Bài truyền thông cúm A H5N1

Bài XXVIII: truyền thông cúm A H5N1
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lan truyền rất nhanh, có thể gây dịch và đại dịch, nhất là các chủng cúm mới. Vì vậy, các ca nghi cúm đầu tiên cần được chẩn đoán xác định sớm, sau đó cách ly điều trị tại cơ sở y tế
Bệnh cúm thông thường lây truyền qua đường hô hấp trong quần thể người đông đúc bằng giọt nhỏ nước bọt nhỏ hay dịch tiết mũi họng. Sự lây lan diễn ra nhanh hơn trong thời tiết lạnh và ẩm thấp. Ở những nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ khi có người mắc cúm, tỷ lệ lây lan rất cao, dễ gây thành dịch.
Đối với bệnh cúm A thông thường, nguồn lây bệnh là người mắc bệnh cúm thể điển hình, hoặc thể nhẹ với thời gian thải virut khoảng 1-2 ngày trước khởi phát và 3-5 ngày sau khi phát bệnh.
Đối với cúm gia cầm H5N1, nguồn lây bệnh được cho là các loài gia cầm ốm, trước hết là gà cúm; các loài chim hoang dã và thủy cầm. Thời gian thải mầm bệnh của chúng hiện chưa được xác định.
Tại bệnh viện, cần có các buồng cách ly riêng dành cho bệnh lây nhiễm cao như cúm. Trong điều kiện bệnh xá và gia đình, bệnh nhân và người tiếp xúc phải đeo khẩu trang kín, kính mắt, găng tay, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Thời gian cách ly khoảng 5 ngày từ khi khởi bệnh. Riêng với cúm A - H5N1, có các hướng dẫn cách ly riêng với mức độ an toàn cao hơn.
Cúm A H5N1 hiện chưa lây từ người sang người nên bệnh mang tính tản phát, chỉ xuất hiện trên những cá thể tiếp xúc chặt chẽ với gà ốm và có sự mẫn cảm cao với virus cúm gà. Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng nhiễm virus cúm gà khi tiếp xúc đông người

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với cúm - H5N1. Vì vậy phương pháp dự phòng vẫn là chủ yếu. Các trường hợp tiếp xúc người bệnh hoặc gia cầm bệnh có biểu hiện sốt cao mệt mõi, khó thở, đau ngực… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời

In bài này

Không có nhận xét nào: