vậy là đủ rồi, đừng chơi đùa với tình cảm của người khác nữa.

Bởi vì cô ấy còn trẻ tuổi, còn hồn nhiên nghĩ rằng được nhiều chàng trai theo đuổi là thú vị lắm. Tôi hiểu điều đó, rất hiểu, bởi tôi cũng từng như vậy. Tôi đã trải qua và tôi đã thấy kết cục dành cho mình: đó là sự rạn nứt trong tình yêu, đó là sự lợi dụng trong các mối quan hệ không ràng buộc. Người ta chỉ đến vì tình dục, hoặc vì lợi dụng được điều gì đó, chứ người ta không có chút trách nhiệm nào. Người ta dễ dàng phủi tay, quay đầu khi đã đạt được mục đích. Người ta sẽ không tin tưởng, không kiên trì, không có mặt những khi mình thật sự cần họ.

Tôi cố tình cho phép cô ấy được nếm trải cảm giác đó, để khi tôi nói ra thì cô ấy có thể hiểu được (mà thực ra có ngăn cấm thì cũng chẳng được đâu). Tôi cũng muốn cảnh báo và ngăn chặn trước khi cô ấy gặp nguy hiểm thực sự.

Yêu xa là 1 thử thách lớn trong tình yêu. Nó không chỉ đòi hỏi người ta phải kiên trì, tin tưởng nhau, mà nó còn là sự thấu hiểu. Những cám dỗ từ vật chất, từ dục vọng, từ điều tiếng xã hội... đó mới thực sự là điều khiến người ta xa cách, không đơn thuần chỉ là khoảng cách địa lý.

Tôi rất sợ mất cô ấy, nhưng tôi cũng hiểu là nếu công việc không có tiến triển, nếu tôi không có khả năng nuôi sống bản thân mình, thì chắc chắn tôi sẽ mất cô ấy.

Vấn đề là: tôi đã có quá nhiều thứ để sợ rồi. Và khi đến đường cùng, khi không còn gì để mất nữa, thì người ta thường không còn lo sợ bất kỳ điều gì nữa.

St

Hình minh họa

TRỞ VỀ NƠI BÌNH YÊN
>>KÝ ỨC
>>>ANH HAI, THỔI SẠCH ĐI RỒI MÌNH ĂN NHA 
>>>>NGÀY MẸ GIÀ ĐI.
>>>>>HÃY TRỒNG MỘT BÔNG HOA KHOAN DUNG TRONG TRÁI TIM THÙ HẬN
> TRĂNG NGHẸN
>> THÁCH THỨC
> >>ĐƯỜNG VONG 
>>> >TẤM LÒNG CỦA MẸ
>>>>> GIẢN DỊ VÀ KHIÊM TỐN

 

Không có nhận xét nào: