Đất và người Lý Hòa (Chương I phần 2)

1.3.           Tổ chức làng xã và quan hệ xã hội
1.3.1.     Tổ chức làng xã truyền thống ở làng Lý Hòa
Nhà nước phong kiến đã có những quy định về tổ chức cơ sở, làng là của dân còn xã là đơn vị hành chính cuối cùng của nhà nước phong kiến. Theo giáo sư Nguyễn Từ Chi, cơ cấu tổ chức làng Việt cổ Bắc Bộ có 5 loại hình, đó là:

-         Tập hợp người theo khu vực: ngõ, xóm.
-         Tập hợp người theo huyết thống: họ.
-         Tập hợp người theo lớp tuổi: giáp
-         Tập hợp người trong bộ máy chính quyền
-         Tập hợp người theo những tổ chức dựa trên lòng tự nguyện tham gia của từng cá nhân, phe, hội, phường.
Theo Phan Đại Doãn thì cơ cấu tổ chức của làng Việt truyền thống bao gồm tổ chức quan phương và phi quan phương. Tùy vào quan niệm, mục đích nghiên cứu mà người ta có thể tiếp cận tổ chức làng xã theo các cách khác nhau. Tại Lý Hòa chúng tôi giới thiệu tổ chức làng xã dưới các hình thức sau:

Ø      Tổ chức hành chính
Cũng như các làng khác, làng Lý Hòa dưới thời phong kiến có một tổ chức hành chính do nhà nước quy định. Do nguồn tư liệu hiếm nên ở đây chỉ phác thảo nên những nét chung nhất về tổ chức hành chính của làng.
Đứng đầu trong ban hương sự của làng là Lý Trưởng. Vậy chức danh Lý trưởng có từ khi nào? Quyền lợi và nghĩa vụ của Lý trưởng ra sao?
Chúng ta biết năm 1466, Lê Thánh Tông đã tiến hành cải cách lại bộ máy hành chính, đổi chức xã quan thành xã trưởng. Năm 1483, Lê Thánh Tông ban sắc chỉ về việc bầu xã trưởng: “phải họp lại xét chọn, hoặc là những thuộc lại về già hoặc là giám sinh đồ, lương gia đệ tử từ 30 tuổi trở lên, người nào biết chữ, có hạnh kiểm thì được bầu làm xã trưởng”. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, nhà nước nới lỏng quyền tự trị cho xã, mỗi làng tự chọn xã trưởng cho mình, thường do hội đồng làng làm hương lão, chức dịch, tộc trưởng các họ lớn họp bàn cử người.
Vào thời Nguyễn, tổ chức hành chính ở xã có sự thay đổi. Dưới thời Minh Mạng ông đã quyết định cải tổ lại bộ máy quản lý xã thôn, bỏ chức xã trưởng và thay vào đó là lý trưởng. Lý trưởng phải chọn trong số những người “vật lực tài cán, phải do cai tổng cùng dân làng bầu cử, phủ huyện xem xét kỹ lại, bẩm lên trên để cấp văn bằng và mộc triện cho”. Quyền lợi và nghĩa vụ của lý trưởng là: chịu trách nhiệm, đảm nhận các mặt hoạt động về kinh tế, văn hóa, chính trị, quân đội, y tế, giáo dục của làng. Đồng thời lý trưởng chịu trách nhiệm với nhà nước về vấn đề tô thuế, sưu dịch và các nghĩa vụ khác của công dân. Như vậy trách nhiệm và quyền hạn của lý trưởng là rất lớn.
Theo nguyên tắc thì lý trưởng là do dân trong làng bầu lên, sau đó quan phủ, quan huyện xem xét phê chuẩn. Tuy nhiên ở làng Lý Hòa lý trưởng thường tập trung ở các họ Hoàng, Nguyễn Duy, Họ Hồ. Đây là những họ lớn, giàu và có thế lực trong làng. Hơn nữa những họ đều có người đỗ đạt làm quan của triều định được dân làng nể trọng, vì vậy các chức vị trong làng chủ yếu tập trung vào các dòng họ này. Họ Hoàng có ông Hoàng Minh Quang, Hoàng Minh Sen; họ Nguyễn có ông Nguyễn Lót; họ Hồ có Ông Hồ Thuyết,… còn lại là một số người ở các họ khác nhưng có phần hạn chế. Về quyền lợi, lý trưởng được miễn thuế và sưu dịch, được làng ưu tiên cấp ruộng tốt, nhưng làng Lý Hòa không có Ruộng đất để cấp cho lý trưởng, họ chỉ được hưởng lợi từ những khoản đóng góp của nhân dân trong làng. Giúp việc cho lý trưởng có Phó lý và các ông hương – gọi chung là lý dịch. Mỗi người được phân công một công việc cụ thể như sau:
Hương kiểm (trương tuần): là người chuyên phụ trách tuần phòng, canh gác, bảo vệ an ninh của làng. Thực hành công việc này là đội ngũ tuần đinh, lấy trong hạng thanh niên trai tráng có sức khỏe để tổ chức canh gác tuần phòng chống trộm cướp, bảo vệ mùa màng, kiểm tra mốc giới xâm lấn, bảo vệ các công trình kênh mương, đê đập,…
Hương bản ( thủ khoán): người này làm chức năng giữ tiền, tài sản công cộng quản lý ruộng sưu đấu giá để nộp thuế cho nhà nước. Các nguồn thu công cộng trừ tre, gỗ khai thác ở rừng, lũy cây,… đều giao cho hương bản giữ để chi dùng cho các việc công. Mọi khoán thu chi đều phải ghi sổ sách rõ ràng và thông qua hội đồng làng.
Hương bộ (thủ bộ): là người chuyên giữ giấy tờ, sổ sách như sổ đinh, sổ điền và là nhân viên quan trọng trong việc ban cấp ruộng đất công của làng, theo dõi sinh tử, giá thú của dân trong làng.
Hương dịch: là người đảm trách việc tu sửa, bảo vệ các công trình công cộng của làng như đường xá, cầu cống.
Hương mục: là người giữ gìn, bảo quản và nắm đất đai trong làng.
Ngoài ra còn một số chức vụ khác như: tri hương, cai xã, giáp trưởng.
Cách thức làm việc của bộ máy hành chính này rất chặt chẽ, quy cũ, các văn bản giấy tờ có liên quan đến việc thuế má, phu dịch, ruộng đất cần trình bày hay xin ý kiến quan phủ, huyện đều có lý trưởng và các nhân viên hành chính ký tên, đóng dấu và y sao 1 bản để lưu giữ.
Đây là bộ máy thường trực cho công việc hành chính của cả làng, nhưng bộ phận này làm việc không có lương bỗng mà chỉ được cấp ruộng đất. Ngoài ra các dịch mục trong làng nếu làm tốt công việc sẽ được thưởng và ngược lại nếu không có trách nhiệm và làm việc không có hiệu quả, tham ô thì sẽ bị phạt nặng.


Ø      Tổ chức tự trị, tự quản của làng
Sự xuất hiện của làng xã mang tính chất liên hợp tự nguyện của nhiều người cho nên ở mỗi làng đều mang trong mình những phong tục tập quán riêng, một lối sống đặc trưng của làng mà nhà nước không phải muốn áp đặt hay tổ chức thế nào cũng được. Ở những làng xã khác nhau tùy theo không gian và thời gian thì bộ máy tự trị của các làng có thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.
Suốt thời kỳ phong kiến bên cạnh thể chế hành chính mà nhà nước trung ương áp đặt từ trên xuống thì bản thân nội tại của làng Lý Hòa cũng hình thành một bộ máy tự trị riêng, tồn tại song song và có mối quan hệ mật thiết với bộ máy hành chính.
Hội đồng kỳ mục: gồm những vị có phẩm hàm các quan lại về hưu, các nhà khoa bảng, các tài gia, hào mục và các chức sắc (từ cửu phẩm, các tú tài, cử nhân, suất đội trở lên) số lượng thành viên của hội đồng kỳ mục của làng ít nhất là 10 người. Đứng đầu hội đồng kỳ mục là một vị tiên chỉ. Đó là những người lớn tuổi, có uy tín trong làng, được làng nể trọng, có đạo đức phẩm hàm. Là người đứng đầu làng, có quyền quyết định các công việc của làng, các văn bản liên quan đến việc làng thì tiên chỉ viết đầu tiên rồi mới đến các vị khác. Dưới tiên chỉ là thứ chỉ, đứng thứ 2 trong hội đồng kỳ mục, là người chia sẽ việc làng cùng tiên chỉ. Tuy nhiên làng chỉ thừa nhận chức danh này với 2 điều kiện:
-         Có văn bằng sắc phong của nhà nước
-         Có lễ vọng thần và đãi làng
Ở làng có các vị sau: Cụ Nguyễn Duy Cần đỗ tiến sĩ dưới thời vua Thiều Trị làm đến chức Đại Học sĩ; Nguyễn Duy Miễn đỗ cử nhân dưới thời vua Tự Đức; Nguyễn Duy Phiên đỗ Hoàng Giáp thời vua Thành Thái được truy thọ tới chức thượng thư bộ lễ,… Điều đặc biệt là ở làng Lý Hòa có những vị tiên chỉ là giới nữ như bà: Nguyễn Thị Dược vợ tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, bà Hồ Thị Lịch vợ Cụ Nguyễn Duy Miễn được phong là nhị phẩm phu nhân và được bầu làm tiên chỉ của làng. Đây là những người phụ nữ có phẩm hạnh, có công sinh thành ra nhiều người con đỗ đạt làm quan, họ được ngồi ở chiếu trên trong các dịp cúng tế của làng và ngồi ngang hàng với nam giới. Có thể thấy mặc dù lễ giáo phong kiến trọng nam khinh nữ nhưng ở Lý Hòa vẫn coi trọng những người phụ nữ đức độ và bản thân họ có học vấn, vai trò của người phụ nữ được đề cao hơn và được tôn trọng hơn.
Hội đồng kỳ mục là bộ phận điều hành các công việc tự quản của làng. Họ dựa vào các điều lệ của làng, chiếu theo đó mà tiến hành khen thưởng hay phê phán trừng phạt xã dân. Tìm hiểu điều này qua lời kể của các cụ trong làng thì hội đồng kỳ mục chỉ đạo các việc sau:
-         Được tham gia vào bàn bạc công việc của làng, được quyền bầu cử các dịch mục, soạn thảo hương ước, chọn các lý trưởng, phó lý do dân bầu.
-         Bảo vệ tài sản cho xã dân như đề phòng hỏa hoạn, bảo vệ đê điều, chống trộm cướp,…
-         Giữ gìn an ninh trong làng xóm như kiểm soát kẻ lạ mặt, tổ chức canh gác xóm, ngõ.
-         Bảo vệ đồng ruộng, chống trộm cắp hoa màu, lúa và điều hành nguồn nước, nguồn cá, nguồn cây.
-         Giữ gìn phong tục tập quán và lối sống trong làng như tổ chức lễ tế ở đình làng, tổ chức lễ hội, bảo bệ những quy định xin cưới, ma chay, nếp sống gia đình hòa hiếu, tôn trọng người già.
-         Bảo vệ, sửa chữa xây dựng các công trình công cộng như đình đền, bến nước, cầu cống.
Nhìn chung, hội đồng kỳ mục chỉ đạo, điều hành các công việc về kinh tế - văn hóa của thôn làng và có quyền lực rất lớn.
Ngoài hội đồng kỳ mục thì ở làng còn có các ông trùm lòi cai quản lâm nghiệp, mồ mả; có các ông mõ đi rao việc của làng,…
Ø      Tổ chức nghề nghiệp
Ở Lý Hòa là một làng mà phần đông cư dân lấy nghề đi biển là chủ yếu, tính chất nghề nghiệp gắn kết lại với nhau. Đi biển đánh cá hay đi buôn bán là những chuyến đi dài ngày, lênh đênh trên sông nước mênh mông của đại dương. Đây là những nghề nguy hiểm, tính mạng luôn bị đe dọa cần phải nương tựa vào nhau là điều cần thiết, “sống chết có nhau”. Công việc đánh bắt cá phải cần sự nhanh nhẹn, tháo vát, linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu với nhau, lại cần rất nhiều người cho nên yêu cầu gắn kết họ lại với nhau để làm ăn, thành lập Vạn. Làng Lý Hòa có duy nhất một Vạn. Thành viên của Vạn là những người anh em, những người có quan hệ họ hàng, huyết thống, những người có quan hệ hàng xóm láng giềng với nhau. Đứng đầu Vạn là Vạn trưởng, được những người cùng nghề bầu vì người này có uy tín, có kinh nghiệm trong làm ăn. Chức năng của trưởng Vạn là phân các khu vực đánh cá, các rạn ngầm để cho các ngư dân đánh bắt theo khu vực của mình, tránh xảy ra tình trạng va chạm tranh giành nhau. Trong các buổi lễ, tế ông Vạn đóng vai trò làm chủ tế, là người điều hành các nghi lễ, giúp việc cho trưởng Vạn có hai phó trưởng vạn. Hàng năm, dân làng tổ chức bầu ông Vạn một lần nhưng trên thực tế Trưởng Vạn giữ chức vụ này tới 2 -3 năm mới bầu lại. Mục đích của tổ chức này là giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn, trong hiếu hỉ, tang ma, tương thân, tương ái, thể hiện tình đoàn kết trong xã làng, trong nghề nghiệp của mỗi địa phương. Trong buôn bán cũng có tổ chức nghề nghiệp, người ta gọi đó là hội ghe bầu (hội thương thuyền) sở dĩ như vậy là do những người đứng đầu vừa làm nghề vận tải biển vừa buôn bán. Cũng giống như Vạn, người đứng đầu được bầu làm trưởng hội, có nhiệm vụ lo cho các công việc chung của hội như cúng tế vào ngày hạ giang, nhắc nhở mọi người tu sửa thuyền bè, để chuẩn bị cho những chuyến đi xa,… So với làng Cảnh Dương thì Vạn của người Lý Hoà không có gì khác biệt về tổ chức cũng như mối quan hệ giữa các thành viên trong Vạn. Khi đã tham gia vào các Vạn nghĩa là các thành viên có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng đóng góp công của với làng trong tôn tạo đình chùa, miếu mạo, gánh vác việc tế lễ, thờ cá Ông, cùng hỗ trợ nhau về kinh tế,…thể hiện tình đoàn kết tỏng nghề nghiệp nói riêng và làng xã nói chung.

Ø      Tổ chức theo địa vực
Xóm ngõ là tổ chức tập hợp người theo quan hệ địa vực ( hay quan hệ láng giềng) kết hợp với quan hệ huyết thống. Làng Lý Hòa chia làm bốn xóm ( Thượng – Trung – Nội – Ngoại).
Đứng đầu mỗi xóm là một vị cao tuổi nhất có uy tín được gọi là trưởng xóm. Đây là người điều hành công việc của xóm, hòa giải các vụ tranh cãi, kiện tụng trong xóm mà mình quản lý, tổ chức cúng tế ở các am, miếu thờ hàng năm và giữ an ninh trong xóm.
Xóm là cơ sở của làng, nó được xem là một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Những gia đình cùng ở trên một địa vực nhất định thì lập thành một xóm thờ chung một ông bổn thổ thành hoàng. Nhưng ở Lý Hòa, các xóm thờ Bà (Thiên Y A Na), bốn xóm có bốn miếu thờ khác nhau để mong Bà che chở, phù hộ cho những người dân trong xóm. Cũng giống như các làng quê khác trên khắp đất nước, quan hệ giữa những người trong xóm ngày càng chặt chẽ qua thời gian, cùng nhau xây dựng xóm làng. Những người sống trong cùng xóm quan hệ với nhau với tinh thần “bán anh em xa mua láng giềng gần” hay “xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau”,… Mỗi khi gia đình nào trong xóm có đám cưới hay đám tang thì người trong xóm đến để giúp nhau làm cỗ bàn. Ngoài ra, trong sản xuất các gia đình trong xóm tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ nhau, nhất là trong các vụ mùa. Xóm ngõ còn là cộng đồng của người dân hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ an ninh. Trai đinh mỗi xóm thành lập một đội gọi là phiên, mỗi phiên lại chia thành nhiều nhóm lần lượt thay nhau tuần tra canh giác, bảo vệ an ninh trong xóm. Lúc bình thường làm theo nhiệm vụ được giao, khi có động thì phải loan báo cho mọi người trong xóm biết để cùng hợp sức giải quyết.
Xóm ngõ còn là cộng đồng về tính ngưỡng trong việc thờ phụng các vị thần. Ở làng Lý Hòa mỗi xóm đều có miếu thờ thần (Thiên Y A Na). Vị trí các miếu có thể đặt ở đầu xóm hoặc cuối xóm. Miếu xây cất đơn giản có vòm và bệ thờ được che màn. Đối với người dân trong xóm, miếu là nơi thờ thổ thần ngự trị bảo vệ cho xóm và do đó có tính chất thiêng liêng. Mỗi khi các gia đình trong xóm có việc đau ốm, cưới hỏi hay tang ma đều sắm đồ lễ ra miếu cầu khấn.
Như vậy trong xóm không chỉ là tập hợp các gia đình trong cùng một địa vực mà còn là một tổ chức riêng biệt nhưng không tách khỏi làng, hoạt động trên cơ sở điều hành của người trưởng xóm. Cuộc sống của mỗi xóm chẳng những là vấn đề kinh tế và an ninh chung của mọi thành viên mà còn có ý nghĩa về tín ngưỡng và tôn giáo. Chính những nội dung này đã ràng buộc mỗi thành viên trong một tập hợp người lấy địa vực cư trú làm nền tảng. Có thể nói xóm ngõ thực sự là một tổ chức xã hội thu nhỏ, là cộng đồng bền chặt mang tính tự quản cao.
 
Ø      Tổ chức gia đình và dòng họ trong làng.
Quan hệ gia đình
“Gia đình nông thôn Việt Nam truyền thống thuộc loại gia đình nhỏ, là một đơn vị sinh hoạt, đơn vị kinh tế, đơn vị giáo dục, là tế bào xã hội”. Ở làng Lý Hòa, vai trò của gia đình có một vị trí cực kỳ quan trọng:
Ở làng Lý Hòa gia đình thuộc loại nhỏ chiếm đa số. Trong gia đình có vợ, chồng và các con. Dựa trên quan hệ huyết thống và tình cảm, mọi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhau. Cha mẹ phải lo toan dạy dỗ cho con cái và con cái phải báo hiếu với cha mẹ. Tục ngữ có câu “Đức hiền tại mẫu”, cha mẹ không chỉ nuôi dạy con cái thành người mà còn có trách nhiệm cho con nghề nghiệp: “mẹ dạy con khéo, cha dạy con khôn” hoặc “làm cha phải lấy lý nghĩa dạy con trai, làm mẹ phải lấy nữ công nữ tắc dạy con gái.” Trong gia đình, tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái được biểu hiện một cách nổi trội nhất, đặc biệt là lòng hiếu thảo và tình mẫu tử.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Hay
“Anh ơi ăn ở mần răng
Cho xứng câu hiếu thảo để mẹ cha hằng vui mừng”
Đặc biệt ở Lý Hòa là một làng có truyền thống nho học cho nên tư tưởng nho giáo ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ trong gia đình. Nhưng luân lý tam cương ngũ thường, tam tòng, tứ đức quy định khắt khe đối với mỗi thành viên. Người Lý Hòa coi trọng hiếu thảo và đặt hiếu thảo lên hàng đầu, cha mẹ lấy những tấm gương hiếu thảo để giáo dục con cái. Ví dụ trong việc tang lễ cho cha mẹ, ông bà thì con cái, cháu chắt phải để tang khi thành phục. Trong cuộc sống thường ngày, trong các ngày lễ cũng là dịp để con cái báo hiếu với cha mẹ, ông bà:
“ Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm cho mẹ, mẹ già yếu răng”
Hay
“Anh mang trầu rượu đến đó chịu khó mang về
Em đây không lấy chồng cũng nỏ chê
Em ở ri để nuôi cha mẹ cho trọn bề hiếu trung”
Người phụ nữ khi về nhà chồng phải theo chồng: “Xuất giá tòng phu, phu tử tong tử”; phải có đầy đủ công dung ngon hạnh, người vợ thương chồng thì:
“Lên non thiếp cũng đi theo
Xuống thuyền thiếp cũng ngồi lên mạn thuyền”
Quan hệ anh em trong gia đình thì máu chảy ruột mềm, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đối với bằng hữu thì phải là người quân tử, chơi với bạn mà phản bạn là kẻ tiểu nhân,… Tuy vậy ở Lý Hòa tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại những có một điều đặc biệt là ở Lý Hòa vẫn có những người phụ nữ làm tiên chỉ của làng. Điều đó cho thấy dù nữ giới có phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng họ vẫn được xem trọng bởi đức hạnh vẹn toàn và có học thức.
Quan hệ dòng họ
Đó là quan hệ những người cùng huyết tộc, họ cùng chung ông tổ, cùng quan hệ dòng máu, cùng có bổn phận thờ phụng tổ tiên và có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau. Họ là hình thức tập thể đầu tiên của làng, nó xuất phát từ lịch sử khai canh, khai khẩn của làng. Về sau, khi xóm làng cảng mở mang nhiều thì nhiều họ khác đến khai phá và tăng lên theo sự phát triển của làng xã.
Người có mặt đầu tiên khai khẩn ra làng Lý Hòa là một ngài họ Nguyễn cùng với 3 ngài khác của họ Hồ, Lê, Phan. Hầu hết gia phả các họ đều ghi lại công lao to lớn của các ngài và cũng được nhà nước thừa nhận.
Cho đến nay trong làng Lý Hòa có 24 họ với 12 căn họ chính, đó là: họ Nguyễn, Hoàng, Lê, Trần, Phạm, Đoàn, Phan, Hồ, Võ, Đỗ, Bùi, Đặng; Trong đó một số họ lớn được tach ra thành nhiều chi phái khác nhau, ví dụ: họ Nguyễn được tách ra thành 5 chi (1 họ Nguyễn Duy và 4 họ Nguyễn Văn), họ Hoàng có 3 chi (Hoàng Công, Hoàng Minh, Hoàng Kim) họ Lê có 2 chi, họ Trần có 2 chi, họ Phạm có 3 chi, họ Đoàn có 3 chi, họ Phan có 2 chi, còn lại một là họ Hồ, Võ, Đỗ, Bùi, Đặng. So với các làng khác có thể thấy làng Lý Hòa có số họ đông. Thực tế cho thấy một mặt Lý Hòa là một làng lớn, mặt khác Lý Hòa là vùng “thượng sơn hạ thủy”, địa thế thuận lợi nên thu hút không ít họ về đây canh tác lập nghiệp.
Đứng đầu mỗi họ là một vị tộc trưởng. Đây là người dòng đích có khả năng, có tinh thần trách nhiệm với họ tộc, không phạm lễ nghĩa của làng, sống có kỹ cương. Trưởng tộc thường phải chịu trách nhiệm chính trong việc cúng tế tổ tiên, tu bổ gia phả và phải đại diện cho họ trước làng xã. Các tộc trưởng, phái trưởng có vai trò quan trọng trong hội đồng quản lý làng xã, được tham gia bàn bạc, quyết định các công việc thiết yếu của làng.
Trong một họ, con cháu gắn bó với nhau vì chung một dòng máu. Mỗi họ đều có nhà thờ họ riêng, đây là nơi hội họp và giỗ chạp hằng năm. Trong làng, trước cách mạng tháng Tám có bốn nhà thờ họ của họ Nguyễn Duy, Hồ, Lê Văn và Phan Công. Theo chỉ dụ của vua Bảo Đại, những họ này được làng cấp ruộng đtá để xây dựng nhà thờ họ, vị trí của nó nằm gần đường quốc lộ, nhưng trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ hầu hết các nhà thờ họ đều bị tàn phá. Hiện nay ở làng có sáu nhà thờ họ được xây dựng, đó là nhà thờ họ Nguyễn Duy, Hồ, Phan Công, Lê, Phan Văn, Phạm; còn các họ khác thờ ông bà tổ tiên của mình trong nhà của ông trưởng họ, đến kỳ cúng giỗ con cháu tập trung về đây làm lễ và nghe lời chỉ giáo của tộc trưởng, những lời dạy dỗ của bề trên (theo lời kể của bác Nguyễn Duy Ánh). Để các thế hệ nhận biết nhau và hiểu thế thứ ngọn ngành, hầu hết các họ đều làm gia phả và bổ sung thường xuyên. Hằng năm có một ngày cố định, con cháu trong họ tập trung về nhà thờ họ để cúng tổ tiên. Chi phí vật chất trong buổi giỗ này được góp lại từ các thành viên trong họ là chủ yếu. Lý Hòa không có đất làm nông nghiệp nên không có đất, có ruộng làng, ruộng họ để làm ruộng công ích. Quan hệ dòng họ thực sự có ý nghĩa long trọng trong đời sống, lao động sản xuất của các thành viên. Người trong họ có trách nhiệm cưu mang, đùm bọc yêu thương nhau: “Sẩy cha có chú, sẩy mẹ bú dì”, “anh nghèo nhưng họ anh đông”, hỗ trợ về mặt trí tuệ và tinh thần “nó lú nhưng chú nó khôn” và dìu dắt nhau làm chỗ dựa cho nhau trong cuộc sống “một người làm quan cả họ được nhờ”.
Bổn phận của mỗi thành viên trong dòng họ là không được làm hư danh mà phải làm rạng danh cho gia tộc. Họ nào cũng mong muốn thế hệ con cháu mình phải thành đạt hơn thế hệ mình. “Con hơn cha là nhà có Phúc” là điều tâm niệm lớn lao của các đấng sinh thành. Ở trong làng không ít dòng họ đã giáo dục con cháu phát huy sức mạnh của gia tộc và có nhiều hình thức động viên những người thành đạt trong khoa cử và ở các lĩnh vực khác bằng việc hỗ trợ một phần kinh phí hoặc ghi tên vào trong bảng vàng bia đá của dòng họ. Ví dụ trong dòng họ Nguyễn Duy khi có người đỗ đạt cao thì tên người đó sẽ được ghi vào bia đá trong từ đường họ, khi mất được thờ ở gian giữa cùng với đức thủy tổ. Không những vậy, họ còn trích ra một số tiền trong quỹ khuyến học của dòng họ để thưởng cho người có công khai sang khoa cử của dòng họ. Cho đến nay, truyền thống quý báu này vẫn được duy trì nhằm động viên con cháu tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của một dòng họ khoa bảng.
Như vậy có thể nói họ tộc là sợi dây ràng buộc các thành viên cùng huyết thống trong làng thành một tổ chức cộng đồng xã hội bền vững. Họ tộc là “điểm tựa thường xuyên của cuộc sống con người”.
Đặc biệt với những con người xa quê thì tình cảm họ dành cho họ hàng, làng nước càng sâu đậm hơn. Những người con của Lý Hòa có mặt khắp trên mọi miền đất nước, thậm chí là ở nước ngoài nhưng đối với họ quê hương là cái nôi sinh thành là chỗ dựa tinh thần cũng là nơi giúp họ tìm được chút bình yên sau những tháng năm nhọc nhằn nơi đất khách. Và trong hoàn cảnh nào, những người con của Lý Hòa vẫn giữ được trong tâm thức của mình như một lời thề ước “ly hương bất ly tổ”.



1.3.2.     Tổ chức làng xã Lý Hòa giai đoạn hiện nay
*     Tổ chức hành chính và quá trình mở rộng dân chủ hóa
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cấp tổng bị xóa bỏ, phủ được gọi là huyện, thôn Lý Hòa được gọi thành làng Lý Hòa thuộc huyện Bố Trạch. Năm 1947, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sâm lược lần thứ 2, thực hiện chủ trương của ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Bình, làng Lý Hòa và các thôn làng: Quy Đức, Đồng Cao, Mai Hồng, Thiện Yên, Hỷ Duyệt, Mục Tượng, làng Can, Vạn Lộc, Hoàn Phúc,…sát nhập thành xã Hải Trạch. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, năm 1956, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam: “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”, thi hành chủ trương của ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình, xã Hải Trạch được chia làm 6 xã mới: Đức Trạch, Đồng Trạch, Phú Trạch, Vạn Trạch, Hoàn Trạch và Hải Trạch. Làng Lý Hòa mang tên xã Hải Trạch cho đến nay.
Như vậy làng Lý Hòa hiện hay không còn tồn tại với tư cách một làng nữa mà nó là một đơn vị hành chính xã Hải Trạch với 7 thôn. Tuy nhiên sự xuất hiện của đơn vị thôn trong nền hành chính hiện đại đều căn cứ trên cương vực của ngôi làng cũ. Quyền lực và chức năng của các viên chức mới trong bộ máy hành chính đương nhiệm thay thế vay trò hội đồng ngũ hương cổ truyền.
Trải qua quá trình phát triển, cơ cấu làng có sự thay đổi. Hiện nay tổ chức chính quyền của xã gồm các cơ quan sau:

Bên cạnh đó còn có các hội đoàn thể và các ban chuyên trách trong hệ thống chính trị phụ trách các lĩnh vực hoạt động cụ thể: Hội Phụ Nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Công an, Dân số, Địa chính, Khuyến học, Thương binh xã hội, Tư pháp, Văn hóa,… Những người phụ trách công việc của xã đều được hưởng lương và các chế độ của Nhà nước.
Ngày nay, tại các làng xã quá trình tự do hóa thị trường kéo theo những biến đổi ít nhiều tương ứng trong các lĩnh vực, một trong số đó là lĩnh vực quản lý làng xã. Mở rộng dân chủ hóa là một trong những nội dung cơ bản của quá trình đổi mới. Nó bao trùm toàn bộ hệ thống quan hệ và hoạt động kinh tế - xã hội, cả 3 cấp độ quản lý vĩ mô, trung mô và vi mô. Phương thức chủ yếu của mở rộng dân chủ hóa trong hệ thống làng xã là kết hợp việc mở rộng dân chủ thông qua đại diện với dân chủ trực tiếp, nghĩa là kết hợp việc tăng cường Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, phát huy tính tích cực của công dân và vai trò tự quản cộng đồng làng xã nhằm xóa vỏ quan hệ tập trung, quan liêu của thời kỳ bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước pháp quyền.
Nguyên tắc cơ bản của hệ thống chính trị dân chủ Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ. Vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ địa phương lãnh đạo thông qua chính quyền của dân, do dân, vì dân, trước hết là qua hội đồng nhân dân xã – Cơ quan quyền lực nhà nước tối cao tại xã.
Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được nêu ra từ Đại Hội toàn quốc làn thứ VI (1986) thực sự đã góp phần khắc phục trình trạng quan liêu, độc đoán của tổ chức Đảng cơ sở, chuyên quyền của chính quyền địa  phương trong thời kỳ bao cấp. Hơn thế nữa, chính khẩu hiệu này đã góp phần nâng cao năng lực quản lý các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng tại xã theo phương châm “Nhà nước và dân cùng làm”.
Các đoàn thể xã hội chính thức trong mặt trận tổ quốc tại xã đã tích cực đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động thích ứng với quá trình tự do hóa thị trường và mở rộng dân chủ hóa. Trong đó, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên,… là những tổ chức xã hội không chỉ tham gia tích cực vào quá trình mở rộng dân chủ hóa mà còn đóng góp rất thiết thực vào việc đoàn kết xã hội nông thôn và nâng cao năng lực quản lý quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại làng – xã.
Biểu hiện tập trung của xu thế tăng cường dân chủ hóa trực tiếp tại làng – xã là việc hoàn thiện hệ thống quản lý cấp thôn, đặc biệt là chức danh trưởng thôn. Tuy chưa phải là cấp cơ sở của hệ thống hành chính của quốc gia theo luật định, nhưng trong thực tế vị trí, vai trò của hệ thống cấp thôn hết sức quan trọng. Thôn là cánh tay vươn dài của xã, trực thuộc xã, ban quản lý ở thôn có cơ cấu tương tự với cấp xã, gồm:
-         Chi bộ thôn
-         Chính quyền thôn: ủy viên hội đồng nhân dân xã phụ trách thôn, trưởng thôn
-         Các đoàn thể xã hội chính thức như các chi hội nông dân, phụ nữ, hội cựu chiến binh, chi đoàn, phụ trách an ninh,…
Cơ chế tuyển cử và bổ nhiệm chính quyền cấp thôn thường do dân giới thiệu và bầu trực tiếp, sau đó đưa lên chính quyền cấp xã ra quyết định bổ nhiệm. Qua quá trình tìm hiểu và khảo sát ở thời điểm hiện tại xã Hải Trạch gồm có 7 thôn với các thôn trưởng sau:
-         Thôn Tân Lý: Lê Duy Lập
-         Thôn Nội Hòa: Hoàng Duy Khuê
-         Thôn Nội Hải: Đặng Xuân Kiếm
-         Thôn Thượng Hòa: Hoàng Minh Ái
-         Thôn Trung Hòa: Nguyễn Văn Hạnh
-         Quốc Lộ 1A + Xóm Cồn: Nguyễn Văn Cảnh
-         Thôn Ngoại Hòa: Hồ Thiếp
Dưới thời phong kiến tổ chức hành chính quản lý từ trên xuống dưới, nghĩa là nhà vua ban chỉ dụ ra và làng xã thực hiện. Nhân dân phải chịu cảnh áp bức bóc lột, không thể kháng lại lệnh, nếu làm trái bị phạt rất nặng. Đến thời kỳ bao cấp, đất nước đang bước vào thời kỳ xây dựng và khắc phục hậu quả chiến tranh thì tất cả các tổ chức nằm dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước theo sự phân phối cho từng khối và từng đoàn thể. Sau thời kỳ đổi mới, nhà nước ta chủ trương xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Các tổ chức ở từng xã mang tính tự lập, các đoàn thể nằm trong sự lãnh đạo chung của thường vụ Đảng Ủy và có một điều khác biệt là xã giải quyết các công việc từ dưới lên trên. Nghĩa là người dân có những nguyện vọng gì thì được tự do trình bày ở địa phương, sau đó lãnh đạo thôn sẽ đưa lên xã, nếu xét thấy nguyện vọng đó là phù hợp với nhân dân, lãnh đạo xã giải quyết thỏa đáng để ứng nguyện vọng đó. Để làm được điều đó thì vai trò của các tổ chức đoàn thể ở địa phương là rất quan trọng, họ phải tìm hiểu và kịp thời nắm bắt những thông tin quan trọng để tuyên truyền cho nhân dân cùng biết là thực hiện.
Như vậy, quá trình đổi mới theo hướng tự do hóa thị trường, mở rộng dân chủ hóa làm tăng thêm độ đa dạng hóa trong đời sống văn hóa xã hội ở làng Lý Hòa. Nhờ quá trình mở rộng dân chủ hóa mà tính tích cực của nông dân được tăng cường theo tự do hóa thị trường có sự quản lý của nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa.
*     Tổ chức tự quản
Xã vẫn là đơn vị hành chính cơ sở, nhưng ở đây quá trình tự quản bắt đầu mở rộng. Thôn là nơi thực hành chức năng hành chính của xã như thu thuế, thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Việc bầu chọn trưởng thôn trên tinh thần dân chủ chứ không phải dựa trên quyền uy và thế lực lớn củ dòng họ như việc bầu lý trưởng trong thời kỳ phong kiến. Hiện nay mô hình của tổ chức tự quản ở xã như sau:

Thôn có nhiệm vụ quản lý cư dân trong thôn và điều hành mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và mọi công tác của các đoàn thể đồng thời cũng phải lo những việc mà làng giao phó. Cho nên nét văn hóa truyền thống của làng không những không mất đi mà nó còn thống nhất, kết hợp một cách khéo léo với chính quyền địa phương trong việc quản lý làng – xã. Bởi thế trong các ngày lễ, ngày hội của làng không thể thiếu các vị lãnh đạo trong chính quyền địa phương.
Có thể thấy, xây dựng thôn xóm tự quản là vấn đề then chốt trong đổi mới quản lý của chính quyền cơ sở, do vậy để xây dựng thôn xóm tự quản thiết nghĩ phải thực hiện một số biện pháp sau:
Phân cấp hợp lý các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới.
Từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng cho các hoạt động theo mô hình tự quản nông thôn. Thôn phải có quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất của riêng mình để từng bước hoàn thiện hệ thống đường sá trong thôn xóm đến tận hộ gia đình, công trình học tập cộng đồng của thôn làm nới sinh hoạt họp hành của nhân dân. Tùy vào điều kiện của xã và khả năng đóng góp của người dân để xây dựng cho hợp lý tạo ra môi trường sống xanh, sạch đẹp và lành mạnh trong làng. Ngoài ra phải định hướng cho nhân dân thôn xóm trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của làng.
Việc xây dựng làng văn hóa do ban tư vấn soạn thảo, nhân dân trong tôn bàn bạc tham gia góp ý kiến để hoàn chỉnh. Quy ước xây dựng thôn văn hóa phải phù hợp với xây dựng mô hình thôn tự quản, gia đình văn hóa và không trái với các quy chế quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, không trái với pháp luật.
Xây dựng thôn tự quản phải gắn liền với xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa là điều kiện quan trọng để tạo ra quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân thôn trên tất cả các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. thông qua xây dựng thôn mà củng cố được hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết, gần gũi với cuộc sống mọi mặt của nhân dân.
Tìm hiểu về làng Lý Hòa không thể không tìm hiểu về tổ chức làng xã. Tổ chức làng xã truyền thống của dân làng bao gồm tổ chức hành chính và tổ chức tự quản, đây là những tổ chức có tác dụng rất tích cực trong việc quản lý làng xã. Tổ chức làng Lý Hòa hiện đại cũng có những thay đổi để phù hợp với tình hình xã hội trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Các thôn được hình thành dựa trên các xóm đã có từ trước, ban quản lý thôn là người đại diện cho xã trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của người dân trong thôn, đồng thời đại diện cho đất nước trước chính quyền xã.
Mối quan hệ thân tộc và mối quan hệ làng xóm đã tạo nên sức mạnh cố kết cộng đồng rất cao. Ở làng Lý Hòa, quan hệ dòng tộc rất được đề cao, trong làng hiện có 24 họ tộc sinh sống cùng nhau, trong mỗi họ con cháu sống có thứ bậc, trên dưới rõ ràng. Việc bầu trưởng làng hay trưởng họ cũng rất được chú ý bởi đó là những người đại diện cho dòng họ, cho làng mình, những người này rất được mọi người trong làng coi trọng và kính nể. (Còn nữa )
>>> Linkvideo : http://youtu.be/ocDti-JauRU

Tác giả Nguyễn Thị Kiều Trang. Biên soạn : Hồ Thị Vân ; chỉnh sửa : Nguyễn Thị Thắm

Liên hệ với Admin

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

cảm ơn tác giả đã có công trình ghi lại lịch sử của làng lý hòa,gợi lên lòng tự hào của mỗi người con lý hòa.nhưng để nó còn mãi với thời gian thì nên viết những gì là có thật.

Unknown nói...

Viết rất hay và chuẩn