TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI VIẾT

Tại sao chúng ta phải viết? Tại sao có những lúc chúng ta khát khao muốn viết ra nhưng lại không phải biết bắt đầu từ đâu, còn ngược lại có những khoảnh khắc chỉ cần đặt bút xuống thì câu chữ cứ như tự động được tống ra khỏi bộ não đang co bóp liên hồi, ý này nối liền ý khác thành một con đường ngoằn ngoèo dài vô tận.

Chúng ta viết vì vô vàn lý do. Đối với riêng bản thân tôi, tôi viết vì muốn được ngôn từ hóa những mảnh ghép suy nghĩ, những ý niệm rời rạc đang trôi dạt bên trong khối não.

Từng giây từng phút trôi qua, tôi liên tục có những câu hỏi, những suy nghĩ thoáng qua về cuộc sống, về bản thân. Tiêu cực có, tích cực có, hoài nghi có, hy vọng có, hiếu kỳ có,... tất cả, bằng một cách nào đó trôi lửng lơ một cách vô thức và có ý nghĩa, cho nên phải có một hành động để kết nối và lưu giữ chúng trước khi chúng tan biến vào một chân trời vực thẳm nào đấy bên trong vũ trụ ý thức của tôi. Ngoài ra, tôi cũng như rất nhiều người thích viết bởi vì niềm yêu thích được chơi đùa với ngôn từ. Có rất nhiều cách để diễn giải một vấn đề, một ý niệm, nhưng tại sao mình lại chọn những tập hợp từ này để viết ra câu này, chứ không phải là một tập hợp khác và viết ra một câu khác? Đó là điều làm tôi thích thú, thử nghĩ mà xem, cùng một câu hỏi cũ rích, một vấn đề muôn thuở, nhưng dưới thế giới quan và miêu tả của những người khác nhau, chúng được bóc tách ra, để lộ ra từng lớp biểu bì hoàn toàn mới.

Tôi muốn viết kể cả khi có cảm xúc hay hoàn toàn không có. Bởi vì cảm xúc là thứ biến đổi liên tục, cho nên để quyết định làm một việc gì (kể cả viết) dựa vào cảm xúc hiện tại là một điều khá dở. Tuy nhiên tôi không hề phủ nhận tác dụng to lớn của cảm xúc đối với việc viết. Bởi vì khi cảm xúc đạt đến một ngưỡng (có thể ngưỡng trên hoặc ngưỡng dưới), ta thường viết ra được những thứ hết sức hay ho mà với đôi mắt trực giác thường ngày sẽ không thể thấy được. Giả dụ có những lúc tôi rất buồn, như vừa đọc xong một quyển tiểu thuyết hoặc xem xong một bộ phim với cái kết đau lòng, nó thường kéo cảm xúc tôi xuống ngưỡng dưới. Và hệ quả là cách mà tôi cảm nhận về cuộc sống xung quanh cũng bị lôi tuột xuống một tầng nhận thức khác, nơi mà có những điểm sáng thường ngày chợt lu mờ đi còn vô vàn góc khuất bỗng nhiên hiển hiện rõ ràng một cách lạ thường. Và tôi bắt đầu nhìn vào những góc tối ấy rồi diễn giải chúng theo cách của riêng mình. Không hẳn những điều đó là tiêu cực, ngược lại chúng còn giúp tôi hiểu rõ hơn về cả bản thân lẫn cuộc sống vô thường đang diễn ra. Cuộc sống như một thiếu nữ khoác trên mình nhiều lớp áo, đôi lúc khi cơ duyên đến, nàng tự nguyện lột bỏ đi một lớp y phục để cho ta có cơ hội chiêm ngưỡng những thứ mà bình thường không có cơ hội, và ta phải nắm bắt những khoảnh khắc đó, vẽ nó ra. Vậy còn viết khi không có cảm xúc thì sao? Bản thân tôi nghĩ, viết là một việc không chỉ cho bản thân mình mà còn cho mọi người nữa, hay dùng từ đúng hơn là "độc giả". 

Viết là để có người đọc, chứ không phải để thõa mãn cảm xúc bản thân, không phải để post lên mạng xã hội rồi cảm thấy mình như trở thành một writer dưới con mắt tán dương của mọi người. Viết vì lý do đó là không thuần khiết. Tôi muốn viết là để người khác, bằng cách nào đó tìm được một phần bản thân họ trong câu chữ của tôi, trong những lời lẽ mà tôi đưa đến cho họ, là để giúp họ nhìn thấy những thứ trước đây là vô hình nhưng tồn tại bám riết lấy cuộc sống của họ. Để mà đồng cảm, để cho họ biết họ không một mình, cho họ biết ở đâu đó trên thế giới này có những người có chung suy nghĩ "kỳ quặc" như họ vẫn tự mặc cảm và sẵn sàng tìm họ để cho họ biết những điều họ xứng đáng được biết. Vì những lý do đó, tôi sẽ cố gắng trở thành một người có thể viết vào những ngày mà con tim kiệt quệ, ngôn từ cũng trở nên sáo rỗng, tôi sẽ viết mà không có cảm xúc. Còn rất nhiều điều mà tôi phải truyền đến những người cần được biết.

St

Hình minh họa

TRỞ VỀ NƠI BÌNH YÊN
>>KÝ ỨC
>>>ANH HAI, THỔI SẠCH ĐI RỒI MÌNH ĂN NHA 
>>>>NGÀY MẸ GIÀ ĐI.
>>>>>HÃY TRỒNG MỘT BÔNG HOA KHOAN DUNG TRONG TRÁI TIM THÙ HẬN
> TRĂNG NGHẸN
>> THÁCH THỨC
> >>ĐƯỜNG VONG 
>>> >TẤM LÒNG CỦA MẸ
>>>>> GIẢN DỊ VÀ KHIÊM TỐN

 

Không có nhận xét nào: